Giai đoạn khó khăn nhất của ngành y và hình ảnh không thể quên về quân đội
“Anh em y, bác sĩ gần như bấn loạn. Nếu không có phương án xử lý thi hài của Bộ Tư lệnh, ngành y không biết xử lý tình huống thế nào” – Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói về đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4.
Chiều 1/11, Bộ Tư lệnh TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong suốt quãng thời gian thành phố diễn ra đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, lực lượng vũ trang của Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TPHCM cùng các tỉnh, thành tăng cường đã tham gia cùng ngành y về điều trị, chăm sóc F0, khâm niệm, bàn giao tro cốt nạn nhân, đảm bảo trật tự, an sinh xã hội.
Bày tỏ sự xúc động trước những đóng góp của lực lượng quân đội, ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TPHCM – chia sẻ, trong quãng thời gian dịch Covid-19 bùng phát dữ dội nhất, các chiến sĩ đã để lại những hình ảnh xúc động, không thể quên cho cán bộ, nhân viên ngành y và người dân trên toàn địa bàn. Các chiến sĩ quân đội, bác sĩ quân y cũng giúp ngành y vượt qua những giai đoạn hoảng loạn nhất.
Trong những ngày căng thẳng nhất của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, lực lượng quân đội đã tham gia giúp sức cho TPHCM trên nhiều lĩnh vực (Ảnh: Nguyễn Quang).
Hình ảnh xúc động nhất
“Khi đợt bùng phát dữ dội diễn ra, các lực lượng quân đội đã hỗ trợ kịp thời ngành y tế tại tầng điều trị thứ 3, nơi nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch. Hình ảnh xúc động, ấn tượng nhất mà lãnh đạo, ban giám đốc các bệnh viện nhớ mãi là lúc các lực lượng vũ trang chăm sóc thi hài bệnh nhân không may qua đời” – Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhìn nhận.
Ông Tăng Chí Thượng điểm lại, trong giai đoạn khó khăn đó, nhiều bệnh nhân Covid-19 tử vong trong bệnh viện chưa được đưa đi ngay. Một hình ảnh buồn được nhắc tới là khi các nhân viên y tế đang chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 này, nhưng bệnh nhân tử vong khác lại ở gần đó.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM (Ảnh: H.K.).
“Anh em y, bác sĩ gần như bấn loạn lúc đó. Nếu không có phương án xử lý thi hài của Bộ Tư lệnh, ngành y không biết xử lý tình huống thế nào”, lãnh đạo ngành y tế TPHCM bày tỏ.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, hình bóng của các chiến sĩ, lực lượng vũ trang tham gia từ công tác quản lý, điều hành, đến chăm sóc bệnh nhân như một anh, chị hộ lý ngành y cũng là điểm nhấn không thể nào quên trong đợt bùng phát dịch vừa qua. Các bác sĩ mặc áo lính đến từng nhà dân cũng góp phần giúp mô hình chăm sóc F0 tại nhà, tại cộng đồng phát huy hiệu quả rõ nét.
“Việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà, tại cộng đồng như một mũi giáp công thứ 2 của TPHCM. Đây là một trong những mô hình cần giữ lại và phát triển trong thời gian tới” – ông Tăng Chí Thượng nêu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, mong muốn, thời gian tới, các lực lượng của Bộ Tư lệnh thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với ngành y nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các trạm y tế lưu động. Khi dịch bệnh tái bùng phát, các trạm y tế lưu động với sự phối hợp của lực lượng y tế, quân đội sẽ kịp thời triển khai để đáp ứng nhu cầu.
Nỗ lực để lo công tác hậu sự chu toàn
Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TPHCM, cho biết, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, đơn vị đã xây dựng kế hoạch đảm bảo 3 điểm bảo quản, xử lý thi hài bệnh nhân không may qua đời tại Gò Vấp, bệnh viện dã chiến số 14, Nhà tang lễ thành phố. Những điểm trên được duy trì nhằm tránh tình trạng phải di chuyển bệnh nhân Covid-19 qua đời, giúp các công đoạn được cơ động hơn.
