Giải cơn khát vốn cho hợp tác xã
Được ví như huyết mạch để lưu thông nhưng việc tiếp cận nguồn vốn lại gặp khó khăn và trở thành điểm nghẽn tại nhiều hợp tác xã.
Nông dân thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước thu hoạch táo trồng trong mô hình nhà lưới. Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN
Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng số lượng hợp tác xã được tiếp cận với ưu đãi rất ít, đa số vẫn phải tự lực cánh sinh với nguồn vốn hạn hẹp. Vì thế, Nghị quyết 20-NQ/TW về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giải đoạn mới đã đề ra một loạt giải pháp nhằm giải quyết bài toán về vốn và tín dụng để hợp tác xã cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Thực tế cho thấy hiện nay các hợp tác xã đang rơi vào cảnh thiếu vốn trầm trọng nhưng lại vô cùng chật vật khi tiếp cận với chính sách hỗ trợ. Chính vì vậy, thay vì vay vốn ngân hàng, hầu hết hợp tác xã phải xoay qua tự huy động vốn từ các thành viên, thậm chí phải thế chấp hết tài sản của gia đình để tăng vốn hoạt động.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, thời gian qua Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã dù đã hỗ trợ không ít hợp tác xã nhưng chưa phân bổ đủ; thậm chí có tỉnh đến nay vẫn chưa thành lập Quỹ.
Một kênh nữa giúp hợp tác xã tiếp cận là qua tổ chức, đoàn thể nhưng thường là vay tín chấp và chỉ được chấp nhận khi đã hết dư nợ.
Đây cũng là rào cản khiến hợp tác xã không thể thoả mãn điều kiện này do hầu hết đều có dư nợ tại ngân hàng.
Ngoài ra, nếu vay vốn tại ngân hàng thương mại, hợp tác xã phải có tài sản thế chấp, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, đa số hợp tác xã đều có tài sản rất ít, giá trị thấp hoặc không có tài sản, tài sản không bảo đảm các điều kiện cho vay từ phía ngân hàng.
Hơn nữa, rất hiếm hợp tác xã đáp ứng được điều kiện về phương án sản xuất kinh doanh do mới thành lập hoặc chưa liên kết được với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị.
Video đang HOT
Các chuyên gia lý giải rằng, đây là lý do khiến hợp tác xã chật vật trong tiếp cận vốn hoặc có thì cũng chỉ dừng lại ở nguồn vốn ngắn hạn.
Hơn nữa, nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại thường có lãi suất cao cũng tạo thêm gánh nặng cho khu vực kinh tế này.
Với mong muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, Hợp tác xã sản xuất dịch vụ và thương mại Kim Chòi (Lạng Sơn) đã tìm đến nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, tài sản thế chấp của hợp tác xã không đảm bảo, chưa đáp ứng đầy đủ thủ tục vay vốn nên không tiếp cận được và phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài với lãi suất cao gấp đôi.
Cùng khó khăn trong tiếp cận vốn, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (Đồng Nai) chia sẻ, lãi suất hợp tác xã vay ngân hàng hiện nay từ 10-11%/năm với khoản vay hàng tỷ đồng. Vì vậy, riêng tiền lãi cũng đã khiến hợp tác xã đau đầu, nhất là khi chăn nuôi đang bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh, giá thức ăn tăng liên tục nên hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã đã khó càng thêm khó.
Còn tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng (Quảng Trị), để tồn tại, phát triển và thích ứng với thị trường, hợp tác xã đã phải đẩy mạnh đa dạng các dịch vụ nhằm hỗ trợ các thành viên sản xuất kinh doanh theo chuỗi.
Theo ông Nguyễn Thể, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng, trung bình mỗi năm hợp tác xã huy động khoảng 50-100 thành viên có nguồn vốn nhàn rỗi gửi tiền vào quỹ tín dụng nội bộ, sau đó cho các thành viên khác có nhu cầu được tạo điều kiện vay vốn.
