Giải mã sự thật về “ngôi chùa” cầu được mưa và pho tượng biết “vi hành”
Gọi là chùa nhưng thự ra đây chỉ là một ngôi nhà cũ ba gian, lợp ngói ta, bên trong có thờ một bức tượng Phật không biết tạc theo nguyên mẫu nào, cũng không ai biết bức tượng có từ bao giờ. Tuy là chỉ của một dòng họ nhưng “ ngôi chùa” lại được cả làng và dân quanh vùng thờ cúng. Sở dĩ có lý do như vậy vì “ngôi chùa” vốn nổi tiếng từ nhiều năm nay là hễ cứ bị hạn hán, dân làng mở cửa chùa “ cầu mưa”. Lạ thay cứ cầu mưa là được toại nguyện. Không những thế “ngôi chùa” này còn nổi tiếng trong thiên hạ vì khắp làng trên xóm dưới đều đồn rằng chùa có pho tượng biết đi “chu du” rồi lại trở về một cách bí ẩn. Vậy đâu là sự thật?
Pho tượng bí ẩn biết đi
Nằm ngay bên cạnh con đường đất đỏ bụi mù mịt thuộc địa phận làng Thượng Lâm, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, “ngôi chùa” 3 gian và một phòng thờ hậu bên trong. Từ trước đến nay dòng họ Nguyễn của làng Thượng Lâm vẫn trông coi, thờ phụng.
Theo cụ Nguyễn Thị Giang (80 tuổi), là người trông giữ, am thờ đã được lập tính ra cũng được ngót nửa thế kỉ. Như câu chuyện dòng họ Nguyễn truyền lại thì ngày đó, cụ tổ trong dòng họ Nguyễn còn nhỏ, thường hay đi chăn trâu cùng những đứa trẻ trong làng cạnh con sông nhỏ trong vùng. Một hôm khi đang nô đùa tắm dưới con sông thì bỗng dưng thấy một vật lấp lánh trôi đến, những mục đồng bèn hò nhau vớt lên xem thì thấy đó là một bức tượng được sơn son thếp vàng khá đẹp. Sau đó những đứa trẻ đem tượng giấu vào một bụi cây giữa cánh đồng, hằng ngày chúng đi chăn trâu là mang theo đồ ăn thức uống hay hoa quả để… mời tượng ăn. Lũ trẻ coi bức tượng như người bạn của mình rồi tự tưởng tượng ra những điều linh ứng của bức tượng. Không biết là thực hay hư nhưng lũ trẻ cầu khẩn cho trâu hằng ngày không ăn lúa, hôm nào cũng no bụng và lạ thay là từ đó trâu cứ thả tự do, bọn trẻ chơi tha hồ nhưng trâu cũng chẳng động đến một cọng lúa, hôm nào trâu cũng được no bụng.
Lâu dần lũ trẻ cũng quên đi bức tượng và trò cúng bái đó, nhưng cụ tổ dòng họ Nguyễn lúc dựng nghiệp nhớ lại chuyện linh ứng của bức tượng ngày xưa bèn bỏ tiền xây dựng một cái am thờ cúng cẩn thận pho tượng. Từ khi xây dựng không chỉ người họ Nguyễn mà còn cả những người dân quanh vùng biết đến pho tượng cầu khẩn linh ứng. Thế nhưng, trong những năm đó xảy ra một câu chuyện li kì là pho tượng bỗng dưng biến mất một cách bí ẩn. Hôm đó vào ngày rằm nên người trông coi ngôi chùa của họ Nguyễn mở cửa dọn dẹp để cúng khấn, thế nhưng nhìn lên ban thờ thì không thấy tượng đâu cả, hốt hoảng cứ tưởng bị trộm nhưng khi mọi người xem xét lại thì không thấy dấu vết bị cạy phá cửa, chìa khóa cũng chỉ có một chiếc do người trông coi nắm giữ, không hiểu bằng cách nào pho tượng lại biến mất được.
