Giải mã những ngôi mộ cổ tương truyền có vàng ở Bến Tre
Mới đây, ở huyện Chợ Lách, Bến Tre, các ngành chức năng đã khai quật một ngôi mộ cổ nằm ở khu phố 2. Qua đó, phần nào giải đáp những thắc mắc, đồn đoán của người dân về những bí ẩn của ngôi mộ có cấu trúc chưa bao giờ thấy ở Việt Nam.
Hằng chục năm qua, nhiều người dân ở huyện Chợ Lách đặt câu hỏi không biết tại sao lại có nhiều ngôi mộ cổ nằm rải rác ở các địa phương và không ai biết nó có tự bao giờ, chủ ngôi mộ là ai. Nhìn bên trên khu mộ, phần lớn là có trụ cổng hình búp sen hay ngọn đuốc, bên cạnh mộ lớn có mộ nhỏ, cách trang trí kiểu người xưa…
Bí ẩn xoay quanh những ngôi mộ cổ
Bà Trương Thị Thi, ấp Long Vinh (xã Long Thới, huyện Chợ Lách) có nhà nằm sát ngôi mộ cổ được cho là lớn nhất ở huyện Chợ Lách cho biết: “Có thể đây là ngôi mộ của những người trong dòng tộc vua chúa vì xung quanh ngôi mộ cổ lớn này có 4 ngôi mộ nhỏ dùng để chôn theo 4 nô tỳ. Nghe đâu những nô tỳ này sẽ đi theo phục vụ chủ ở ngôi mộ chính giữa”.
Nhiều người dân hiếu kỳ đặt câu hỏi liệu có vàng chôn theo trong những ngôi mộ cổ xưa này không. Bởi cách bố trí, kiểu dáng mộ rất giống những ngôi mộ cổ dùng để chôn những bậc vua chúa, những người có công lớn với đất nước được sủng ái trong thời đại lúc bấy giờ. Hơn nữa, tương truyền rằng, các tầng lớp quý tộc thời xưa thường chọn nơi có gò đất cát phù sa được bồi đắp như ở huyện Chợ Lách để làm nghĩa trang gia đình.
“Nó rất cũ và có từ rất lâu đời, kể cả đời ông bà tôi cũng chưa biết là mộ của ai. Những ngôi mộ mà tôi biết đều có chữ trên bia nhưng mờ lắm không thể nào hình dung ra được chữ gì. Thế nhưng, tôi có nghe nhiều người lớn tuổi nói có thể là chữ Hán. Chúng tôi còn đặt nghi vấn dưới ngôi mộ có thể sẽ có vàng vì người xưa thường chôn vàng theo người chết mà” – ông Trần Vinh Sa, một người dân ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách kể.
Khách tham quan mô hình phục dựng ngôi mộ cổ được khai quật tại thị trấn Chợ Lách (Ảnh: Huỳnh Xây)
Bà Lê Hải Vân, ngụ ở thị trấn Chợ Lách nói: “Có thời gian, vào ban đêm, một số người lén lút đến đào bới lên tìm. Tuy nhiên, do là mộ cổ, phía dưới nền đất được xây dựng bằng các loại đá, gạch rất vững chắc nên đành bỏ cuộc, về tay không”.
Ông Ngô Văn Trang – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Chợ Lách nói: “Để giải phóng mặt bằng xây dựng Trung tâm thương mại huyện Chợ Lách, UBND huyện này đã đề xuất Trường Đại học Khoa học xã hội – nhân văn TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre tiến hành khai quật ngôi mộ cổ duy nhất nằm tại khu phố 2, thị trấn Chợ Lách. Đúng như những lời người dân kể, trong lúc khai quật, người ta phát hiện các dấu vết tác động của việc đào bới trước đó nhiều năm. Có thể do người dân hiếu kỳ, tìm kiếm gì đó trong mộ nhưng không thành công do kết cấu vật thể bên dưới rất lớn, nặng”.
Theo người dân địa phương, ban đầu, lực lượng khai quật sử dụng 3 xe cẩu với tải trọng 5 tấn/xe để di chuyển phần kết cấu bên trên ra khỏi vị trí ban đầu để xử lý đến phần kim tĩnh nhưng không cẩu lên được. Sau đó phải huy động thêm chiếc xe cẩu 20 tấn phối hợp mới thành công.
Những phát hiện độc đáo chưa từng có ở Việt Nam
Video đang HOT
Theo báo cáo sơ bộ của lực lượng khai quật, ngôi mộ được khai quật không phải là một mộ duy nhất mà là có đến 2 mộ nằm trong cùng một quần thể. Trong đó, có một mộ lớn và một mộ nhỏ (bị đất lấp gần như toàn bộ) nằm vuông góc vào thân bên trái của mộ lớn. Sở dĩ phải sử dụng phương tiện máy móc để đem phần vật chất cứng phía trên kim tĩnh lên là vì nó được tạo từ các hợp chất (nhiều chất hợp lại như vôi tôi, san hô, than hoạt tính, cát pha, đất sét,…) rất nặng, cứng rắn.
Còn nhiều ngôi mộ cổ có quy mô lớn hơn ngôi mộ đã được khai quật (Ảnh: Huỳnh Xây)
Phần hợp chất trên không chỉ có ở ngôi mộ lớn mà có cả ở ngôi mộ nhỏ, phần dưới của 2 mộ là gạch và đá ong dùng để đỡ cho kiến trúc bên trên. Riêng mộ lớn có cặp nhà bia hướng Nam được chôn rất sâu, huyệt mộ là huyệt đất, không xây thành kim tĩnh, không có quách gỗ và di cốt người chỉ còn một mảnh sọ người trưởng thành. Còn mộ nhỏ nằm kế cạnh mộ lớn, có hình thức mai táng hiếm gặp, được đắp đậy bằng nấm mồ hợp chất vững chắc, huyệt đất không sâu, có chiếc quan tài còn nguyên hình hài. Có thể đoán đây là di cốt trẻ em khoảng 3 tuổi và có khả năng là nam. Bên cạnh đó, lực lượng khai quật còn tìm thấy ở mộ nhỏ nút áo được làm bằng đồng thau, bi đồng (chưa rõ công dụng), xơ dừa và các tàn tích thực vật khác nằm trong quan tài.
“Nghe kể, có lần ông bà tôi thấy có tia lửa dài phát sáng trong đêm rồi nhanh chóng biến mất. Sau đó, ông bà của tôi có làm cơm cúng. Về sau này không thấy nên không cúng nữa. Sống gần ngôi mộ quen rồi, chứ nhiều người ở xa đến thấy rất ớn lạnh bởi cảnh vật khu vực này trông rất ảm đạm, vắng vẻ, nhất là lúc mưa gió” – Bà Trương Thị Thi (ấp Long Vinh xã Long Thới, huyện Chợ Lách)
Lực lượng khai quật phân tích, mộ lớn được chôn sâu và bị ngập nước trong thời gian quá lâu nên nhiều thứ đã bị hủy hoại gần hết. Thế nhưng, ngoài vết tích còn sót lại là mảnh sọ người trưởng thành còn có không ít tàn tích khác rất thú vị, lần đầu tiên được biết ở Việt Nam như xơ dừa, 1 vỏ trái dừa nước, 1 khúc vỏ cây bần cổ thụ, 4 cọng lá cây ráng…
Còn trong khối hợp chất cứng rắn phía trên còn có thêm một mẫu lá thực vật giống lá cây bời lời hay ô dước (2 loại cây này đều nằm trong Sách đỏ Việt Nam). Hiện các mẫu thực vật này đang được nhóm khai quật tham thảo ý kiến của các nhà nghiên cứu thực vật học và dược liệu cổ truyền Việt Nam để “giải mã” những bí ẩn về công dụng cũng như kỹ thuật tẩm liệm của tiền nhân vùng Nam Bộ.
Theo thống kê đến năm 2014, mộ hợp chất phần lớn có ở vùng đất Nam Bộ, qua vài chục mộ hợp chất đã khai quật, lần đầu tiên ở Nam Bộ và cả ở Việt Nam chỉ ghi nhận được loại hình lăng tẩm có nhà mồ hợp chất lại chỉ có huyệt đất và đào sâu tới 275 cm (mộ lớn) ở huyện Chợ Lách.
Đây cũng là lần đầu tiên đoàn khai quật được biết có dạng nhà mồ được thiết kế dành riêng cho trẻ em cỡ nhỏ nhất. Vì vậy, đoàn khai quật rất hoài nghi về thân phận “cụ trẻ” đương thời là “quý tử” vì chết yểu nên được ưu ái nằm bên cha mẹ. Tuy nhiên, điểm độc đáo và mới lạ nhất ở đây là ở Việt Nam, trường hợp người chết trẻ được ưu ái như trường hợp mộ cổ ở huyện Chợ Lách chỉ thấy trong quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia Bình San (Hà Tiên – Kiên Giang) với sự hiện diện mộ hợp chất của Tiểu thư Mạc Mi Cô – người con gái còn rất nhỏ tuổi của Đô đốc Tổng trấn Mạc Thiên Tứ và chánh thất Hiếu Túc Nguyễn. Thế nhưng, mộ Mạc Mi Cô nằm rất xa mộ của cha mẹ.
Mộ cổ được khai quật ở Chợ Lách có cấu trúc nhà bia gắn với nhà mồ kiến tạo mang đặc trưng chung kiến trúc dạng lăng quý tộc Nam Bộ. Tuy nhiên, kiểu thiết kế lăng kiểu nhà Việt truyền thống này chỉ phổ biến ở miệt cao Sài Gòn, Biên Hòa, hiếm thấy ở Tây Nam Bộ.
Đến nay, ngoài mộ được khai quật ở Chợ Lách chỉ thấy ở lăng Thoại Ngọc Hầu và chánh thất Châu Thị Tế ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang).
Thế nhưng, lăng ở Chợ Lách có quy mô lớn hơn. Dù bia ẩn tên và vết tích còn ít nhưng với những phát hiện trên, các chuyên gia khảo cổ học đoán định chủ ngôi mộ là giới quý tộc triều Nguyễn được triều đình cho phép chôn theo hình thức trên. Tầm cỡ ngôi mộ chỉ có thể gắn với các nhân vật lịch sử có tài lực và danh tiếng, ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử hình thành vùng đất Bến Tre.
Theo Huỳnh Văn (Dòng Đời)
Ba dòng họ tranh nhau xác ướp trong mộ cổ ở HN
Hương thơm từ cỗ quan tài cổ phát ra khiến người dân huyện Quốc Oai (TP.Hà Nội) cảm thấy ngỡ ngàng. Sự việc càng trở nên kỳ bí hơn khi 3 dòng họ tìm đến khu thi công trưng ra bằng chứng khăng khăng khẳng định đó là một ngôi mộ cổ thuộc tổ nhà mình.
Ba dòng họ "tranh giành" mộ cổ
Để tìm hiểu danh tính xác ướp trong ngôi mộ niên đại 300 năm kia là ai, PV báo ĐS&PL đã về lại thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội). Sau khi đọc xong cuốn gia phả của dòng họ Doãn, danh tính thực của người phụ nữ trong ngôi mộ dần dần lộ diện.
Khi khai quật mộ, hàng ngàn người hiếu kỳ đến xem.
Đã hơn một tuần kể từ khi xác ướp niên đại 300 năm được phát hiện, người dân huyện Quốc Oai vẫn còn xôn xao bàn tán. Bởi vì, chưa bao giờ người dân nơi đây được tận mắt chứng kiến một ngôi mộ an táng công phu và mang nhiều bí ẩn đến vậy. Nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hòa Thịnh (đại diện người cao niên thôn Phú Mỹ) bảo: "Sau khi phát hiện ra ngôi mộ này, người dân từ các huyện khác cũng kéo về rất đông. Người ta còn mang lễ đến mộ cầu cúng. Thậm chí, khi các nhà khoa học mở nắp quan tài, hàng trăm người quỳ xuống vái lạy. Họ bảo rằng, đây là ngôi mộ của một bà chúa từ thời xưa nên rất thiêng. Bên cạnh đó, cũng không ít người nói rằng, trong quan tài đựng thi thể của công chúa thời vua Lê... Nhiều thông tin được đồn đại, chúng tôi chẳng biết đâu là thực, đâu là hư nữa".
