Giải pháp nào cho doanh nghiệp địa ốc vượt qua thời kì khó khăn?
Không quá bi quan khi nhìn vào sự tác động của dịch bệnh – yếu tố khách quan lên thị trường BĐS, nhưng rõ ràng thị trường cũng không nên chủ quan vì có thể dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh này cần có các giải pháp tích cực để doanh nghiệp có thể vượt qua thời điểm khó khăn.
Rõ ràng, dịch Covid -19 đã khiến tất cả các doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc BĐS khác nhau đều ít nhiều ảnh hưởng. Đến thời điểm hiện tại các sự kiện tiếp thị sản phẩm, giới thiệu sản phẩm, bán hàng đều bị hủy bỏ, không diễn ra theo kế hoạch ban đầu của doanh nghiệp. Trong đó, thị trường BĐS du lịch và BĐS cho thuê được xem bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Rất nhiều mặt bằng cho thuê tại khối đế chung cư và nhà phố riêng lẻ bị trả lại. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp BĐS.
Khó khăn của thị trường BĐS đã thể hiện rõ nét. Những khó khăn về nguồn cung chưa đi qua thì khó khăn dịch bệnh ập đến khiến thị trường theo các chuyên gia là “khó chồng khó”. Vì thế, ở bối cảnh này lại càng cần các biện pháp mạnh tay hơn, các giải pháp tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp BĐS nói riêng, cả thị trường địa ốc nói chung.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, bài toán khó nhất của thị trường BĐS hiện nay vẫn là sự lệch pha về cung – cầu chưa được tháo gỡ do khủng hoảng pháp lý kéo dài trong khi nhu cầu ở vẫn tăng trưởng mạnh tại các thành phố lớn.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, tác động nặng nề đến các lĩnh vực kinh tế khác nhau với dự báo khoảng 70% doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn trong việc duy trì hoạt động. Doanh thu giảm, thu nhập người lao động giảm sẽ kéo theo nhu cầu tiêu dùng, mua sắm giảm.
Vì thế, theo bà Hương, muốn kích cầu BĐS trong thời điểm hiện tại, đặc biệt hướng đến đối tượng mua nhà để ở cần các gói ưu đãi lãi suất cho người mua nhà trong dài hạn. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hướng đến cơ chế chính sách thông thoáng hơn, qua đó tạo động lực cho nền kinh tế hồi phục, niềm tin người dân được củng cố và thị trường BĐS sẽ khởi sắc trở lại.
“Dịch bệnh chỉ là ngắn hạn rồi cũng sẽ kiểm soát và vượt qua. Các mục tiêu phát triển trong dài hạn vẫn phải tiếp tục triển khai. BĐS là sân chơi lớn và dài hạn, không chỉ CĐT mà cả NĐT cũng cần nhìn xa, trông rộng và lựa chọn chiến lược phù hợp để đảm bảo hiệu quả và giá trị gia tăng bên vững trong dài hạn”, bà Hương nhấn mạnh.
Mới đây, trong văn bản gửi Thủ tướng chính phủ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) nêu rõ những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường BĐS. Theo đó, HoREA kiến nghị một số giải pháp trong ngắn hạn như: Chính phủ bổ sung doanh nghiệp BĐS là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT của tháng 3 đến tháng 6/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, cần thúc đẩy hướng đến cơ chế chính sách thông thoáng hơn, qua đó tạo động lực cho nền kinh tế hồi phục, niềm tin người dân được củng cố và thị trường BĐS sẽ khởi sắc trở lại. Ảnh: Hạ Vy
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của tháng 3 đến tháng 6/2020 đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS.
Ngoài ra, HoREA kỳ vọng việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS.
Song song đó, Chủ tịch HoREA kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp…); xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại… để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phục hồi.
Video đang HOT
Chia sẻ quan điểm cá nhân về giải pháp cho các doanh nghiệp nói chung, BĐS nói riêng, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng, ở bối cảnh này, doanh nghiệp cần chuyển sang trạng thái ngủ đông bằng cách cắt giảm chi phí không phải vì tình trạng tài chính của doanh nghiệp không ổn, mà đó là cách ứng phó với việc giảm sút nguồn thu và cân bằng thu chi, không có thu thì giảm chi. Giá cổ phiếu xuống thì chúng ta có thể đổ tiền ra cứu, nhưng khi chi phí và doanh thu mất cân đối khiến dòng tiền âm, đến khi các quỹ của chúng ta hết tiền thì không ai cứu được. Lúc này, uy tín thương hiệu vẫn quan trọng nhưng sự tồn tại và phục hồi nhanh sau khủng hoảng mới là điều quan trọng nhất.
Ông Đặng Hồng Anh chỉ ra các nhóm có thể cắt giảm trong quá trình “ngủ đông”, có thể thực hiện ngay được, bao gồm: Chi phí nhân sự, chi phí điện nước, văn phòng phẩm, chi phí tiếp thị, thuế… Trong đó, nhóm chi phí nhân sự chia làm 3 nhóm gồm không thể cắt giảm, có thể cắt giảm và cắt giảm ngay lập tức.
Nhóm không thể cắt giảm gồm cán bộ lãnh đạo chủ chốt, thâm niên thì vận động tạm dừng nhận lương và phụ cấp trong 6 tháng, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu. Đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần.
Nhóm có thể cắt giảm gồm những nhóm trực tiếp tạo ra doanh thu, tạm dừng nhận 50% lương và phụ cấp, giữ ở mức duy trì cơ bản cuộc sống, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu. Đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần.
Nhóm cắt giảm ngay lập tứclà nhóm gián tiếp tạo ra doanh thu và có thể tuyển thay thế sau khi khủng hoảng kết thúc và kinh doanh phục hồi.
Bên cạnh đó, nhóm chi phí điện nước, văn phòng phẩm: Thực hiện giải pháp làm việc tại nhà, giảm ngày làm việc còn 3-4 ngày/tuần. Nhóm chi phí thuế: Xin miễn giảm và hoãn nộp tất cả các loại thuế, phí (bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, thuế VAT….) đến khi kết thúc khủng hoảng và phục hồi kinh doanh, là cách để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt.
Theo ông Hồng Anh, đối với doanh nghiệp, tối kỵ sử dụng các khoản vay ngân hàng để duy trì thanh khoản và dòng tiền trong lúc khủng hoảng. Các khoản vay nên dùng để phục hồi kinh doanh sau khi khủng hoảng kết thúc.
Trước đó, trao đổi về câu chuyện này, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng cho hay, khó khăn mà cần tháo gỡ nhất của doanh nghiệp BĐS hiện nay là pháp lý. Vì thế đây sẽ là câu chuyện cần được giải quyết sớm thì nguồn cung của thị trường có thể quay trở lại. Theo ông Khương, dịch bệnh sẽ được khống chế, còn cơ hội đầu tư cũng như hoạt động của thị trường BĐS sẽ trong dài hạn. Vì thế, nếu quyết liệt tháo gỡ thì sẽ có những điểm sáng ở các phân khúc, người tiêu dùng vì thế sẽ được hưởng lợi.
Hạ Vy
Giãn nợ, giảm lãi cho người mua nhà, xe trả góp?
Theo chuyên gia, nhiều cá nhân vay tiền mua nhà, xe trả góp cũng cần được giãn nợ, khoanh nợ, vì thu nhập bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng. Khi đó, thu nhập của nhiều người lao động giảm, thậm chí có người mất việc.
Điều này ảnh hưởng gián tiếp đến những khách hàng cá nhân vay tiêu dùng mua nhà, mua xe trả góp.
