Giải mã những vụ trọng án – Kỳ 11: Tên cướp trong vai tài xế
Chiều 27.6.2012, khi vừa lái xe từ Hà Nội về đến Gia Lai, Nguyễn Văn Biên (38 tuổi) bị trinh sát Phòng Truy nã tội phạm (PC52), Công an Lâm Đồng bắt giữ trước sự ngỡ ngàng của chủ nhà xe Q.N và nhiều đồng nghiệp.
Biên là nhân viên kỳ cựu của nhà xe Q.N, hằng tuần Biên vẫn lái xe chở khách chạy tuyến Gia Lai – Hà Nội (và ngược lại). Người ta chỉ biết: từ năm 2002, Biên từ Quảng Ngãi lên Gia Lai làm nghề phụ xe, từ đó quen biết chị H.T.T.T. Thấy Biên mồ côi cha mẹ, tính tình hiền lành, một thân một mình chịu khó làm lụng nên chị T. đem lòng yêu thương. Năm 2005 hai người kết hôn với nhau. Tiếp đó, từ một phụ xe Biên trở thành lái xe chính chạy tuyến nam – bắc, làm được đồng nào Biên đều đưa về cho vợ chăm lo hai con nhỏ.
Tội chồng tội
Tháng 1.2011, Phòng PC52 mở lại chuyên án truy bắt Nguyễn Sĩ Viên, SN 1974, quê Hà Bắc, thường trú xã Đại Lào, TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) bị truy nã từ ngày 16.1.2000 vì tội trốn khỏi trại tạm giam Công an Lâm Đồng. Trước đó, cuối năm 1995, Viên bị TAND TX.Bảo Lộc (nay là thành phố) tuyên phạt 30 tháng tù (cho hưởng án treo) và 36 tháng thử thách về tội cướp tài sản. Dù đang trong giai đoạn thử thách nhưng Viên tiếp tục tham gia một băng cướp dùng hung khí khống chế để cướp tiền. Do đó, ngày 8.2.1999, Viên lại bị TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên phạt 13 năm tù về tội cướp tài sản. Viên bị giam chung phòng với 5 tội phạm khác, trong đó có 1 tử tù. Đêm 15.1.2000, nhóm tội phạm này đã phá cửa phòng giam trốn thoát. Một ngày sau, lệnh truy nã toàn quốc 6 tên tội phạm trốn trại giam được ban hành. Hàng trăm trinh sát được tung ra nhiều hướng, tỏa đi nhiều tỉnh thành để truy bắt. Lần lượt những kẻ trốn trại bị bắt, thậm chí có tên trốn sang Campuchia cũng bị bắt về, riêng Nguyễn Sĩ Viên sau nhiều năm truy tìm vẫn không hề có tung tích, việc truy bắt y đành tạm gác lại.
Từ ngày mở lại chuyên án, được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng PC52 cho rà soát lại nhân thân, các mối quan hệ của Nguyễn Sĩ Viên. Tất cả các manh mối lớn nhỏ đều được xem xét lại một cách cẩn thận; như có thông tin Viên đang lái xe tải chở hàng tuyến TP.HCM đi miền Tây, lực lượng trinh sát đã phối hợp với Công an TP.HCM để xác minh ngay. Việc xác minh không đơn giản, vì ở TP.HCM có hàng ngàn chiếc xe tải, việc truy tìm người lái xe có tên Nguyễn Sĩ Viên lại càng khó hơn, vì các nhà xe có thể thuê bất cứ ai để lái xe, có người lái vài tháng lại đổi chủ, đổi tuyến. Vì vậy việc truy tìm Viên theo hướng này không có kết quả khả quan. Tiếp đó, lại có thông tin Viên đã lấy vợ, có 2 con đang ở tỉnh Đắk Nông. Được sự phối hợp của Công an Đắk Nông, việc rà soát Nguyễn Sĩ Viên (thường trú ở TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) được khẩn trương tiến hành nhưng cũng không mang lại kết quả. Thượng tá Nguyễn Minh Phượng, Trưởng phòng PC52 (Công an Lâm Đồng) cho biết: “Chúng tôi không dừng lại việc truy tìm Viên ở tỉnh Đắk Nông, mà quyết mở rộng địa bàn sang cả các tỉnh Tây nguyên”.