Tìm kiếm mãi không thấy tung tích pho tượng nên mọi người đinh ninh là pho tượng đã mất. Đến nửa tháng sau vào ngày Mùng một như thường lệ am thờ lại được mở, người trông chùa bỗng giật mình hoảng hốt khi thấy pho tượng sừng sững ngồi yên vị ở bệ thờ như cũ. Cũng như lần trước, mọi người tá hỏa kiểm tra cũng không có dấu vết của người đột nhập nên bán tín bán nghi khả năng tượng bị trộm. Nhưng rồi thấy pho tượng vẫn ở vị trí cũ nên cũng không ai truy kích chuyện đó. Sau đó khoảng chục năm, pho tượng lại biến mất bí ẩn nhiều lần nữa vào đúng khoảng thời gian như cũ và những ngày “mất tích” cũng trùng như vậy. Có điều là ngày pho tượng “biến mất” cũng trùng vào ngày những mục đồng vớt tượng lên từ dòng sông. Lần “biến mất” thời gian gần đây nhất theo cụ Giang nhớ là lúc cụ còn rất nhỏ.
Từ đó người ta tin bức tượng là “thần phật linh thiêng” biết tự đi “chu du thiên hạ để cứu nhân độ thế”. Nên từ sau những lần “biến mất”, dân làng cũng chẳng lo gì đi tìm và chờ đợi pho tượng sẽ quay lại yên vị ở chùa cũ.
Cứ “cầu mưa” là được
Không chỉ kỳ bí với câu chuyện về pho tượng bí ẩn, mà am thờ nhỏ còn được người dân quanh vùng vô cùng tín cẩn vì linh ứng trong việc cầu mưa. Theo như lời người dân nơi đây thì “chùa” đã từng cứu dân làng thoát khỏi nhiều đại hạn, mất mùa. Theo cụ Giang và các bậc cao niên trong vùng thì tục lệ cầu mưa ở đây xuất hiện từ nhiều năm nay. Tuy chỉ là một am thờ nhỏ nhưng hễ cứ năm nào trời hạn hán thì các bậc cao niên sẽ mở một đại lễ “cầu mưa” ở tại “ngôi chùa” này mà không phải ở chùa chính của làng. Và như lời các cụ trong làng khẳng định thì chưa năm nào “cầu mưa” mà không được.
Video đang HOT
Tục truyền rằng từ những năm đầu của thế kỷ trước, ở miền Bắc hạn rất to, hồ ao sông sối cạn khô cả. Mùa màng đứng trước nguy cơ mất trắng, đến vụ mới mà không có nước cày bừa. Dân làng và các bậc chức sắc bèn nhờ thầy cúng ra tay khấn cho mưa xuống, nhưng những thầy cúng trong vùng dù “cao tay” đến đâu cũng “bất lực”, khấn vái mãi chẳng thấy hạt mưa nào. Các bậc cao niên trong dòng họ Nguyễn bèn mở cửa am để cầu khẩn, không ngờ sáng mở cửa thì chiều giông gió nổi nên mù mịt, mưa tầm tã như trút nước. Năm đó dân làng thoát khỏi đại hạn, người dân quanh vùng biết tiếng mang lễ vật đến để tạ ơn rất nhiều. Từ đấy hễ cứ năm nào trời hạn hán, lâu không mưa là dân trong vùng quanh đó lại đến nhờ dòng họ Nguyễn mở cửa để cầu mưa. Lần cầu mưa theo cụ Giang gần đây nhất của dân làng là vào vào mùa thu năm 1997.
Giải mã sự thật
Để kiểm chứng những câu chuyện huyền bí của ngôi chùa dòng họ Nguyễn, chúng tôi đã tìm gặp những người dân sống trong thôn. Anh Nguyễn Đức Chung, nhà gần đó khi được hỏi chỉ cười và nói: “Đúng là có chuyện cầu mưa thật, nhưng chưa ai dám khẳng định là mưa do “cầu được”. Có khi là hạn lâu quá thì cũng phải đến ngày mưa chứ. Còn chuyện tượng phật biến mất bí ẩn thì chỉ là những câu chuyện truyền miệng mà thôi, chứ tôi không được chứng kiến”.
