Giải mã nguồn gốc công nghệ tên lửa vượt trội của Triều Tiên
Khi Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa với uy lực ngày càng tăng hồi năm ngoái, các nhà phân tích đã “đau đầu” để tìm lời giải cho câu hỏi: bằng cách nào chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng phát triển với tốc độ nhanh như vậy?
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên trong vụ phóng hồi tháng 11/2017 (Ảnh: Reuters)
Theo chuyên gia hạt nhân Michael Elleman, đáp án cho câu hỏi trên nằm tại một cơ sở tên lửa ở phía đông Ukraine – nơi cách xa Triều Tiên hơn 6.400 km. Ông Elleman tin rằng các tên lửa gần đây của Triều Tiên hoạt động nhờ động cơ được sản xuất tại một nhà máy ở quốc gia thuộc Liên bang Xô viết trước đây.
Là nhà nghiên cứu cấp cao về phòng thủ tên lửa tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, ông Elleman tin rằng Triều Tiên đã có trong tay động cơ tên lửa RD-250, vốn được sản xuất từ thập niên 60 dưới thời Liên Xô, trong vòng hai năm qua. Theo ông, sau một vài điều chỉnh nhỏ, chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã sử dụng động cơ này để phóng thành công một tên lửa tầm trung và hai tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Trong báo cáo được công bố năm 2017, ông Elleman cho biết Triều Tiên đã lấy được các động cơ tên lửa uy lực trên thông qua mạng lưới buôn lậu vũ khí và việc làm này không vấp phải sự trừng phạt từ chính phủ Nga. Theo chuyên gia hạt nhân này, các nhà máy và nhà kho ở Ukraine vẫn lưu trữ các động cơ tên lửa cũ, vốn không còn được sử dụng, và hiện có hàng chục động cơ như vậy để sẵn sàng chuyển cho Triều Tiên.
Ông Elleman cho biết với chiều cao gần 2m, rộng gần 1m và trọng lượng khoảng 300-400kg, các động cơ tên lửa này có thể được đóng thùng và vận chuyển giống như những chiếc xe mô-tô cỡ lớn.
Để có thể tự thiết kế tên lửa hoặc chế tạo dựa trên thiết kế có sẵn, Triều Tiên cần tiến hành hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm, vụ thử nghiệm. Theo chuyên gia Elleman, Liên Xô trước đây đã thử nghiệm các động cơ tên lửa RD-250 từ 300-400 lần. Trong khi đó, Bình Nhưỡng chỉ tiến hành hai vụ thử trên mặt đất, lần lượt vào tháng 9/2016 và tháng 3/2017, trước khi phóng thử thành công hàng loạt tên lửa sau đó.
“Số vụ thử ít ỏi của Triều Tiên càng cho thấy khả năng cao là nước này đã nhập động cơ nguyên chiếc từ Liên Xô”, ông Elleman nói.
Thay thế động cơ cũ
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vật thể được cho là đầu đạn tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Video đang HOT
Chuyên gia Elleman tin rằng một loạt vụ thử nghiệm thất bại do sử dụng mẫu động cơ tên lửa cũ trước đây đã hối thúc Triều Tiên săn tìm bằng được động cơ RD-250. Musudan, tên lửa tầm trung sử dụng động cơ khác của Triều Tiên, đã phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng trong 7/8 vụ thử nghiệm vào năm 2016.
“Họ bất ngờ thay đổi động cơ và động cơ mới đã xuất hiện”, ông Elleman cho biết.
Động cơ RD-250 do kỹ sư người Nga Valentin Glushko thiết kế và được chế tạo tại nhà máy Yuzhnoye gần Dnipro, Ukraine. Động cơ này từng được sử dụng cho một trong số các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Liên Xô trước đây, hay còn gọi là SS-9. Theo chuyên gia Elleman, các động cơ này “nằm xếp xó” ở đông Ukraine cho tới khi lọt vào tay Triều Tiên.
“Đây là những động cơ cũ kỹ nằm trong các nhà kho”, NBC dẫn lời ông Elleman nói.
Do không được rót tiền đầu tư và không có đủ người quản lý, nhà máy Yuzhnoye có thể trở thành mục tiêu tấn công dễ dàng của những đối tượng buôn lậu vũ khí, đặc biệt trong bối cảnh hỗn loạn do cuộc xung đột ở vùng Donbass gần đó tại Ukraine. Kể từ năm 2014, các binh sĩ Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn thường xuyên xung đột do tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này.
Theo phân tích của chuyên gia Elleman, các động cơ tên lửa của Triều Tiên đã được điều chỉnh từ động cơ RD-250 ban đầu thành động cơ một buồng. Đây là công nghệ điều chỉnh phức tạp và rất có thể các kỹ sư từ Liên Xô đã trực tiếp giám sát việc này.
“Cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu một số nhà khoa học đến Triều Tiên để hỗ trợ nước này phát triển các chương trình tên lửa”, ông Elleman nhận định.
Triều Tiên từ lâu được cho là đã trông cậy vào các công nghệ, trang thiết bị cũng như nhân lực về tên lửa của Liên Xô để phát triển chương trình hạt nhân. Ngay cả tên lửa Musudan của Bình Nhưỡng cũng được cho là sao chép từ tên lửa phóng từ tàu ngầm của Liên Xô. Trong thập niên 1990, nhiều kỹ sư Liên Xô đã được nhìn thấy xuất hiện ở sân bay Moscow để lên đường sang Triều Tiên.