Theo lời kể của ông Thịnh, hiện nay, ở xã Ngọc Mỹ đang có chương trình dồn điền đổi thửa. Chính vì thế, mấy ngày qua, các gia đình di dời mộ rất nhiều. Ngày 7/12, trong lúc làm đường, đội máy xúc đã phát hiện ra ba ngôi mộ không nấm ở cánh đồng Chằm. Trong đó, có một ngôi dài khoảng gần 2m, chiều ngang 75cm. Thấy lạ, những công nhân này dừng ngay công việc đào bới và báo cáo lên chính quyền địa phương. Ông Thịnh bảo: "Đến bây giờ, trong những dòng họ nhận ngôi mộ đựng xác ướp đó là mộ tổ nhà mình thì họ Doãn đưa được ra nhiều thông tin xác thực hơn cả. Chính vì thế, sau khi khai quật, dòng họ này đã đem quan tài và xác ướp kia đi chôn ở một nơi khác".
Để tìm hiểu về xác ướp 300 năm tuổi, chúng tôi tìm đến nhà ông Doãn Mạnh Hà, Trưởng họ Doãn ở Phú Mỹ. Mấy ngày qua, ông Hà lúc nào cũng "bận tối mắt tối mũi" vì phải tiếp khách từ xa về hỏi thăm. Lúc chúng tôi đến, ông Trưởng họ đang lôi quyển gia phả ra giới thiệu cho những người dân từ nơi khác đến hỏi chuyện. Nói chuyện với PV, ông Hà tâm sự: "Trước đây tôi cũng có nghe các cụ nói rằng, khu vực đó có chôn cất ba ngôi mộ của dòng họ Doãn. Tuy nhiên, do đã quá lâu, ba ngôi mộ này mất nấm nên con cháu không thể tìm thấy. Hôm đội làm đường thi công ở đó, tôi có đi qua và nói với mấy cậu công nhân rằng, các cậu làm ở đây để ý cho tôi. Dòng họ Doãn có ba ngôi mộ tổ ở đây đấy. Đúng như lời tôi nói, đến tối, thông tin tìm được mộ cổ đã được loan báo về làng".
Nhận được tin của đội công nhân, ông Hà đã chạy ngay sang nhà cụ Doãn Thị Chuyền (94 tuổi) và cụ Đỗ Thị Chùm để hỏi về ngôi mộ tổ. Cả hai bậc cao niên này đều khẳng định, tại khu ruộng đó có ba ngôi mộ, hai dài, một ngắn đúng như miêu tả của các công nhân làm đường. Sau đó, họ Doãn đã họp lại và quyết định phải mang lều, bạt ra đồng để trông nom mộ cổ.
Khi dòng họ Doãn ra đến nơi, thì ngôi mộ đã được nhấc lên mặt đất và tỏa mùi thơm ngát. Lúc này, dòng họ Đặng Trần cũng có mặt và nhận là mộ tổ của họ mình. Hôm sau, dòng họ Nguyễn ở xã láng giềng Đồng Quang (huyện Quốc Oai) cũng ra cánh đồng Chằm và khăng khăng đó là mộ tổ của dòng họ mình. Thậm chí, các họ còn thi nhau làm đơn lên UBND xã Ngọc Mỹ để cam kết đó là sự thực. Tuy nhiên, con cháu họ Doãn vẫn căng lều, dựng bạt quyết bảo vệ mộ tổ đến cùng.
Ông Doãn Mạnh Hà trao đổi với PV báo ĐS&PL.
Đi tìm "thân thế và sự nghiệp" của xác ướp 300 năm
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, ngày 10/12, đoàn khảo cổ do PGS.TS Nguyễn Lân Cường chủ trì đã có mặt tại cánh đồng Chằm thực hiện việc mở nắp quan tài. Hàng trăm người dân hiếu kỳ đã tụ tập về đây chứng kiến việc mở nắp quan tài. Sau các thủ tục tâm linh, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã phải nhờ đến lực lượng bảo vệ dùng xà beng lớn cạy lớp bảo vệ bên ngoài của quan tài, đây được gọi là lớp quách.
Lớp quách bên ngoài được làm bằng gạo trộn với vữa và mật, sau khi làm xong quách thì đặt quan tài vào, rồi trát bồi cho kín hết các kẽ, nếu muốn phá quan tài phải phá lớp quách bên ngoài trước, mới mở được nắp bên trong. Hơn nửa giờ đồng hồ, việc tháo bỏ những tấm gỗ bên ngoài hoàn thành, nắp tấm ván được mở ra trong sự ngỡ ngàng của chính các chuyên gia và người dân Ngọc Mỹ.
