Giải cứu nhiều phụ nữ bị bán sang Lào bóc lột tình dục
Các đối tượng sử dụng thủ đoạn tuyển nhân viên phục vụ các quán karaoke ở trong nước nhưng sau đó lại dụ dỗ để đưa các cô gái đó sang Lào, ép bán dâm.
Ngày 12/12, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã thông tin về việc, vừa phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) và các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên và Cảnh sát Lào triển khai phá án, giải cứu thành công nhiều phụ nữ đang bị các đối tượng khai thác, bóc lột tình dục tại Lào.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam Phan Thị Nguyệt Mai (SN 1991), trú tại xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, là đối tượng cầm đầu và Lương Văn Dũng (SN 1989), trú tại huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi.
Cặp vợ chồng “hờ” Phan Thị Nguyệt Mai và Lương Văn Dũng.
Theo đó, khoảng cuối năm 2021, Phan Thị Nguyệt Mai quen biết Lương Văn Dũng và thuê nhà chung sống với nhau như vợ chồng tại tỉnh Hưng Yên. Thời gian này, Dũng quản lý 5 đến 6 nhân viên phục vụ các quán karaoke, còn đối tượng Mai hỗ trợ Dũng bằng cách tuyển mộ các nhân viên về làm cho Dũng.
Đầu năm 2023, Mai nói với chồng “hờ” sang Lào tìm cách móc nối để đưa phụ nữ Việt Nam sang bán dâm kiếm được nhiều tiền hơn. Sau khi sang Lào một thời gian, Mai quay về Việt Nam tuyển phụ nữ về làm nhân viên cho Dũng và cũng là nơi tập kết để sau đó lựa chọn đưa sang Lào làm gái mại dâm. Đối tượng Mai có sử dụng tài khoản facebook tên “Trần Trang” để tham gia hội nhóm “Tuyển nhân viên karaoke”.
Đầu tháng 3/2024, qua mạng xã hội, cháu Đ.T.Tr (SN 2009), quê ở Tuy Hòa, Phú Yên làm quen với L.Đ.D (SN 1999), trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội và được D đề nghị ra Hà Nội làm nhân viên quán karaoke do anh ta làm quản lý. Sau đó, cháu Tr đi xe khách từ Bình Định ra Hà Nội, được D đón, đưa về quán karaoke Gia Hưng ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai.
Video đang HOT
Khoảng 1 tuần làm tiếp viên phục vụ các quán karaoke tại Thanh Oai, cháu Tr lên mạng xã hội thấy bài đăng tuyển nhân viên của Mai nên cháu Tr đã kết bạn với Mai và được rủ về Hưng Yên làm tiếp viên quán karaoke với mức lương cao hơn. Do quán ở Thanh Oai vắng khách nên Tr đồng ý sẽ về Hưng Yên làm cho Mai nếu Mai trả số tiền Tr đang nợ L.Đ.D khoảng 10 triệu đồng.
Đối tượng Hà Thị Thu Trang và chồng Chen QinBo.
Đối tượng Mai đã trao đổi, bàn bạc với chồng “hờ” sẽ đi chuộc Tr về làm nhân viên với giá 15 triệu đồng, Dũng đồng ý và đã chuyển khoản góp số tiền 4,7 triệu đồng cho Mai đi chuộc Tr. Ngày 15/3, Mai đi xe ôtô đến quán karaoke Gia Hưng, chuyển 9,8 triệu đồng cho L.Đ.D rồi Mai đón cháu Tr về Hưng Yên. Ngay sau khi về đến nhà trọ tại huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), Mai đã yêu cầu cháu Tr viết giấy vay nợ 15 triệu đồng. Cháu Tr làm nhân viên phục vụ cho các quán karaoke ở khu vực này theo sự điều hành, sắp xếp của Mai và Dũng.
