Giá xử lý rác của Đa Phước khiến TP HCM ‘mất’ 48 tỷ mỗi năm
Chỉ chôn lấp rác, chưa phân loại để tái chế nhưng giá xử lý lại cao hơn tất cả những nơi khác, Đa Phước đang khiến TP HCM phải chi thêm rất nhiều ngân sách.
Nằm biệt lập như một cù lao tại huyện Bình Chánh, cách trung tâm TP HCM gần 20 km, Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS) làm chủ đầu tư. Nó vốn được quy hoạch làm khu dự trữ chiến lược và chỉ xử lý rác cho vùng Nam Sài Gòn với công suất nhỏ. Tuy nhiên, hiện Đa Phước xử lý đến 5.000 tấn một ngày, chiếm khoảng 70% lượng rác của thành phố.
Lúc đầu, TP HCM chi trả 16,4 USD cho VWS xử lý một tấn rác, sau tăng lên hơn 19 USD, đến cuối năm 2014 là 20,166 USD và hiện là 21,1 USD. Với mức giá này, TP HCM đang thanh toán cho VWS cao hơn khoảng 3 USD mỗi tấn so với doanh nghiệp khác.
Trong kết luận của Thanh tra TP HCM hồi cuối tháng 1, giá xử lý rác tại Đa Phước cao hơn tất cả các đơn vị khác. Trong đó, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng so với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố. Với đơn giá này, ngân sách thành phố phải chi thêm khoảng 48 tỷ đồng mỗi năm.
Theo Thanh tra thành phố, cùng hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng Đa Phước có cơ sở xây dựng giá và điều chỉnh tăng giá không giống với những đơn vị khác. Cơ sở xác định giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi ký hợp đồng với VWS căn cứ vào “tổng chi phí đầu tư thực tế” của công ty này nhưng cho đến nay “không thể biết được chi phí đầu tư của VWS”.
Giá xử lý rác ở Đa Phước được cho là đắt hơn các nơi khác dù cùng công nghệ. Ảnh: Hữu Nguyên
Về vấn đề này, hồi tháng 2/2015, ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – (thời điểm đó là Phó chủ tịch UBND TP HCM) có văn bản khẩn giao Sở Tài nguyên – Môi trường đề xuất các phương án đấu thầu, xử lý rác nhằm điều chỉnh giá của Đa Phước về mức hợp lý, tiết kiệm ngân sách cho thành phố và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Ông Hà cho rằng, việc thành phố thoả thuận giá xử lý rác với VWS tại Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước là không đúng với Luật Cạnh tranh bởi “các sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước ấn định giá”.
“Giá xử lý rác cao đem lại lợi nhuận hàng năm của công ty VWS 25-40%, cao hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp khác hoạt động cùng lĩnh vực. Chẳng hạn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu khoảng 3%/năm. Đây là bất hợp lý, cần được giải quyết kịp thời để tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và đảm bảo hoạt động công ích là phục vụ người dân, không phải lĩnh vực kinh doanh kiếm lợi nhuận cao”, văn bản nêu.
Tuy nhiên, tại cuộc họp cuối tháng 3, lý giải việc giá xử lý rác tại Đa Phước cao nhất so với các công ty khác, Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng, do Đa Phước là dự án của doanh nghiệp tư nhân nên giá được tính đầy đủ các chi phí, kể cả chi phí vận hành sau khi bãi rác đóng cửa (trong vòng 24 năm). Còn doanh nghiệp Nhà nước xử lý rác các chi phí có thể tính ở mức độ chưa đầy đủ hoặc thiếu.
Video đang HOT
“Giai đoạn đấu giá rác xử lý ở Đa Phước có cao hơn nhưng hiện gần như tiệm cận với các đơn vị xử lý khác. Mặt khác, UBND thành phố khống chế mức tăng giá xử lý rác ở Đa Phước theo chỉ số giá tiêu dùng. Nếu CPI tăng trên dưới 3% thì giá xử lý rác chỉ tăng ở mức 3% thôi”, ông Hoan nói.
Bất cập về giá xử lý rác của Đa Phước một lần nữa lại được nhắc đến hồi tháng 8 khi Thường vụ Thành ủy và UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét lại (giá khởi đầu 16,4 USD/tấn) đã bao hàm cả chi phí sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ so với thực tế khối lượng rác đang chôn lấp.
Dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước được thành lập theo chỉ đạo của Thành ủy TP HCM và Thường trực UBND TP HCM thời điểm năm 2002. Trong khi đó Khu xử lý rác Tam Tân (nay là Khu Phước Hiệp) là công trình trọng điểm, chiến lược của thành phố. Tuy nhiên, các nhiệm kỳ lãnh đạo tiếp theo, TP HCM đã thuyết phục trung ương để dồn rác dần về Đa Phước và muốn đóng cửa bãi rác Phước Hiệp do gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư vào Khu đô thị Tây Bắc gần đó.
Bãi rác Đa Phước là một trong 3 “nghi phạm” được Sở Tài nguyên – Môi trường chỉ ra là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng trong thời gian gần đây. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và có phương án giải quyết.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Khu liên hiệp Đa Phước đang xử lý những chất thải gì
Sở Tài nguyên - Môi trường xác định "nghi can" gây ra mùi hôi thối khu vực phía Nam TP HCM là Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với 3 đơn vị đang hoạt động.
Bãi rác Đa Phước
Cách trung tâm TP HCM gần 20 km, Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) có tổng số vốn hơn 100 triệu USD do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) làm chủ đầu tư, được khởi công hồi tháng 7/2005 tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.
Bãi rác Đa Phước nằm biệt lập như một cù lao được bao quanh bởi hệ thống kênh rạch. Để đưa rác về đây, xe tải từ tất cả các quận huyện phải đi qua con đường độc đạo là Quốc lộ 50, rẽ vào đường nội bộ dài khoảng 1,5 km trước khi qua một cây cầu để vào bên trong bãi rác.
Dự án dự kiến bao phủ trên diện tích 138 ha, chia làm bốn giai đoạn, hoạt động trong 24 năm. Ở giai đoạn 1, một bãi chôn lấp có diện tích 30,6 ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3 đã được xây dựng. Bãi chôn lấp được thiết kế với công suất 10.000 tấn rác thải một ngày. Công trình chính thức hoạt động từ tháng 11/2007.
Hạng mục chính của công trình gồm nhà máy phân loại rác, nhà máy sản xuất phân compost và bãi chôn lấp rác được cho là "theo các tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới". Ngoài ra, công trình còn có một số hạng mục phụ như vành đai đê bao, hệ thống xử lý nước rỉ rác, hệ thống truy thu khí...
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở xã Đa Phước huyện Bình Chánh, TP HCM. Ảnh: Google maps
Khi mới hoạt động, bãi rác Đa Phước tiếp nhận và chôn lấp 3.000 tấn rác mỗi ngày. Năm 2009, khi vừa vận hành được 2 năm, bãi rác lớn nhất TP HCM bị người dân tố thải nước bẩn ra môi trường. Cảnh sát môi trường thành phố sau khi điều tra xác định có việc xả nước rỉ rác ra môi trường như dư luận phản ánh. Đơn vị này đã báo cáo lên UBND thành phố để xử lý, chấn chỉnh.
Đến năm 2014, thanh tra thành phố kết luận có bất thường trong việc quản lý, giám sát bãi rác Đa Phước như: công ty này chưa thực hiện phân loại, tái chế như hợp đồng mà chôn lấp toàn bộ trong thời gian 24 năm. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng chưa thực hiện đúng giấy phép đầu tư khi không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500-3.000 tấn một ngày.
Cây cầu dẫn vào khu xử lý rác thải Đa Phước. Ảnh: Hữu Nguyên
Nhà máy xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh
Cũng nằm tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, nhà máy do Công ty TNHH Sài Gòn Xanh xây dựng theo chủ trương xã hội hóa việc xử lý bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải, nhà máy cấp nước cũng như bùn thải (không nguy hại) từ công tác duy tu, nạo vét hệ thống cống rãnh, kênh rạch trên địa bàn của UBND TP HCM
Được đầu tư 195 tỷ đồng, nhà máy Xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh có diện tích 47,6. Khi chính thức xây dựng hoàn chỉnh (dự kiến cuối năm 2019) nhà máy có thể xử lý 5.200 m3 bùn mỗi ngày (tương đương 70-80% lượng bùn thải của thành phố theo thời điểm lập dự án là năm 2014).
