Giấc mơ của Mẫn
Ráng chiều vắt ngang trên nền trời như dải lụa vàng lộng lẫy. Trên bờ lác đác mấy bụi hoa dại héo rũ vì bụi đường và nắng.
Lâu rồi cô mới lại đến nơi này, cảnh cũ đã nhường chỗ cho những hàng quán sầm uất, bên kia sông, một làn khói mỏng bay lên từ xưởng đóng tàu. Có tiếng lộc cộc gấp gáp ở phía sau, cô quay lại:
- Chị Thương!
Chàng trai trẻ với cây nạng gỗ và xấp vé số trong tay, cô sững lại vì bất ngờ, hơn mười lăm năm nhưng cô vẫn nhận ra chàng trai trước mặt, là Mẫn.
Ngày còn đi học, cô thường đến chơi nhà người bạn. Mẫn ngày đó còn là một cậu bé. Lần nào thoáng thấy bóng cô, Mẫn cũng chạy sang. Nhà Mẫn ở cuối hẻm, căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang trong xóm. Mẹ Mẫn buôn bán ở chợ, cuộc sống hai mẹ con có phần lam lũ. Đôi khi cô bắt gặp trên gương mặt hiền lành của Mẫn vẻ côi cút đến đáng thương. Mẫn quý cô, có lẽ vì cô có thể ngồi hàng giờ nghe cậu kể về con chim Khướu, cách cậu dạy nó nói ra sao…
Cô nhìn Mẫn hồi lâu, cậu bé thay đổi nhiều, trước mặt cô giờ là chàng trai cao dong dỏng, gương mặt điềm đạm. Cô thốt lên:
- Ôi, Mẫn…
- Tưởng chị không nhận ra em – Mẫn mỉm cười hiền lành, gương mặt cúi xuống bẽn lẽn.
- Sao lại không? Em dạo này ra sao?
Nói rồi cô nhìn xuống cây nạng gỗ, chìa tay ra.
- Nào, đưa vé số đây, chị mua cho!
Đang nói cô chợt khựng lại vì sự vô tâm của mình.
Rất nhanh, Mẫn đút tập vé số vào túi, thoáng qua nhưng cô hiểu, Mẫn gọi cô không phải vì cần cô mua vé số cho em. Lòng tự trọng của người khó khăn, cô đã từng đi qua những ngày tháng đó, nên cô hiểu.
Vẫn vẻ láu lỉnh đáng yêu từ bé, Mẫn nheo mắt cười:
- Không bán cho chị, lỡ chị trúng số rồi lăn ra đó ngất, ai đỡ cho nổi!
Cô kéo Mẫn vào quán nước cạnh bờ sông, Mẫn lắc đầu:
- Em thích ở ngoài này hơn, đứng đây lát nữa chị sẽ thấy đàn Hải Âu bay về – Mẫn mơ màng, đôi mắt nhìn vào một điểm vô định cô không sao bắt gặp được.
- Ừ, vậy cũng được – Giọng cô chùng lại – Chị sợ mỏi chân em, Mẫn à! – Cô khẽ chạm vào chiếc nạng gỗ đen bóng lên trong tay Mẫn, nhìn thật lâu vào gương mặt ưu tư – Kể chị nghe đi! Mẹ ra sao? Em đã gặp chuyện gì?
Video đang HOT
Mẫn tránh câu hỏi của cô, dõi mắt về phía những cánh chim đang liệng trên sông. Gương mặt Mẫn nhìn nghiêng giống hệt một người cô rất quý. Cô chợt nhớ hình ảnh Mẫn ngày còn bé, một lần tình cờ cô nhìn thấy Mẫn đứng co ro dưới mái hiên trường trong buổi chiều mưa tầm tã, trông Mẫn cô độc đến đáng thương. Hình ảnh đó đến giờ cô vẫn không quên, mỗi khi nhớ lại, mắt cô còn cay.
- Dạo này em còn nuôi chim không? – Cô lái qua chuyện khác.
Mẫn quay sang cô, miệng cười tươi rói:
- Em vẫn còn, hiện giờ ở nhà có một con Khướu đá và một con Sáo, chị à!
Mẫn làm bạn với chim từ bé, nghe cô hỏi, Mẫn say sưa kể, nào là tự tay làm thức ăn cho Khướu bằng bột bắp, em còn biết cách tắm cho con Khướu đá ra sao… Cô chăm chú lắng nghe rồi đến lượt cô kể cho Mẫn về những con chim Chích Mào của mình, một đêm lũ chuột mò vào, sáng hôm sau thức dậy, cô thảng thốt thấy trong lồng chỉ còn những bộ lông rơi vãi. Mẫn nhìn vào mắt cô, bằng một trái tim nhạy cảm, cậu đọc được trong đó những nỗi niềm cô đang gặp. Di di chiếc nạng gỗ trên vỉa hè, Mẫn kể về tai nạn cậu đã gặp trên đường vào một buổi chiều đón mẹ ở chợ về.
Cô yên lặng nhìn ra xa, ngoài kia từng đàn Hải Âu bay về chấp chới trên sông, những bụi bèo dâu phiêu bạt dập dềnh. Khẽ nhìn sang, bắt gặp gương mặt ưu tư của cô, Mẫn vội tươi tỉnh:
- Hiện tại em chọn việc này cũng phù hợp chị à, đi hơi mệt chút nhưng cũng vui, hôm nào hết sớm, còn thời gian em ra ngoài kia ngồi đọc sách. Em thích công việc này nè…
Nói rồi Mẫn lục trong chiếc túi đang đeo bên hông lẩy quyển sách ra khoe. Cô nhìn qua, là sách về sửa chữa điện tử gia dụng.
- Khi nào dành dụm đủ tiền em sẽ đi học nghề này, em sẽ làm tại nhà.
Cô nhìn thật lâu vào đôi mắt Mẫn, lòng mênh mang một nỗi khó tả… Những khó khăn cô đang gặp phải có là gì so với những bất hạnh Mẫn đã trải qua, chỉ mỗi ước mơ đơn giản cũng còn xa quá với em.
- Mẹ em ra sao? – Cô hỏi, khóe mắt cay cay.
- Mẹ em vẫn vậy chị à, càng lớn tuổi bệnh khớp càng nặng, mẹ thôi bán ở chợ, chỉ nhận đồ may gia công ở nhà để đỡ đi lại – Mẫn cười, đôi mắt chàng trai ánh lên vẻ ấm áp khi nhắc đến mẹ.
Thương ngước nhìn trời chiều:
- Chị phải về đón con đây! – Nói vậy nhưng cô vẫn đứng yên bâng khuâng nhìn xuống dòng sông, một con đò đang chơi vơi giữa dòng. Nơi này, hồn cô đã một thời neo đậu khi chiều chiều trên chuyến phà trở về cùng cha, nơi này ngày ngày Mẫn đi qua để mưu sinh… Còn một điều cô chưa hỏi nhưng cả cô và Mẫn đều hiểu và cố tránh. Bất chợt Mẫn thốt lên:
- Cha em giờ yếu lắm rồi, cha nằm một chỗ từ lâu.
- Em có đến thăm bác không? – Cô hỏi mà không tránh khỏi hồi hộp.
- Em muốn lắm, nhưng em không có cái quyền đó chị à! – Nói rồi Mẫn yên lặng nhìn những bụi bèo dâu dập dềnh dưới chân cầu – Khi nào cha nằm xuống, em mới được gọi cha, mẹ nói vậy – Giọng Mẫn rưng rưng…
Cô nắm bàn tay của Mẫn, bàn tay với những ngón thon dài, ngày Mẫn còn nhỏ cô thường bảo “Tay em giống cha, bàn tay của một người tài hoa”. Mẫn để yên bàn tay trong tay cô, Mẫn biết cha em rất quý cô, đó cũng là lý do Mẫn quấn quýt cô từ bé. Cha Mẫn là bạn thân của cha cô. Cô sực nhớ, cũng khá lâu rồi cô không đến thăm ông.
Chiều muộn, mây kéo về che mờ đỉnh núi, cô vội vàng:
- Chị đi đây, ghi lại số điện thoại của chị, giữ liên lạc với chị.
Một ông cụ bán tò he đi qua, Mẫn gọi ông và chọn một tò he hình nàng Bạch Tuyết đưa cho cô:
- Em gửi cho bé con nhà chị nha!
Cô cười, xoay xoay nàng Bạch Tuyết trong lòng bàn tay ngắm nghía:
- Dễ thương quá, cảm ơn em! Vậy mà trẻ con bây giờ không chơi những trò như chị em mình ngày trước.