Được khoảng 1 tuần, Mai rủ cháu Tr sang Lào làm tiếp viên karaoke để được nhiều tiền hơn so với làm ở Việt Nam nên cháu Tr đã đồng ý. Ngày 25/3, Mai đưa Tr và cô gái tên O.T.K (SN 2006), quê ở Nghệ An, cũng là nhân viên phục vụ quán karaoke ở Tiên Lữ ra bến xe Chợ Gạo, Hưng Yên rồi bắt xe khách đi lên Điện Biên. Đến cửa khẩu Tây Trang, Mai, Tr, K làm thủ tục xuất cảnh sang Lào và đến Khu kinh tế Boten, tỉnh Luangnamtha, Lào (khu vực giáp ranh giữa Lào và Trung Quốc).
Tiếp nhận, bàn giao các nạn nhân bị mua bán tại cửa khẩu Tây Trang, Điện Biên.
Tại đây, Mai giao Tr và K cho một đối tượng nữ tên Hà Thị Thu Trang, tên thường gọi là Trang “tầu”. Mai thông báo tổng số tiền Tr còn nợ Mai là 68 triệu đồng và yêu cầu Tr làm cho Trang “tầu” để trả nợ dần cho Mai. Hàng ngày, cháu Tr phải bán dâm cho khách Trung Quốc từ khoảng 18h đến sáng hôm sau. Do bị Trang “tầu” đe dọa sẽ bán đi nơi khác nếu không chấp hành nên cháu Tr đã phải bán dâm theo sắp đặt của Trang. Làm ở Boten (Lào) được khoảng 2 tuần, lợi dụng sự sơ hở của các đối tượng, cháu Tr đã bỏ trốn về được Việt Nam.
Qua công tác nghiệp vụ, Cục Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá đường dây tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi tại địa bàn Hà Nội và một số địa phương trên cả nước. Sau thời gian khẩn trương thu thập tài liệu chứng cứ, ngày 11/9, Ban Chuyên án đã huy động lực lượng, phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên triển khai phá án, đồng loạt khám xét, triệu tập các đối tượng, giải cứu thành công 5 phụ nữ đang bị các đối tượng khai thác, bóc lột tại quán karaoke ở tỉnh Hưng Yên.
Hiện 5 phụ nữ này đang được gửi vào Ngôi nhà Bình Yên thuộc Trung tâm phụ nữ và Phát triển – Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để hỗ trợ tư vấn tâm lý và sức khỏe, phục vụ khai thác thông tin trong quá trình điều tra.
Đấu tranh mở rộng chuyên án, Ban chuyên án xác định, các đối tượng Mai và Dũng đã dụ dỗ nhiều phụ nữ đưa sang Boten, Lào bàn giao cho Trang để tổ chức bán dâm cho người Trung Quốc. Cục Cảnh sát hình sự đã cử 1 tổ công tác sang làm việc, phối hợp với Cảnh sát Lào điều tra xác minh, truy bắt đối tượng Hà Thị Thu Trang; đồng thời giải cứu nhiều phụ nữ khác bị ép bán dâm.
Theo cán bộ Phòng phòng ngừa, điều tra tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, các trinh sát đã trải qua nhiều ngày bám sát để nắm tình hình địa bàn, nắm rõ được quy luật hoạt động của các tụ điểm mại dâm tại Boten, Lào. Xác định khu vực Boten là địa bàn phức tạp, tổ công tác đã phối hợp với Cục Phòng, chống tội phạm mua bán người, Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào khi triển khai thực hiện khám xét, bắt giữ đối tượng và giải cứu nạn nhân trên địa bàn.
Ban Chuyên án đã đồng loạt tiến hành triệu tập, khám xét tại địa chỉ số 76,77 tòa nhà trong khu kinh tế Boten, bắt giữ đối tượng, giải cứu nạn nhân tại nhiều địa điểm trong đặc khu Boten, tỉnh LuangNamTha, Lào do các đối tượng người Việt Nam và Trung Quốc cầm đầu. Quá trình phối hợp thực hiện đấu tranh triệt phá, Cảnh sát Lào đã triệu tập, khám xét, tạm giữ 2 đối tượng người Trung Quốc, 2 đối tượng người Việt Nam quản lý của cơ sở môi giới mại dâm tại Boten, Lào (nơi nạn nhân Đ.T.Tr bị bóc lột tình dục trước đây) gồm: Hu Ping (SN 1991) và Chen QinBo (SN 1979, là chồng của đối tượng Hà Thị Thu Trang); Đinh Thị Ngọc Linh (SN 1998), quê ở Phú Thọ; Hoàng Thị Ành (SN 1998), quê ở tỉnh Lai Châu. Đến nay, các đối tượng trên đã bị Cảnh sát Lào đưa về Viêng Chăn để điều tra, xử lý về các hành vi mua bán người và môi giới mại dâm.