Khó khăn để trả góp mua nhà
Vợ chồng anh Hải, chị Lan sau nhiều năm tiết kiệm đã mua được một căn chung cư trên đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Căn hộ có giá xấp xỉ 2 tỷ đồng, trong khi số tiền gia đình có chỉ 1 tỷ đồng, nên phải vay trả góp ngân hàng số tiền còn lại. Thời gian trả là 15 năm.
Anh Hải làm kỹ sư công nghệ thông tin cho một doanh nghiệp ở Cầu Giấy, còn chị Lan làm nhân viên một khách sạn tư nhân ở quận Hoàn Kiếm. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng là khoảng 30 triệu mỗi tháng. Số tiền trả góp ngân hàng năm thứ hai là khoảng 14 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình cố găng xoay xở ăn tiêu bằng số tiền còn lại.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc của chị Lan dần khó khăn. Các khách sạn ở quận Hoàn Kiếm rơi vào tình trạng vắng khách, rồi đóng cửa. Hiện chị Lan được cho nghỉ không lương bởi khách sạn tạm đóng cửa. Khoản thu nhập 2 vợ chồng dự kiến chi trả nợ hàng tháng nay chỉ tương đương mức lương của người chồng là 17 triệu đồng. Như vậy, nếu thanh toán khoản trả góp hàng tháng, số tiền còn lại để chi tiêu cho cả gia đình chỉ còn 3 triệu đồng.
Tuy vậy, vợ chồng vẫn còn một khoản thưởng từ trước Tết Nguyên đán, nên có thể duy trì trả nợ trong gần 2 tháng. "Nếu dịch kéo dài, đến tháng 4 chúng tôi sẽ không biết lấy tiền đầu trả nợ định kỳ hàng tháng", chị Lan chia sẻ.
Anh Hải, chị Lan là một trong rất nhiều người mua nhà đang lao đao về việc trả nợ ngân hàng khi thu nhập bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trên nhiều diễn đàn, nhiều nhóm cư dân mua nhà đang kêu gọi ngân hàng cùng các chủ đầu tư giãn nợ, khoanh nợ cho người mua nhà.
Tại một dự án chung cư tại quận Nam Từ Liêm, người mua nhà còn chưa nhận bàn giao, nhưng đã viết đơn kêu gọi chủ đầu tư và ngân hàng hỗ trợ khách mua trong giai đoạn dịch, thu nhập bị ảnh hưởng, dẫn đến khó khăn trả nợ.
Trả góp mua xe cũng gặp khó vì dịch
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với những người mua xe trả góp. Nguyễn Xuân Tuấn, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải Công nghệ Hà Nội, cho biết nhiều tài xế mua xe trả góp để chạy taxi công nghệ đang lao đao vì dịch.
Theo ông Tuấn, tại các hợp tác xã vận tải xe công nghệ ở Hà Nội, có khoảng 50-80% tài xế vay vốn ngân hàng để mua xe chạy. Trung bình, mỗi tài xế vay khoảng 300 triệu đồng, trả góp trong 48 tháng.
Trước khi dịch xảy ra, thu nhập bình quân của một tài xế là khoảng 20 triệu đồng/tháng. "Số thu nhập này đủ trả ngân hàng 8 triệu, chi tiêu cá nhân dọc đường 5 triệu, còn lại 7 triệu chi tiêu gia đình", ông Tuấn nói.
Nhiều người mua xe trả góp cũng đang gặp khó khăn trả nợ trong giai đoạn dịch Covid-19. Ảnh: Việt Hùng.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, thu nhập của tài xế giảm trung bình khoảng 50%, từ đó kéo theo thu nhập giảm một nửa. Với khoản thu nhập 10 triệu đồng/tháng mùa dịch, phải trả ngân hàng khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng, nhiều tài xế đang rơi vào cảnh khó khăn.
"Chúng tôi đề xuất các ngân hàng giãn nợ, cơ cấu nợ lại cho tài xế. Thứ hai, tài xế đang phải nộp thuế VAT và thuế thu nhập kinh doanh phương tiện vận tải, không được khấu trừ thuế theo luật. Chúng tôi cũng đề nghị được khấu trừ thuế trong hoàn cảnh này", ông Tuấn nói.