Hai chị em cùng cười hinh hích, Mẫn nắm tay cô thật chặt, bàn tay em âm ấm:
- Em đi nha! – Mẫn nhìn sâu vào mắt cô – Mong chị an yên.
Cô lặng nhìn Mẫn từng bước trên vỉa hè, xấp vé số trong tay, dáng Mẫn gầy gầy liêu xiêu, tiếng lộc cộc xa dần… Trên sông, một con thuyền độc mộc đang trôi, mái chèo lướt nhẹ khẽ chạm vào mảnh trăng non mọc sớm, vỡ tan.
Trời chiều âm u, đến trường đón con, cô miên man nghĩ đến Mẫn, nghĩ đến hai tiếng “con rơi” người đời vẫn gọi em… Mong sao mai này số phận em đừng ảm đạm như buổi chiều nay. Hơn ai hết, những đứa “con rơi” luôn phải chịu thiệt thòi, bất kể những mối tình của người lớn có éo le thế nào. Tất cả, dù cố chôn vùi vẫn khắc khoải, đau đớn như nhau.
Gió rong chơi mê mải, chiều nay lại trở về vấn vít bên sông… Ngoài kia đàn Hải Âu xoãi cánh, chúng cũng cần một tổ ấm để trở về. Sương nhè nhẹ buông, cô nghe trong gió thoảng mùi tanh nồng của biển, sau lưng cô mặt trời sắp lặn, nhường chỗ cho hoàng hôn. Và ngày mai, một ngày mới, bỏ lại phía sau những run rủi, nhọc nhằn…
Đêm, thiếp đi trong giấc mơ, cô thấy Mẫn đi bên cha của em, chiếc nạng gỗ trong tay, gõ nhịp đều đều xuống vỉa hè, tiếng lộc cộc vui mừng, gương mặt rạng rỡ Mẫn chỉ tay về phía sông:
- Cha ơi! Mặt trời đã về bên kia núi, đàn Hải Âu đang về tổ – Quay sang cha, đôi mắt em ấm áp – Và cuối cùng con cũng được ở bên cha…
Đóa hoa dại trong ký ức thơ bé của tôi
Nó tên Lan nhưng lại tựa như đóa hoa dại, giống hoa mọc đầy bên triền đê quê chúng tôi.
Từ thuở bé, mẹ tôi không có nhiều sữa nên tôi toàn bú sữa mẹ nó để lớn lên. Nhà hai đứa cách nhau 5-6 bước chân, sinh cách nhau 15 ngày, mà tôi sinh trước đó. Sinh ra, tôi đã còi cọc, nên lúc nào trông cũng bé nhỏ hơn nó.
Những ký ức không thể phai mờ gắn chặt với hình ảnh người bạn thời thơ ấu. Ảnh: Pinterest.
Lan là đứa bạn duy nhất thời thơ ấu của tôi. Chúng tôi có vài chiến tích không thể nào quên được hồi ấy.
Trò chơi thuở bé mà chúng tôi chơi nhiều nhất, quên cả ngày giờ, là mẹ con cùng nấu ăn. Hai đứa đi nhặt đủ những thứ cỏ cây, hoa lá về để làm thành cả một bàn tiệc. Mùa hè trôi đi khá yên bình, nhưng mùa đông trời rất lạnh.
Năm ấy, hình như hai đứa 7-8 tuổi gì đó. Chúng tôi gom được rất nhiều củi về phía sau góc lưng bếp nhà ông bà nội tôi. Rồi hai đứa mày mò nhóm lửa, đốt củi để sưởi cho ấm, và cho giống đang nấu ăn.
Củi nhặt được bao nhiêu chúng tôi chất cả thành đống, cháy rất to. Nhưng hai đứa lại mải chơi, để lửa bén vào tường bếp nhà bà lúc nào không hay.
Căn bếp nhỏ lúc ấy làm bằng rơm đắp đất, nên rất dễ cháy. Mãi đến tận lúc bà chạy ra hét toáng lên, hai đứa đang chơi ở góc vườn mới biết là có cháy.
Đám cháy ấy đã thiêu gần hết căn bếp nhỏ nhỏ của bà, còn chúng tôi thì bị phạt mấy ngày liền không được gặp nhau. Lúc nghe ông bà mắng, hai đứa cũng khóc tu tu xin lỗi. Biết không được ra ngoài chơi với nhau, chúng tôi khóc to hơn.
