Giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện, tích cực hơn trong thời gian tới.
Trước hết, ông có thể cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công sau 8 tháng đầu năm như thế nào?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổng hợp, báo cáo Chính phủ con số giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trong 8 tháng ước đạt 161.271,361 tỷ đồng, đạt 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 37,92% dự toán năm (cùng kỳ năm 2018 đạt 45,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 44,24% dự toán năm).
Như vậy, nhìn chung, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công từ đầu năm tới nay vẫn thấp, nhất là nguồn vốn trái phiếu chính phủ và vốn nước ngoài. Ngoài một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, khoảng 80%, thì vẫn có nhiều bộ, ngành, địa phương có số giải ngân thấp, đặc biệt có 29 bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó, 8 bộ, ngành giải ngân đạt dưới 5%.
Nguyên nhân chậm là do đâu, thưa ông? Có phải vì chậm giao kế hoạch, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải chịu một phần trách nhiệm?
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chậm giải ngân là do chậm giao kế hoạch. Tôi cho rằng, cần làm rõ hơn nhận định này để xác định nguyên nhân chính xác. Chậm giải ngân vốn đầu tư công có một phần do chậm giao kế hoạch, mà chủ yếu là chậm giao kế hoạch từ cấp các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể. Năm nay, tổng kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 429.300 tỷ đồng. Trước ngày 31/12/2018, đã có hơn 367.000 tỷ đồng được giao, đạt 85,5% kế hoạch. Phần còn lại chưa được giao, chủ yếu do một số dự án mà các bộ, ngành, địa phương đề xuất chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, chưa đủ cơ sở pháp lý để giao kế hoạch và thực hiện. Bên cạnh đó, trình tự giao kế hoạch vốn còn phải được thực hiện ở cấp chủ đầu tư giao kế hoạch cho các dự án cụ thể nữa.
Để tiếp tục triển khai công tác giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực đôn đốc các bộ, ngành, địa phương còn vốn chưa được giao kế hoạch khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định để tổng hợp, giao kế hoạch vốn. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn trên 35.000 tỷ đồng (trên 8% vốn kế hoạch) chưa được giao.
Nguyên nhân chủ yếu, như nói ở trên, vẫn là vì các dự án do các bộ, ngành, địa phương đề xuất giao kế hoạch số vốn trên chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Một phần khác là tại các cơ quan tổng hợp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác đôn đốc chưa kịp thời, quyết liệt, dẫn tới tình trạng chờ đợi lẫn nhau, đơn vị xong trước chờ đơn vị xong thủ tục sau, nên mất khá nhiều thời gian… Việc chờ đợi để tổng hợp một lần cũng một phần do tâm lý ngại tổng hợp giao kế hoạch nhiều lần, như đã từng diễn ra trong một số năm trước đây.
Trên thực tế, trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc cải thiện tình hình giao kế hoạch vốn bằng nhiều biện pháp, như áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Tuy nhiên, việc giao kế hoạch vốn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hai chiều giữa cơ quan tổng hợp và các bộ, ngành, địa phương. Quan trọng nhất là, phương án đề xuất của các bộ, ngành, địa phương cần phải đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, quy định pháp luật, thì khâu tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch mới nhanh, chính xác, đúng pháp luật được.
Nếu có bất kỳ trường hợp nào chưa đúng quy định về nguyên tắc, tiêu chí, chưa đúng quy định pháp luật, thì bản thân cơ quan tổng hợp cũng không thể đơn phương tự triển khai, dẫn tới tình trạng giao kế hoạch chậm, giao nhiều lần…
Video đang HOT
Ngoài nguyên nhân trên, thì đâu là điều khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm trở thành “căn bệnh” trầm kha của nền kinh tế, thưa ông?
Vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức 3 đoàn công tác để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả làm việc cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, mà một trong số đó là do Luật Đầu tư công có cho phép thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được kéo dài sang năm sau. Điều này dẫn tới tâm lý không tích cực, tập trung trong việc giải ngân, vì cho rằng thời hạn còn dài. Việc giải ngân thường dồn vào thời gian gần cuối năm, cuối thời hạn cho phép.
Bên cạnh đó, chậm giải ngân còn do giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, năng lực nhà thầu hạn chế, thủ tục điều chỉnh, gia hạn hiệp định vốn nước ngoài chậm; do những khó khăn trong công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương; do mức áp dụng chỉ định thầu xây lắp và tư vấn hiện nay quá thấp, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại một số địa phương…
Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến chuyện một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc chỉ đạo chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, chưa tích cực trong việc hoàn chỉnh các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng thanh toán đối với các dự án theo quy định…
Vậy phải làm thế nào để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thưa ông? Vốn đầu tư đã rất hạn hẹp, mà lại còn không tiêu được, thì hệ lụy tới nền kinh tế là rất lớn…
Đúng vậy. Giải ngân vốn đầu tư công chậm ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, đặc biệt là tới tăng trưởng kinh tế hằng quý.
Thực ra, nếu tính chung cả năm, kết quả giải ngân vẫn đạt 80 – 90% kế hoạch được giao, cơ bản vẫn đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm. Tuy nhiên, ở khía cạnh điều hành chính sách, việc giải ngân vốn đầu tư công thấp đầu năm, cao cuối năm sẽ ảnh hưởng đến điều hành chính sách tài chính, tiền tệ của những tháng cuối năm, nhất là dịp gần Tết Nguyên đán, tác động đến chỉ số lạm phát chung của nền kinh tế, cân đối thu – chi tài chính. Ở khía cạnh hiệu quả sử dụng vốn, giải ngân chậm có thể làm giảm ý nghĩa tác động của vốn đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế hằng quý, ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án đầu tư công…
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Trung tuần tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, trong đó, yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là giải ngân số vốn đã được giao kế hoạch.
