Giải mã bí ẩn cung điện của người Canaan cổ xưa bị lãng quên 3.700 năm
Năm 2009, các nhà khảo cổ đã khai quật một cung điện của người Canaan tại địa điểm khảo cổ Tel Kabri.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tòa nhà tuyệt đẹp rất có thể từng là trung tâm chính trị quan trọng. Tuy nhiên, cung điện cổ xưa này đã bất ngờ bị bỏ hoang.
Người Canaan là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các nhóm dân cư bản địa khác nhau sống trên khắp các khu vực của nam Levant, nơi ngày nay là Israel, Jordan và các vùng lãnh thổ thuộc về người Palestine. Từ năm 500 trước Công nguyên, người Hy Lạp cổ đại cũng đã sử dụng tên này để mô tả những người sau này được gọi là người Phoenicia.
Trở lại với cung điện bí ẩn bị lãng quên của người Canaan, các nhà nghiên cứu mô tả đó là một công trình lớn hơn một trung tâm mua sắm hiện đại, có đầy những bức tranh treo tường, có phòng tiệc và các phòng chứa hơn một trăm chum rượu.
Tuy nhiên, vào thế kỉ XVIII trước Công nguyên, ngay sau khi nó được cải tạo, cung điện đã bất ngờ bị bỏ hoang và trong nhiều năm sau này các nhà khảo cổ học đã rất vất vả tìm kiếm câu trả lời cho những gì cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từ Mỹ và Israel mới đây tuyên bố rằng họ đã tìm ra câu trả lời cho bí ẩn. Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One, các nhà khảo cổ đã kiểm tra địa điểm để tìm xem liệu một thảm họa tự nhiên như lũ lụt hay hạn hán đã dẫn đến việc cung điện bị bỏ hoang. Các nhà nghiên cứu cũng tìm kiếm các dấu hiệu của vũ khí, lửa hoặc các thi thể chưa được chôn cất để tìm hiểu xem các trận chiến hoặc vấn đề bạo lực có xảy ra tại địa điểm này hay không.
Trong quá trình khai quật, các nhà nghiên cứu nhận thấy các đặc điểm bên trong cung điện trông có vẻ kỳ lạ như một số bức tường bị bù lại, một số tầng dốc ở những góc khác thường, được cho là hơi gợn sóng và trông như thể chúng đã bị va chạm.
Bên cạnh đó, họ cũng phân tích các hạt trầm tích mịn bao phủ sàn cung điện và phát hiện ra rằng chúng có chứa thạch cao cùng vật liệu dùng để xây tường.
Sau khi thực hiện các nghiên cứu cần thiết, nhóm khảo cổ kết luận rằng điều này chỉ có thể được gây ra bởi một trận động đất. Họ tiếp tục phân tích thêm các hồ sơ trầm tích từ Biển Chết và phát hiện ra rằng, có một chấn động đã xảy ra trong khu vực vào khoảng năm 1700 trước Công nguyên, thời điểm cung điện bị bỏ hoang.
Phát hiện pháo đài huyền thoại 3.200 năm tuổi ở Israel
Các nhà khảo cổ học vừa tuyên bố đã phát hiện ra tàn tích của một pháo đài do người Ai Cập cổ đại và người Canaan xây dựng vào giữa thế kỷ XII trước Công nguyên.
Hình ảnh tàn tích pháo đài Galon còn lại đến ngày nay.
Trước đó, các nhà nghiên cứu vẫn tin rằng người Ai Cập cổ đại và người Canaan- kẻ thù của người Israel trong Kinh thánh - đã xây dựng cấu trúc quân sự vào giữa thế kỷ XII trước Công nguyên để ngăn chặn quân Philistines xâm lược.
Pháo đài được tìm thấy bởi những thanh niên nguyện cùng với Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) trong một cuộc khai quật gần Kibbutz Galon, cách Jerusalem khoảng 70 km về phía nam. Được mệnh danh là pháo đài Galon, công trình có kích thước 18m x 18m và có các tháp canh ở mỗi góc. Một ngưỡng cửa ở lối vào được chạm khắc từ một tảng đá khổng lồ nặng ba tấn và sân được lát bằng đá phiến.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ tìm thấy hàng trăm bình gốm cổ bên trong các căn phòng, một số vẫn còn nguyên vẹn, có khả năng được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.
IAA cũng cho biết cấu trúc này làm nổi bật tình trạng bất ổn diễn ra ở Israel vào thế kỷ XII trước Công nguyên. Người Ai Cập cổ đại cai trị khu vực này cho đến khi người Israel và người Philistines đến, buộc phải xây dựng các công trình phòng thủ như pháo đài Galon.
Những bình gốm cổ được tìm thấy trong đống đổ nát của pháo đài.
"Có vẻ như pháo đài Galon được xây dựng như một nỗ lực của người Canaan và Ai Cập nhằm đối phó với tình hình địa chính trị mới", nhà khảo cổ Saar Ganor và Itamar Weissbein của IAA cho biết.
Pháo đài được xây dựng ở một vị trí chiến lược từ đó có thể quan sát con đường chính đi dọc sông Guvrin - con đường nối đồng bằng ven biển với đồng bằng Judea.
Talila Lifshitz, giám đốc cộng đồng và bộ phận lâm nghiệp ở khu vực phía nam của Quỹ quốc gia Do Thái, cho biết việc phát hiện ra pháo đài Galon mang đến một cái nhìn hấp dẫn về câu chuyện một thời kỳ tương đối ít được biết đến trong lịch sử đất nước.
Vì sao lăng mộ Tần Thủy Hoàng muôn đời bí ẩn? Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được phát hiện ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc năm 1974. Kể từ đó cho đến nay, giới khảo cổ mới khám phá một phần lăng mộ. Vì sao lại vậy? Tần Thủy Hoàng (259 trước Công nguyên - 210 trước Công nguyên) nổi tiếng lịch sử với thành tựu thống nhất 6 nước chư...