Giải mã những vụ trọng án – Kỳ 7: Nghịch tử rao giảng “cứu chúng sinh”
Sau khi dùng xăng đốt chết mẹ vợ và đốt mẹ ruột bị thương, Lâm Tấn Hải bỏ trốn khỏi địa phương. Trong thời gian lẩn trốn, kẻ thủ ác biến thành “thầy Hai” khám chữa bệnh từ thiện và rao giảng đạo “cứu chúng sinh”…
Chân dung kẻ giết người Lâm Tấn Hải – Ảnh chụp lại từ hồ sơ công an
14 năm trước, vào ngày 2.8.1998, người dân ấp Hiệp Thành (xã Việt Thắng, H.Cái Nước) bàng hoàng nghe tiếng kêu cứu của bà Đỗ Thị Lập (61 tuổi). Mọi người chạy lại thì thấy lửa đang vây lấy bà Lập. Hàng xóm liền thay nhau lấy nước tạt vào người để cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó.
Cơ quan chức năng xác định, kẻ gây án chính là Lâm Tấn Hải (43 tuổi, ngụ ấp Kinh Đào, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, Cà Mau), con rể của bà Lập.
Năm 1990, Hải quen biết và kết hôn với con gái bà Lập. Khi đứa con đầu lòng ra đời, cũng là lúc Hải bắt đầu thay đổi tính tình: rượu chè be bét, vô cớ đánh đập vợ. Không chịu nổi sự bạo hành của Hải, năm 1997 vợ Hải cùng con về nhà bà Lập ở. Ngày 1.8.1998, Hải tìm đến xin gặp vợ nhưng bà Lập không cho vào nhà. Hải bỏ đi ra nhưng trong lòng oán hận nên y nảy sinh ý định giết bà Lập. Nghĩ là làm, Hải đi thẳng ra đầu xóm mua chai xăng rồi một mạch đến nhà tưới vào người bà Lập và bật quẹt đốt. Gây án xong, Hải trộm chiếc xuồng máy của người dân bỏ trốn nhưng bị bắt sau đó.
Trong những ngày bị tạm giam, Hải giả vờ bệnh xin ra điều trị. Trong lúc điều trị, lợi dụng sự sơ hở của quản giáo, Hải đã bỏ trốn về nhà mẹ ruột. Tại đây Hải lại tiếp tục đốt bị thương mẹ mình rồi bỏ trốn. Năm 1998, Công an tỉnh Cà Mau ký quyết định truy nã toàn quốc đối với Hải.
Cuộc điện thoại bất ngờ
Xem xét lại hồ sơ những đối tượng bị truy nã mang tội danh đặc biệt nguy hiểm, trung tá Trần Thanh Tùng đặc biệt chú ý đến hồ sơ truy nã của Hải. Trung tá Tùng quyết định bắt Hải cho bằng được. Đang lên kế hoạch truy tìm “nghịch tử” này, bỗng chuông điện thoại trên bàn reo vang. Cuộc điện thoại từ Công an thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) thông tin: “Một đối tượng tên Lâm Văn Hợp có biểu hiện khả nghi, đang hành nghề khám bệnh từ thiện, có nguyên quán xã Khánh Hòa, H.U Minh (Cà Mau) và đang tạm trú tại P.Ninh Hà”. Nhận thông tin, trung tá Tùng suy nghĩ miên man, liệu cái tên Lâm Văn Hợp có liên quan gì đến Lâm Tấn Hải. Lật lại hồ sơ của Hải, thể hiện Hải có người em ruột là Lâm Văn Hợp, hiện là công nhân của nhà máy chế biến thủy sản. Từ những thông tin trên, trung tá Tùng quyết định đến Ninh Hà, vì có thể Hải đã lấy tên của em ruột để trốn tránh.
Video đang HOT
Thế nhưng khi đến Ninh Hà, đối tượng vừa bị công an giữ CMND vì điều khiển xe máy không có giấy đăng ký xe, không giấy phép lái xe… đã trốn mất. Tuy nhiên, trinh sát phát hiện nhiều tình tiết bất ngờ. Từ những thông tin do Công an thị xã Ninh Hòa cung cấp, trung tá Tùng khẳng định Lâm Văn Hợp chính là Lâm Tấn Hải. Hải lấy danh “thầy Hai” để chữa bệnh và tuyên truyền đạo trái phép. Để thu hút người dân, y thường hô hào được “bề trên” giúp đỡ nên ra tay “cứu nhân độ thế”.