Nguyễn Sĩ Viên tại trại giam Công an Lâm Đồng ngày 2.7.2012 – Ảnh: Lâm Viên
Dấu vết từ giọng nói
Sau khi thâm nhập giới lái xe ở các tỉnh Tây nguyên, một “tia sáng” lóe lên khi có thông tin về một lái xe tên Viên đang chạy xe khách tuyến Gia Lai đi các tỉnh miền Bắc. Các trinh sát phối hợp với Công an tỉnh Gia Lai rà soát các nhà xe có chạy tuyến trên. Tại nhà xe Q.N, có một lái xe tên thường gọi là Viên, nhưng khi kiểm tra hồ sơ thì nhân viên này tên lại là Biên (38 tuổi), quê Quảng Ngãi, hiện có vợ và 2 con sống tại Gia Lai. Trinh sát nhìn tấm hình trong hồ sơ xin việc của Biên thì thấy hoàn toàn khác với Nguyễn Sĩ Viên khi trốn trại và khi bị TAND TX.Bảo Lộc tuyên án.
Video đang HOT
Việc truy tìm tưởng đi vào ngõ cụt. Bất ngờ một trinh sát phát hiện: Biên quê ở Quảng Ngãi nhưng sao lại nói giọng Bắc? Đây là một yếu tố không thể bỏ qua, các trinh sát mang tấm hình của Biên về xã Đại Lào (Bảo Lộc) nhờ công an khu vực nhận dạng. Nhìn tấm hình có bộ ria mép già dặn của Biên, công an khu vực lắc đầu khẳng định “chưa hề gặp người này”. Không nản chí, Phòng PC52 lại nhờ công an khu vực mang tấm hình hỏi những người hàng xóm của Viên. Kết quả là họ cũng đều lắc đầu “không biết”.
Việc nhận dạng qua hình ảnh không có kết quả. Tuy vậy, các trinh sát vẫn tiếp tục theo dõi sát mọi hoạt động của Biên và phát hiện: ở nhà Biên nói dối vợ là cha mẹ đã chết, nhưng khi lái xe xa nhà Biên vẫn thường gọi điện về thăm hỏi cha mẹ ở Bảo Lộc. Sau một thời gian theo sát, qua giọng nói và cách nói chuyện các trinh sát khẳng định: Nguyễn Văn Biên chính là Nguyễn Sĩ Viên.
Tối 27.6, khi được đưa về Công an Gia Lai làm việc, lái xe Biên tỏ ra rất bình tĩnh. Khi các điều tra viên hỏi về nhân thân, Biên xuất trình giấy tờ quê ở Quảng Ngãi, khẳng định không còn cha mẹ, từ năm 2002 lên Gia Lai lập nghiệp. Khi các trinh sát nói đến vụ trốn trại 12 năm trước cùng với 5 tên tội phạm khác, Biên tỏ vẻ ngạc nhiên: “Em không biết, có lẽ các anh nhầm em với ai khác”. Các trinh sát tiếp tục đấu tranh, đưa ra nhiều chứng cứ như giọng nói của Biên khẳng định không phải quê Quảng Ngãi; trong máy di động của Biên bị thu giữ có nhiều cuộc gọi về thăm nhà ở Bảo Lộc. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Nguyễn Sĩ Viên đành cúi đầu nhận tội và chấp nhận tra tay vào còng. Viên cho biết sau khi trốn khỏi trại tạm giam Lâm Đồng, y đón xe ra Lạng Sơn sinh sống 1 năm, sau đó vào Quảng Ngãi làm đủ thứ nghề, năm 2002 lên Gia Lai làm phụ xe…
22 giờ đêm ngày 29.6.2012, Công an Lâm Đồng di lý Nguyễn Sĩ Viên về lại trại giam tỉnh Lâm Đồng để chuẩn bị hồ sơ tiếp tục đưa ra xét xử vụ phá trại giam để trốn trại hơn 12 năm trước.
Theo Thanh Niên
Giải mã những vụ trọng án - Kỳ 10: Từ mẩu đầu lọc thuốc lá
Hung thủ hàng loạt vụ cướp làm chấn động dư luận TP.Đà Nẵng và cả nước những năm 2003 - 2006 được giải mã nhờ những vật chứng mong manh...
