Giá xăng tiếp tục giảm gần 200 đồng/lít
Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh giảm giá xăng RON 92 thêm 178 đồng/lít xuống còn 17.054 đồng/lít; xăng sinh học E5 giảm 178 đồng/lít. Trong khi đó, mặt hàng dầu mazut giảm giá 83 đồng/kg, dầu diesel giữ nguyên, dầu hoả tăng 124 đồng/lít.
Hiện giá xăng Việt Nam đang ở mức 0,8 USD/lít, thấp hơn mức trung bình trên thế giới là 1,02 USD/lít.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu như hiện hành.
Theo Bộ Công Thương, giá thành phẩm xăng dầu thế giới gần đây biến động lên xuống không ổn định. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày kể từ 4/11 đến 18/11 là 57,049 USD/thùng, giảm hơn 1 USD/thùng so với chu kỳ tính giá trước đó; dầu diesel và dầu hoả tăng không đáng kể chưa tới 0,3-0,4 USD/thùng; mazut ở mức 235,067 USD/tấn, giảm gần 4 USD/tấn.
Theo Nghị định 83, giá xăng bán lẻ trong nước giảm 178 đồng/lít xuống còn 17.054 đồng/lít. Xăng E5 cũng giảm xuống không cao hơn mức 16.559 đồng/lít. Đối với các mặt hàng dầu, Liên Bộ quyết định điều chỉnh giữ nguyên ở mức 13.513 đồng/lít đối với dầu diesel 0,05S; dầu hỏa tăng 124 đồng/lít lên 12.647 đồng/lít và dầu mazut giảm 83 đồng/kg, về mức trần là 9.488 đồng/kg.
Vào lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 3/11, giá xăng RON 92 giảm 771 đồng/lít xuống còn 17.232 đồng/lít; xăng sinh học E5 giảm 881 đồng/lít. Trong khi đó, các mặt hàng dầu giảm giá từ 316 – 481 đồng/lít, kg tùy loại.
Trước ý kiến cho rằng, giá xăng trong nước giảm chậm hơn so với giá thế giới, đại diện một doanh nghiệp đầu mối thừa nhận, nguyên nhân chính là do cơ cấu thuế phí chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong giá bán lẻ cho người tiêu dùng.
“Thuế phí nhiều, trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm tới 3.000 đồng/lít, do đó có muốn giảm hơn nữa cũng khó. Thực tế bản thân doanh nghiệp cũng không ăn lãi nhiều hơn, xét về hiệu quả kinh doanh có khi còn kém hơn thời điểm năm ngoái”, vị này cho hay.
Video đang HOT
Cập nhật trên trang Globalpetrolprices đến ngày 16/11, hiện giá xăng Việt Nam đang ở mức 0,8 USD/lít, thấp hơn mức trung bình trên thế giới là 1,02 USD/lít.
Trong 3 tháng qua, giá xăng tại Việt Nam dao động ở mức 0,84 USD/lít, mức thấp nhất 0,8 USD được ghi nhận vào lần cập nhật 7/9 và cao nhất 0,89 USD vào 10/8. Mức trung bình của thế giới trong khoảng thời gian này là 1,29 USD/lít.
Giá xăng Việt Nam giảm xuống vị trí thứ 45 trên thế giới và thấp hơn nhiều nước láng giềng như: Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Lào… Hiện giá xăng thấp nhất trên thế giới là Venezuela với chỉ khoảng 0,02 USD/lít; Libya 0,14 USD/lít; Saudi Arabia 0,16 USD/lít…
Phương Dung
Theo Dantri
Thứ trưởng Tài chính: Quỹ bình ổn xăng dầu là cần thiết
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, trong nhiều thời điểm nếu không có Quỹ bình ổn này, giá xăng dầu sẽ phải điều chỉnh tăng mạnh, gây áp lực lên mặt bằng giá cả.
Trước luận trái chiều về sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại diện Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, ở Việt Nam, quỹ bình ổn giá là một giải pháp cần thiết và phù hợp trong điều kiện chuyển điều hành giá sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, những biện pháp như trợ giá bán xăng dầu; trợ cấp không còn phù hợp và vi phạm cam kết WTO.
"Người tiêu dùng đang được dùng xăng, dầu ổn định hơn với tần suất và mức độ điều chỉnh giảm".
Người tiêu dùng hưởng lợi nhờ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
"Để có những biện pháp tài chính, tiền tệ cần thiết nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước khi thị trường có những biến động bất thường thì Quỹ bình ổn giá là một giải pháp cần thiết và phù hợp. Thực tế đó đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát, không làm đảo lộn sản xuất kinh doanh nói riêng và không gây ra những bất ổn về kinh tế xã hội", ông Tuấn cho biết.
Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, trong nhiều thời điểm nếu không có Quỹ bình ổn này, giá xăng dầu sẽ phải điều chỉnh tăng mạnh, gây áp lực lên mặt bằng giá cả. Ví dụ như giai đoạn Tết nguyên đán vừa qua (từ ngày 24/2/2015), Liên Bộ đã cho sử dụng Quỹ ở mức 2.448 đồng/lít, trường hợp không sử dụng Quỹ bình ổn giá như vậy sẽ phải tăng giá bán xăng khoảng 2.500 đồng/lít. Hoặc tại thời điểm ngày 11/3/2015, Liên Bộ đã cho phép sử dụng Quỹ bình ổn giá (1.852 đồng/lít xăng khoáng) nên xăng chỉ tăng giá 1.610 đồng/lít (thay vì mức 3.462 đồng/lít).