Lật hết các lớp vải cuốn xác, bên trong là một thi thể phụ nữ còn nguyên vẹn, tóc và xương vẫn đúng vị trí, răng được nhuộm đen, và có một răng bị gãy, đặc biệt trong quan tài không có dung dịch lỏng và không có vàng bạc, đá quý chôn kèm theo người như người dân đồn đoán về những ngôi mộ cổ của vua chúa hoặc nhà giàu trước đây. Theo nhận định của các chuyên gia, ngôi mộ này có từ đời Hậu Lê, khoảng thế kỷ XVII.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, trong số các dòng họ đưa ra bằng chứng để chứng minh đó là mộ tổ của mình thì thông tin từ dòng họ Doãn là xác thực và gần đúng nhất. Điều này thể hiện trong cuốn gia phả của ông Doãn Mạnh Hà. Xác ướp trong mộ được nhận định cao khoảng 1m65, được mặc khoảng 10 cái áo, trong miệng ngậm đồng tiền rỉ nên các chuyên gia không nhìn thấy chữ viết trên đồng tiền. Bên cạnh đó, trong mộ còn có một cuốn kinh Phật cũng có niên đại bằng xác ướp.
Khi chúng tôi đề nghị ông Hà cho xem cuốn gia phả của dòng họ Doãn, ông Hà vui vẻ nhận lời. Trước mắt PV là cuốn gia phả dày cả trăm trang giấy màu nâu đỏ có niên đại cả mấy trăm năm. Chính vị Trưởng họ Doãn cũng không biết chất liệu giấy ngày xưa các cụ chọn làm gia phả là gì mà có thể bền và dai đến vậy. Cả mấy trăm năm trôi qua, những nét chữ Hán cổ viết trên giấy vẫn không bị nhòe. Ông Hà lần giở từng trang rồi dừng lại ở đời thứ 4.
"Tôi khẳng định người đang nằm trong ngôi mộ cổ kia là cụ Nguyễn Thị Rạ, hiệu là Riệu Kiên. Năm cụ Rạ 28 tuổi, khi đó, chồng của cụ đang làm quan lớn trong triều đình thì bị người khác hãm hại nên qua đời. Người thân thuộc không có ai, các con còn bé dại, bà đã lo lắng việc gia đình thờ chồng nuôi hai con nên người. Sau này, cụ Rạ được triều đình phong là Tiết phụ. Thương mẹ, con trai cả của cụ Rạ học hành rất chăm chỉ và thi đỗ ra làm quan tri huyện, hiệu là Mẫn Đạt Công. Cụ Rạ thọ 70 tuổi, giỗ cụ vào ngày mùng 9 tháng 12".
Cũng theo ông Hà, sau khi ngôi mộ được khai quật, xác định niên đại, hai ông Trưởng dòng họ Nguyễn và Đặng Trầm đã đến nhà ông để xem gia phả. Sau khi đọc được những thông tin trong cuốn gia phả, những người này đã "tâm phục, khẩu phục" công nhận đó chính là ngôi mộ của nhà họ Doãn. Đến nay, sự việc đã được giải quyết ổn thỏa. Xác nhận thông tin này, ông Đỗ Doãn Lợi, Bí thư chi bộ thôn Phú Mỹ cho biết, khi phát hiện chiếc quan tài cổ, nhiều dòng họ đã đến nhận đó là mộ tổ của mình. Tuy nhiên, sau này nhận được sự phân tích của các chuyên gia khai quật, do thiếu căn cứ, họ đã chủ động rút lui.
Phải chờ xét nghiệm ADN? Trao đổi với PV về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, muốn biết chính xác thi thể cụ bà trong quan tài là của dòng họ nào, các chuyên gia sẽ tạo điều kiện cho dòng họ lấy mẫu tóc đi xét nghiệm ADN. Còn về công việc khảo cổ, phải 4-5 tháng nữa đoàn khảo cổ mới ra được kết luận. Cũng theo PGS.TS Cường, trong mộ không hề có vàng bạc, châu báu như những gì người dân đồn thổi.
Theo Vương Chân
Ngôi mộ có khả năng chữa bệnh ở Hà Nội Xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội từ âu đã nổi tiếng với việc xuất hiện một ngôi mộ phát ra năng lượng đặc biệt, có khả năng chữa bách bệnh. Người dân ngồi thiền tại ngôi mộ cổ Những tin đồn về ngôi mộ này thu hút đến vài chục người đến đây mỗi ngày, vào những ngày lễ như mồng...