Ngay sau đó 1 ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số gửi các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc việc thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn các giải pháp để giao hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 còn lại.
Theo kế hoạch, nửa cuối tháng 9 này, Chính phủ sẽ có hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công. Với sự nỗ lực quyết liệt như vậy và nhất là sự vào cuộc của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện.
Hơn nữa, từ ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực, nên việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện hơn nữa. Năm 2020 là năm chuyển tiếp giữa luật cũ và luật mới, việc cải thiện có thể chưa rõ nét, nhưng hy vọng từ năm 2021, việc đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu đầu tư công sẽ tích cực hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Hà Nguyễn
Theo Baodautu
Dự luật PPP sẽ có cơ chế bảo lãnh thu hút nhà đầu tư
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Đức Trung, Dự luật Đầu tư theo đối tác công tư (Luật PPP) sẽ đưa ra các cơ chế bảo lãnh như cơ chế chuyển đổi ngoại tệ, cơ chế chia sẻ rủi ro... Đây là các cơ chế đột phá, cần thiết để thu hút nhà đầu tư (NĐT) tham gia dự án theo hình thức PPP...
Dự án Dầu Giây - Phan Thiết
Nóng Dự án Dầu Giây - Phan Thiết ...
Tại phiên họp thẩm tra dự án Luật PPP của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 29/8, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Đặng Huy Đông đã thẳng thắn cho rằng dự án thí điểm theo hình thức PPP Dầu Giây - Phan Thiết đã không thành công, khiến chính sách loay hoay suốt 10 năm qua.
Theo ông Đông, trong Dự án này, Chính phủ vay vốn của nhà tài trợ, bảo lãnh để đưa cho một DN tư nhân là Bitexco đầu tư dự án. Và hậu quả của bước đi đầu tiên sai lệch đó là người ta đổ xô làm PPP bằng các nhận thức khác nhau kiểu "thầy bói xem voi", để rồi ra thứ BOT lộn xộn, lổn nhổn như hiện nay.
Vấn đề này lại được làm nóng tại buổi họp báo của Chính phủ chiều 4/9. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung cho biết dự án Dầu Giây - Phan Thiết thực hiện thí điểm theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư khoảng 750 triệu USD, có hai đơn vị tham gia, trong đó có Bitexco.
Trong 750 triệu USD thì Nhà nước hỗ trợ 250 triệu USD từ vốn vay Ngân hàng Thế giới, Bitexco bố trí khoảng 300 triệu USD. Tuy nhiên dự án này đã không thành công, tháng 3/2018 đã chấm dứt thí điểm dự án.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, sau khi dừng thí điểm, Dự án Dầu Giây - Phan Thiết đã được đưa vào dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng, Nhà nước tham gia khoảng 2.500 tỷ đồng...
Bài học khi xây dựng dự luật PPP
Thông tin về dự án Luật PPP, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, Dự luật này được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định là các nghị định đang có (trước đây là Nghị định 108/2009/ND-CP, sau đó là Nghị định 15/2015/NĐ-CP, Nghị định 63/2018/NĐ-CP). Đây là khung khổ pháp lý thực hiện dự án PPP suốt thời gian qua. Thứ trưởng cũng cho biết, đến nay đã đã thực hiện được 336 dự án PPP, trong đó có 140 dự án BOT.
"Mặc dù còn những vấn đề tồn tại nhưng các dự án PPP trong thời gian qua đã góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước cũng như nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên để hoàn thiện khung pháp lý, Chính phủ nhận thấy hiện khung pháp lý chỉ dừng ở các nghị định nên chưa đảm bảo khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động PPP..."- Đại diện Bộ KH&ĐT lý giải sự cần thiết xây dựng Luật PPP.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng các dự án PPP hiện nay chưa có sức hấp dẫn để thu hút các NĐT nước ngoài nên trong dự luật PPP có đưa ra các cơ chế bảo lãnh như bảo lãnh việc chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh cơ chế chia sẻ rủi ro....
"Đây là cơ chế thực sự cần thiết để thu hút được các NĐT thực hiện các dự án PPP vì bản chất của dự án PPP là dự án có tính đầu tư công nhưng do chúng ta chưa có nguồn lực nên kêu gọi các NĐT tư nhân thực hiện và trong tất cả các dự án Chính phủ đều tham gia để đảm bảo khả năng thực hiện dự án hiệu quả...", Thứ trưởng khẳng định.
Được biết, theo Dự luật trình Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra ngày 29/8 vừa qua, dự án Luật này đã được bổ sung các nội dung về hình thức huy động vốn thứ cấp cho các dự án PPP. Cụ thể, DN dự án được phát hành trái phiếu để huy động vốn thực hiện dự án PPP sau khi hoàn thành xây dựng công trình (đối với dự án có cấu phần xây dựng) hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành (đối với dự án không có cấu phần xây dựng).
Nhằm hạn chế rủi ro cho NĐT dự án PPP, dự thảo Luật đã đưa vào quy định: Chính phủ quyết định việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng dự án. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng VNĐ.
Đối với các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, dù đã thực hiện đầy đủ các biện pháp nhưng chưa đảm bảo được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án, Chính phủ cam kết chia sẻ với NĐT, DN dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng...
Linh Linh
Theo Phapluatvietnam
Vốn FDI trên mỗi dự án ở Việt Nam đang có xu hướng giảm Bình quân vốn trên dự án cấp mới là 3,7 triệu USD, thấp hơn nhiều so với bình quân vốn cấp mới/dự án trong 8 tháng của năm 2018 là 7 triệu USD/dự án. Ảnh minh họa. Báo cáo nhanh về tình hình đầu tư nước ngoài 8 tháng năm 2019, Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư...