Giải mã hang ma yểm bùa khiến nhiều người đột tử
Nhiều người dân ở Tuyên Quang từ bao năm nay vẫn đồn thổi về câu chuyện trên địa bàn tồn tại một cái hang bí ẩn, bên trong chứa rất nhiều đồ cổ, châu báu nhưng không ai dám tới gần vì sẽ chết bất đắc kỳ tử, không thì cũng phát điên phát dại.
Người thì bảo trong hang có ma, có khí độc… người cho rằng hang được yểm bùa. Những lời đồn thổi ma mị nghe đến rợn người làm cả bản làng đứng ngồi không yên bởi họa chết chóc.
Những cái chết bất thình lình
Sự linh thiêng về hang giấu đồ cổ ở thôn Thái Ninh, xã Thái Sơn được bắt đầu bằng câu chuyện gắn liền với sự qua đời của ông Nguyễn Văn Luật – người dân thôn Thái Ninh. Nhiều người trong thôn cho biết, ông Luật là người khỏe mạnh, không có chút bệnh tật gì nhưng mấy năm về trước, trong một lần đi rừng, ông Luật phát hiện ra một cái hang lạ rồi ông tò mò vào xem bên trong có gì.
Thấy trong hang có rất nhiều bát với những chi tiết hoa văn lạ lẫm, cho rằng đó là đồ cổ nên ông Luật đã lấy về nhà cất. Không ngờ, sau khi lấy những cái bát đó về, ông Luật bỗng dưng qua đời trong một cơn bạo bệnh đến bất ngờ.
Ông Hoàng Văn Trường, Bí thư chi bộ thôn Thái Ninh giúp chúng tôi khám phá “hang đồ cổ”.
Để rõ hơn về câu chuyện kỳ bí mà dân làng đồn về cái chết của ông Luật, chúng tôi tìm đến gặp bà Trần Thị Phúc – vợ ông Luật. Theo lời bà Phúc, ông Luật vốn dĩ là một người khỏe mạnh, không những thế còn là một thợ săn bắt thú cừ khôi trong làng khi liên tục săn được những con thú to, khỏe nhất.
Một lần, ông Luật mang súng lên rừng đi bắn sóc. Từ trên bụi tre, ông thấy có con sóc rất to đang “bay” trên cành nên tiến lại gần lấy súng bắn nó. Chỉ sau phát bắn đầu tiên, con sóc đã rơi xuống lùm cây to. Lần theo hốc đá, ông tìm đến bụi cây nơi con sóc rơi. Tìm mãi mà không thấy con sóc đâu, ông dùng dao phát quang bụi cây nhưng cũng không thấy con sóc mà phát hiện có một cửa hang, bên trong hang còn có nhiều thuổng, dao, vò rượu, bát, đĩa …
Sau đó, ông Luật đã đem một số thứ trong hang về nhà dùng. Tuy nhiên, từ khi ông Luật lấy được những món đồ cổ trong hang về thì bỗng nhiên bị ốm nặng, đi khám ở bệnh viện huyện Hàm Yên rồi lên cả bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang chữa trị nhưng các bác sĩ cũng không tìm ra bệnh.
“Y học hiện đại không chữa được nên gia đình tôi đã tìm đến tâm linh khi mời thầy bói xem giúp sự tình thì được thầy cho biết do chồng tôi đã vào trong hang lấy đồ cổ, vi phạm nơi đất linh thiêng nên bị các ngài quở mắng … Chồng tôi mắc bệnh khoảng 15 ngày thì qua đời trước sự ngỡ ngàng của mọi người”, bà Phúc bùi ngùi kể lại.
Cùng thời gian ông Luật mắc bạo bệnh, ông Đinh Ngọc Hồi, trú tại thôn Thái Ninh, trong một lần vào rừng cũng phát hiện ra chiếc hang đó và có lấy về một chiếc đĩa. Nhưng vì nghe kể có ma trong hang làm ông Luật chết nên ông Hồi sợ quá, liền đem trả lại. Tuy thế, ông Hồi cũng không tránh khỏi kiếp nạn. Ông Luật mất không lâu thì tai họa ập xuống đầu ông Hồi.
Đang khỏe mạnh, làm việc bình thường, ông chết đột tử mà không rõ nguyên nhân. Không chỉ ông Hồi chết, con gái ông là Đinh Thị Lan (sinh năm 1986) sau khi đi dự lễ kỷ niệm ngày 26/3 thì không về nhà, lại sang nhà dì ruột ngủ, đêm hôm ấy Lan không ngủ mà nói rất nhiều, nói to. Sáng hôm sau về tới nhà, Lan mê sảng, nói lảm nhảm. Hơn 7 tháng liền điều trị, dù gia đình đã đưa Lan đi bao bệnh viện cũng không chữa được.
Video đang HOT
Hàng ngày, Lan luôn phải có người kèm cặp, không thì quậy phá hết đồ đạc trong nhà. Bà Đoàn Thị Đường – vợ ông Hồi đau đớn chia sẻ: “Do nhà bà có nương rẫy ngay cạnh “hang ma” nên nhiều lần đi kiếm củi, ông Hồi đã phát hiện ra hang và nhặt chiếc đĩa về cọ rửa rồi cất đi. Tuy nhiên, khi hay tin ông Luật mất thì ông Hồi vội vàng mang đĩa lên hang trả ngay. Nhưng số ông nhà tôi vẫn phải gánh chịu sự trừng phạt”.
Một số vật dụng trong “hang đồ cổ”.
Trước hai cái chết “kỳ lạ” của ông Luật và ông Hồi đều có liên quan đến hành động hai người lấy số bát đĩa trong hang về làm của riêng trong nhà đã khiến cho nhiều người dân trong vùng hoang mang bàn tán, thêu dệt thêm những câu chuyện kỳ bí xung quanh cái hàng “bí ẩn” trên địa bàn.
Những lời đồn về hang giữ đồ cổ có lời nguyền linh thiêng càng được người dân trong vùng tin tưởng khi tiếp tục lại có một tai họa khác ập đến với gia đình ông Nguyễn Văn Trường (em trai ông Nguyễn Văn Luật) khi người vợ của ông Trường là bà Nguyễn Thị Huệ tự nhiên bị cấm khẩu mà đi bệnh viện thì không tìm ra bệnh. Lúc này, ông Trường mới thú thật sự tình là ngày người anh của mình – ông Luật phát hiện ra “hang ma” cũng đã tiết lộ cho ông Trường và cả hai anh em cùng vào hang lấy các vật dụng về dùng nên có lẽ bây giờ người vợ của ông phải chịu tội thay cho hành động của chồng.
Trong khi đó, ông Trần Xuân Hợp là thợ buôn trâu trong thôn kể lại, sau nhiều chuyện ly kỳ xảy ra liên quan tới những cái hang đồ cổ, nhiều tay buôn đồ cổ ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… đã tìm đến liên hệ nhờ tìm mua đồ cổ trong hang, trong đó có người tên là Mạnh ở Bắc Ninh đến thuê người dẫn lên hang lấy được ít đồ đem về quê. Tuy nhiên, trên đường về, ông này đã bị tai nạn và mất ngay sau đó. Câu chuyện này nhanh chóng được lan truyền, đồn thổi khiến người ngoài ít dám vào thôn, người trong thôn chẳng mấy ai ra ngoài khi trời tối.
Đi tìm sự thật
Để tìm hiểu rõ hơn về chiếc hang kỳ bí tại thôn Thái Ninh, xã Thái Sơn, phóng viên đã có cuộc hành trình tìm đến “hang ma” trên địa bàn. Theo quan sát của phóng viên, “hang ma” mà người dân trong vùng vẫn đồn thổi những câu chuyện kỳ bí thực chất chỉ là một mỏm đá, xung quanh được ghép bởi những viên đá khác tạo thành một cái lỗ vuông sâu chừng 2m, cao 2m, rất khó có thể chui vào. Bên trong có nhiều mảnh bát vỡ, cuốc, xẻng bằng sắt đã bị hoen gỉ.
Mang những câu chuyện mà người dân trong vùng đồn thổi đến gặp ông Lê Đức Minh – Chủ tịch UBND xã Thái Sơn trao đổi, ông Minh cho biết: “Thời gian qua, theo tin đồn của người dân về việc có “hang đồ cổ” ở thôn Thái Ninh, chúng tôi rất quan tâm, nhưng trên thực tế, đấy không phải là cái hang mà là hốc đá bình thường. Bà con đi làm nương bắt gặp dụng cụ không biết có từ bao giờ, từ thời kỳ nào, đấy chỉ là công cụ lao động thông thường …
Nhiều cụ cao niên trong thôn không biết hang đó có từ bao giờ và các món “đồ cổ” thuộc thời kỳ nào. Nhưng theo kết luận của đoàn kiểm tra văn hóa thì đây có thể là những vật dụng của những người đời trước đi làm nương rẫy trên núi để lại. Đó chỉ là những vật dụng bỏ đi như bát đĩa vỡ hay thuổng, xẻng cùn, han gỉ, không còn giá trị sử dụng chứ không phải là đồ cổ”.
Ông Minh cho biết thêm: “Chúng tôi đã giải thích rõ cho người dân rằng ông Luật bị tai biến mạch máu não chứ không phải do vào hang lấy đồ cổ nên bị trừng phạt. Trường hợp của ông Hồi có bệnh tật cụ thể, là do trong một lần ông Hồi đi chặt tre bị tai nạn nên đã bị cành tre đập vào đằng sau gáy, dẫn đến tử vong.
Con ông Hồi sau một thời gian bị ảnh hưởng tâm lý mà mọi người cho rằng bị điên giờ cũng được chữa khỏi và lấy chồng yên ấm. Nói những cái chết trên cùng có biểu hiện bệnh lý giống nhau là sai sự thật, chết có căn nguyên hẳn hoi, nếu mà chết cùng một bệnh và kỳ lạ thì chúng tôi đã báo cáo lên cơ quan chức năng xin giúp đỡ. Bà Huệ – vợ ông Trường bị cấm khẩu là do một lần bị sặc nước nên đã ảnh hưởng đến dây thần kinh chứ không có chuyện thánh thần nào trừng phạt ở đây cả. Hiện tại, bệnh tình của bà Huệ cũng đã thuyên giảm.
Nếu như có thánh thần trừng phạt thì phải trừng phạt ông Trường trước tiên chứ? Sau khi thấy có những tin đồn thất thiệt, chính quyền địa phương đã tuyên truyền đến bà con đừng sa vào mê tín dị đoan, bởi nếu xâu chuỗi lại sự việc mới thấy hoàn toàn bình thường chứ không kinh hãi như lời thêu dệt. Chính vì người dân cho rằng hốc đá linh thiêng cộng với những tin đồn ác ý khiến ai cũng liên tưởng đến ma quỷ và e sợ”.
“Việc người dân sợ, không dám thu hoạch sắn vì sự những lời đồn thổi xung quanh hốc đá là có thật. Chính vì vậy, chúng tôi đang tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu bản chất vấn đề và an tâm sống. Thật sự, thời gian qua, cuộc sống của người dân nơi đây bị xáo trộn quá nhiều trước những tin đồn xung quanh “hang đồ cổ”, chúng tôi chỉ mong sao những lời đồn thất thiệt đó nhanh chóng lắng xuống để bà con ổn định cuộc sống”, ông Hoàng Văn Chinh – trưởng thôn Thái Ninh, xã Thái Sơn tâm sự.
Theo Hôn nhân & Pháp luật
Nhộn nhịp phiên chợ đồ cổ duy nhất trong năm ở Hà Nội
Những ngày cận Tết, phiên chợ bán đồ cổ, đồ đồng, đồ giả cổ... ở ngã năm Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Đồng (Hà Nội) lại nhộn nhịp tấp nập người mua.
Năm nay chợ có 20 gian hàng, chủ yếu bày bán món đồ giả cổ, đồ đồng có niên đại hàng chục năm... rất hiếm đồ cổ có niên đại hàng trăm năm
Chợ chỉ họp một lần duy nhất trong năm, lại đúng vào thời điểm những ngày giáp Tết Nguyên đán nên rất hút khách.
Các mặt hàng bày bán tại đây rất phong phú nhưng phổ biến nhất là các loại đồ thờ, đồ bày biện trong nhà như tượng phật đồng, tam đa, đỉnh đồng; các vật dụng quen thuộc như ấm trà, đèn cổ, lư hương, bình phong, đồng hồ cổ, tẩu hút thuốc... trong đó có nhiều món đồ có giá trị lớn lên đến vài chục triệu đồng.
Phần lớn mặt hàng được bày bán ở phiên chợ đặc biệt này là đồ giả cổ, đồ đồng có niên đại hàng chục năm... nhưng được chế tác rất tinh xảo chỉ những người sành sỏi mới có thể phân biệt được là đồ cổ thật hay giả cổ.
Ngoài ra, chợ còn bày bán nhiều sản phẩm khác như tranh sơn mài, gốm sứ, câu đối... thu hút nhiều người dân thủ đô đến xem và mua hàng.
Phiên chợ "đặc biệt" này bắt đầu họp từ ngày 20 tháng chạp và sẽ kéo dài đến tận ngày 30 Tết mỗi năm.
Năm nay chợ có khoảng 20 gian hàng, không chỉ là nơi bày bán các mặt hàng còn là nơi để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của những người chơi đồ cổ đất Hà Thành và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh.
PV ghi lại một vài hình ảnh từ phiên chợ đặc biệt này:
Phổ biến nhất là các loại đồ thờ, đồ bày biện trong nhà như tượng phật đồng, tam đa, đỉnh đồng
Cặp linh vật mãng xà có giá không dưới 5 triệu đồng
Có một gian hàng duy nhất bày bán nhiều món đồ đồng cổ, chưa có "bàn tay chế tác" của con người
Phần lớn mặt hàng được bày bán ở phiên chợ đặc biệt này là đồ giả cổ, đồ đồng... được chế tác khá tinh xảo
Chiếc đỉnh đồng này có giá lên đến 60-70 triệu đồng
Người mua luôn đắn đo trước khi chọn món hàng cho mình
Phiên chợ "đặc biệt" này bắt đầu họp từ ngày 20 tháng chạp và sẽ kéo dài đến tận ngày 30 Tết mỗi năm luôn rất nhộn nhịp, đông đúc
Theo xahoi
Đến phiên chợ đồ cổ duy nhất trong năm ở HN Cứ dịp cận Tết, chợ đồ cổ, đồ cũ, đồ giả cổ lại họp phiên duy nhất trong năm tại ngã năm Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Đồng (Hà Nội). Chợ chỉ họp chục ngày từ 20 đến trưa 30 tháng Chạp, đồ được bày luôn ở giữa lòng đường. Nằm trong khu vực chợ hoa truyền thống, khu vực bán...