“Trong giai đoạn vừa qua, có thời điểm toàn địa bàn có hơn 3.000 thi hài bệnh nhân chưa được xử lý. Bộ Tư lệnh TPHCM đã phối hợp với sở Tài nguyên Môi trường khảo sát các lò hỏa táng, đánh giá, phân tích công tác tổ chức để đảm bảo việc xử lý thi hài đúng phong tục tập quán, đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường” – Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh thông tin.
Lực lượng quân đội trao trả thi hài bệnh nhân Covid-19 tử vong (Ảnh: Nguyễn Quang).
Ngoài ra, trong công tác vận chuyển, bảo quản, xử lý thi hài bệnh nhân, Bộ Tư lệnh đã phối hợp với các đơn vị trong từng công đoạn. Sau khi thi hài bệnh nhân Covid-19 được đưa từ bệnh viện đến khu tập kết, Sở Thông tin Truyền thông, Công viên Phần mềm Quang Trung đã tích hợp thông tin, gắn mã cho từng trường hợp, giúp công tác khâm niệm, hỏa táng thuận lợi hơn.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ Tư lệnh TPHCM đã phối hợp cùng Sở Y tế, các cơ quan chức năng tham mưu thiết lập và vận hành 101 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 với quy mô hơn 61.000 giường. Hơn 36.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân đã tham gia phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, điểm phong tỏa và chốt kiểm soát dịch.
Lực lượng vũ trang thành phố cũng tổ chức thiết lập 4 khu vực tiếp nhận thi hài nạn nhân tử vong do Covid-19. Tổ chức thành lập 4 đại đội, 12 trung đội, 12 tiểu đội, trang bị công cụ hỗ trợ, vật chất sẵn sàng xử trí tình huống gây mất an ninh trật tự, an toàn tại các khu cách ly, bệnh viện điều trị.
Bí thư TPHCM: Chu đáo đưa tro cốt đến gia đình, không được sót người nào!
Bí thư TPHCM mong muốn, lực lượng quân đội phối hợp cùng các đơn vị thực hiện sớm, chặt chẽ, kịp thời, chu đáo để đưa tro cốt đến từng gia đình, người thân, không để sót trường hợp nào.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TPHCM chiều 1/11, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự TPHCM - đánh giá, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến địa bàn trải qua những thời khắc cam go, khốc liệt, nhiều đau thương, mất mát. Đại dịch đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội của địa phương.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, đây là lần đầu tiên sau 40 năm, Bộ Quốc phòng có đợt huy động lực lượng nhiều nhất lịch sử từ sau chiến tranh biên giới Tây - Nam. Trong đợt bùng phát dịch, hơn 190.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, quân y đã tham gia cùng thành phố chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự TPHCM (Ảnh: Hải Long).
"Hình ảnh những người lính đứng trang nghiêm tiễn biệt khi mang từng hũ đựng tro cốt đến các gia đình đã mang lại cảm xúc sâu lắng trong lòng mỗi người. Đó là một trong những phần việc Bộ Tư lệnh TPHCM đã chủ động và thực hiện chu toàn trong đợt bùng phát dịch vừa qua", Bí thư Thành ủy TPHCM nhắc đến một trong những hình ảnh ấn tượng nhất của các chiến sĩ.
Rà soát từng trường hợp qua đời do Covid-19
Sau khi thành phố từng bước kiểm soát được dịch Covid-19, một trong những phần việc trước mắt mà Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị lực lượng quân đội trên địa bàn triển khai là tập trung phối hợp cùng Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng các cơ quan rà soát từng trường hợp không may qua đời do dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị, các lực lượng cố gắng không để sót bất kỳ trường hợp nào.