Ngày 10/11, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm Mua bán người, Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào đã trục xuất, bàn giao cho Cục Cảnh sát hình sự đối tượng Hà Thị Thu Trang và 13 phụ nữ có liên quan đến cơ sở mại dâm vừa bị Cảnh sát triệt phá, đưa về Việt Nam để đấu tranh, khai thác, phục vụ công tác điều tra vụ án. Cũng theo Cục Cảnh sát hình sự, hiện đã giải cứu tổng 15 phụ nữ trong chuyên án.
LHQ cảnh báo nạn buôn người gia tăng do xung đột và biến đổi khí hậu
Ngày 11/12, một báo cáo từ Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) cho biết nạn buôn người trên toàn cầu đã tăng mạnh do tác động của xung đột, thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và các khủng hoảng toàn cầu khác.
Các em nhỏ tại một lớp học tạm ở thành phố Omdurman, Sudan. Ảnh: THX/TTXVN
Năm 2022, năm gần đây nhất có số liệu được công bố rộng rãi, số nạn nhân trên toàn thế giới tăng 25% so với mức trước đại dịch COVID-19 năm 2019.
Báo cáo cho thấy tổng cộng 69.627 nạn nhân trong năm 2022. Đáng chú ý, trẻ em chiếm 38% số nạn nhân, tăng so với mức 35% vào năm 2020. Phụ nữ trưởng thành tiếp tục là nhóm nạn nhân lớn nhất, chiếm 39%, trong khi nam giới chiếm 23%, trẻ em gái chiếm 22% và trẻ em trai chiếm 16%.
Nguyên nhân chủ yếu đối với phụ nữ và trẻ em gái là bị buôn bán để bóc lột tình dục, chiếm hơn 60%. Đối với nam giới và trẻ em trai, lao động cưỡng bức là hình thức khai thác phổ biến nhất, trong khi trẻ em trai cũng bị buôn bán để thực hiện các hành vi tội phạm bị ép buộc và ăn xin.
Theo báo cáo, tình trạng xung đột và biến đổi khí hậu đã khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh dễ bị tổn thương.
Làn sóng di cư lớn, đặc biệt từ châu Phi cận Sahara, đã dẫn đến gia tăng các tuyến đường buôn người. Khu vực này hiện chiếm 26% tổng số nạn nhân.
Bên cạnh đó, số lượng trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm đến châu Âu và Bắc Mỹ cũng góp phần gia tăng nạn nhân là trẻ em trai.
Cận Sahara châu Phi, Bắc Mỹ, và Tây-Nam Âu là những khu vực ghi nhận gia tăng đáng kể số trường hợp buôn người.
Dòng người di cư được coi là một yếu tố quan trọng tại Bắc Mỹ và châu Âu, trong khi khu vực châu Phi cận Sahara đối mặt với nhiều tuyến đường buôn người phức tạp.
UNODC cảnh báo rằng các tổ chức tội phạm ngày càng tinh vi, buôn bán người không chỉ để lao động cưỡng bức mà còn để thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến và gian lận mạng. Phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục là mục tiêu chính của bóc lột tình dục và bạo lực trên cơ sở giới.
Khủng hoảng nhân lực trong cuộc chiến chống nạn 'deepfake' tại Hàn Quốc Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng trong cuộc chiến chống lại nạn bóc lột tình dục bằng công nghệ giả mạo "deepfake". Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc, số lượng nhân viên tại Trung tâm hỗ trợ nạn nhân lạm dụng tình dục trực tuyến đã giảm...