Giải mã “bí mật” giúp ung thư kháng lại các phương pháp điều trị
Các chuyên gia Ung bướu tại Trung tâm Ung thư Mays (Mỹ) đã xác định được một cơ chế quan trọng giúp khối u có thể thay đổi hành vi của mình, để “lẩn trốn” các liệu pháp điều trị ung thư.
Thông qua nghiên cứu được thực hiện trên nhiều dòng tế bào ở cả người và chuột, nhóm tác giả đã xác định những tín hiệu gen giúp kích hoạt quá trình biến đổi của các tế bào ung thư từ trạng thái này sang trạng tại khác. Kết quả của nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí “Nature Cell Biology”.
TS Zhijie “Jason” Liu, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Khả năng để tế bào ung thư có thể chuyển đổi sang các hình dạng khác nhau, phát triển nhanh lên hay chậm đi hoặc thậm chí là thay đổi về kích cỡ được gọi là “tính linh hoạt về kiểu hình”. Những loại ung thư linh hoạt về kiểu hình thường nguy hiểm, nhanh chóng di căn và kháng lại các phương pháp điều trị mạnh hơn so với nhóm còn lại”.
Sau khi xác định được những tín hiệu gen điều khiển kiểu hình, bước tiếp theo, nhóm tác giả sẽ tìm kiếm một loại thuốc mới, dưới dạng thuốc phân tử nhỏ, có khả năng làm gián đoạn những tín hiệu này. “Loại thuốc mà chúng tôi đang hướng đến sẽ có thể được sử dụng đồng thời với những liệu pháp trúng đích hiện có, để hạn chế tối đa hiện tượng kháng thuốc phát sinh trong suốt quá trình điều trị” – TS Zhijie “Jason” Liu nhấn mạnh.
Được biết, mặc dù nghiên cứu bước đầu này chỉ tập trung vào ung thư vú, nhưng cơ chế về sự linh hoạt kiểu hình có thể được áp dụng chung cho tất cả các loại ung thư có khả năng kháng thuốc, điển hình như ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt.
Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư di căn từ phương pháp kép
Nghiên cứu đầu tiên cho thấy sự kết hợp giữa hóa trị và liệu pháp miễn dịch mang đến khả năng làm chậm quá trình di căn của ung thư bàng quang hiệu quả hơn đáng kể, so với chỉ điều trị bằng hóa chất.
Một cuộc thử nghiệm lâm sàng được dẫn đầu bởi nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Bệnh viện Mount Sinai, Mỹ đã lần đầu tiên cho thấy hiệu quả của việc kết hợp hóa trị và liệu pháp miễn dịch trong việc làm chậm quá trình di căn của ung thư bàng quang. Bên cạnh đó, thử nghiệm này cũng cho thấy: Liệu pháp miễn dịch có thể là một phương án dành cho các bệnh nhân ung thư bàng quang di căn biểu hiện lượng protein PD-L1 cao.
Cụ thể, trong thử nghiệm lâm sàng mang tên IMvigor130, nhóm tác giả đã đánh giá sự đáp ứng của 1213 bệnh nhân ung thư bàng quan, giữa việc điều trị bằng hóa trị (thuốc gemcitabine plus cisplatin hoặc gemcitabine plus carboplatin) kết hợp liệu pháp miễn dịch (thuốc atezolizumab) và chỉ điều trị bằng hóa trị liệu hoặc liệu pháp miễn dịch.
"Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới cho thấy sự kết hợp giữa hóa trị và liệu pháp miễn dịch mang đến khả năng làm chậm quá trình di căn của ung thư bàng quang hiệu quả hơn đáng kể, so với chỉ điều trị bằng hóa chất. Bên cạnh đó, đây cũng là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng, việc chỉ sử dụng liệu pháp miễn dịch nên là ưu tiên hàng đầu cho các bệnh nhân ung thư bàng quang di căn có biểu hiện protein PD-L1" - Nhà khoa học Matthew Galsky, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết.
Được biết, khi toàn bộ công trình nghiên cứu này hoàn thành và được công nhận, nó có thể đưa việc kết hợp hóa trị và liệu pháp miễn dịch trở thành phác đồ điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân ung thư bàng quang di căn, cũng như định hướng lại cách tiếp cận tối ưu với nhóm bệnh nhân có biểu hiện protein PD_L1.
Đau nhức hai bên mắt đi khám ra ung thư tuyến lệ Ung thư tuyến lệ là bệnh ung thư ở vùng mắt và bệnh thường ít triệu chứng nên khi vào viện rất nhiều bệnh nhân đã bị nặng, có trường hợp đã di căn vào xương. Các bác sĩ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho một bệnh nhân mắc ung thư tuyến...