Giải cứu Sao La khỏi bờ tuyệt chủng
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam ( WWF Việt Nam) dưới sự tài trợ của Liên minh châu Âu đang thực hiện dự án “Giải cứu Sao La khỏi bờ tuyệt chủng”.
Dự án nhằm tìm kiếm sự tồn tại của loài thú quý cực kỳ quý hiếm này và lên kế hoạch bảo tồn nếu phát hiện được.
Mang lớn Trường Sơn tại Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Trong gần 2 năm, từ tháng 10/2022 đến tháng 7/2024, Dự án đã xác định được 55 khu vực tiềm năng nhất từ Nghệ An tới Quảng Nam có khả năng còn sự hiện diện của Sao La và danh sách gồm 46 người dân địa phương có kiến thức sinh thái bản địa. Đây là những người sẵn sàng tham gia hoạt động tìm kiếm Sao La cũng như hoạt động bảo tồn ngoại vi trong tương lai.
Dự án đã xây dựng Quy trình chuẩn khảo sát Sao La (SOP) bằng phương pháp đặt bẫy ảnh và thu mẫu eDNA (mẫu vắt và mẫu nước suối). Bẫy ảnh được lắp đặt và mẫu eDNA được thu thập tại 16 khu vực có mức độ ưu tiên cao nhất tại Trung Trường Sơn, trong đó tập trung vào các địa điểm có dấu vết Sao La như đường mòn động vật hay di chuyển và các nguồn nước. Mỗi khu vực gồm 10 ô khảo sát có diện tích khoảng 4 ha, khoảng cách giữa các ô khảo sát tối thiểu là 1 km. Trong mỗi khu vực khảo sát được lắp đặt 160 bẫy ảnh và thu 80 mẫu eDNA (40 mẫu nước suối và 40 mẫu vắt). Phương pháp này được áp dụng thống nhất cho tất cả các điểm khảo sát nhằm tăng khả năng phát hiện loài Sao La trong tự nhiên.
Trong vòng hai năm, dự án đã thu thập được 852.529 hình chụp bằng bẫy ảnh và 1.178 mẫu eDNA. Hầu hết các địa điểm khảo sát nằm ở các khu vực biên giới, khó tiếp cận. Vì vậy, hành trình tìm kiếm dấu vết Sao La là một thách thức lớn cho những cán bộ khi tác nghiệp trên hiện trường.
Đồng thời trong quá trình tìm kiếm Sao La, dự án cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của 59 loài động vật hoang dã quý hiếm và có nguy cơ đe dọa cao ở vùng cảnh quan Trung Trường Sơn.
Cụ thể có 4 loài ở mức cực kỳ nguy cấp gồm Mang Lớn, Tê Tê, Chà Vá chân nâu và Trĩ sao; 5 loài ở mức nguy cấp gồm Voọc đen Hà Tĩnh, Voọc xám, Thỏ vằn, Cầy vằn bắc và Rùa núi viền; 8 loài ở mức sắp nguy cấp gồm Khỉ đuôi lợn, Khỉ mặt đỏ, Gấu ngựa, Gấu chó, Lửng lợn, Rái cá vuốt bé, Nai xám và Sơn dương.
Đặc biệt loài Mang lớn được phát hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX đã được ghi nhận lại. Dữ liệu về quần thể động vật hoang dã này sẽ là cơ sở quan trọng cho dữ liệu đa dạng sinh học của vùng Trung Trường Sơn nói chung và là cơ sở để các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn và các chủ rừng xây dựng phương án bảo tồn phù hợp.
Video đang HOT
Sao La được phát hiện lần đầu tiên tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) năm 1992, gây chấn động giới bảo tồn trong nước và quốc tế, là một trong những loài thú hiếm nhất thế giới, được mệnh danh là kỳ lân châu Á. Loài thú này chỉ ghi nhận ở dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt Nam – Lào. Tháng 10/1998, các nhà khoa học chụp được ảnh Sao La trong tự nhiên tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Phải đến 15 năm sau đó, bẫy ảnh của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên mới ghi nhận được hình ảnh Sao La tại Quảng Nam. Tuy nhiên, từ đó đến nay không ghi nhận thêm hình ảnh Sao La trong tự nhiên.