Nhà máy được quy hoạch gồm các khu: xử lý nước thải, bến thủy nội địa, trung tâm nghiên cứu thực nghiệm kết hợp tái chế chất thải không nguy hại, đất xưởng sản xuất, khu lưu chứa xử lý bùn (nạo vét kênh rạch, cống thoát nước, bùn hầm cầu, bùn từ các hệ thống/trạm xử lý nước thải tập trung của KCN, KCX, bùn đất từ các công trình xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại...).
Bùn thải hữu cơ không nguy hại sau khi được tách nước, cát, đá, xà bần... được xử lý bằng phương pháp hóa vi sinh (ủ compost) kết hợp với hoạt chất tự nhiên khử mùi. Phương pháp này được cho là sẽ khử được mùi hôi của bùn và có thể tái sử dụng để trồng cây hoặc làm phân bón.
Nhà máy xử lý chất thải Hòa Bình
Thuộc Công ty TNHH Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình, nhà máy được đầu tư hơn 30 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 3/2008. Nhà máy chuyên xử lý các loại bùn hầm cầu, bùn nạo vét từ hệ thống thoát nước và kênh rạch trên địa bàn TP HCM. Theo công suất thiết kế, trong giai đoạn một nhà máy xử lý bùn hầm cầu này sẽ đạt công suất thiết kế đến 250 m3 mỗi ngày đêm; giai đoạn 2 đạt 500 m3.
Theo giới thiệu của công ty, chất thải rút hầm cầu sẽ được xử lý bằng công nghệ sinh học theo phương pháp hiếu khí nước thải sau khi xử lý đạt loại B, đủ tiêu chuẩn xả ra kênh rạch. Đây là nhà máy xử lý chất thải rút hầm cầu được xem là hiện đại đảm bảo xử lý đúng các quy trình công nghệ và không gây ô nhiễm môi trường.
Ngay sau khi nhà máy xử lý bùn hầm cầu Hòa Bình chính thức vận hành, Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM đã ra quyết định ngưng mọi hoạt động tiếp nhận bùn hầm cầu tại bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn TP HCM). Trước đó, mỗi ngày có khoảng 300 m3 bùn hầm cầu được xả đổ tại bãi rác Đông Thạnh gây bức xúc cho hàng trăm hộ dân sống xung quanh.
Vài tháng nay người dân khu đô thị Phú Mỹ Hưng, (quận 7, TP HCM) phải sống trong không khí có mùi hôi "khủng khiếp" xuất hiện từ ban đêm tới sáng. Cũng tầm thời gian này, mùi hôi thối còn tấn công cả khu dân cư lân cận Tân Mỹ (gần đường Hoàng Quốc Việt, quận 7), Nhà Bè, Bình Chánh. Có người nói nó giống mùi bể phốt, có người miêu tả giống phân tươi bón ruộng, rất nồng nặc và không thể chịu nổi. Ngoài ra, người dân sống dọc Quốc lộ 50 nhiều năm qua cũng phải kêu cứu vì tình trạng mùi hôi phát sinh từ bãi rác Đa Phước.
Được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu điều tra nguồn phát sinh ô nhiễm, Sở Tài nguyên - Môi trường đã khoanh vùng, xác định có khả năng phát sinh mùi lớn nhất là Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước với 3 đơn vị gồm nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt Đa Phước (bãi rác Đa Phước), công ty xử lý bùn Sài Gòn Xanh, đơn vị xử lý chất thải hầm cầu Hòa Bình. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, cả 3 đơn vị này đều bác bỏ.
Dự kiến, ngày 5/9, Sở Tài Nguyên - Môi trường sẽ hoàn tất kiểm tra các cơ sở.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Lập đường dây nóng nhận tin về mùi hôi ở khu nam Sài Gòn Sở TN&MT TP HCM vừa lập đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin phản ánh, thắc mắc mùi hôi ở các khu dân cư phía Nam Sài Gòn trong thời gian gần đây. Ngày 31/8, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP HCM đã chủ trì buổi thông tin báo chí về nội dung liên quan vấn đề mùi...