Giải mã những vụ chiếm đoạt tiền tỷ chỉ bằng vài cú điện thoại
Từ cuộc gọi thông báo nợ cước điện thoại, nhóm đối tượng lừa đảo đã tự xưng là công an rồi “diễn kịch” như đang thẩm vấn tội phạm khiến nhiều nạn nhân hoảng hốt, sập bẫy chiêu lừa này để rồi bị chiếm đoạt mất hàng chục tỷ đồng.
Cuối tháng 3/2014, bà N.T.H. (53 tuổi, ngụ quận 1) bất ngờ nhận được cuộc gọi vào số máy bàn, thông báo: “Thuê bao quý khách đang nợ tiền cước 8,93 triệu đồng, để biết thêm thông tin bấm phím 0, khiếu nại bấm phím 9″. Theo chỉ dẫn của cuộc gọi, bà H. bấm phím 0 thì được đầu dây bên kia nhận là nhân viên của VNPT, đồng thời hỏi về thông tin cá nhân như họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà…
“Sau khi hỏi hết thông tin cá nhân của tôi, họ nói là thuê bao của tôi nợ cướp gần 9 triệu đồng, có phát sinh cuộc gọi ra nước ngoài. Khi tôi thắc mắc mình mới đóng cước điện thoại xong và không gọi điện ra nước ngoài thì đầu dây bên kia khẳng định tên tôi được đăng ký một số điện thoại ngoài Hà Nội và cước của cuộc gọi này đang nợ 8,93 triệu đồng” – Bà H. Nhớ lại.
Chỉ bằng những cuộc điện thoại và “kịch bản” dựng sẵn, các đối tượng lừa đảo đã dễ dàng chiếm đoạt được hàng chục tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)
Cũng theo bà H. người này đề nghị bà giữ máy để họ chuyển qua số tổng đài công an Hà Nội. Sau vài tiếng chuông chờ, bà H. gặp một người đàn ông xưng trực ban công an Hà Nội. Người này thông báo bà H. không chỉ nợ tiền cước điện thoại mà còn liên quan đến đường dây rửa tiền và công an Hà Nội đang lập chuyên án, đã bắt giữ được nhiều đối tượng trong đường dây này. Khi nói chuyện qua điện thoại, và H. còn nghe được tiếng còi hú, tiếng báo cáo như trong trụ sở công an.
Ngay sau đó, bọn chúng yêu cầu bà H. cung cấp số tài khoản, số dư tài khoản tại các ngân hàng và buộc bà H. phải nộp 200 triệu đồng cho cơ quan điều tra để xác minh nguồn gốc số tiền, sau hai giờ đồng hồ nếu xác minh xong không có gì bất thường, không liên quan đến bọn tội phạm rửa tiền thì sẽ trả lại bà H. 200 triệu đồng này. Đồng thời, nhóm lừa đảo yêu cầu bà phải giao số tiền này cho “một cán bộ viện kiểm sát”. Một lát sau, có người đến nhà cho bà H. xem thẻ tên Nguyễn Văn Minh, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM. Đối tượng này nhận tiền rồi lên taxi đi mất.
Trước đó, vào sáng 28/3, bà Lê Thị T.N. (55 tuổi, ngụ quận 10) nhận được điện thoại từ một đối tượng tự xưng là Trung úy Nguyễn Hoàng Nam, công tác tại Công an TP Hà Nội, thông báo bà N. đang nợ tiền cước điện thoại, hiện Công ty điện thoại đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra. Nếu bà N. không muốn bị điều tra thì chuyền tiền vào tài khoản tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) do Lê Thị Mỹ Hồng đứng tên.
Cũng với chiêu thức tương tự, 8h sáng 29/3, chị Huỳnh Ngọc M.L (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng nhận được điện thoại tự xưng là nhân viên Công ty VNPT, thông báo nợ cước điện thoại 8 triệu đồng và cho biết, hiện đang bị Bộ Công an xác minh vì có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Nghe thông tin này chị L. hoảng hốt giải thích rằng mình không liên quan gì. Đối tượng ở đầu dây bên kia liền yêu cầu chị L. chuyển 250 triệu đồng vào tài khoản mang tên Trịnh Thành Trung tại ngân hàng Teccombank để xác minh, làm rõ. Đến khi phát hiện nhiều điểm nghi vấn và biết mình bị lừa, cả hai nạn nhân trên đã đến cơ quan công an trình báo.