Lo ngại của Mỹ
Vũ khí Triều Tiên tham gia lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Nếu Triều Tiên thực sự có được các động cơ tên lửa của Liên Xô gần đây, một câu hỏi được đặt ra là liệu tình báo Mỹ đã biết những gì và khi nào họ biết được những điều này.
“Tôi đoán rằng, nếu họ (Mỹ) thực sự biết việc đó, thì đó cũng là chuyện đã rồi, tức là khi việc chuyển giao (động cơ tên lửa) đã diễn ra”, ông Elleman nói.
CNN ngày 2/3 dẫn các báo cáo mới nhất của tình báo Mỹ về chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục đạt được bước tiến trong việc cải thiện khả năng dẫn đường của tên lửa. Điều này sẽ cho phép các tên lửa Triều Tiên dễ dàng bắn trúng các mục tiêu cụ thể.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ nhận định Triều Tiên hiện vẫn gặp khó khăn trong việc đạt được công nghệ hồi quyển cho đầu đạn tên lửa sau khi tên lửa rời bệ phóng. Washington cũng tin rằng Bình Nhưỡng đang nỗ lực để cải thiện các động cơ tên lửa, các bệ phóng tên lửa di động cũng như việc chế tạo đầu đạn hạt nhân.
Đánh giá của tình báo Mỹ được thực hiện nhằm xác định những bước tiến mà Triều Tiên có thể đã âm thầm đạt được kể từ tháng 11/2017 khi nước này tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa lần gần nhất. Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo ngày 23/1 cảnh báo rằng Triều Tiên có thể chỉ mất vài tháng nữa trước khi đạt được mục tiêu đặt đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Thành Đạt
Theo Dantri
Những tuyên bố "hét ra lửa" của ông Kim Jong-un
Là nhà lãnh đạo cứng rắn với phong cách phát ngôn mạnh mẽ, ông Kim Jong-un từng đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích trực tiếp các lãnh đạo nước ngoài và đề cao sức mạnh của chương trình vũ khí Triều Tiên.
"Dù cho ông Trump chờ đợi điều gì đi chăng nữa, ông ấy cũng sẽ phải đối mặt với những kết quả ngoài sức tưởng tượng. Tôi chắc chắn và dứt khoát sẽ khắc chế ông già người Mỹ lẩm cẩm loạn trí bằng hỏa lực", nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu vào tháng 9/2017. Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã gọi ông Kim Jong-un là "Người tên lửa" trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
"Toàn bộ nước Mỹ nằm trong tầm tấn công của các vũ khí hạt nhân của chúng tôi, một nút bấm hạt nhân luôn luôn nằm trên bàn làm việc của tôi. Đây là thực tế, không phải là một lời dọa nạt", ông Kim Jong-un nhấn mạnh trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2018.
"Triều Tiên có thể gắn nhiều đầu đạn hạt nhân uy lực hơn nữa lên các tên lửa đạn đạo liên lục địa đời mới và đặt bất kỳ nơi độc ác nào trên trái đất, bao gồm lục địa Mỹ, vào tầm tấn công của chúng tôi", nhà lãnh đạo Triều Tiên phát biểu hồi tháng 4/2016, khẳng định uy lực hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong tuyên bố về các khả năng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu, ông Kim Jong-un hồi tháng 9/2017 cho biết: "Nước Mỹ phải lựa chọn! Việc một nước có tên gọi là Mỹ tồn tại trên hành tinh này nữa hay không phụ thuộc vào chính các người".
Nhằm ca ngợi các vụ phóng tên lửa giúp khích lệ tinh thần của người Triều Tiên, vào tháng 12/2012, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói: "Đột nhiên, toàn bộ đất nước ngập tràn trong niềm hạnh phúc và mọi người thấy phấn khích vô tận".
"Ngay sau khi mệnh lệnh được đưa ra, các đồng chí hãy bẻ gẫy lưng những kẻ thù điên khùng, cắt cổ chúng và từ đó cho chúng thấy rõ chiến tranh thực sự là như thế nào", ông Kim Jong-un nói về kịch bản nhấn chìm Hàn Quốc trong "biển lửa" năm 2013.
Nhân ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, ông Kim Jong-un cảnh báo: "Những người Mỹ xấu xa sẽ không vui khi món quà này được gửi vào lễ kỷ niệm 4/7... (Chúng ta) sẽ thường xuyên gửi những gói quà lớn và nhỏ tới người Mỹ". Trước đó ngày 3/7, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 và tuyên bố tên lửa này có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới. "Món quà" mà ông Kim Jong-un nhắc tới là những vụ phóng tên lửa như vậy.
"Đối thoại hợp lý là điều không thể đối với một người vô lý", nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ trích Tổng thống Trump trong tuyên bố hồi tháng 8/2017.
Thành Đạt
Theo Dantri
Tương quan uy lực hạt nhân của các lực lượng quân sự thế giới Mặc dù kho vũ khí hạt nhân toàn cầu đã giảm đi đáng kể từ sau Chiến tranh Lạnh, song ước tính hiện vẫn còn khoảng 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, trong đó Mỹ và Nga là hai nước sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất. Từ năm 1970, 190 quốc gia đã gia nhập Hiệp ước Không...