"Người tiêu dùng được dùng xăng, dầu ổn định hơn, giảm tần suất và mức độ điều chỉnh. Nhờ có Quỹ bình ổn đã giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp khó lường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội", ông Tuấn khẳng định.
Ông Tuấn cũng đánh giá thời gian qua, hai Bộ Tài chính - Công thương đã phối hợp rất nhịp nhàng trong việc điều hành giá xăng dầu, giá xăng dầu được điều hành sát với biến động của giá thế giới, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng góp phần kiềm chế lạm phát, phát triển ổn định nền kinh tế vĩ mô...
Trích Quỹ bình ổn giá để phòng giá thế giới tăng
Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng khẳng định, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở kỳ công bố tăng cao hơn giá cơ sở kỳ liền kề trước đó hoặc khi Chính phủ thực hiện kiềm chế tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước, Liên Bộ mới có công văn cho phép các thương nhân đầu mối sử dụng Quỹ bình ổn giá.
"Việc quy định trích Quỹ Bình ổn giá 300 đồng/lít hiện nay hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới ổn định hoặc giảm, Quỹ bình ổn giá được trích nhằm khi giá xăng dầu thế giới tăng cao hoặc khi Chính phủ yêu cầu kiềm chế lạm phát hoặc trong các thời điểm chưa nên điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước (các dịp Lễ, Tết...), Liên Bộ sẽ có nguồn để sử dụng. Đặc biệt việc điều hành giá xăng dầu trong nước được đặt trong bối cảnh phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới mà giá xăng dầu thế giới thường xuyên biến động bất thường, tăng giảm khó lường và không thể dự báo xu hướng", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cũng khẳng định, việc quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá được hạch toán và theo dõi riêng bằng một tài khoản tiền gửi tại một ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác. Định kỳ hàng tháng hoặc trong những trường hợp yêu cầu báo cáo đột xuất các thương nhân đầu mối phải báo cáo kết quả trích lập, sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ bình ổn giá về Liên Bộ.
Các thương nhân kinh doanh xăng dầu có đang được "ưu ái"?
Có ý kiến cho rằng việc quy định chi phí kinh doanh xăng dầu định mức như hiện nay (1.050 đồng/lít với xăng; 950 đồng/lít với dầu diezen, dầu hỏa; 600 đồng/kg với dầu mazut) và quy định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít,kg là "ưu ái" cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu?
Trả lời về vấn đề này, ông Tuấn cho rằng, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức quy định có thể trùng, có thể cao hơn và cũng có thể thấp hơn chi phí thực tế tại từng thời điểm của từng doanh nghiệp. Việc quy định định mức như vậy sẽ có tác dụng tích cực tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì sẽ khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn bạn hàng, thời cơ giá nhập tốt, tổ chức mạng lưới kinh doanh hợp lý để có giá vốn thực tế thấp hơn giá cơ sở thì sẽ có lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận định mức quy định 300 đồng/lít,kg được tính trong giá xăng, dầu.
"Ngược lại nó sẽ tạo ra sức ép đối với các doanh nghiệp tổ chức mạng lưới kinh doanh chưa hợp lý... có chi phí kinh doanh cao hơn chi phí kinh doanh định mức thì có thể có lợi nhuận sẽ ít thậm chí không có lợi nhuận phải tích cực tổ chức lại hoạt động kinh doanh để mang lại hiệu quả", ông nói.
Cũng theo ông Tuấn, quy định mức chi phí kinh doanh như hiện nay đã được Liên Bộ căn cứ trên các kết quả tính toán đối với tất cả các doanh nghiệp đã thu thập được, trong đó có 02 báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, 04 kết luận của Thanh tra Tài chính, và các báo cáo của doanh nghiệp (đã được kiểm toán độc lập) gửi về Bộ Tài chính. Liên Bộ không dựa trên số liệu của một doanh nghiệp riêng lẻ nào, mọi số liệu thu thập đều được rà soát đồng thời có yếu tố chi phí yêu cầu doanh nghiệp phải tiết giảm so với thực tế phát sinh.
Về quy định lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở (300 đồng/lít,kg), ông Tuấn cho biết, đây là mức lợi nhuận giúp doanh nghiệp duy trì hệ thống, ổn định kinh doanh và tạo lập thị trường. Nếu so sánh với các ngành kinh doanh khác thì việc quy định về lợi nhuận định mức như vậy không phải là lớn.
Phương Dung
Theo Dantri
Giá xăng không thể giảm hơn do... chính sách Theo các chuyên gia, đáng lẽ trong lần điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng phải giảm sâu hơn nếu cơ quan quản lý yêu cầu xả quỹ bình ổn hoặc dừng trích quỹ. Giá xăng dầu cũng không hoàn toàn theo giá thế giới do "vướng" các nguồn thu từ xăng dầu cho ngân sách Nhà nước. Giá xăng có thể giảm...