Bí ẩn băng cướp xài bình gió đá
Sáng 20.5.2003, TP.Đà Nẵng chấn động với vụ cướp xảy ra tại Ban giải tỏa đền bù TP. Hung thủ sau khi lừa nhân viên bảo vệ uống chai nước ngọt pha thuốc ngủ đã dùng bình gió đá và kiềm cộng lực phá két sắt, cuỗm đi 1,5 tỉ đồng mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. Vụ án chưa được phá thì rạng sáng 16.7.2005, chi nhánh Ngân hàng TMCP Việt Á tại Đà Nẵng bị kẻ gian đột nhập. Sau khi phá cửa chúng đã khống chế, đánh bảo vệ gãy 6 xương sườn và phá két sắt, lấy đi tiền, ngoại tệ trị giá gần 6 tỉ đồng. Táo tợn là trong quá trình phá két sắt ngân hàng vào rạng sáng, khói từ bình gió đá bốc lên khiến người dân khu vực xung quanh tưởng có cháy. Mọi người chạy đến đập cửa báo cho bảo vệ ngân hàng thì nghe tiếng trả lời từ bên trong: "Biết rồi", nên yên tâm ra về mà không hề biết đang có một vụ cướp táo tợn xảy ra.
Hung thủ Hùng Cự - chủ mưu của 3 vụ cướp táo tợn chấn động Đà Nẵng - Ảnh chụp lại từ tư liệu CQĐT
Vào thời điểm đó, số tiền tương đương 7,5 tỉ đồng bị cướp là con số "khủng", khiến người dân bất an và làm đau đầu công an địa phương. Thậm chí, tại cuộc họp HĐND vào cuối năm 2005, đây là đề tài nóng được các đại biểu đưa ra chất vấn về năng lực phá án đối với Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Khi các câu chất vấn còn nóng hổi thì rạng sáng 6.3.2006, một vụ cướp táo tợn với phương thức tương tự tiếp tục xảy ra tại tiệm nữ trang cao cấp Thanh Nhàn lớn nhất nhì Đà Nẵng. Sau khi nhét giẻ và hăm dọa, khống chế chị giúp việc, bọn cướp vơ vét toàn bộ nữ trang gồm kim cương, hột xoàn, đá quý và hơn 10 ký vàng, bạch kim... của tiệm này. Dù hung thủ đã ma mãnh phá hỏng một camera của tiệm nữ trang nhưng vẫn còn một camera khác đang hoạt động. Nhưng hình ảnh thu được không gì khác ngoài một người đàn ông bịt mặt.
Cả ba vụ là câu hỏi hóc búa đối với điều tra viên (ĐTV), bởi các manh mối lần ra hung thủ gần như không có gì. Thời điểm này, đại tá Nguyễn Đình Chính vừa được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng. Vị "tư lệnh khối cảnh sát" này đã quyết định thành lập chuyên án 115C với niềm tin tội phạm sẽ được đưa ra ánh sáng.
Xác định ADN qua đầu lọc điếu thuốc
"Về mặt nghiệp vụ, đây là vụ án quá khó và phức tạp mà anh em ĐTV phải trải qua. Cùng một lúc, chúng tôi phải huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ và toàn bộ kinh nghiệm, kiến thức nghiệp vụ, rà soát từng đối tượng nghi vấn, nghiên cứu tất cả chủng loại tội phạm từ tội phạm kinh tế, cờ bạc đến ma túy, gái mại dâm... để sàng lọc đối tượng. Có những lúc, vụ án tưởng chừng như đi vào ngõ cụt...", đại tá Chính nhớ lại. Đã có hơn 300 đối tượng được đưa vào danh sách đen.
Ít ai biết được, ánh sáng duy nhất để làm cơ sở phá án chỉ dựa trên 3 chi tiết nhỏ nhoi và quá mong manh để lại hiện trường. Đó là dấu vân tay thủ phạm in trên két sắt, một đầu lọc điếu thuốc lá Dunhill ở hiện trường vụ cướp ngân hàng và hình ảnh người đàn ông mang đồng hồ trên tay phải thu được từ camera tiệm nữ trang Thanh Nhàn. Đặc biệt, bằng nghiệp vụ, các ĐTV xác định được ADN đối tượng qua đầu lọc điếu thuốc lá Dunhill mà hung thủ bỏ lại hiện trường...
