Giải Nobel Vật lý 2013 vinh danh khám phá ‘hạt của Chúa’
Chiều nay 8.10, chủ nhân mới của giải Nobel Vật lý đã được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố tại Stockholm, với tên hai nhà khoa học được vinh danh là: Francois Englert (Bỉ) và Peter Higgs (Anh) nhờ phát hiện ra hạt Higgs.
Nhà vật lý người Anh Peter Higgs (phải) đang trò chuyện với nhà vật lý người Bỉ Francois Englert. Cả hai ông cùng nhận giải thưởng Nobel Vật lý năm nay cho công trình khám phá hạt cơ bản của vũ trụ, được đặt tên là hạt Higgs. Hai ông sẽ chia sẻ số tiền thưởng là 1,25 triệu USD – Ảnh: Reuters
Trễ hơn dự kiến đến một tiếng, lúc 17 giờ 45 hôm nay, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cũng đã công bố tên người thắng giải Nobel Vật lý. Đó là hai nhà vật lý lý thuyết Peter Higgs (Anh) của Trường đại học Edinburgh (Scotland) và Franccois Englert (Bỉ) của Đại học Libre de Bruxelles.
Đúng như những gì các chuyên gia dự đoán, giải thưởng khoa học danh giá nhất trong lĩnh vực vật lý năm nay đã được trao cho công trình khám phá ra hạt Higgs, hay còn được mệnh danh là ‘hạt của Chúa’.
Theo AFP, nếu không có hạt Hggs, theo cách nói của các nhà khoa học, thì tất cả các nguyên tử trong vũ trụ này sẽ không tồn tại.
Được Peter Higgs nêu ra vào năm 1964, hạt Higgs được cho là tồn tại trong một trường vô hình có ở khắp nơi do vụ nổ Big Bang tạo ra cách đây khoảng 13,7 tỉ năm.
Cũng trong thời gian trên, nhà vật lý Francois Englert cùng đồng nghiệp Robert Brout (đã mất) cũng đề xuất một lý thuyết tương tự về một loại hạt có khối lượng nền tảng.
Và sự tồn tại của hạt này đã được chứng minh trong năm 2012.
Nhà vật lý Francois Englert của Bỉ – Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Vào tháng 7.2012, các nhà khoa học trên thế giới đã được chứng kiến những công bố tìm thấy hạt Higgs, hay một loại hạt được coi là giống với hạt Higgs, sau gần một nửa thế kỷ truy tìm nhằm giải thích cách vật chất có được khối lượng.
Đầu tiên là các nhà vật lý tại Phòng thí nghiệm máy gia tốc hạt quốc gia Fermi (Fermilab) ở bang Illinois của Mỹ, cho biết họ đã dần làm sáng tỏ sự tồn tại của hạt Higgs.
Sau đó vài ngày, ngày 4.7, các nhà vật lý tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) cũng đã công bố khám phá của riêng mình trong cuộc săn lùng hạt Higgs, và họ gọi đây là loại hạt mới “giống với hạt Higgs được tìm kiếm lâu nay”.
Theo Reuters, lý thuyết được chứng thực của hai ông Peter Higgs và Francois Englert đã mô tả cách thức vũ trụ này được cấu thành. Lý thuyết này là phần trung tâm của ‘Mô hình Chuẩn’ cho sự tồn tại của tất cả mọi thứ, từ những đóa hoa cho đến con người, các hành tinh, ngôi sao… cũng như lực và sự tương tác tạo lập nên vũ trụ.
‘Mô hình Chuẩn’ đặt nền tảng bởi sự tồn tại của một loại hạt đặc biệt, được gọi là hạt Higgs. Nó có ở khắp mọi nơi trong không gian mà nếu không có nó, tất cả sẽ không tồn tại.
Nhà vật lý Peter Higgs của Anh – Ảnh: Reuters
Peter Ware Higgs, sinh năm 1929 tại Anh, có cha là người Anh và mẹ là người Scotland. Ông là nhà vật lý lý thuyết và là giáo sư danh dự của Trường đại học Edinburgh (Scotland). Thuở nhỏ, ông được dạy ở nhà do mắc bệnh hen suyễn và cũng do công việc của bố ông. Sau đó, Thế chiến thứ 2 xảy ra, gia đình ông phải di chuyển liên tục. Vào năm 12 tuổi, ông nhập học tại Trường tiểu học Cotham ở thành phố Bristol, nơi ông nhận nguồn cảm hứng từ cựu học sinh Paul Dirac, một trong những người sáng lập ra cơ học lượng tử. Higgs đã được vinh danh với một số giải thưởng danh giá, bao gồm Huy chương Dirac, giải thưởng của Hội Vật lý châu Âu, giải thưởng Wolf trong Vật lý và giải thưởng Vật lý Hạt lý thuyết JJ Sakurai… Trên Twitter, Thủ tướng Anh David Cameron đã gửi lời chúc mừng đến ông Higgs. Franccois Englert, sinh năm 1932 tại Bỉ. Ông lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Libre de Bruxelles và hiện là giảng viên của trường này.
Được biết, giải Nobel Vật lý năm ngoái được trao cho hai nhà khoa học Serge Haroche của Pháp và David Wineland của Mỹ với công trình nghiên cứu đột phá về lượng tử.
Mùa giải Nobel 2013 đã mở màn hôm 7.10 với giải Nobel Y học đã được trao cho ba nhà khoa học Randy Schekman, James Rothman (cùng của Mỹ) và Thomas Sdhof (Đức) cho những khám phá về cơ chế vận chuyển trong tế bào.
Vào chiều mai, 9.10, người thắng giải Nobel Hóa học 2013 sẽ được công bố.
