‘Giấc mơ Trịnh’ đã trở thành hiện thực
‘Giấc mơ Trịnh’ trở thành hiện thực, bởi mỗi nghệ sĩ ‘ Trịnh Ca’ góp vào một mảnh ghép, cùng sự ủng hộ của ‘Trịnh khách’ và sự chia sẻ, nâng đỡ của những tên tuổi lớn.
Các nghệ sĩ và hàng ngàn khán giả đã được thăng hoa với âm nhạc Trịnh trong những ngày đầu tháng 4 vào hạ.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang đệm đàn cho ca sĩ Lê Tâm hát Phôi pha, ảnh BTC.
Liveshow đặc biệt “Giấc mơ Trịnh” diễn ra tối 1-2/4/2023 tại “Thánh đường” Nhà hát Lớn (Hà Nội) để tưởng nhớ vị nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Chương trình do phòng trà Trịnh Ca cùng Vàng son một thuở thực hiện. Chương trình quy tụ đông đủ các nghệ sĩ của phòng trà như: Lê Tâm, Diệu Thúy, Bích Ngọc, Tuấn Anh, Mai Loan, Minh Đức, Trần Tuấn Hòa, Nhật Thảo, Anh Phong, Thanh Hương, Trí Anh, Nhật Trường, Huy Quyết, Hoàng Trang và Nguyễn Đông… Các “nghệ nhân” hát nhạc Trịnh cùng thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời mình là đứng giữa thánh đường âm nhạc Việt Nam để cất lên “tiếng ca bắt nguồn từ đất khô” để tình yêu nhạc Trịnh của người nghệ sĩ cùng với khán giả hòa vào nhau…
“Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô” để tình yêu nhạc Trịnh của người nghệ sĩ cùng với khán giả hòa vào nhau, ảnh BTC.
Với kết cấu ba chương: Giấc mơ Trịnh, Hãy yêu nhau đi và Dấu chân địa đàng, chương trình đưa khán giả đi qua hành trình mơ mộng và lớn dần của Trịnh Ca thông qua cách hiểu, cách hát riêng của mỗi ca sĩ trên nền những giai điệu và ca từ quen thuộc, thông qua nhiều lát cắt về tình yêu, thân phận con người và những bài hát cho quê hương mà Trịnh Công Sơn đã viết.
Trải lòng những tâm tư về nhạc Trịnh, nghệ sĩ cứ hát, cứ yêu, yêu khán giả và được khán giả yêu. Tình yêu cũng là đề tài bất tận trong những bản nhạc Trịnh. Dù ở trạng thái nào, những lúc hạnh phúc và cả khi dang dở tình yêu đều đẹp, đều là máu thịt. Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình.
Video đang HOT
“Giấc mơ Trịnh” trở thành hiện thực, bởi mỗi nghệ sĩ Trịnh Ca góp vào một mảnh ghép, ảnh BTC.
Trên sân khấu Nhà hát Lớn, Bích Ngọc, Mai Loan khẳng định là những giọng hát trải nghiệm, cảm xúc; Diệu Thúy giữ được sự hồn nhiên mộc mạc; Lê Tâm trưng trổ giọng hát kỹ thuật mà cảm xúc…
Nhạc sĩ Nguyễn Quang gửi tặng món quà đặc biệt cho khán giả, đó là bản hòa tấu piano Biển nhớ được khán giả dành những tràng pháo tay dài tán thưởng. Ngoài ra, nhạc sĩ Nguyễn Quang còn đệm đàn cho ca sĩ Lê Tâm hát Phôi pha.
Hình ảnh những hàng tre, không gian Trịnh Ca với những chiếc ghế mộc, và cả những Trịnh khách được nghệ thuật hóa lên sân khấu. Một dòng chữ “Giấc mơ Trịnh”, giản dị mà gửi gắm những thông điệp ý nghĩa từ những người thực hiện.
“Giấc mơ Trịnh” đã trở thành hiện thực, bởi mỗi nghệ sĩ Trịnh Ca góp vào một mảnh ghép, cùng khán giả và sự chia sẻ, nâng đỡ của những tên tuổi lớn. Một trong số đó phải kể đến Tổng đạo diễn chương trình – nhạc sĩ Nguyễn Quang, người con trai tài năng của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang chia sẻ: “Những nghệ sĩ Trịnh Ca được khán giả yêu mến từ lâu. Có thể họ không phải những ngôi sao nhưng khi họ thực hiện được ước mơ, thì sẽ cảm xúc hơn cả những nghệ sĩ đã thành danh”.