Cũng có ý kiến đặt ra rằng có thể do muốn tăng sự linh thiêng cho ngôi chùa và bức tượng Phật nên có những người mê tín dị đoan đã nhằm đúng ngày cố định giấu bức tượng Phật đi rồi lại đem để lại vị trí cũ để người dân tin là bức tượng biết “vi hành” mà đến chùa cúng lễ nhiều hơn. Nhưng thực tế qua tìm hiểu, thì phía dòng họ Nguyễn cũng không thu lợi từ các hoạt động cúng lễ, còn việc khẳng định có việc giấu bức tượng Phật hay không thì đến nay không có ai đứng ra chứng minh việc này.
Cũng như anh Chung, ông Nguyễn Văn Hiệp cụm trưởng của thôn và là người trong dòng họ Nguyễn nói: “Chuyện thì ít nhiều có thật nhưng thêm nếm vào mà thành”. Rồi ông kể: “Lúc nhỏ tôi được nghe trưởng họ nói là pho tượng từ lúc đem về thờ được đồn thổi là có rất nhiều vàng giấu bên trong nên đã bị kẻ trộm đến “nẫng” đi nhiều lần. Nhưng không hiểu lý do làm sao mất nhiều ngày lại được kẻ trộm trả lại y nguyên chỗ cũ, có lẽ là không tìm được gì trong pho tượng. Cách đây nhiều năm tượng cũng bị một người thôn bên sang lấy trộm đem về, khi có người biết người ta lại ôm trả lại. Lần nào cũng vậy nên nhiều người không rõ chuyện thì tin rằng tượng biết đi “vi hành” thật.
Theo đề nghị, ông Hiệp đã dẫn chúng tôi ra tận “ngôi chùa” để mục sở thị bức tượng đồn thổi là biết đi “chu du”. Theo quan sát thì đây là một bức tượng được khắc từ gỗ, đứng trên 3 bệ tháp, tháp trên đỉnh bông hoa sen một tay chỉ lên trời, còn một tay chỉ xuống phía dưới. Bao quanh tượng là vòng cung có hai con rồng vươn lên trên đỉnh ôm lấy vầng quang mặt trời. Ông Hiệp cũng như những bậc cao niên trong thôn không rõ tượng tên tuổi là gì và tạc vị thánh nào. Vậy là những câu chuyện huyền bí về “ngôi chùa” và bức tượng được truyền miệng mà thành. Và cũng từ những lời truyền miệng ấy mà từ một am thờ của dòng họ đã trở thành chùa chung cho tất cả dân trong vùng. Và cũng từ câu chuyện đó mà am thờ trở nên nổi tiếng nhiều năm nay ở vùng quê yên bình này.
Theo ANTD
Hàng loạt hành động ngược đời của sư thầy ném tượng cổ xuống sông
Tự ý ném tượng cổ xuống sông, đem tượng mới về thờ cúng tại chùa, cùng hàng loạt những việc làm trái quy định về tôn giáo của sư thầy Thích Minh Phượng (trụ trì chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã gây nên sự phẫn nộ của người dân. tượng mới đã "được" hạ xuống nhưng tung tích những pho tượng cổ hàng trăm năm tuổi bị thầy Phượng ném đi vẫn bặt vô âm tín trước sự mong mỏi của người dân.