Qua phân tích, cả 3 vụ cướp đều cùng một thủ đoạn đột nhập mục tiêu, khống chế người và dùng bình gió đá cắt két sắt, các ĐTV xác định hung thủ phải là người có chuyên môn, giỏi về cơ khí. Vậy là một chiến dịch lùng sục tất cả các cửa hàng bán gió đá và thợ cơ khí trên địa bàn Đà Nẵng để lần tìm manh mối được các ĐTV thực hiện ráo riết suốt nhiều tháng liền. Song song đó là sàng lọc để xác minh các đối tượng khả nghi có dấu hiệu bất minh về tài chính. Cuối cùng, Ban chuyên án 115C khoanh vùng và xác định: 3 vụ trộm cướp táo tợn chấn động nói trên đều cùng một hung thủ, và đối tượng này nằm trong giới cờ bạc.
Nhưng làm sao để đưa hắn vào tròng? Vậy là một chuyên án khác về cờ bạc lại tiếp tục được lập nên để làm cầu nối cho chuyên án 115C!
Ngày 12.4.2006, một sòng bạc lớn trên đường Nguyễn Tất Thành có 10 người đang sát phạt nhau đã bị Phòng CSĐT tội phạm về TTXH bắt giữ, trong đó có cả nghi can gây ra 3 vụ trên.
Lật mặt
Qua đối chứng dấu vân tay cùng ADN, đúng như phán đoán của ban chuyên án, hung thủ lộ diện và đang nằm trong "rọ". Trong khi đó lúc bị bắt giam vì tội đánh bạc, hung thủ cứ nhởn nhơ và yên tâm rằng hành vi phạm tội của mình vẫn không bị phát hiện, riêng tội đánh bạc nếu có bị truy cứu hình sự thì chỉ thời gian ngắn là ra tù. Chính vì vậy khi các chứng cứ phạm tội đã được củng cố chắc chắn, các ĐTV lật bài ngửa và đấu tranh khai thác, hung thủ đã khá bất ngờ. Trước các chứng cứ thuyết phục được đưa ra, biết không thể chối cãi, Nguyễn Văn Hùng (55 tuổi, còn gọi là Hùng Cự, ngụ P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã khai nhận thực hiện các vụ cướp, nhưng tuyệt nhiên không chịu khai đồng bọn. Vậy là phải mất thêm 2 tháng tiếp tục đấu tranh, vụ án mới được đưa ra ánh sáng hoàn toàn.
Hùng khai ra đồng bọn gồm Nguyễn Thị Đá (vợ Hùng), Nguyễn Thị Xoa (em gái Hùng, ngụ P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê) nơi Hùng gửi 2 hòm vàng, Nguyễn Đăng Thanh (còn gọi là Thanh Cu Búa, con riêng của vợ và là đồng phạm trực tiếp thực hiện các vụ cướp), Nguyễn Đình Nhã (tổ 47, P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê) là nơi Hùng giấu các phương tiện để phá két sắt.
Cơ quan chức năng đã thu giữ số lượng lớn tiền mặt và nhiều tài sản đắt tiền mà Hùng sử dụng tiền cướp được để mua sắm; đặc biệt là toàn bộ kim cương, hột xoàn và hơn 10 ký vàng, bạch kim... cướp ở tiệm vàng Thanh Nhàn, Hùng mang lên chôn trên vùng núi ven thành phố. Tất cả các dụng cụ gây án sau đó đều được Hùng và đồng bọn tiêu hủy hoặc vứt xuống sông Hàn để phi tang...
Theo Thanh Niên
Giải mã những vụ trọng án - Kỳ 9: Bộ xương người dưới đáy sông Một bộ xương nằm sâu dưới đáy sông được tình cờ tìm thấy. Từ đây, cơ quan công an đã lần ra vụ án giết người, cướp của man rợ xảy ra 3 năm trước đó. Nguyễn Tiến Bắc, Phạm Văn Mão và Thìn (từ trái qua) - Ảnh: Thái Uyên Khoảng 11 giờ 30 ngày 4.5.2010, ba công nhân của Công ty...