"Hiện tại, còn một số gia đình chưa tìm được người thân của mình, cũng có những phần tro cốt chưa biết địa chỉ để giao kịp thời", ông Nguyễn Văn Nên nêu vấn đề.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố mong muốn, lực lượng quân đội phối hợp cùng các đơn vị, thực hiện sớm, chặt chẽ, kịp thời, chu đáo để đưa tro cốt đến từng gia đình, người thân. Ông nhấn mạnh, điều này thể hiện sự thấu cảm, chia sẻ với từng gia đình có thân nhân qua đời trong đại dịch.
Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị lực lượng quân đội phối hợp rà soát từng trường hợp tử vong do Covid-19 (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Đối với công tác an sinh xã hội, Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo từng cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tích cực tham gia hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, những người già cả neo đơn cần chỗ dựa, các trẻ nhỏ mồ côi cần nơi đỡ đầu là nhóm đối tượng cần đặc biệt quan tâm.
"Sau khó khăn, bão lũ, dịch bệnh, xã hội sẽ có những vấn đề lớn cần tập trung giải quyết. Tôi gửi gắm niềm tin vào lực lượng vũ trang sẽ đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố cùng chăm lo, sẻ chia, giúp đỡ cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn", ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Đối với công tác truyền thông, trong giai đoạn mới, lực lượng quân đội tại từng địa phương cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch, nhận thức sâu sắc vai trò của người dân trong bảo vệ chính mình và cộng đồng. Người dân cần hiểu đúng về dịch bệnh để không quá lo sợ, nhưng cũng không quá chủ quan.
Mệnh lệnh từ trái tim người lính
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, qua đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, lực lượng vũ trang đã thấy rõ hơn 2 bài học chính.
Bài học đầu tiên là sự gương mẫu của người chỉ huy, lãnh đạo. "Người chỉ huy khi ra trận sẽ tạo xung lực, động lực mạnh mẽ để cán bộ, chiến sĩ làm theo. Đây là bài học về sự gương mẫu", Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét.
Bài học tiếp theo được Bí thư Thành ủy TPHCM nhắc tới là sự chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật quân đội. Ông Nguyễn Văn Nên so sánh, cuộc chiến với dịch Covid-19 có phần khó khăn hơn những cuộc chiến khác, ý thức kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh của người lính là điều cốt lõi giúp mang lại thành công.
Lực lượng quân đội đã hỗ trợ người dân TPHCM bằng mệnh lệnh từ trái tim (Ảnh: Nguyễn Quang).
"Ngoài việc chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy, lãnh đạo, có một mệnh lệnh khác xuất hiện trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua. Đó là mệnh lệnh từ trái tim người lính", ông Nguyễn Văn Nên nhận định.
Cụ thể, trong những tình huống không có trong bất kỳ kịch bản, kế hoạch nào, từ người chỉ huy đến những người lính quân đội đều trực chiến linh hoạt, sẵn sàng tiếp nhận bất cứ nhiệm vụ nào. Lực lượng quân đội đã làm mọi việc có thể để hỗ trợ, chia sẻ với người dân cùng các lực lượng khác.
"Các chiến sĩ đã hành động bằng mệnh lệnh từ trái tim để ứng phó, hỗ trợ người dân bất kỳ thời gian, địa điểm. Tất nhiên, chúng ta không thể làm tròn mọi việc vì số lượng đông, nhu cầu nhiều, nỗ lực cỡ nào cũng không thể làm hoàn hảo. Người dân thành phố thấu hiểu, thông cảm, lượng thứ đối với tình huống đó", Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ.
TPHCM chưa có quyết định cuối cùng trong việc mở lại hàng quán ăn tại chỗ Sở Công Thương TPHCM cho biết, chính quyền thành phố vẫn đang xem xét, cân nhắc về cách làm, cách đánh giá các tiêu chí của những cơ sở trước khi quyết định mở lại hàng quán bán tại chỗ. Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 chiều 25/10, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám...