Giải quyết dứt điểm tồn tại trên đường gom Pháp Vân – Cầu Giẽ
Sau khi Báo Thanh tra phản ánh, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành xử lý các phần hạ tầng bị hỏng, đưa ra các giải pháp để đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện lưu thông trên tuyến đường gom Pháp Vân – Cầu Giẽ thuộc địa phận Hà Nội.
Công nhân đang tiến hành xử lý các vị trí bị nứt, kênh tại nắp các hố ga trên tuyến đường gom Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ảnh: Hoàng Long
Ông Vũ Đức Nhận, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh từ cơ quan báo chí, đơn vị đã tiến hành xử lý các tồn tại, hư hỏng trên tuyến đường gom Pháp Vân – Cầu Giẽ để đảm bảo việc đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn.
Hiện nay, về nắp hố ga qua đường gom qua khu đô thị Tứ Hiệp bị hỏng, công ty đã chỉ đạo đơn vị liên quan khắc phục, hoàn thiện xong các hạng mục bị hỏng phạm vi đường gom qua Khu đô thị Tứ Hiệp để có cơ sở bàn giao lại cho đơn vị chủ quản.
Tình trạng xuống cấp tại một số vị trí trước khi cơ quan báo chí phản ánh, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Hoàng Long
Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, đường gom qua phạm vi này công ty tiếp nhận bàn giao từ đơn vị chủ quản để phục vụ thi công. Theo đó, nhà đầu tư tận dụng lại các hạng mục của hệ thống đường gom hiện hữu, chỉ thi công hệ thống biển báo, vạch sơn… để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Liên quan đến vấn đề hầm chui dân sinh bị đọng nước, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã xử lý xong các hầm chui bị ngập nước trước tháng 8/2019. Hiện nay, cơ bản tình trạng mất vệ sinh, sình lầy tại các hầm đã được giải quyết. Hệ thống đèn điện cũng được lắp đặt để người dân đi lại an toàn, thuận tiện.
Về tình trạng đổ trộm phế thải ra hai bên đường gom, công ty đã có văn bản gửi chính quyền địa phương đề nghị phối hợp xử lý dứt điểm, tránh ảnh hưởng tới công trình giao thông và việc đi lại của người dân.
Nhà đầu tư đang nghiên cứu phương án sử dụng cục vỉa đặt tại các phạm vi người dân đổ thải, ngăn chặn tình trạng đổ thải.
Video đang HOT
Tình trạng phế thải, vật liệu xây dựng bị đổ trộm dọc tuyến đường gom Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn diễn ra phổ biến. Ảnh: Hoàng Long
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh tra, tình trạng đổ trộm phế thải, vật liệu xây dựng dọc tuyến đường gom Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn diễn ra phổ biến.
Cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra, có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm đảm bảo an toàn giao thông cho người điều khiển phương tiện giao thông đi lại trên tuyến đường, đồng thời đảm bảo mỹ quan đô thị của thành phố.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng hạn chế các xe có tải trọng lớn lưu thông trên đường gom thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 2.
Theo thiết kế, đường gom được xây dựng phục vụ các phương tiện vận tải có tải trọng thấp như xe tải có tải trọng dưới 18 tấn và xe khách dưới 30 chỗ ngồi lưu thông. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, rất nhiều phương tiện có tải trọng lớn lưu thông trên tuyến đường gom cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đường gom.
Hầm chui dân sinh được xử lý, lắp đèn điện chiếu sáng phục vụ việc đi lại của người dân. Ảnh: Hoàng Long
Trước đó, Báo Thanh tra phản ánh tình trạng tuyến đường gom dọc tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (địa phận Hà Nội) mới đưa vào khai thác. Tuy nhiên, nơi đây xuất hiện nhiều bất cập như mặt hố ga nứt vỡ, đổ phế thải tràn lan, nhiều xe quá tải… gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng cho người điều khiển phương tiện giao thông.
Phần lớn của tuyến đường thuộc giai đoạn 2 Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ do Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thực hiện, quản lý. Ban Quản lý Dự án Thăng Long được Bộ Giao thông Vận tải giao quản lý dự án.
Liên danh nhà đầu tư dự án gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành; Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 – Công ty Cổ phần (Cienco1); Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển xây dựng Minh Phát.
Hoàng Long
Theo Thanhtra
Nhà thầu nội có đủ sức "gánh" dự án cao tốc Bắc - Nam?
Dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông sẽ được tổ chức đấu thầu lại và sẽ chỉ là sân chơi dành cho các nhà đầu tư nội. Thay đổi này mở ra cơ hội, sân chơi lớn cho các nhà đầu tư trong nước, nhất là trong bối cảnh các dự án hạ tầng giao thông đang có phần đình trệ như hiện tại.