Cảnh giác với những cuộc điện thoại “lạ”
Một đối tượng người Đài Loan trong đường dây sử dụng công nghệ cao, điện thoại đi lừa đảo bị công an TP.HCM bắt giữ
Theo thống kê, đầu tháng 8/2013 đến nay, các băng nhóm lừa đảo đã giăng bẫy hàng trăm người, chủ yếu ở TP.HCM, chiếm đoạt khoảng 20 tỷ đồng. Dù cơ quan điều tra đã vào cuộc, bắt giữ 42 đối tượng thuộc nhiều băng nhóm, trong đó có 10 đối tượng là người Đài Loan, phong toả 400 tài khoản ngân hàng và đã thu hồi hơn 5 tỷ đồng nhưng vẫn có nhiều người mắc phải chiêu lừa “nợ cước điện thoại” và “hợp tác điều tra”.
Trước thực trạng này, Ban giám đốc Công an TP.HCM đã có văn bản gửi trưởng công an 24 quận, huyện yêu cầu chỉ đạo trưởng công an phường, lực lượng cảnh sát khu vực, lực lượng xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ dân phố tổ chức họp tổ dân phố, phát tài liệu để tuyên truyền đến từng hộ dân và chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại trú đóng trên địa bàn tăng cường cảnh giác với các cuộc gọi lừa đảo. Đồng thời, khuyến cáo các ngân hàng thông báo đến toàn thể nhân viên giao dịch lưu ý nhắc nhở khách hàng khi rút, chuyển tiền từ tài khoản hoặc nộp tiền vào tài khoản của người lạ không rõ ràng.
Video đang HOT
Người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thông tin về nhân thân, lai lịch cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; đồng thời không mua bán, cho mượn giấy CMND, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng cũng như không chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản của cá nhân, tổ chức nào.
Trong trường hợp nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động lừa đảo, hoặc nếu đã bàn giao tài khoản của mình cho người khác sử dụng thì người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để ngăn chặn hoặc truy bắt kịp thời.
Theo Dantri
Bí mật thế giới máu lạnh cá độ bóng đá Sài Thành
Các tay đầu nậu cá độ trương nước bám theo các công ty nước ngoài tạo ra một thị trường đen sát phạt, lừa đảo trắng trợn.
Trong vai một tín đồ đỏ đen của làng túc cầu, chúng tôi liên lạc với Tư "đại" (ngụ Lạc Long Quân, quận 11, TP HCM), một tay có thâm niên làm "cò" bắt độ trong giới sinh viên. Khi được ngỏ ý muốn bắt trận lượt về trong khuôn khổ giải Cup C1 sắp tới, Tư "đại" cười khẩy xua tay nói không còn làm cái chuyện vừa nguy hiểm vừa không chắc ăn như vậy nữa. "Muốn chắc ăn, chơi lớn thì tạo tài khoản chơi qua mạng", Tư "đại" nói.
Các trang web cá độ bóng đá bằng tiếng Việt nhan nhản trên mạng
Khi nhà cái biến ảo thành thật
Theo lý giải của Tư "đại" thì hình thức cá độ thể thao qua mạng ra đời muộn nhưng dần khẳng định được vị trí và đang chiếm giữ một thị phần "chui" đáng kể so với cá độ truyền thống.
Phát triển từ năm 2002, khi Internet gần như được phổ cập, hình thức cá độ bóng đá qua mạng tuy không thật sự mới mẻ nhưng vẫn đang là "ung nhọt" nguy hiểm và đặc biệt khó xử lý trong một sớm một chiều.
Để hướng dẫn "thằng đàn em có máu nhưng mới vào nghề", Tư "đại" lôi laptop ra và lướt qua vài ba trang web.
"Ở đấy có đủ mọi hình thức hái ra tiền nếu có máu cá cược", Tư "đại" quả quyết. Tuy nhiên, khách của Tư "đại" vẫn là tín đồ của môn thể thao vua. Qua giới thiệu, chúng tôi có dịp tiếp xúc với Nguyễn Lê Long, nhân viên lập trình mạng đang làm quản trị mạng cho một trang web tại Gò Vấp.
Vốn là một tay "thầu bóng" cho giới cá cược, Long cho biết: "Muốn bắt độ qua mạng cũng hết sức đơn giản, cứ lên mạng mà tìm hiểu. Hiện có rất nhiều các trang mạng cho phép các tay máu mê cá độ thỏa sức như m88..., 188 bet..., 12 bet..., là những trang "đáng tin".