Nói vậy chứ, hôm sau, tôi và Lan vẫn lủi ra vườn chơi cùng nhau mà ông bà cũng không trách mắng thêm.
Lan là đứa con gái kiên cường, và kiêu hãnh ẩn trong cái vẻ hiền lành và yếu ớt. Không phải tự nhiên mà tôi thấy điều ấy. Từ bé, mỗi khi nó ốm hay phải chịu đau, nó không bao giờ khóc.
Hồi học lớp 8, tôi nhớ nó ốm rất nặng, thậm chí bố mẹ nó bảo, sợ nó khó qua khỏi. Tôi ở bên cạnh nó suốt, mà chẳng nghe thấy nó kêu đến một lần. Nó toàn kể đủ thứ chuyện, chủ yếu là mơ thấy, hoặc có khi là đọc trong những cuốn sách, rồi kể lại.
Bác sĩ đến tiêm, cho nó uống cả chục viên thuốc, mà nó cứ cười, dù nước mắt chực trào ra ngoài. Bạn bè trong lớp kéo đến thăm, đứa nào nhìn thấy nó xanh xao, mặt mũi cũng bí xị, chỉ có nó là vẫn hớn hở, làm như mình hồng hào lắm. Nó ốm gần hai tháng, rồi khỏi hẳn. Lạ thật.
Giờ kể lại chuyện đấy, nó toàn cười khì khì bảo tôi: "Tao suýt chết một lần, giờ sống dai lắm. Có chuyện gì phải sợ nữa đâu". Thật đấy, Lan vẫn cứ luôn là đóa hoa dại của tôi.
Gặp nó, tôi vẫn không cần nói nhiều, chỉ cần lặng im là cả một miền ký ức đẹp đẽ đã dội về. Ảnh minh họa: Từ phim Thất Nguyệt và An Sinh.
Lan lớn lên cùng tôi, đi học mẫu giáo, học cấp một, cấp hai đều chung lớp với nhau. Đến khi tôi thi đỗ trường cấp ba công lập của thị xã, còn Lan thì trượt, lúc ấy, con đường của chúng tôi bắt đầu ngược về hai hướng khác nhau.
Tôi vào đại học, theo đuổi giấc mơ vời vợi, hàng ngày vùi mình vào sách vở và những con chữ. Rồi những chuyến đi dài dằng dặc, qua biết bao nhiêu miền đất, tận hưởng rung động cuộc đời một mình.
Còn Lan ở nhà sau khi học hết cấp ba, xin đi làm công nhân cho một công ty may. Lan lấy chồng, sinh con. Hai đứa cả năm chẳng mấy khi nói chuyện với nhau, con đường tưởng như đã đi xa đến mức không về gần được nữa.
Nhưng mỗi năm chúng tôi vẫn gặp nhau một lần, vào dịp tết. Cứ giáp tết, nó lại gọi cho tôi hàng ngày, hỏi bao giờ tôi về.
Dù tết có bận rộn đến đâu, khi biết tôi đã về nhà, Lan lại chạy ngay lên nhau tôi. Nó trốn con, trốn chồng, cùng tôi đến quán hát karaoke vài tiếng. Chỉ hai đứa với nhau, hát rồi hò hét tất cả bài ngày xưa chúng tôi có thể hát. Xong thì cười rũ rượi.
Gặp nó, tôi vẫn không cần nói nhiều, chỉ cần lặng im là cả một miền ký ức đẹp đẽ dội về. Cứ như thế, tắm mát trong ấy, cũng đủ để yên lành suốt những ngày tiếp theo.
Những lúc ấy, tôi lại tin rằng, có những thứ gắn bó đến mức, dù mình đi xa đến đâu cũng không thể mất được.
Khoảng cách vàng trong khi ngủ của những cặp đôi có hôn nhân hạnh phúc Một báo cáo cách đây không lâu đã chỉ ra rằng, giấc ngủ của hai vợ chồng ảnh hưởng đến mức độ hài lòng về cuộc sống hôn nhân của hai người. Kết quả nghiên cứu 46 cặp vợ chồng tham gia thí nghiệm cho thấy, trong cả đêm hai vợ chồng ngủ cùng giường có 75% thời gian rơi vào trạng thái...