Không thay đổi tiêu chí lựa chọn
Dự kiến, tháng 10/2019 tới đây, Bộ GTVT sẽ bắt đầu sơ tuyển lại các nhà thầu tham gia 8 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông.
Đáng nói, lần sơ tuyển này sẽ chỉ đấu thầu rộng rãi trong nước, thay vì đấu thầu quốc tế như trước đây. Thay đổi này mở ra cơ hội, sân chơi lớn cho các nhà đầu tư trong nước, nhất là trong bối cảnh các dự án hạ tầng giao thông đang có phần đình trệ như hiện tại.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP-Bộ GTVT) cho hay, sẽ cố gắng rút ngắn thời gian các công đoạn để kịp tiến độ triển khai cao tốc Bắc Nam theo kế hoạch đã đề ra.
Đại dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông sẽ là "đất diễn" lớn cho các doanh nghiệp nội
Tuy nhiên, các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong nước vẫn sẽ không thay đổi mà phải làm theo đúng Luật Đấu thầu. Theo đó, nhà đầu tư trong nước phải đáp ứng các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ (như vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét...).
"Những nhà đầu tư nào đủ tiêu chí đều được tham gia vòng sơ tuyển dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông"- ông Huy cho biết.
Với quy định "nhà đầu tư phải thực hiện dự án trước đó có tổng mức đầu tư đạt 50% tổng mức đầu tư của các dự án đang xét", theo ông Huy, nếu không đáp ứng, nhà đầu tư có thể liên danh.
Đánh giá sơ bộ về năng lực của nhà đầu tư trong nước, ông Huy cho biết, tại vòng sơ tuyển đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc Nam đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện vào vòng đấu thầu.
Lo ngại ngân hàng "đóng cửa" với BOT
Về vấn đề trên, ông Đặng Đại, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư đánh giá, hiện nay, năng lực và kỹ thuật thi công của các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được yêu cầu của dự án.
"Các nhà đầu tư trong nước chỉ cần quan tâm đến nguồn vốn ngân sách của 8 đoạn tuyến phía Đông, Nhà nước cam kết đảm bảo 30% trong tổng vốn đầu tư. Như vậy, 8 đoạn tuyến này chủ đầu tư đảm bảo 20% còn lại là nguồn vốn vay tín dụng. Với 20% này thì các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn đáp ứng được. Còn về kỹ thuật, các nhà đầu tư trong nước đã thực hiện nhiều tuyến cao tốc và cầu lớn, hầm đường về mặt kỹ thuật hoàn toàn đáp ứng yêu cầu" - ông Đại nói.
Tuy vậy, cũng có nhà đầu tư tỏ ra không quá hào hứng với việc dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông sẽ chỉ dành đất diễn cho các nhà đầu tư nội.
Ông Vũ Đức Nhận - Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành (đơn vị quản lý cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), cho rằng, thời gian qua, nhiều dự án BOT gặp thua lỗ, "vỡ" phương án tài chính khiến nhiều nhà đầu tư nao núng cũng như các ngân hàng có thể không muốn tiếp tục cho vay. Nhiều ngân hàng sẽ yêu cầu doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn và phải thế chấp đến 50-60% tổng vốn đầu tư.
Chưa kể theo quy định, nhà đầu tư còn phải tự chủ được 20% tổng vốn đầu tư dự án. Điều này vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp.
Đặt vấn đề liên danh liên kết, ông Nhận cho rằng, liên danh liên kết có thể đáp ứng về các tiêu chí của Bộ GTVT đưa ra, nhưng quan trọng nguồn vốn rót vào dự án vẫn phải vay ngân hàng. "Ngân hàng rất thận trọng trong việc rót vốn vào dự án hạ tầng BOT, nên việc họ có tiếp tục hay không thì các nhà đầu tư BOT còn chưa chắc chắn"- ông Nhận phân trần.
Ngoài ra, ông Nhận đánh giá, cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông không phải là địa chỉ duy nhất hấp dẫn đầu tư khi sắp tới sẽ có 3 tuyến đường Bắc - Nam là quốc lộ 1, đường ven biển và đường Hồ Chí Minh, trong đó, có nhiều tuyến miễn phí nên cao tốc Bắc - Nam có thể vắng xe sau khi đầu tư. Trong khi đó, Bộ GTVT lại tính toán phương án tài chính để hoàn vốn cho nhà đầu tư ở mức kỳ vọng cao.
Theo ANTD
Đề xuất cắm biển cấm dừng, đỗ trên đường gom cao tốc Pháp Vân Do tuyến đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ còn chưa được bàn giao, chưa đặt tên, chưa có biển báo gì nên việc xử lý rất bất cập. Nếu không có biển cấm dừng đỗ thì không xử lý được tình trạng dừng đỗ dưới lòng đường gây bức xúc. Tình trạng xe ô tô đầu kéo chiếm dụng 2/3...