Khi tuyên truyền đạo và chữa bệnh, y ăn mì gói chay để “tâm trong sáng” và một ngày chỉ ăn 1 gói. Kiểu chữa bệnh kỳ quái và ăn nói bậy bạ của Hải lại được nhiều người tin tưởng. Y lên Hòn Quẫy (P.Ninh Hà), lợi dụng sự thật thà của 2 anh em ông Lê Văn Cường và Lê Văn Tèo để xin ở nhờ chòi canh rẫy, rồi lập bàn thờ cúng để phục vụ việc chữa bệnh. Lúc thì y chữa bệnh tại Khánh Hòa, khi thì y lặn lội xuống các tỉnh miền Tây, đặc biệt là khu du lịch Nhà Mát, TP.Bạc Liêu hay khu du lịch Núi Sam.
Ngoài mặt luôn nói “cứu nhân độ thế” nhưng “thầy Hai” là kẻ chuyên “đào mỏ” chuyên nghiệp. Trong những lần khám cho chị N. (ngụ xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), y rủ rê rồi dắt chị N. lên Ninh Hà sinh sống. Do không chịu nổi cảnh cực khổ cùng người chồng không lo làm lụng, chị N. bỏ trốn về quê. Phát hiện chị N. tìm cách về quê, Hải nói: “Đi đâu thì đi phải để chiếc xe lại”. Chị N. đành bỏ chiếc xe lại cho Hải. Sau đó, cũng bằng cách chữa bệnh xằng bậy và truyền đạo, Hải tiếp tục dụ dỗ chị H. (ngụ quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) đến Hòn Quẫy sinh sống với y, cho đến khi chị H. phải bán hết tài sản.
Kết thúc hành trình 14 năm lẩn trốn
Sau đó, một nguồn tin cho hay, Hải lại hành nghề ở Bạc Liêu. Trưa 10.3.2012, có một người thanh niên dẫn theo người thân tìm đến nhà một người tên Thu (khu du lịch Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu) nhờ vả: “Đứa em tôi bị bệnh, gia đình chở đi chữa chạy khắp nơi nhưng không khỏi. Nghe tiếng “thầy Hai” đã lâu, tôi nhờ chị giúp đỡ, nói với “thầy Hai” thương tình chữa trị giùm em tôi, gia đình tôi sẽ hậu tạ”. Nhìn nét mặt khổ sở của người khách lạ, chị Thu bấm máy gọi điện thoại. Vài phút sau, người phụ nữ cho cuộc hẹn: “Cũng may, thầy Hai vừa về Bạc Liêu nhưng ngày mai anh hãy đến”. Thấy vẻ mặt thất vọng của vị khách, chị Thu trấn an: “Thầy Hai là người rất đạo đức và thương người nên anh cứ an tâm, mai dẫn em nó lại”. Người khách lạ cám ơn rối rít.
Đúng hẹn, sáng sớm hôm sau, vị khách lạ tìm đến nhưng phải kiên nhẫn chờ đến chiều “thầy Hai” mới xuất hiện. Vừa nhìn mặt vị khách, “thầy Hai” luống cuống định bỏ chạy nhưng nhanh như cắt, vị khách móc còng số 8 khóa hai tay “thầy Hai”. Vị khách lạ là trung tá Trần Thanh Tùng, cán bộ Phòng Truy nã tội phạm Công an tỉnh Cà Mau.
Lập tức đối tượng được di lý về Công an tỉnh Cà Mau để thực hiện thủ tục tố tụng.
Theo Thanh Niên
Giải mã những vụ trọng án - Kỳ 6: Ngồi tù 10 năm trốn truy nã
Truy nã suốt 21 năm, khi phát hiện được hung thủ cơ quan công an bất ngờ bởi đó là phạm nhân mới được đặc xá sau 10 năm ngồi tù vì tội hiếp dâm trẻ em, với tên tuổi hoàn toàn khác.