Da diết đêm nhạc nhớ Trịnh
Tròn 22 năm người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn rời bỏ 'kiếp rong chơi' trần thế - cái triết lý thân phận mà có lẽ chỉ riêng ông mới biểu đạt như vậy, là cũng chừng ấy thời gian giới mộ điệu chưa một ngày lãng quên ông, bằng việc hát lên những giai điệu đắm say, nồng nàn...
Âm nhạc của ông vẫn ở lại với cuộc đời, sống khỏe khoắn, bền bỉ, thách thức thời gian... Đêm đầu tiên của ngày tháng Tư, ở nhiều địa điểm tại thành phố Vinh, những "Nhớ Trịnh", "Như một lời chia tay", "Gọi mãi tên nhau"... các chương trình ca nhạc đã được tổ chức ấm cúng, giản dị... để những người yêu mến nhạc Trịnh cùng đốt nến, tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa, để cùng nhau ngân lên những giai điệu đẹp trong kho tàng ca khúc mà hơn 40 năm sáng tác miệt mài ông gửi lại cuộc đời. Những đêm nhạc ấy, cả người đến thưởng thức âm nhạc, lẫn những nghệ sĩ biểu diễn, đều rưng rưng xúc động...
Nhà báo Phạm Thùy Vinh cất lên những lời ca say đắm trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn: Gọi mãi tên nhau. Ảnh: Cảnh Yên
Đêm nhạc để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng người yêu nhạc Trịnh. Ảnh: Cao Đông
Nhiều năm nay, vào ngày mất của nhạc sĩ họ Trịnh, nữ nhà báo Thùy Vinh vẫn cùng bạn bè của mình tổ chức những đêm nhạc để nhớ về ông. Tại một quán cà phê nào đó trong thành phố này, họ tự đánh đàn, tự hát cho nhau nghe những ca khúc của Trịnh. Năm nay, chị chia sẻ, có phải vì không gian được chọn rộng rãi hơn, hay vì điều gì khác, mà "Gọi mãi tên nhau" - tên chương trình mà họ tổ chức tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Quốc Trị (TP. Vinh) - lại thu hút người đến nghe rất đông, chủ yếu là lứa tuổi 7x, 8x. Quán với sức chứa 300 khán giả không còn chỗ trống. Đông là vậy, nhưng vẫn đủ trật tự để không gian ấy chỉ còn âm nhạc vang lên.
Gia đình nhạc sỹ Hoàng Sơn - ca sỹ Phương Linh cùng cất lên bài hát "Ở trọ" với giai điệu tươi vui. Ảnh: Cảnh Yên
Các "nghệ sĩ" biểu diễn trên sân khấu, đa số không phải ca sĩ, nhạc công chuyên nghiệp. Họ là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, là giáo viên, kỹ sư, nhân viên văn phòng hay người lao động... yêu nhạc Trịnh tha thiết. Trong đêm nhạc ấy, trên sân khấu có "nghệ sĩ" U80 và có cả những em bé lên 5, lên 6 hòa giọng ca. Họ chơi đàn, hay cất tiếng hát mộc mạc của mình một cách hồn nhiên, đầy ngẫu hứng. Khán giả, hầu hết cũng là bạn bè, thưởng thức âm nhạc với sự trân trọng, biết ơn.
Trong ánh nến, người nghe bật đèn flash điện thoại, đu đưa và hát theo những giai điệu quen thuộc của "Ở trọ", "Hãy yêu nhau đi", "Đêm thấy ta là thác đổ".... Chị Thanh Nhàn, một khán giả có mặt trong đêm nhạc đã chia sẻ cảm xúc của mình: "Chúng tôi - những người đã dành cả thanh xuân để yêu âm nhạc của Trịnh Công Sơn, rất xúc động khi được ngồi trong không gian này với những người bạn cùng sở thích, cùng đam mê. Chẳng phải nói gì cả, chỉ yên lặng để nghe và thấm là đủ rồi".
Đêm nhạc ấm cùng với rất đông khán giả yêu nhạc Trịnh. Ảnh: Cảnh Yên
Vẫn là những người chơi nhạc không chuyên, Câu lạc bộ Diễm xưa cũng có "Như một lời chia tay" rất xúc động và ấn tượng với khán giả. Anh Xuân Đỉnh, một thành viên của CLB cho biết: Chúng tôi vốn dĩ không ai là nghệ sĩ chuyên nghiệp cả, vì yêu mến nhạc Trịnh mà tập hợp nhau lại, tập nhạc và biểu diễn cho những người cùng sở thích như chúng tôi. Khán giả lặng lẽ tìm đến, và xem đây là điểm hẹn mỗi cuối tuần. Bản thân tôi có suy nghĩ rằng nhạc Trịnh, nghe thì cứ nghe thôi, không cần phải đắn đo suy tính mình bao nhiêu tuổi, mình là ai hay mình đang làm công việc gì... Bởi Trịnh là dành cho tất cả...".