Người chơi chỉ việc lên mạng tìm cho mình một trang mạng ưng ý và đăng ký để trở thành thành viên. Sau khi đã trở thành thành viên và có tài khoản, trang web sẽ cập nhật thông tin, hướng dẫn cách tham gia cá cược đầy đủ các giải bóng đá trên thế giới từ giải châu Á, Âu đến châu Phi, các giải hạng 2, hạng 3...".
Đi sâu tìm hiểu hình thức này chúng tôi được biết: các trang mạng cho phép cá cược có các mạng tổng là người nắm giữ username, password (tên truy cập, mật khẩu truy cập) của trang web cá độ bóng đá với số tiền lớn.
Để có thể nắm giữ trang web này, người này phải tạo được uy tín cao đối với các tay cá cược trong và ngoài nước. Sau khi nắm trong tay dữ liệu, số tài khoản chuyển tiền chung độ, mạng tổng (tương tự nhà cái) sẽ lập ra các chi nhánh dạng chân rết để phân nhỏ thành các "mạng con" với số tiền trong tài khoản tương ứng, phù hợp với nhu cầu đánh cược của khách.
Các trang web như vậy sẽ liên tục cập nhật thông tin các trận đấu cũng như ra "kèo" cho các trận đấu bóng ở tất cả các mùa giải. Để thêm thuyết phục và chuyên nghiệp, tạo được lòng tin đối với tín đồ của mình, các trang mạng còn có những bài viết bình luận, phân tích về các trận đấu trước khi ra kèo.
Những ưu điểm được cho là vượt trội như vậy khiến hình thức này lan nhanh và tỏa rộng trong giới cá độ túc cầu.
Xác nhận nhận định trên, Long khẳng định: "Các tay máu me cá độ bóng đá ở nước ta hiện nay đa phần chuyển từ hình thức cá cược truyền thống qua hình thức hiện đại này. Các tay nhà cái thường cầm cái cho những tay mê cá độ cũng chỉ là một chi nhánh của mạng tổng như đã nói ở trên.
Chia sẻ về việc cá độ qua mạng đang dần chiếm hầu hết thị phần của hình thức cá độ truyền thống, Long cho biết:
"Đa phần những tay cá độ thường ra quán xem bóng đá và họ làm độ luôn ở đấy qua máy tính xách tay. Thường những tay chơi chuyên nghiệp như vậy đều đăng ký tài khoản trên các trang mạng cá độ với những nhà cái uy tín".
Ảnh minh họa
Cá cược nước ngoài âm thầm xâm nhập
Nắm bắt nhu cầu cá cược ngày càng gia tăng của người hâm mộ trái bóng tròn ở Việt Nam, nhiều nhà cái quốc tế lao vào thị trường màu mỡ này.
Bắt đầu, nhà cái nước ngoài dùng những "chân rết" nhỏ thâm nhập vào Việt Nam. Để khai thác triệt để, nhà cái nước ngoài không ngừng đa dạng và cập nhật các giải thi đấu trong và ngoài nước vào cá cược. Các giải đấu hạng nhất, hạng nhì của Việt Nam cũng được đưa vào danh sách giải đấu cá cược.
Cùng với việc dễ dàng tham gia cá cược một cách trực tiếp vì không cần phải thông qua liên lạc trên điện thoại, có thể bắt độ bằng một cú click chuột trên máy vi tính nên hình thức này ngày càng được ưa chuộng.
Theo như nhận định của những tay cá độ chuyên và không chuyên thì hình thức này khá an toàn và tiện lợi. Việc "soi kèo", nghiên cứu tỉ lệ thắng thua, tỉ lệ giữa các kèo của mỗi trận đấu đều được cập nhật trên các trang mạng do đó cá độ trong bóng đá vốn đã là một tệ nạn nhức nhối nay càng nhức nhối và khó kiểm soát.
Nguy hiểm hơn, vì sự cơ động, dễ chơi, khó bị phát hiện và có tính chuyên nghiệp nên hình thức cá cược này hấp dẫn và lôi kéo nhiều thành phần người dân rơi vào vòng xoáy của máu đỏ đen.