Sao La là một biểu tượng cho đa dạng sinh học ở Trung Trường Sơn và là niềm tự hào của thiên nhiên Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên cùng nhiều tổ chức, cá nhân nỗ lực triển khai các hoạt động tìm kiếm và truy vết Sao La trên diện rộng. Trong năm 2023, chiến dịch truyền thông “Giữ rừng nguyên vẹn – Tái hẹn Sao La” được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng mức độ nhận diện Sao La trên toàn khu vực Trung Trường Sơn và kêu gọi cộng đồng cung cấp thông tin có giá trị hỗ trợ công tác phát hiện, bảo tồn Sao La. Chiến dịch được triển khai trên 22 kênh truyền thông, tiếp cận 5,6 triệu người và thu hút 316.000 lượt tương tác, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng trong núi rừng Trung Trường Sơn, một số nơi dự án chưa thể khảo sát vẫn còn một số cá thể Sao La tồn tại. Với những nỗ lực chung của chính phủ Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức bảo tồn và cộng đồng những người yêu thiên nhiên, chúng ta vẫn còn cơ hội để đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam và trên phạm vi toàn cầu”.
Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng
Dự án giải cứu sao la này nhằm phát hiện và bảo tồn loài thú cực kỳ quý hiếm, nguy cấp và tiêu biểu nhất cho đa dạng sinh học trong tự nhiên ở Việt Nam
Dự án "Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng", do EU tài trợ không hoàn lại thông qua Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) với tổng kinh phí hơn 22 tỉ đồng, vừa được triển khai tại tỉnh Quảng Bình. Sao la là một trong những loài thú quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, hiện còn rất ít cá thể sinh sống ở vùng rừng trên dãy Trường Sơn - chúng được mệnh danh là "kỳ lân châu Á".
Sao la ở vùng núi trung Trường Sơn - Việt Nam được các nhà khoa học thu thập được(Ảnh do WWF - Việt Nam cung cấp)
Đặc biệt nguy cấp
Sao la có tên khoa học là Pseudoryx Nghetinhensis, được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992 tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Thời điểm đó, Bộ Lâm nghiệp và Tổ chức WWF - Việt Nam tiến hành tìm kiếm, khảo sát đã phát hiện thêm 20 con sao la khác sinh sống tại các vùng rừng thuộc dãy Trường Sơn, dọc biên giới Việt - Lào.
Ngay sau đó, sao la được xếp vào danh mục những loài động vật đặc biệt nguy cấp, cực kỳ quý hiếm (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thế giới (IUCN) và Sách đỏ của Việt Nam.
Sau này, thi thoảng sao la được tìm thấy ở các khu vực khác trong phạm vi của rừng nằm đoạn giữa dãy Trường Sơn thuộc các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế. Tháng 10-1998, một lần nữa các nhà khoa học đã chụp ảnh được sao la trong tự nhiên ở Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Đáng chú ý, tất cả các con sao la được tìm thấy đều đã chết sau vài tuần.
Tại Lào, tháng 9-2010, thế giới từng chấn động khi người dân tại ngôi làng hẻo lánh thuộc tỉnh Borikhamxay bắt được một con sao la mang về làng, chỉ 3 tuần sau đó thì con vật quý này đã chết.
Ở khu vực rừng núi phía Tây tỉnh Quảng Bình, nhờ vào hệ thống bẫy ảnh do các nhà bảo tồn thiết lập trong các khu rừng rậm đã cho thấy sự hiện diện của loài sao la. Mới đây, tháng 2-2019, tại khu vực tiếp giáp giữa vùng đệm và vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, qua bẫy ảnh, giới khoa học đã bất ngờ thu được hình ảnh của một cá thể nghi là sao la xuất hiện. Từ đó, họ đã thu thập thêm các bằng chứng để khẳng định sự hiện diện của loài thú quý hiếm này trong rừng và triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, nhằm tránh các hoạt động gây hại đến loài thú quý hiếm này.