Tượng mới bị người dân xã Chàng Sơn kéo ra chợ
Sư thầy đầy tai tiếng
Theo phản ánh của người dân, trong suốt quãng thời gian trụ trì tại chùa Chân Long (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội), sư thầy Thích Minh Phượng (tên thật là Nguyễn Xuân Long) liên tiếp có những việc làm trái với các quy định pháp luật về tôn giáo, về việc quản lý di tích, nơi thờ cúng trong chùa do Nhà nước quy định. Hành động ném tượng cổ xuống sông và đặt tượng tự đúc lên thờ đã đi quá giới hạn khiến sự phẫn nộ của người dân lên đến đỉnh điểm. Hàng trăm người dân Chàng Sơn đã tụ tập vào trong chùa, kéo pho tượng này ra giữa chợ để phản đối hành động của vị sư thày tai tiếng này. Cụ thể, thầy Phượng đã tự ý chuyển bỏ nhiều bức tượng Phật đã tồn tại lâu đời của di tích để thay vào đó là tượng hình người giống như hình ảnh sư thầy, bức tượng màu vàng chóe, nặng tới 350 kg, không biết thầy đặt làm ở đâu để mang về thờ tại chùa Chân Long. 3 trong số 8 pho tượng cổ cũng bị ông sư này chuyển đi đâu mà người dân trong xã Chàng Sơn không hề hay biết (?) Trước đó, vị sư này đã hàng loạt hành động ngược đời, không thể chấp nhận đối với người tu hành và tự ý sửa chữa trong khuôn viên di tích chùa mà không hề xin phép.
Người dân cho biết, cách đây mấy năm, sư thầy Thích Minh Phượng đã tự ý thuê thợ vào đào xới trong khuôn viên chùa để xây bể tự hoại, nhà vệ sinh phục vụ riêng cho cá nhân mình mà không hề cho ai biết, cũng không báo cáo lên UBND xã Chàng Sơn. Là một nhà tu hành nhưng có vẻ như sư thầy này còn có nhiều ham muốn ở cõi đời. Cuộc sống của người tu hành là khổ hạnh, thanh đạm. Đây cũng là cách người tu hành rèn luyện bản thân của người tu hành. Nhưng sư thầy Thích Minh Phượng này lại xây dựng nhà tắm rất hiện đại trong khuôn viên chùa, không phù hợp với cảnh quan di tích. Không nhưng thế sư còn cho dỡ bỏ biển di tích chùa Chân Long để xây gara ô tô hoành tráng trước cửa chùa.
Trong khi chùa Chân Long xuống cấp trầm trọng, nhiều cấu kiện đã mục nát thì vị sư thầy vẫn hoành tráng đi đi về về bằng ô tô trước sự chứng kiến của hàng trăm hộ dân quanh chùa. Người dân trong xã còn kể lại việc vị sư này thẳng tay đánh một người phụ nữ khi chị này đỡ một người bị nạn do va chạm với xe ô tô của thầy. Trong đơn gửi các cơ quan chính quyền, chị Nguyễn Thị Nhung, người bị sư thầy đánh tường thuật: "Vào lúc 9h30 ngày 11-7-2013, tôi chở hàng từ xã Hữu Bằng ra đường 80B, đến cổng trường THPT Phùng Khắc Khoan, xã Bình Phú, thì thấy một chiếc xe chở gỗ va chạm với một ô tô. Xe chở gỗ đá đè lên người chở gỗ. Thấy vậy, tôi đã xuống giúp đỡ người bị nạn. Tôi không hiểu lý do gì chủ của chiếc xe ô tô va chạm lao vào đấm, đá tôi túi bụi. Ông ta còn túm tóc quay tôi 3 vòng, nhưng rất may được bà con can ngăn". Chưa có kết quả trả lời của cơ quan chức năng về việc chị Nhung tường trình nhưng hiện bà con nhân dân ở đây vẫn chưa hết bức xúc về vụ việc này.
Trước những việc làm của sư thầy, hàng trăm bà con nhân dân trong xã Chàng Sơn đã làm đơn kiến nghị lên UBND xã Chàng Sơn, HĐND, Ban Văn hóa xã Chàng Sơn, nêu rõ những hành động trái với quy định tôn giáo của sư Thích Minh Phượng... Ông Nguyễn Văn Thịnh - một người dân giãi bày: "Đã nhiều lần chúng tôi làm đơn kiến nghị lên xã, nhưng vẫn thấy sư thầy Thích Minh Phượng lộng hành, biến những tài sản quý giá chung của chùa thành của riêng của ông. Đau xót nhất là những bức tượng cổ hàng trăm năm tuổi cũng bị ông thay thế bằng những pho tượng hình thù kỳ quái. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và mong mỏi tìm được những pho tượng cũ để tiếp tục thờ cúng như bao năm nay nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời".
Chính quyền nói gì về thầy Thích Minh Phượng
Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần, ông Nguyễn Kim Toàn (Phó Chủ tịch Ban Văn hóa xã Chàng Sơn) cho biết: "Chùa Chân Long là một ngôi chùa được xếp hạng di tích Lịch sử kiến trúc Quốc gia (1992). Năm 2010 ông Nguyễn Xuân Long mới chỉ là người được phép tạm trú, hành lễ tại chùa. Đến năm 2011, mới có quyết định được trụ trì chùa. Những việc làm của sư thầy Thích Minh Phượng tại chùa Chân Long thời gian qua, không chỉ khiến người dân trong xã mà đối với các cấp chính quyền trong xã cũng vô cùng bức xúc. UBND xã đã 7 lần lập biên bản hiện trạng, xác minh về những việc ông Nguyễn Xuân Long đã tự ý vi phạm các quy định pháp luật về tôn giáo (thuê người đào đất, làm hố bể tự hoại, nhà vệ sinh phục vụ riêng cho bản thân ngay tại đốc chùa chính, tự ý di dời, thay đổi các tượng phật cổ trong chùa mà không thông báo với UBND xã...). Trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Xuân Long còn 2 lần đem pho tượng Phật mới về chùa Chân Long mà không rõ nguồn gốc (lần 1 là 16 pho tượng, lần 2 là 14 pho tượng). UBND xã đã yêu cầu ông Long không được tự ý thêm bớt tượng trong chùa, yêu cầu ông Long đem ngay các pho tượng phật mới ra khỏi chùa, nhưng ông Long vẫn không thực hiện. UBND xã nhiều lần làm việc với ông Long, song ông Long luôn có thái độ bất hợp tác với chính quyền, không chỉ thế mà còn lôi kéo một số người gây khó khăn cho những người thực thi nhiệm vụ.
"Một năm nữa, cả làng này sẽ phải lễ sống tao"
Bức tượng cổ mà sư thầy Thích Minh Phượng ném xuống sông có tên là tượng "Vua Cha Ngọc Hoàng". Sư thầy này còn giải thích với người dân là "Đem tượng xuống sông tắm, vì bị các vãi trong chùa lỡ tay làm xước xát". Để thay thế cho bức tượng "Vua Cha Ngọc Hoàng", ông Long đã đem về một bức tượng đồng (có trọng lượng khoảng 350 kg, cao khoảng 1,4 m), với khuôn mặt giống y hệt ông Long, sau đó nói với người dân: "Đây là tượng vua Trần Thánh Tông", đưa về để thay thế "Vua Cha Ngọc Hoàng", bà con hãy cùng thờ, phúng.
Không kìm nén được sự bức xúc khoảng 10h30 ngày 5-11, hàng trăm người dân của 7 thôn trong xã Chàng Sơn đã kéo về chùa Chân Long, yêu cầu ông Nguyễn Xuân Long phải ngay lập tức hạ bức tượng đồng kia xuống khỏi ban thờ và trả lại nguyên vẹn bức tượng cổ "Vua Cha Ngọc Hoàng" vào vị trí cũ. Đến 12h trưa, bức tượng bị hạ xuống khỏi ban thờ, sau đó sử dụng một tấm bạt để cuộn lại hòng che mắt người dân, thế nhưng bức tượng đã bị các thanh niên trong thôn kéo ra giữa chợ. Đến khi ông Long mang tượng mình về thờ lúc này nhiều người mới nhớ lại, trước đó, trong một buổi lễ, chính ông Long từng nói: "Chỉ trong năm sau thôi, cả làng này sẽ phải lễ sống tao". Bởi vậy số người kéo đến càng đông hơn. Lực lượng Công an xã Chàng Sơn và cán bộ trong xã đã phải rất vất vả ổn định được tình hình ANTT. Mãi đến 17h cùng ngày ông Nguyễn Xuân Long mới chuyển bức tượng lên một xe ô tô và đưa đi đâu không rõ.
Tượng cổ bị ném xuống sông bây giờ ở đâu?
Quay trở lại bức tượng cổ "Vua Cha Ngọc Hoàng" bị ném xuống sông, sau khi bị người dân phát hiện và đòi trả lại tượng cổ, ông sư thầy đã chỉ vị trí ném tượng xuống sông, người dân đã tổ chức tìm kiếm, mò vớt cả ngày tại khu vực được cho là tượng bị ném xuống nhưng chỉ thấy 2 bao tải đầy bùn đất. Điều đó khiến cho nhiều người dân nghi ngờ không hề có bức tượng nào bị ném, rất có thể tượng cổ được "tuồn" ra khỏi chùa Chân Long bằng con đường khác. Như trên đã nói, sư thầy Thích Minh Phượng đã nhiều lần tự ý thay đổi vị trí tượng Phật trong chùa, thậm chí còn mang về tổng số 30 tượng Phật mới. Thực tế, nhiều bát hương, đồ thờ tự trong chùa đã bị thay mới. Cần phải làm rõ xem trước đó có sự hoán đổi tượng Phật cũ và tượng phật mới hay không? Số phận bức tượng và các hiện vật trong chùa bây giờ ra sao? Người dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để truy tìm lại hiện vật cho ngôi chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia này. Đồng thời người dân cũng bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ có thể tiếp tục mất hiện vật trong chùa. Hiện ngôi chùa này còn có một chiếc chuông cổ có giá trị, nhưng người dân cho biết từ khi về trụ trì ngôi chùa này chưa bao giờ thấy sư thầy Thích Minh Phượng thỉnh một tiếng chuông.
Vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa
Qua thông tin trên báo chí, tôi cũng mới được biết việc sư thầy Thích Minh Phượng trụ trì chùa Chân Long (Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội). Chùa Chân Long đã được xếp hạng vào năm 1992. Như vậy, có thể khẳng định, việc sư thầy trụ trì đem thả tượng cổ xuống sông; tự ý thay thế một loạt các pho tượng đang được thờ cúng trong chùa; tự ý đào bới; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất thuộc di tích mà không hề có sự báo cáo các cấp có thẩm quyền đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. Bên cạnh đó, trong giáo lý nhà Phật cũng nghiêm cấm những hành vi phỉ báng tượng Phật bởi đó là thể hiện nhân hình, nhân tướng của Phật. Việc đem tượng Phật thả xuống sông là không thể chấp nhận được dưới góc độ văn hóa cũng như Phật giáo. Các cấp có thẩm quyền cần ngay lập tức vào cuộc để có biện pháp xử lý thích đáng.
PGS.TS Đặng Văn Bài - (nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa)
Điều 13, Luật Di sản văn hóa Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa;
2. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa;
3. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
4. Mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài.
5. Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để thực hiện những hành vi trái pháp luật.
Theo ANTD
Những chuyện thực hư kỳ lạ về cây thị thần, gần 600 năm tuổi Từ xa xưa, người làng Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã xem cây thị ở đền Chờ như "báu vật tiên tri" cứu tinh, chở che cho dân làng trong nhưng năm chinh chiến loạn lạc. Khác với những cây thị "trần tục", cây thị gần 600 năm tuổi ở đây hễ bói bao nhiêu quả thì...