Giải mã những vụ trọng án – Kỳ 12: Tìm ra hung thủ từ đống tro tàn
Từ một quyển nhật ký bị đốt thành tro, lực lượng công an đã phục dựng từng tờ giấy bị than hóa, qua đó tìm ra các bằng chứng vạch mặt hung thủ một vụ giết người man rợ tại TP.Hà Nội 6 năm về trước.
Kim Ki-jong bị tuyên án tử hình về tội “giết người” – Ảnh: Hoàng Trang
Xác người chết thiêu trong chiếc va li
Sáng 4.9.2008, anh Đỗ Văn Thắng, quê Thọ Xuân, Thanh Hóa, là người làm thuê cho cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, khi kéo xe cải tiến chở gạch qua khu đất trống nằm gần đường Hoàng Minh Giám, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội phát hiện một hình người cháy đen nằm co quắp giữa bãi rác thải. Anh Thắng và nhóm người làm cho rằng đó là một ma nơ canh hỏng bị vứt đi rồi đốt lẫn với rác thải nên không để ý. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, tại khu vực ma nơ canh bị cháy xuất hiện nhiều ruồi nhặng, tò mò anh Thắng đến gần quan sát và hốt hoảng khi nhận ra đó là một xác người.
Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Cảnh sát kỹ thuật hình sự (PC21), Công an TP.Hà Nội nhớ lại: “Nơi phát hiện ra xác chết là khu vực đất dự án nên cách xa khu dân cư, không có nhân chứng nào biết chính xác thời điểm xảy ra vụ việc. Đặc biệt, sau khi sự việc xảy ra trời đổ mưa nên hiện trường đã bị xáo trộn ít nhiều”. Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cho thấy, xác chết là nữ, bị nhét trong một chiếc va li có khóa kéo kích thước 80 x 60 x 40 cm, đã bị cháy đen toàn thân, lộ xương sọ, xương mặt, xương tay chân, không có dấu vết thương tích nghi vấn do tác động của ngoại lực. Trong chiếc va li còn có một số đồ dùng cá nhân nhưng đã bị cháy thành tro. Nạn nhân được xác định có độ tuổi từ 20-30, cao khoảng 1,5 m, tóc nhuộm nâu dài chấm vai…
Xung quanh hiện trường không xa, lực lượng công an còn phát hiện một chiếc vỏ chai nước Seven Up loại nhựa 1,5 lít có mùi xăng. Dựa trên các vật chứng ban đầu, cơ quan cảnh sát điều tra xác định nạn nhân bị giết chết trước khi mang đến đường Hoàng Minh Giám đốt xác. Như vậy, hiện trường chính của vụ án vụ giết người này xảy ra ở một nơi khác, hung thủ đã thực hiện hành vi thủ ác và tính toán việc che dấu tinh vi nhằm phi tang.
Bí mật từ quyển nhật ký bị đốt thành than
Sau một ngày huy động nhiều nguồn lực tìm kiếm và từ nhiều nguồn tin, cơ quan cảnh sát điều tra xác định nạn nhân là chị Đào Thị Huệ (25 tuổi, quê H.Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, là sinh viên năm thứ 4 Khoa tiếng Hàn – Đại học Ngoại ngữ Hà Nội). Trước thời điểm mất tích, Huệ thuê trọ ở cùng anh trai ở thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, H.Từ Liêm, TP.Hà Nội.
Video đang HOT
Qua tìm hiểu về nhân thân Huệ cho thấy, cô nữ sinh viên này là một người hiền lành, sống kín đáo. Cùng với những bằng chứng khá sơ sài trong vụ cháy đã khiến cho lực lượng điều tra gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Quay trở lại với tang vật tìm thấy trong chiếc va li bị đốt, Đội trọng án của PC21 đặc biệt chú ý đến một cuốn sổ ghi chép đã bị than hóa do cháy. Lật cuốn sổ này, ở trang cuối cùng đã cháy thành than, nổi lên những nét chữ được viết bằng tiếng Hàn Quốc và một số chữ tiếng Việt. Bằng nghiệp vụ, PC21 đã phục dựng từng trang giấy bị cháy bằng cách tách từng lớp than, làm cứng lại, sau đó chụp ảnh lại trang viết và nhờ các chuyên gia tiếng Hàn Quốc dịch lại nội dung…
PC21 xác định đây là một quyển nhật ký, đáng chú ý, trong trang cuối của quyển nhật ký có nội dung: “Tôi đã gặp rất nhiều rủi ro ở Việt Nam… Tôi đã cùng người chết đến HCCB. Ngay sau khi gây ra việc này, tôi hy vọng tình yêu của Chúa sẽ giúp đỡ cho tôi…”.