Theo ghi nhận của PV, các tín đồ của môn thể thao vua đều công nhận biết đến loại hình cá cược này. Nhiều trong số họ cũng mạnh dạn công nhận mình đã từng tham gia "đánh bóng" trên mạng thậm chí còn làm nhiệm vụ "đánh giúp nhiều người khác để xem cho hứng".
Vì thế, dân chơi cá độ "chuyên nghiệp" tìm đến loại hình cá cược qua mạng internet để an toàn và thoải mái hơn. Điều đáng lo ngại là hiện nay, khi hình thức cá cược trên chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ thì đối tượng tham gia của nó không còn giới hạn là những tay chơi thứ thiệt nữa mà lôi cả những thành phần khác vào thú vui tưởng chừng vô hại nhưng vô cùng nguy hiểm này.
Dạo quanh một vòng các quán cà phê có chiếu bóng đá trên đường Lê Văn Sỹ, Nguyễn Kiệm, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật... vào giờ bóng lăn có thể nhận thấy nhiều thành phần tham gia cá cược dưới hình thức qua mạng này. Theo tin từ Tư "đại" thì hiện nay, "giới chịu chơi và chơi dày nhất là tụi sinh viên thậm chí là mấy đứa học trò cấp 3".
Đáng lo ngại hơn, theo ghi nhận từ nhiều nguồn thông tin đã được đăng tải, việc phát hiện và xử lý hình thức cá cược trên còn gặp rất nhiều khó khăn. Việc phân cấp từ mạng tổng thành các mạng chân rết nhỏ hơn giúp người vi phạm có khả năng trốn tránh sự phát hiện của cơ quan pháp luật.
Nếu có bị phát hiện, thông thường chỉ có "cá nhỏ" sa lưới, còn "cá to" như người tổ chức mạng cá độ, cơ quan chức năng khó mà lần ra. Do đó, có thể nói, với sự phát triển không ngừng cùng khả năng dễ len lỏi, dễ lan rộng loại hình cá cược trên đã và đang nhanh chóng biến tướng thành một tệ nạn xã hội đáng báo động.
Nếu hợp thức hóa phải quản chặt
Theo Luật sư Nông Minh Đức, Giám đốc Công ty luật Tùng Dương: " Tôi được biết hiện các cơ quan chức năng đang bàn đến đề án hợp thức và quản lý cá độ thể thao. Cá nhân tôi cũng đồng tình với đề xuất này nhưng phải kiểm soát chặt nếu không hệ lụy rất khó lượng.
Bóng đá là một môn thể thao và khoản thu này có được từ hoạt động thể thao vì thế sẽ là có ý nghĩa khi hàng năm nên trích lại một khoản thu để đầu tư cho các hoạt động thể thao vốn hiện nay đều do ngân sách nhà nước cấp. Vấn đề đặt ra là các cơ quan hữu quan cần xây dựng mô hình cá độ, phương pháp quản lý và các quy định cụ thể để điều tiết hoạt động này sao cho hiệu quả".
Những chiêu lừa trắng trợn
Tư "đại" cho biết trên mạng hiện có nhiều trang web lừa đảo nhắm vào những người mới tập tành cá độ. "Có nhiều trang không trả tiền khi người chơi thắng, thậm chí khi nhận được tiền của khách rót vào tài khoản, trang web đó bốc hơi luôn".
Một trong những cú lừa mà dân cá qua mạng từng nếm là vụ quỵt tiền nổi tiếng của nhà cái Pointbet. Được biết, sau khi nhận tiền vào tài khoản, trang web trên thông báo đóng cửa và các tín đồ đều phải ôm hận. Đó là chưa kể, có nhiều trang còn thuê cả tin tặc tấn công vào tài khoản để rút tiền của khách. Một tay chơi sừng sỏ và có thâm niên như Long cũng đau đớn thú nhận rằng từng bán tất cả những gì có thể bán kể cả chiếc nhẫn cưới của mẹ để lại để có tiền gỡ vốn.
Theo Người đưa tin
Xóa sổ đường dây mua bán gần 2kg ma túy tổng hợp Thương ta Nguyên Văn Hoa - Trương Phong CSĐTTPVMT CATP Đa Năng cho biêt, sau gân 8 thang tiên hanh điêu tra, xac minh, đên đâu thang 4-2014, đơn vi đa hoan tât hô sơ va chuyên toan bô nôi dung vu an sang VKSND TP đê nghi truy tô Huynh Văn Minh (1966, tru thôn Phuc Tư Đông, xa Đai Trach, H....