Giải ngân vốn đầu tư công chậm có thể làm mất đi cơ hội phát triển kinh tế
Cho đến thời điểm hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều bộ, cơ quan Trung ương, địa phương vẫn tiếp tục chậm, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 càng khiến cho tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Công trình cải tạo hệ thống thoát nước, vỉa hè bằng vốn đầu tư công trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa: Chí Tưởng/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực; đồng thời, có thể làm mất đi cơ hội tạo ra động lực phát triển cần thiết cho nền kinh tế.
Phân bổ ngân sách chưa quyết liệt
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết tháng 7/2021, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân là 398.616 tỷ đồng, đạt 86,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, vốn trong nước đạt 86,05% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 89,27% kế hoạch.
Trong khi đó đến nay, số vốn của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án còn lại khá lớn là 62.683 tỷ đồng, bằng 13,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/7/2021 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 3,96% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ đạt 7,52%.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: Bộ Thông tin và Truyền thông 0,4%, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh 0,56%, Hội Nông dân Việt Nam 2,7%, Bắc Kạn 8,3%, Quảng Bình 15,4% …. Một số cơ quan chưa giải ngân như: Ủy ban Dân tộc, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam…
Tuy nhiên, nhiều bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã chủ động với nhiều biện pháp hiệu quả nên kết quả giải ngân đạt trên 50% như: Thái Bình 71%, Hưng Yên 65%, Hà Nam 64,3%, Thanh Hóa 61,5%. Một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng vẫn có kết quả giải ngân tốt như: Bắc Ninh 55,3%, Bình Phước 52,8%, Tiền Giang 50,9%.
Lý giải nguyên nhân chậm giải ngân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, trước hết là do phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương năm 2021 chậm, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng với đó, việc áp dụng chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị để chậm, muộn trong phân bổ ngân sách chưa quyết liệt. Vướng mắc về đầu tư chậm được xử lý như: giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số dự án. Một số dự án ODA vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục gia hạn, hồ sơ thiết kế, thẩm định…
Video đang HOT
Một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị. Vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ; lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân; thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm…
Đến nay, quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; việc thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang Nguyễn Thống Nhất cho rằng, tiến độ giải ngân đầu tư công của Kiên Giang vẫn chậm là do cơ quan, đơn vị chưa chủ động hoặc phối hợp chưa hiệu quả với các cơ quan chuyên môn trong việc đề xuất trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư để triển khai thực hiện.
Mặt khác, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu hạn chế; giá vật liệu xây dựng tăng cao nên một số nhà thầu tạm dừng thi công, huy động tập trung công nhân lao động khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Gỡ khó về cơ chế, chính sách
Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân năm 2021 trên 95% kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.
Cùng với đó, có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…
Cùng với những giải pháp quyết liệt được Thủ tướng Chính phủ giao trong Công điện số 1082/CĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ.
Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chuẩn bị các thủ tục đầu tư cần thiết cho các dự án khởi công mới để có thể giao được Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
“Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Cùng đó, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công; nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Ngoài ra, rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, tính đến ngày 29/6 tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh Lào Cai đứng thứ 18/63 tỉnh thành, nằm trong nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.
Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn trong năm 2021, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Lào Cai Phan Quốc Nghĩa cho biết, UBND tỉnh Lào Cai cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định phát luật; cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Đồng thời, tỉnh sẽ thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp…
Chính phủ đã yêu cầu thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan, địa phương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các cấp đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công….
Cán bộ 'dám nghĩ dám làm' và những động lực cho phát triển
Tại phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi được kiện toàn nhân sự, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ yêu cầu "bắt tay ngay vào công việc, làm việc nào dứt việc đó" với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" và chỉ một ngày sau, Nghị quyết phiên họp đã được Thủ tướng ký ban hành.
Chính phủ họp phiên đầu tiên sau khi kiện toàn nhân sự. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Cùng với bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nghị quyết phiên họp đã nêu những quan điểm, định hướng lớn, rõ ràng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như một số nội dung trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện ngay trong thời gian tới. Công việc trước mắt rất nhiều và nặng nề, đòi hỏi cả bộ máy hành chính từ trên xuống dưới, phải xắn tay ngay vào công việc, làm việc với tinh thần cao nhất, trách nhiệm nhất...
Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước, theo tinh thần "tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân", "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Nghị quyết nêu rõ các quan điểm trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cũng như yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống hành chính và từng cán bộ, công chức trong xử lý công việc, trong mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cán bộ với nhân dân và doanh nghiệp. Người dân mong với tinh thần này, với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, sẽ loại dần được thói vô cảm của một số cán bộ khi xử lý công việc.
Một trong những thông điệp quan trọng của Nghị quyết là sẽ phân cấp, phân quyền thật rõ ràng, cụ thể, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm.
"Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ giải quyết những việc thuộc thẩm quyền; không quyết định thay những việc đã phân cấp, ủy quyền hoặc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương", Nghị quyết nêu rõ hơn về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương.
Cùng với đó, phải tạo môi trường đổi mới, sáng tạo và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cụm từ "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" được nhắc tới 3 lần trong Nghị quyết này. Trước đó, trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ các cán bộ như vậy. Lâu nay, cụm từ "bảo vệ người dám nghĩ dám làm" được nhắc đến đâu đó nhưng lần này đã được đưa vào Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn, điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn đối với những cán bộ chủ động, sáng tạo trong công việc, mạnh dạn đổi mới vì sẽ có cơ chế để bảo vệ họ...
Điều này có ý nghĩa hệ trọng, trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược, nhưng cũng đồng thời đánh giá thời gian qua, "tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu". Một trong những nguyên nhân dẫn tới điều này và những hạn chế, yếu kém khác, là do một bộ phận cán bộ chưa dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, còn tình trạng né tránh trách nhiệm, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm, công việc của mình lên cấp trên hoặc trả lời vòng vo, làm tốn thời gian, công sức, đôi khi mất đi cơ hội của người dân, doanh nghiệp.
Cách làm việc đó khiến dẫn tới nhiều tồn đọng kéo dài, nhiều vướng mắc về cơ chế, thể chế, chính sách không được tháo gỡ kịp thời, hậu quả cuối cùng là không huy động, giải phóng được hết, không sử dụng được hiệu quả nhất mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trước những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao từ thực tiễn của đất nước trong giai đoạn phát triển mới, muốn phát huy được vai trò của đội ngũ cán bộ - cái gốc của mọi công việc, thì một mặt, vừa phải phân rõ trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; mặt khác, vừa phải tạo môi trường, khuyến khích, bảo vệ những yếu tố, nhân tố đổi mới, sáng tạo như Nghị quyết đã chỉ ra.
Một điểm quan trọng khác trong Nghị quyết là các yêu cầu đặt ra trong xử lý công việc của các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ.
Theo Thủ tướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội rất nặng nề và điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ trong xử lý công việc "suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó". Chống phô trương, hình thức.
Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Quan điểm này về cơ bản tương đồng với nội hàm của một thuật ngữ xuất hiện chưa lâu trên thế giới: regulatory sandbox (cơ chế thử nghiệm chính sách). Cơ chế này được nhiều quốc gia đưa ra để giải quyết thực trạng những mô hình kinh doanh dịch vụ, nhất là kinh tế số, phát triển quá nhanh, mà các cơ quan quản lý không theo kịp để đưa ra biện pháp phù hợp.
Bài học từ Quảng Ninh - địa phương được nhắc tới nhiều trong những ngày qua với vị trí dẫn đầu cả nước trên cả hai bảng xếp hạng về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - có thể là một ví dụ điển hình nhất cho thấy vai trò của một đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm cùng các thử nghiệm mạnh dạn bắt nguồn từ những đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống, của tư duy đổi mới và có trách nhiệm. Khảo sát về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, nếu chính sách, pháp luật có điểm chưa rõ thì chính quyền Quảng Ninh rất ít khi lúng túng, không làm gì cả hay đợi xin được ý kiến chỉ đạo - tỷ lệ này của Quảng Ninh thấp nhất cả nước. Điều này chỉ có thể làm được khi nội bộ thật sự đoàn kết, có người chịu trách nhiệm cao nhất, truyền cảm hứng cho cấp dưới.
Trong những năm qua, chúng ta đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc cải cách trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với tổ chức, công dân, cần chú trọng hơn nữa cải cách cách thức xử lý công việc trong nội bộ các cơ quan hành chính. Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ sau khi kiện toàn nhân sự đã thể hiện rõ yêu cầu, quan điểm đổi mới mạnh mẽ cách thức xử lý công việc, trong quan hệ cấp trên - cấp dưới, trong giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ...
Yêu cầu phát triển của đất nước đang đòi hỏi các cơ quan Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung nghiên cứu sớm cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII thành luật pháp, cơ chế, chính sách để sớm thực thi trong đời sống, kịp thời khắc phục hạn chế yếu kém mà Đại hội XIII đã chỉ ra, đó là chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu chậm được khắc phục, năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Cán bộ đột phá sẽ tạo thể chế đột phá và thể chế đột phá, chất lượng cao sẽ giúp huy động tối đa, sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực trong xã hội, tạo động lực để gần 100 triệu người dân cùng hành động, khuyến khích và bảo vệ người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, làm giàu một cách chính đáng, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, hùng cường./.
Tăng 'liều' hỗ trợ cho doanh nghiệp trước áp lực của dịch bệnh Liên tục trong nhiều tháng qua, diễn biến căng thẳng của đợt tái bùng phát đại dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều đó khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dù Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ nhằm thực hiện mục tiêu...