Thượng tá Nguyễn Văn Quyền kể lại, dựa vào các chuyên gia, công an xác định các chữ viết bằng tiếng Hàn Quốc rất thuần thục, chứng tỏ những nét chữ trên là do người Hàn Quốc viết. Cùng với nội dung trong quyển nhật ký cho thấy người viết có mối quan hệ với nạn nhân. Từ các bằng chứng, dấu vết quan trọng này, cơ quan cảnh sát điều tra xác định thủ phạm là một người Hàn Quốc. Thượng tá Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm: “Vào thời điểm đó, dù xác định kẻ tình nghi là người ngoại quốc thì việc tìm ra cũng không dễ tại Hà Nội, nơi có số lượng người Hàn Quốc sinh sống, làm việc rất đông. Từ chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP, các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương đã tổ chức rà soát, khoanh vùng theo từng nhóm đối tượng. Phải mất 5 ngày huy động tổng lực, các cơ quan chức năng mới tìm ra được hung thủ”.
Lộ diện hung thủ
Ngày 9.9.2008, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Kim Ki-jong (39 tuổi, người Hàn Quốc). Từ các bằng chứng do Công an Việt Nam đưa ra, Kim đã phải cúi đầu khai nhận y chính là thủ phạm đã giết chị Đào Thị Huệ, là gia sư dạy tiếng Việt, đồng thời là bạn gái của mình.
Trong vụ án này, cùng với quyển sổ nhật ký tại hiện trường, lực lượng điều tra còn tìm thêm được một bằng chứng đặc biệt quan trọng khác, đó là mẫu tinh dịch trong âm đạo nạn nhân. Xét nghiệm ADN mẫu tinh dịch cho thấy trùng khớp với ADN của Kim, và đây là bằng chứng không thể chối cãi theo luật pháp Việt Nam và quốc tế.
Theo khai nhận, Kim Ki-jong nhập cảnh vào Việt Nam lần thứ 3 vào tháng 12.2007 để đi du lịch và tìm việc làm. Tại Hà Nội, Kim thuê trọ tại khu tập thể Trường ĐH Hà Nội và tìm gia sư dạy tiếng Việt. Bốn tháng trước đó, Kim được người quen giới thiệu gặp và nhận Huệ làm gia sư. Sau một thời gian, giữa Kim và Huệ nảy sinh tình cảm yêu đương. Khoảng 16 giờ ngày 3.9.2008, Kim gọi điện cho Huệ đến chơi, sau khi quan hệ tình dục, giữa hai bên đã nảy sinh mâu thuẫn. Kim đã bóp cổ chị Huệ đến chết, sau đó bẻ gập xác người yêu làm 3, giấu vào va li rồi cầm 3 chai nhựa đi mua xăng. Kim vẫy taxi đưa chiếc va li đến khu đất trống trên đường Hoàng Minh Giám, tưới xăng, châm lửa đốt xác nạn nhân.
Đầu năm 2009, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Kim Ki-jong án chung thân về tội giết người. Nửa năm sau bản án sơ thẩm, do có kháng cáo của gia đình nạn nhân, TAND tối cao đã mở phiên phúc thẩm và tuyên phạt Kim Ki-jong án tử hình do hành vi dã man, cố tình phạm tội đến cùng.
Theo Thanh niên
Giải mã những vụ trọng án - Kỳ 11: Tên cướp trong vai tài xế
Chiều 27.6.2012, khi vừa lái xe từ Hà Nội về đến Gia Lai, Nguyễn Văn Biên (38 tuổi) bị trinh sát Phòng Truy nã tội phạm (PC52), Công an Lâm Đồng bắt giữ trước sự ngỡ ngàng của chủ nhà xe Q.N và nhiều đồng nghiệp.