Giải Nobel Vật lý – Những con số: 106 giải Nobel Vật lý đã được trao từ năm 1901 – 2012
47 giải Nobel Vật lý được trao cho chỉ một người
2 phụ nữ từng giành được giải thưởng danh giá này
1 người, John Bardeen, đã nhận giải Nobel Vật lý đến hai lần vào năm 1956 và 1972
25 là số tuổi của người đoạt giải Nobel Vật lý trẻ nhất, nhà khoa học Anh Lawrence Bragg giành giải Nobel Vật lý năm 1915 cùng với cha mình. Đây cũng là người trẻ nhất chiến thắng trong lịch sử trao giải Nobel.
55 là số tuổi trung bình của những người được công bố đoạt giải Nobel Vật lý từ năm 1901 cho đến nay.
Theo TNO
Những con số thú vị của giải Nobel
Ai là người lớn tuổi nhất đoạt giải Nobel, và ai là người trẻ tuổi nhất? Bao nhiêu người phụ nữ giành được giải thưởng danh giá này? Và bao nhiêu cặp vợ chồng cùng đứng tên trên 'bảng vàng'? Dưới đây là một số câu trả lời cho thắc mắc của bạn, AFP dẫn số liệu của Tổ chức Nobel cho biết ngày 4.10.
Mùa giải Nobel năm nay sẽ mở màn vào ngày 7.10 tới - Ảnh: Shutterstock
- Người lớn tuổi nhất giành giải Nobel là nhà khoa học Mỹ gốc Nga Leonid Hurwicz. Ông thắng giải Nobel Kinh tế năm 2007 lúc đã 90 tuổi. Và chỉ vài tháng sau niềm vui lớn lao ấy, ông qua đời trong tháng 6.2008.
- Cũng trong năm 2007, nữ tác gia Anh Doris Lessing trở thành người lớn tuổi nhất giành giải Nobel Văn học. Tên bà được xướng lên khi bà đã 87 tuổi. Nhà văn sau đó gọi giải thưởng này là một 'thảm họa' vì nó khiến bà không còn thời gian để viết lách.
- Nhà khoa học Anh Lawrence Bragg giành giải Nobel Vật lý năm 1915 khi chỉ mới 25 tuổi là người trẻ nhất chiến thắng trong lịch sử trao giải Nobel. Ngoài ra, còn có nhà khoa học Đức Werner Karl Heisenberg thắng giải Nobel Vật lý năm 1932 khi được 31 tuổi. Còn người trẻ nhất đoạt giải Nobel Văn học là nhà văn Anh Rudyard Kipling với giải thưởng năm 1907 khi ông được 42 tuổi.
- Tuổi bình quân của tất cả những người đoạt giải Nobel ở mọi lĩnh vực từ năm 1901 đến 2012 là 59 tuổi.
- Kể từ năm 1901 khi giải Nobel đầu tiên được trao cho đến nay, đã có 44 phụ nữ được vinh danh, bao gồm hai lần của Marie Curie, và số nam giới là 795 người. Người phụ nữ đầu tiên chiến thắng giải Nobel Kinh tế là bà Elinor Ostrom vào năm 2009. Và chỉ có hai phụ nữ giành giải Nobel Vật lý, gần đây nhất là hồi năm 1963, trong khi có đến 191 nam giới ghi tên mình trong lĩnh vực này.
- Từ năm 1901 đến 2012, có tổng cộng 834 cá nhân và 21 tổ chức nhận giải Nobel, bao gồm một vài người được tôn vinh nhiều hơn một lần.
- Có sáu cặp cha và con trai thắng giải thưởng danh giá này, trong khi chỉ có một cặp cha và con gái cùng một cặp mẹ và con gái có mặt trong số những người đoạt giải. Ba cặp vợ chồng cũng được vinh danh ở giải Nobel, trong đó có cặp vợ chồng nổi tiếng người Pháp Joliot-Curie.
- Có sáu người đã từ chối nhận giải. Trong đó có triết gia Pháp Jean-Paul Sartre hồi năm 1964 và nhà chính trị Việt Nam Lê Đức Thọ năm 1973 không nhận giải thưởng Nobel Hòa bình được trao chung với Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là Henry Kissinger. Trùm phát xít Adolf Hitler đã cấm ba nhà khoa học của Đức là Richard Kuhn (giải Hóa học 1938), Adolf Butenandt (Hóa học 1939) và Gerhard Domagk (Y học 1939) nhận giải, còn chính quyền Liên Xô buộc nhà văn Boris Pasternak từ chối giải Nobel Văn học năm 1958.
- Có ba người đoạt giải Nobel Hòa bình khi đang ngồi tù là nhà báo Đức Carl von Ossietzky (năm 1935), lãnh đạo đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi (1991) và nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (2010). 21 năm sau khi được công bố trúng giải, bà Aung San Suu Kyi vào ngày 16.6.2012 đã có dịp đến Oslo (Na Uy) và trao diễn văn nhận giải của mình.
- Giải Nobel Hòa bình năm 2013 có con số kỷ lục 259 đề cử. Tên của những người được đề cử và nội dung các cuộc thảo luận của ủy ban được giữ kín trong 50 năm.
Theo TNO
Dân cá cược đặt 'cửa' Murakami cho giải Nobel Văn học Trong vài năm liên tiếp gần đây, tiểu thuyết gia Nhật Bản Haruki Murakami luôn được đặt kỳ vọng trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn học, nhưng giải thưởng danh giá này đều trượt khỏi tay ông vào phút chót. Nhà văn Haruki Murakami, tác giả của Rừng Na Uy nổi tiếng - Ảnh: AFP Trong mùa giải Nobel năm nay,...