Ngân hàng cần chia sẻ khó khăn với khách hàng
Nhiều khách hàng cá nhân vay tiêu dùng mua nhà, mua xe đang gặp khó khăn vì dịch Covid019 nhưng các ngân hàng hiện chưa có nhiều động thái hỗ trợ. Theo khảo sát, hầu hết ngân hàng thương mại đang có kế hoạch giãn nợ, giảm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp là chủ yếu.
Một số ngân hàng khác đang có chính sách ưu đãi cho khách hàng cá nhân, nhưng lại dành cho khách hàng mới. Nhiều ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất ưu đãi, giảm 2%/năm cho khách hàng cá nhân mới.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc đưa ra mức ưu đãi cho khách hàng mới là không hiệu quả, do ảnh hưởng của dịch nên người có nhu cầu vay tiêu dùng sẽ giảm mạnh. Các ngân hàng cần tập trung vào việc giãn nợ, cơ cấu, thay đổi thời gian kỳ hạn, cũng có thể khoanh nợ, chuyển nhóm nợ.
"Nhiều người lao động bị tạm nghỉ, mất việc, giảm thu nhập thì tín dụng cho tiêu dùng cũng phải được hưởng chế độ như doanh nghiệp. Người mua nhà, mua xe phải được khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất trong dịch Covid-19", ông Hiếu nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng các ngân hàng cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho người trả góp mua nhà, mua xe. Ảnh: Quỳnh Danh.
Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển cho rằng việc giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân không chỉ có ý nghĩa với người tiêu dùng, mà còn với chính các ngân hàng và cả nền kinh tế.
Theo ông Hiển, dịch Covid-19 khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, kéo theo thu nhập của người lao động giảm xuống, thậm chí một số người bị thất nghiệp. Do đó, kế hoạch trả nợ của đối tượng này bị ảnh hưởng. Nếu các ngân hàng cứ áp dụng duy trì mức trả nợ, nhiều khách hàng cá nhân sẽ rơi vào cảnh nợ xấu, hoặc hạn chế tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế phân tích người vay tiền giảm thu nhập trong khi vẫn phải đảm bảo trả một khoản nợ nhất định, nghĩa là sẽ phải hạn chế chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn. Khi đó, nền kinh tế sẽ hạn chế tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp khó bán được hàng, sản xuất lại đình trệ, dễ dẫn đến suy thoái. Khi đó, lượng thất nghiệp lại có thể gia tăng.
"Đó là một vòng luẩn quẩn rất có thể xảy ra", ông Hiển phân tích.
Ngược lại, khi được khoanh nợ, giãn nợ, thu nhập sẽ dành cho tiêu dùng nhiều hơn, kích thích nguồn cầu, làm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Vị TS kinh tế cũng cho rằng có thể xảy ra tình trạng gia tăng nợ xấu. Như vậy, các ngân hàng có thể siết nợ với các khoản vay, nhưng về lâu về dài có thể làm gia tăng nợ xấu, và chính các ngân hàng lại phải giải quyết như từng xảy ra.
Tuy nhiên, ông Hiển nhấn mạnh đây chính là lúc ngân hàng và khách hàng cần chia sẻ khó khăn cho nhau. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người vay tiêu dùng cũng là hỗ trợ những người tiêu dùng cuối cùng, kích cầu, giúp tăng trưởng kinh tế.
Theo News.zing.vn
Ưu đãi vốn cho công nghiệp hỗ trợ vẫn chỉ nằm trên giấy Sau 9 năm kể từ khi có Nghị định 75/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và xuất khẩu, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tiếp cận được khoản vay nào. Đó là nghịch lý nhức nhối đã tồn tại nhiều năm nay, khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có doanh nghiệp công nghiệp hỗ...