Đầu năm 1991, Mai Thế Sơn để vợ và 4 con nhỏ ở lại xã Nga Thạch, H.Nga Sơn (Thanh Hóa), dẫn theo em trai là Mai Thế Bình vào Lâm Đồng khai thác vàng lậu. Anh em Sơn, Bình đến bãi khai thác vàng A86, xã Đà Loan, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đào hầm, khoét núi để tìm vàng. Trong quá trình gia cố hầm, Sơn mượn chiếc cưa của Trần Văn Chất (cùng quê với Sơn), sau đó giữ luôn. Nhiều lần Chất đòi lại cưa nhưng anh em Sơn, Bình không trả; cho nên cứ mỗi lần uống rượu vào Chất lại chửi rủa, thóa mạ anh em Sơn. Đêm 28.3.1991, mâu thuẫn giữa Chất và Sơn, Bình tăng cao, hai bên đánh nhau; Sơn dùng dao đâm Chất chết. Sau khi gây án, Sơn và Bình bỏ trốn nên bị Công an Lâm Đồng phát lệnh truy nã vào ngày 8.4.1991.
Nhiều mũi trinh sát được cử đến các bãi khai thác vàng, thiếc trên địa bàn Lâm Đồng nhưng vẫn không tìm thấy Sơn, Bình. Một tổ trinh sát lên đường ra Thanh Hóa nhưng cũng không có kết quả.
Vụ án giết người tại bãi vàng A86 phải tạm khép lại.
Mai Thế Sơn sau 21 năm lẩn trốn - Ảnh: Công an cung cấp
Bất ngờ chuyên án TF13
Sau khi Công an tỉnh Lâm Đồng thành lập Phòng Truy nã tội phạm (PC52) đã mở chuyên án bí số TF13 để tiếp tục truy xét Sơn, Bình do thượng tá Nguyễn Minh Phượng, Trưởng phòng làm trưởng ban. Ban chuyên án (BCA) tiếp tục cử trinh sát ra Thanh Hóa xác minh nhân thân 2 đối tượng thì hay tin vợ của Sơn là P.T.Đ đã dẫn con vào Đắk Lắk lập nghiệp.
Thượng tá Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng phòng PC52 kể: "Một tổ trinh sát tức tốc được cử đến Đắk Lắk. Nhưng, khi tìm được nơi ở của bà Đ. thì vẫn không thấy Sơn ở đó. Bà Đ. cho biết, cuối năm 2010 lúc lên Đắk Lắk thăm vợ con, Sơn có dắt theo vợ hai, tên là Tiên, đang ở một bãi vàng nào đó thuộc tỉnh Lâm Đồng".
Từ thông tin quý báu đó, BCA tung quân đến tất cả các bãi vàng trong tỉnh Lâm Đồng và vùng giáp ranh tỉnh Đắk Nông để tìm vợ chồng Sơn - Tiên. Hỏi ra, những người đãi vàng cho biết, chỉ có vợ chồng tên Hạnh - Truyền ở H.Đam Rông (Lâm Đồng), thỉnh thoảng có vào bãi vàng. Qua xác minh tại H.Đam Rông, trong một khu rừng sâu ở thôn 3, xã Đạ Rsal có Đào Xuân Hạnh (55 tuổi, nguyên quán Yên Khánh, Ninh Bình) cùng vợ là Trần Thị Chuyền (không phải Tiên) mới đến phá rừng làm rẫy hơn năm qua. Do hiếp dâm con riêng của vợ nên ngày 20.4.2001, Hạnh bị TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên phạt 16 năm tù. Dịp 2.9.2010, Hạnh được đặc xá sau 10 năm ngồi tù.
Với những thông tin đó, BCA gần như tắt hết hy vọng vì chân dung của Sơn vẫn chưa lộ diện. PC52 cho rà soát lại tất cả hồ sơ tội phạm trọng án, cùng nhân thân, trong đó có hồ sơ của Sơn và đặt nghi vấn: Tại sao một người vừa được đặc xá như Hạnh lại vội vàng đưa vợ con vào rừng sâu heo hút phá rừng làm rẫy để sống cách ly với xã hội? "Với linh cảm nghề nghiệp, chúng tôi quyết định lục danh chỉ bản của Sơn và Hạnh để so sánh, vì trước khi vào Lâm Đồng, Sơn đã từng có tiền án về tội trộm cắp ở Thanh Hóa", thượng tá Phượng nói.
Thật bất ngờ, kết quả giám định do Phòng PC54 cung cấp khẳng định dấu vân tay của Mai Thế Sơn và Đào Xuân Hạnh là của một người.
Trong tù cảm thấy an lòng hơn
Thượng tá Nghĩa cho biết: "Cuộc truy tìm Hạnh (Sơn) vô cùng vất vả. Nhiều lần các trinh sát đóng vai người đi mua củ mì hoặc người tìm mua đất, rồi trèo đèo, lội suối, băng rừng để tiếp cận nơi ở của Sơn nhưng y đều vắng nhà. Lúc thì Sơn về quê thăm mẹ, khi thì đang ở Đắk Lắk thăm em...". Có lần, biết Sơn đang ở Ninh Bình thăm bà con, trinh sát bay ra tới nơi thì y vừa vào Bỉm Sơn (Thanh Hóa) thăm em. Tìm đến nhà em của Sơn thì họ nói hắn vừa đi khỏi. Một thời gian Sơn trú nhà cha mẹ vợ hai ở Quảng Trị, khi trinh sát lặn lội ra tới nơi thì người nhà cho biết Sơn vừa đi Đắk Lắk. Khi xác định được nơi ở của Sơn, trinh sát tìm đến thì y lại đi Vũng Tàu. Một tổ trinh sát khác tới Vũng Tàu thì y lại qua Đồng Nai. Một trinh sát nhớ lại: "Ở Đắk Lắk, Sơn có nhiều bà con, nhưng y không đến bất cứ nhà ai mà chỉ ngồi ở quán cà phê nào đó gọi điện hỏi thăm để xin tiền. Những người bà con thấy tội nghiệp mang tiền tới cho. Có tiền, Sơn thuê nhà trọ xoàng ở gần bến xe để ngủ qua đêm và thường xuyên đổi nhà trọ nên rất khó khăn trong việc truy bắt". Chưa hết, Sơn thường xuyên thay đổi số điện thoại di động, nên người thân cũng không thể liên lạc được.
Trong quá trình truy bắt Sơn, trinh sát hay tin Bình vừa cùng vợ con chuyển đến sinh sống ở xã Nam Ka, H.Lắk, Đắk Lắk. BCA quyết định "lật bài ngửa" vụ án. Ngày 15.6.2012, công an đến xã Nam Ka đọc lệnh bắt Mai Thế Bình (lúc này 43 tuổi). Thượng tá Nghĩa yêu cầu Bình gọi điện cho Sơn, thuyết phục Sơn ra trình diện. Tiếp đó, Bình gọi điện cho mẹ ruột đang ở Thanh Hóa, kể lại chuyện 2 anh em gây án mạng cách đây 21 năm và nhờ bà khuyên Sơn ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật.
Ngày 16.6, thượng tá Nghĩa gọi điện cho bà P.T.Đ (vợ cả của Sơn), rất may đúng lúc Sơn đang ở đó. Bà Đ. chuyển máy để Sơn nói chuyện với BCA. Thượng tá Nghĩa thuyết phục Sơn đầu thú và y đã đồng ý. "Tôi cho phép Sơn 3 ngày đi thăm bà con, anh em, sau đó lên Đà Lạt trình diện, với điều kiện phải luôn giữ số điện thoại liên lạc, và Sơn đã giữ đúng lời hứa" - thượng tá Nghĩa nói.
Đúng hẹn, sáng 19.6.2012, Sơn (lúc này 53 tuổi) có mặt tại trụ sở PC52. Câu đầu tiên Sơn thốt ra: "Tôi nghĩ có vay có trả, lúc này là lúc tôi phải trả".
Thượng tá Nghĩa cho biết, Sơn nói rằng hơn 20 năm qua, ông ta ăn không ngon, ngủ không yên. Thời gian 10 năm sống trong tù Sơn cảm thấy an lòng hơn vì "trốn" được lệnh truy nã. Khi được tha trước hạn, ông ta lại sống trong thấp thỏm nên quyết định chuyển nhà vào rừng ở H.Đam Rông để "ẩn mình" nhưng vẫn không thoát.
Theo Thanh niên
Giải mã những vụ trọng án - Kỳ 3: Cuộc đào tẩu của hung thủ cụt 2 chân Mặc dù cơ quan công an đã tung lực lượng truy tìm suốt 8 năm trời, nhưng kẻ sát nhân vốn bị cụt 2 chân vẫn bặt vô âm tín... Trốn chạy trong đêm Ngày 1.9.2001, căn nhà của anh Võ Văn Việt và chị Trần Loan Anh (ngụ ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) bị ai...