Chính vì vậy, hiện tại hợp tác xã đã có nguồn vốn tín dụng nội bộ khoảng 15 tỷ đồng, hỗ trợ cho 100 hộ thành viên xây dựng trang trại, 30 hộ đầu tư các loại xe để hoạt động, vận chuyển nông sản. Mặt khác, hợp tác xã còn mua các loại máy móc nông nghiệp để phục vụ sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch.
“Để làm được điều này hầu hết đều nhờ công sức và sự góp vốn của thành viên hợp tác xã bởi nếu tự vay hoặc tiếp cận nguồn vốn từ chính sách là điều rất khó”, ông Nguyễn Thể nhấn mạnh.
Chờ đợi chính sách mới
Phát triển vùng trồng rau màu theo hướng VietGAP tại phường Văn Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN
Câu chuyện hợp tác xã muốn ứng dụng công nghệ vào sản xuất hay làm đường bê tông ra ruộng chở nông sản nhưng thiếu vốn do không có tài sản thế chấp đã không còn là vấn đề mới với khu vực kinh tế này.
Nhiều hợp tác xã đang có nhu cầu rất lớn về vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh vì trong giai đoạn thị trường cạnh tranh gay gắt buộc khu vực kinh tế này phải có sự chuyển đổi sản xuất theo mô hình chuỗi và bắt nhịp thị trường. Do đó, rất cần sự chung tay hỗ trợ của cơ quan quản lý để hợp tác xã tận dụng cơ hội phát triển.
Ông Vũ Văn Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh, Hà Nội) mong các bộ, ngành tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ hợp tác xã được vay tín chấp phục vụ phát triển sản xuất, vì đa số không có tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng.
Nghị quyết 20-NQ/TW ra đời đã đề ra 6 phương hướng xử lý vấn đề tín dụng cho hợp tác xã như vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh đầu tư; vay vốn trung dài hạn; khuyến khích tăng vốn và huy động vốn các thành viên…đang là động lực thôi thúc với khu vực kinh tế này.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bày tỏ, hợp tác xã đang tiếp cận các nguồn vốn tín dụng qua kênh tín dụng thương mại. Đây là kênh tương đối khó khăn, vì điều kiện để tiếp cận tín dụng thương mại và lòng tin của các tổ chức tín dụng với hợp tác xã còn hạn chế.
Ngoài ra còn có Ngân hàng Hợp tác xã, là thành viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã nhưng chủ yếu làm đầu mối để điều tiết, hỗ trợ cho các Quỹ tín dụng nhân dân. Còn lại thị phần tín dụng và các dịch vụ hỗ trợ hợp tác xã còn ít.
Bởi vậy, ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định nếu Nghị quyết 20-NQ/TW được thực hiện kịp thời sẽ giúp thay đổi diện mạo cho hợp tác xã và tạo đột phá về nhận thức, vai trò của kinh tế tập thể, góp phần đưa khu vực kinh tế này phát triển mạnh và bền vững.
Bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân
Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân (tỉnh Bình Định) được thành lập từ tháng 10/2020, với 10 thành viên đều là những thanh niên có mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của địa phương. Sau gần 3 năm hoạt động . Hợp tác xã đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ được hàng trăm tấn nông sản chủ lực của nông dân huyện Hoài Ân.
Vườn bưởi anh Nguyễn Văn Lưu, thôn Vạn Hội, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) - hộ liên kết trong chuỗi sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân.
Anh Thái Việt Duy, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân cho biết: Nhiệm vụ chính của Hợp tác xã là bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân, trong đó có 4 sản phẩm chủ lực của huyện Hoài Ân là: bưởi da xanh, dừa xiêm, gà thả đồi, trà Gò Loi. Hợp tác xã đã phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân xây dựng các chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông sản, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, giống cây trồng và tìm kiếm đối tác để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 80 hộ dân/60 ha bưởi da xanh và một số cây có múi khác. Đặc biệt, chuỗi liên kết đã tạo ra vùng sản xuất cây ăn trái có múi thương phẩm hợp chuẩn VietGAP.