Giải cứu khẩn cấp
Dự án "Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng" nhằm tăng cường hoạt động tìm kiếm, phát hiện loài thú quý hiếm, đặc hữu này trên nhiều phạm vi, khu vực rừng đã được khảo sát: Vườn Quốc gia Pù Mát, khu vực rừng phòng hộ phía Bắc tỉnh Nghệ An và khu vực cảnh quan trung Trường Sơn (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam). Quảng Bình là một trong những địa phương được cơ quan chủ quản dự án - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn tiên phong khởi động dự án.
Để triển khai hiệu quả dự án, Quảng Bình đã quyết định thành lập Ban Quản lý dự án rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Tổ chức WWF - Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động tìm kiếm sao la.
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án VFBC tỉnh Quảng Bình, cho biết do đặc tính quý hiếm của loài này nên hiện cũng không có cá thể sao la nào được nuôi nhốt và phạm vi phân bổ loài thú này rất hạn hẹp, chỉ tập trung ở khu vực rừng trung Trường Sơn.
"Trước mắt phổ biến kiến thức cho người dân, cộng đồng, từ đó cùng thu thập thông tin có giá trị nhằm tăng khả năng phát hiện sao la trong phạm vi cư trú. Ngoài ra, sẽ sử dụng hệ thống bẫy ảnh tại nhiều khu vực để giám sát, tìm kiếm nhằm phát hiện cá thể này trên phạm vi các khu vực rừng dựa trên kinh nghiệm, khảo sát, điều tra thu thập thông tin" - ông Long cho biết.
Cán bộ kiểm lâm tỉnh Quảng Bình bẫy ảnh để nhận diện đa dạng sinh học, nghi có dấu vết của sao la
Dự án sẽ ưu tiên ít nhất 15 khu vực có mức độ nhận diện sao la cao nhất để khảo sát và đặt 2.400 bẫy ảnh flash trắng cho 6 tỉnh vùng trung Trường Sơn. Riêng Quảng Bình sẽ đặt 3 khu vực (200 bẫy ảnh cho mỗi khu vực) để nhận diện sao la. Tiếp đó, thực hiện thu thập và lấy ít nhất 1.200 mẫu eDNA để phân tích nhằm phát hiện sao la. Đồng thời sẽ tuyển dụng những người dân địa phương có kinh nghiệm theo dấu động vật hoang dã, có kiến thức sinh thái về các loài móng guốc để hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, cứu hộ sao la trong tương lai.
Ngoài ra, việc khẩn cấp là tìm kiếm phát hiện và nuôi nhốt để thiết lập một chương trình nhân giống bảo tồn ngoại vi. Bảo đảm và duy trì những điều kiện cần thiết mang tính dài hạn để khôi phục một quần thể loài hoang dã có khả năng tồn tại và tái sinh trong tương lai, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam nói chung và loài sao la nói riêng.
Cuộc chiến vì lợi ích sinh thái
Theo đánh giá của các nhà khoa học, hiện vẫn chưa có thông tin quần thể sao la trên toàn cầu. Đây là một trong những loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, với số lượng còn sót lại trong tự nhiên chỉ khoảng dưới 100 cá thể tập trung ở khu vực trung dãy Trường Sơn trên lãnh thổ Việt Nam và Lào.
Tại hội thảo công tác bảo tồn sao la tổ chức ở Đại học Vinh (tỉnh Nghệ An) vào tháng 2-2023, tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức WWF - Việt Nam, đánh giá sao la tượng trưng cho tất cả điều quan trọng hiện đang bị đe dọa. Nếu chúng ta có thể cứu được sao la, sẽ cứu được cảnh quan rừng, đa dạng sinh học và những lợi ích hệ sinh thái mang lại. Do đó, đây không chỉ đơn thuần là bảo vệ một loài động vật trong tình trạng nguy cấp mà còn là cuộc chiến nhằm cứu lấy thiên nhiên, các lợi ích sinh thái, sinh kế cộng đồng và tất cả những gì mà loài sao la là đại diện.
WWF: Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về bảo tồn đa dạng sinh học Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo phóng viên TTXVN tại Canada, phát biểu tại sự kiện "Bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam" được tổ chức...