Biên là nhân viên kỳ cựu của nhà xe Q.N, hằng tuần Biên vẫn lái xe chở khách chạy tuyến Gia Lai - Hà Nội (và ngược lại). Người ta chỉ biết: từ năm 2002, Biên từ Quảng Ngãi lên Gia Lai làm nghề phụ xe, từ đó quen biết chị H.T.T.T. Thấy Biên mồ côi cha mẹ, tính tình hiền lành, một thân một mình chịu khó làm lụng nên chị T. đem lòng yêu thương. Năm 2005 hai người kết hôn với nhau. Tiếp đó, từ một phụ xe Biên trở thành lái xe chính chạy tuyến nam - bắc, làm được đồng nào Biên đều đưa về cho vợ chăm lo hai con nhỏ.
Tội chồng tội
Tháng 1.2011, Phòng PC52 mở lại chuyên án truy bắt Nguyễn Sĩ Viên, SN 1974, quê Hà Bắc, thường trú xã Đại Lào, TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) bị truy nã từ ngày 16.1.2000 vì tội trốn khỏi trại tạm giam Công an Lâm Đồng. Trước đó, cuối năm 1995, Viên bị TAND TX.Bảo Lộc (nay là thành phố) tuyên phạt 30 tháng tù (cho hưởng án treo) và 36 tháng thử thách về tội cướp tài sản. Dù đang trong giai đoạn thử thách nhưng Viên tiếp tục tham gia một băng cướp dùng hung khí khống chế để cướp tiền. Do đó, ngày 8.2.1999, Viên lại bị TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên phạt 13 năm tù về tội cướp tài sản. Viên bị giam chung phòng với 5 tội phạm khác, trong đó có 1 tử tù. Đêm 15.1.2000, nhóm tội phạm này đã phá cửa phòng giam trốn thoát. Một ngày sau, lệnh truy nã toàn quốc 6 tên tội phạm trốn trại giam được ban hành. Hàng trăm trinh sát được tung ra nhiều hướng, tỏa đi nhiều tỉnh thành để truy bắt. Lần lượt những kẻ trốn trại bị bắt, thậm chí có tên trốn sang Campuchia cũng bị bắt về, riêng Nguyễn Sĩ Viên sau nhiều năm truy tìm vẫn không hề có tung tích, việc truy bắt y đành tạm gác lại.
Từ ngày mở lại chuyên án, được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng PC52 cho rà soát lại nhân thân, các mối quan hệ của Nguyễn Sĩ Viên. Tất cả các manh mối lớn nhỏ đều được xem xét lại một cách cẩn thận; như có thông tin Viên đang lái xe tải chở hàng tuyến TP.HCM đi miền Tây, lực lượng trinh sát đã phối hợp với Công an TP.HCM để xác minh ngay. Việc xác minh không đơn giản, vì ở TP.HCM có hàng ngàn chiếc xe tải, việc truy tìm người lái xe có tên Nguyễn Sĩ Viên lại càng khó hơn, vì các nhà xe có thể thuê bất cứ ai để lái xe, có người lái vài tháng lại đổi chủ, đổi tuyến. Vì vậy việc truy tìm Viên theo hướng này không có kết quả khả quan. Tiếp đó, lại có thông tin Viên đã lấy vợ, có 2 con đang ở tỉnh Đắk Nông. Được sự phối hợp của Công an Đắk Nông, việc rà soát Nguyễn Sĩ Viên (thường trú ở TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) được khẩn trương tiến hành nhưng cũng không mang lại kết quả. Thượng tá Nguyễn Minh Phượng, Trưởng phòng PC52 (Công an Lâm Đồng) cho biết: "Chúng tôi không dừng lại việc truy tìm Viên ở tỉnh Đắk Nông, mà quyết mở rộng địa bàn sang cả các tỉnh Tây nguyên".
Nguyễn Sĩ Viên tại trại giam Công an Lâm Đồng ngày 2.7.2012 - Ảnh: Lâm Viên
Dấu vết từ giọng nói
Sau khi thâm nhập giới lái xe ở các tỉnh Tây nguyên, một "tia sáng" lóe lên khi có thông tin về một lái xe tên Viên đang chạy xe khách tuyến Gia Lai đi các tỉnh miền Bắc. Các trinh sát phối hợp với Công an tỉnh Gia Lai rà soát các nhà xe có chạy tuyến trên. Tại nhà xe Q.N, có một lái xe tên thường gọi là Viên, nhưng khi kiểm tra hồ sơ thì nhân viên này tên lại là Biên (38 tuổi), quê Quảng Ngãi, hiện có vợ và 2 con sống tại Gia Lai. Trinh sát nhìn tấm hình trong hồ sơ xin việc của Biên thì thấy hoàn toàn khác với Nguyễn Sĩ Viên khi trốn trại và khi bị TAND TX.Bảo Lộc tuyên án.
Việc truy tìm tưởng đi vào ngõ cụt. Bất ngờ một trinh sát phát hiện: Biên quê ở Quảng Ngãi nhưng sao lại nói giọng Bắc? Đây là một yếu tố không thể bỏ qua, các trinh sát mang tấm hình của Biên về xã Đại Lào (Bảo Lộc) nhờ công an khu vực nhận dạng. Nhìn tấm hình có bộ ria mép già dặn của Biên, công an khu vực lắc đầu khẳng định "chưa hề gặp người này". Không nản chí, Phòng PC52 lại nhờ công an khu vực mang tấm hình hỏi những người hàng xóm của Viên. Kết quả là họ cũng đều lắc đầu "không biết".
Việc nhận dạng qua hình ảnh không có kết quả. Tuy vậy, các trinh sát vẫn tiếp tục theo dõi sát mọi hoạt động của Biên và phát hiện: ở nhà Biên nói dối vợ là cha mẹ đã chết, nhưng khi lái xe xa nhà Biên vẫn thường gọi điện về thăm hỏi cha mẹ ở Bảo Lộc. Sau một thời gian theo sát, qua giọng nói và cách nói chuyện các trinh sát khẳng định: Nguyễn Văn Biên chính là Nguyễn Sĩ Viên.
Tối 27.6, khi được đưa về Công an Gia Lai làm việc, lái xe Biên tỏ ra rất bình tĩnh. Khi các điều tra viên hỏi về nhân thân, Biên xuất trình giấy tờ quê ở Quảng Ngãi, khẳng định không còn cha mẹ, từ năm 2002 lên Gia Lai lập nghiệp. Khi các trinh sát nói đến vụ trốn trại 12 năm trước cùng với 5 tên tội phạm khác, Biên tỏ vẻ ngạc nhiên: "Em không biết, có lẽ các anh nhầm em với ai khác". Các trinh sát tiếp tục đấu tranh, đưa ra nhiều chứng cứ như giọng nói của Biên khẳng định không phải quê Quảng Ngãi; trong máy di động của Biên bị thu giữ có nhiều cuộc gọi về thăm nhà ở Bảo Lộc. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Nguyễn Sĩ Viên đành cúi đầu nhận tội và chấp nhận tra tay vào còng. Viên cho biết sau khi trốn khỏi trại tạm giam Lâm Đồng, y đón xe ra Lạng Sơn sinh sống 1 năm, sau đó vào Quảng Ngãi làm đủ thứ nghề, năm 2002 lên Gia Lai làm phụ xe...
22 giờ đêm ngày 29.6.2012, Công an Lâm Đồng di lý Nguyễn Sĩ Viên về lại trại giam tỉnh Lâm Đồng để chuẩn bị hồ sơ tiếp tục đưa ra xét xử vụ phá trại giam để trốn trại hơn 12 năm trước.
Theo Thanh Niên
Giải mã những vụ trọng án - Kỳ 10: Từ mẩu đầu lọc thuốc lá Hung thủ hàng loạt vụ cướp làm chấn động dư luận TP.Đà Nẵng và cả nước những năm 2003 - 2006 được giải mã nhờ những vật chứng mong manh... Bí ẩn băng cướp xài bình gió đá Sáng 20.5.2003, TP.Đà Nẵng chấn động với vụ cướp xảy ra tại Ban giải tỏa đền bù TP. Hung thủ sau khi lừa nhân viên...