Anh Thái Thành Việt, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân (phụ trách kỹ thuật) cho biết: Đến nay, các nhà vườn tham gia chuỗi liên kết đã áp dụng thành thạo kỹ thuật canh tác hợp chuẩn VietGAP. Hợp tác xã liên tục mở rộng địa bàn để hình thành vùng nguyên liệu ổn định, đã ký hợp đồng với từng hộ; hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật canh tác hợp chuẩn, hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi sang canh tác bưởi an toàn, truy xuất nguồn gốc dễ dàng để nâng cao uy tín sản phẩm.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của Hợp tác xã đã xuống tận từng nhà vườn hướng dẫn chi tiết quy trình canh tác hợp chuẩn VietGAP, trong đó chú trọng vào việc bón phân, thời gian cách ly để thu hoạch, chế độ dinh dưỡng cho cây trong giai đoạn kết trái. Đồng thời Hợp tác xã còn động viên, hỗ trợ nhà vườn chuyển dần sang hướng canh tác hữu cơ với việc sử dụng nhiều hơn các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ để tạo ra những vườn bưởi, vườn dừa sạch.
Chị Phạm Thị Lý, thôn Thanh Lương, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, chủ nhà vườn dừa đã tham gia vào chuỗi liên kết cho biết: Nhờ các bạn trẻ của Hợp tác xã Thanh niên xuống hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón hữu cơ nên chất lượng quả dừa đều, nước ngọt. Hợp tác xã thu mua tại vườn với giá tốt nên chúng tôi yên tâm vì sản phẩm đã có đầu ra ổn định, nhờ đó tiếp tục đầu tư mở rộng thêm diện tích cây trồng.
Anh Nguyễn Văn Lưu, thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân đang trồng khoảng 600 cây bưởi, cam và quýt, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng. "Trước đây, nhà vườn chúng tôi thường đối mặt với chuyện được mùa rớt giá, và do chưa nắm bắt được kỹ thuật mới nên cây trồng thường xuyên bị sâu bệnh, chất lượng sản phẩm không cao, tiêu tốn nhiều chi phí. Nhưng khi được Hợp tác xã thu mua tại vườn với giá tốt Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân ký kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật nên chi phí sản xuất giảm, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên, giá bán cũng tốt hơn, sản phẩm đầu ra ổn định", anh Nguyễn Văn Lưu chia sẻ.
Dừa xiêm Hoài Ân được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể là một sản phẩm nông sản chủ lực nằm trong chuỗi liên kết sản xuất của HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân có đầu ra ổn định.
Bên cạnh việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để mở rộng thị trường, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân còn chào hàng trên trang thương mại điện tử Postmart của Bưu điện Việt Nam, đồng thời xúc tiến hợp đồng đưa bưởi da xanh Hoài Ân vào hệ thống siêu thị của Saigon Co.op tại Bình Định. Anh Thái Thành Việt cho biết, Hợp tác xã ký hợp đồng cung ứng 60 tấn bưởi da xanh Hoài Ân cho hệ thống Bưu điện Việt Nam trong năm 2022, đến nay đã cung ứng được 20 tấn. Tháng 5/2022, UBND tỉnh Bình Định trao tặng Bằng khen cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện Hoài Ân giai đoạn 2020-2022.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân Hoàng Anh Thiện nhấn mạnh, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và làm rất tốt việc hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã đã chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết với nhiều doanh nghiệp lớn để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân Hoài Ân, nhờ đó sản phẩm có đầu ra ổn định, đồng thời nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm nông sản Hoài Ân vươn xa hơn trên thị trường.
Động lực mới giúp các hợp tác xã chuyển mình Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao, việc phát triển hợp tác xã, làm bàn đạp kinh tế cho người dân nông thôn là tiêu chí luôn được chính quyền địa phương và người dân chú trọng. Bởi xuất phát từ nền tảng kinh tế và thu nhập vững chắc, công cuộc xây...