Giải pháp nào để ngăn ngừa TNGT nghiêm trọng vào ban đêm?
Vì sao những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra vào ban đêm? Giải pháp nào ngăn ngừa tình trạng này?
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vào ban đêm. Điển hình là vụ TNGT giữa xe container và xe khách xảy ra vào 23h ngày 17/6 tại Quảng Ninh làm 3 người chết. Mới đây nhất, vào khoảng 1h sáng 21/7, một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa 1 xe khách và 1 xe tải xảy ra tại Bình Thuận khiến 8 người chết, 7 người bị thương…
Vì sao những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra vào ban đêm? Giải pháp nào ngăn ngừa tình trạng này? Đây cũng là nội dung cuộc đối thoại giữa phóng viên VOVGT và TS Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.
Hiện trường vụ tai nạn xảy ra rạng sáng 21/7 tại Bình Thuận khiến 8 người chết, 7 người bị thương.
PV: Thưa ông, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ban đêm. Ông đánh giá như thế nào về những nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông này?
TS Trần Hữu Minh: Trước hết đây là khung thời gian nhịp sinh học con người nghỉ ngơi, cho nên tất cả mọi con người lớn trạng thái bình thường là có tâm lý mệt mỏi và buồn ngủ.
Thứ hai, ban đêm đường vắng, lái xe muốn chạy quá tốc độ, hoặc vượt ẩu. Tiếp đến là phần lớn trên các tuyến quốc lộ là cũng không có chiếu sáng ban đêm.
Cuối cùng là trong khung giờ ban đêm thì tần suất tuần tra kiểm soát giảm đi rất nhiều. Điều đó tạo tâm lý chủ quan với người lái xe, cho nên là cứ vượt ẩu, phóng nhanh.
Video đang HOT
PV: Từ những nguyên nhân mà ông vừa nêu thì theo ông cần phải có giải pháp như thế nào để có thể ngăn ngừa những vụ tai nạn tương tự?
TS Trần Hữu Minh: Với những vụ việc nghiêm trọng như vừa rồi thì đã đến lúc chúng ta cần phải siết chặt lại các quy định đối với quá trình tham gia giao thông ban đêm.
Phải quy định rõ là lái xe ban đêm là phải được nghỉ ngơi đầy đủ trước đó, và quan trọng là phải quy định rõ là ai là người chịu trách nhiệm giám sát và chịu trách nhiệm về việc đó.
Ngoài ra thì cũng phải có quy định pháp luật cụ thể để nghiêm cấm việc gây sức ép về thời gian chạy đối với lái xe.
Và tốc độ ban đêm về nguyên tắc là thấp hơn tốc độ ban ngày, chẳng hạn như rất nhiều bang của Mỹ, Australia.. thì biển báo cắm tốc độ quy định luôn là tốc độ ban ngày, tốc độ ban đêm.
Tôi nghĩ rằng những giải pháp căn cơ, chẳng hạn như là tiếp tục lắp đặt các camera phạt nguội trên các tuyến quốc lộ, các tuyến có lưu lượng giao thông lớn; đưa thêm các kiến thức, kỹ năng lái xe ban đêm vào trong đào tạo, sát hạch lái xe, đặc biệt là với lái xe kinh doanh vận tải.
Rất nhiều tuyến đường hiện nay không có chiếu sáng nên phần tim đường chúng ta phải có đinh phản quang, gần như là một tiêu chuẩn bắt buộc để hỗ trợ cho người lái xe ban đêm.
Tất cả những giải pháp đó muốn thực hiện được là chúng ta phải chuyển vào các quy định pháp luật, bao gồm Luật, Nghị định, Thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn thì mới có căn cứ để thực hiện.
PV : Vâng, xin cảm ơn ông!
Lái xe quá tốc độ có thể bị phạt tới 12 triệu đồng
Nghị định 100/2019 vừa được Chính phủ ban hành tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tốc độ.
Nghị định 100 xử phạt xe ô tô vi phạm tốc độ cao nhất lên đến 12 triệu đồng - Ảnh minh họa
Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 vừa được Chính phủ ban hành với nhiều điểm mới. Đáng chú ý Nghị định tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tốc độ.
Cụ thể, phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h. Nghị định 46/2016 trước đây chỉ phạt 600.000 - 800.000 đồng. Hành vi này đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt từ 200.000 - 300.000 đồng.
Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h. Mức vi phạm tốc độ này, Nghị định 46 chỉ phạt 2 - 3 triệu đồng. Đối với mô tô, xe máy sẽ bị phạt 600.000 - 1.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h. Nghị định 46 chỉ xử phạt 5 - 6 triệu đồng. Đối với xe máy nếu chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h sẽ bị phạt từ 4 - 5 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h. Với mức vi phạm này, Nghị định 46/2016 trước đây chỉ phạt 7 - 8 triệu đồng. Trường hợp người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông cũng bị phạt với mức phạt trên.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, vi phạm tốc độ là 1 trong 6 hành vi nguy hiểm, rủi ro cao, trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT).
Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy có mối quan hệ rõ ràng giữa tốc độ và số vụ TNGT. Theo đó, nếu giảm tốc độ 5% thì sẽ giảm số TNGT nghiêm trọng tới 30%.
Một nghiên cứu khác tại Châu Âu cũng chỉ ra rằng khi tốc độ giao thông thay đổi tăng hay giảm 1km/h thì tai nạn thay đổi trong khoảng từ 1 - 4% với các đường đô thị, và 2,5 - 5,5% đối với các con đường ở ngoại ô theo quy luật tốc độ tăng thì TNGT tăng, tốc độ giảm thì TNGT giảm. Bởi vậy các quốc gia trên thế giới kiểm soát rất chặt chẽ việc tuân thủ tốc độ, với các mức xử phạt tương xứng với tốc độ vi phạm.
Tại Việt Nam, cùng với vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm quy định về tốc độ (10%) là hai trong số những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNGT tại Việt Nam. Hành vi đi sai phần đường làn đường, vượt sai quy định cũng có nguyên nhân sâu xa từ sự khác biệt về tốc độ trong dòng giao thông hỗn hợp.
Thời gian để người lái xe nhận thức và bắt đầu phản ứng với một sự cố thông thường mất khoảng 2,5 giây. Khoảng cách phanh phụ thuộc rất lớn vào tốc độ. Bởi vậy tốc độ càng cao thì khoảng cách phanh và dừng xe càng lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc tốc độ càng cao, thì rủi ro xảy ra tai nạn càng lớn.
Ngoài ra tốc độ càng cao thì hậu quả càng lớn. Nếu ô tô va chạm người đi bộ ở tốc độ 70 km/h thì khả năng người đi bộ thiệt mạng rất cao, nhưng ngược lại nếu va chạm người đi bộ ở tốc độ 40 km/h thì người đi bộ có cơ hội sống sót rất lớn.
"Đối với xe tải, xe khách có tự trọng lớn, quán tính lớn nên khoảng cách dừng xe lớn hơn. Nếu có va chạm thì hậu quả thường lớn hơn. Vì vậy, việc kiểm soát tốc độ các loại phương tiện có rủi ro cao này cũng cần tiếp tục phải theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra những khu vực có điều kiện giao thông phức tạp như trường học, đèo dốc, bệnh viện, quốc lộ có mật độ người đi bộ qua lại lớn... nên có hướng dẫn thật cụ thể để kiểm soát tốc độ", TS Minh nói.
Trần Duy
Theo GTVT
Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn, thân thiện Tình hình trật tự ATGT năm 2019 có những chuyển biến rất tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí... Ngày 28-12, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của...