Không gian đẹp và ấm cúng với tên gọi "Như một lời chia tay". Ảnh: Nguyệt Anh
Không gian sân vườn, dưới cơn mưa phùn mùa Xuân, khán giả ngồi nghe cô giáo Hạ Huệ, doanh nhân Hữu Lâm, anh kỹ sư ô tô Bảo Thái... cất lên tiếng hát của mình. Những nghệ sĩ nghiệp dư ấy cho rằng, mỗi lần hát nhạc Trịnh đều như tìm thấy mình trong đó và lần nào hát cũng đầy cảm xúc. Ban tổ chức chỉ bố trí một lượng ghế nhất định cho khách để phù hợp với không gian không quá rộng của quán. Không ai bảo ai, họ đều cố gắng ngồi sát vào nhau, chừa chỗ cho người tới sau. Kết thúc đêm nhạc, khán giả còn chưa muốn ra về.
Không gian nhỏ "Như một lời chia tay" thu hút lượng đông khán giả. Ảnh: Nguyệt Anh
Không chỉ đến để nghe các ca khúc nhạc Trịnh, khán giả còn bày tỏ tình cảm của mình với người nhạc sĩ tài hoa bằng những tác phẩm của mình, và "trình làng" với những bạn bè yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn. Trên sân khấu của "Như một lời chia tay", cô giáo Thu Hiền (Trường PTTH Dân tộc Nội trú) đã đọc bài thơ "Chiều Trịnh", một sáng tác cô viết vào đúng ngày nhạc sĩ ra đi cách đây 22 năm. Bài thơ là kỷ niệm của riêng cô, cũng là nỗi lòng của tất cả những người yêu mến người nghệ sĩ tài hoa "Nắng thủy tinh đưa thiên sứ về trời/ Cứ tưởng trò đùa trong "ngày nói dối"/ Thanh thản lắm khi về cát bụi/ Mình nâng ly cho cạn một ngày..." . Bằng giọng đọc diễn cảm của mình, Thu Hiền đã mang đến nỗi tiếc nuối, xúc động cho người nghe khi cô chia sẻ rằng "Trước những biến cố cuộc đời, cô đã vin vào âm nhạc của Trịnh Công Sơn để bước qua, dù bước đi ấy vẫn còn chông chênh lắm".
Như một món quà đặc biệt gửi đến người nhạc sĩ tài hoa, cũng như người hâm mộ ông, vợ chồng cô giáo Kim Oanh (Trường Chính trị tỉnh) đã ghép tên 139 tình khúc của ông để làm nên bài hát "Tình khúc Trịnh Công Sơn". Lần đầu tiên trên sân khấu, NSƯT Diễm Hằng trình bày ca khúc này trong nỗi xúc động rưng rưng của vợ chồng tác giả Kim Oanh và khán giả yêu nhạc Trịnh.
Không khó hiểu khi đã 22 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa nhưng gia tài âm nhạc của ông vẫn sống trong lòng khán giả. Bằng cách này hay cách khác, việc tổ chức những đêm nhạc của riêng Trịnh Công Sơn vào ngày giỗ của nhạc sĩ cũng là một cách để nhạc Trịnh đến nay vẫn được nhiều thế hệ giữ gìn, tiếp nối, để dòng nhạc này có sức sống trường tồn bất biến với thời gian. Những đêm nhạc Trịnh Công Sơn được tổ chức trong ngày mất của cố nhạc sĩ đã trở thành một không gian âm nhạc tuyệt vời để khán giả thành phố Vinh chìm đắm trong dòng cảm xúc. Ở đó, họ được sống với đam mê của mình, kết nối được với những tâm hồn đồng điệu để cùng nhau làm một cuộc hành hương tìm về những giá trị nguyên bản của âm nhạc Trịnh Công Sơn, sau nhiều năm ông rời xa "cõi tạm".
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã vượt qua bạo bệnh, khỏe mạnh trình diễn tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn Khoảnh khắc Trần Mạnh Tuấn trình diễn saxophone tại nhà cố NS Trịnh Công Sơn sáng nay đã gây xúc động mạnh mẽ. Diva Hồng Nhung rưng rưng khi nhắc về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong concert cá nhân Diva Hồng Nhung kết hợp cùng nghệ sĩ quốc tế hát nhạc Trịnh Công Sơn Về câu hát "Tuổi nào mang bướm hồng...