Giá xăng tăng tiếp lên 23.700 đồng/lít
Theo nguồn tin của Dân trí, giá xăng A92 sẽ được điều chỉnh tăng tiếp 700 đồng/lít lên 23.700 đồng/lít kể từ tối nay. Giá dầu diezel cũng tăng 500 đồng/lít.
Xác nhận với Dân trí, nguồn tin từ một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, giá xăng sẽ được điều chỉnh tăng tiếp 700 đồng/lít, theo đó xăng A92 có giá mới 23.700 đồng/lít giá dầu diezel tăng 500 đồng/lít. Thời điểm điều chỉnh giá được dự tính là vào tối nay.
Trước đó, Bộ Tài chính đã nhận được phương án đăng ký tăng giá bán lẻ xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, với mức tăng được đề xuất từ 1.100 đồng – 1.200 đồng/lít với xăng và 700 – 800 đồng/lít/kg dầu các loại.
Các doanh nghiệp đầu mối đăng ký tăng giá bán trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Tại Singapore – thị trường cung cấp nguồn xăng dầu nhập khẩu lớn nhất cho các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam, giá các loại xăng dầu đã tăng khá mạnh.
Cụ thể, ngày 22/8, giá xăng A92 tại thị trường này đóng cửa ở mức 125,35 USD/thùng giá dầu hỏa đứng ở mức 131,97 USD/thùng, dầu DO 0,5S là 133,47 USD/thùng, dầu FO là 684 USD/tấn.
Trong ngày chốt tăng giá lần trước (13/8), giá xăng thế giới trung bình là 115 USD/thùng, dầu hỏa là 123 USD/thùng nhưng giá trung bình của 2 mặt hàng này trong 30 ngày gần đây đã tăng lên lần lượt là 121 USD và 127 USD/thùng.
Theo tính toán của doanh nghiệp, giá bán lẻ mặt hàng xăng đang thấp hơn giá cơ sở 1.100 đồng/lít xăng, dầu thấp hơn 700 đồng/lít. Còn nếu tính bình quân 10 ngày gần đây thì mức lỗ còn nặng nề hơn, trong đó xăng lỗ hơn 2.000 đồng/lít, dầu lỗ khoảng 1.500 đồng/lít.
Video đang HOT
Như vậy, với lần tăng này, chỉ trong vòng hơn 20 ngày (từ ngày 1/8), giá xăng tăng tới ba lần với mức gần 3.000 đồng/lít. Trong đó, ngày 1/8, giá xăng tăng 900 đồng/lít ngày 13/8, xăng tăng 1.100 đồng/lít.
Còn tính từ đầu năm tới nay, sau 5 lần điều chỉnh giảm và 5 lần điều chỉnh tăng thì mức giảm tổng cộng chỉ là 3.200 đồng/lít, trong khi mức tăng tổng cộng lên tới 5.400 đồng/lít.
Theo các chuyên gia, hiện nay xăng dầu đang phải gánh quá nhiều thuế phí. Trong cơ cấu giá xăng, người dân đang phải trả khoảng 6.000 – 8.000 đồng/lít cho các loại thuế phí, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, quỹ bình ổn giá, chi phí kinh doanh định mức…
Tính theo mức giá nhập khẩu trung bình 30 ngày gần đây, số tiền người dân phải đóng vào giá mỗi lít xăng cho các loại thuế phí trên khoảng 7.750 đồng. Còn trong trường hợp tính theo giá nhập khẩu trung bình 20 ngày trở lại đây thì số thuế phí là 7.900 đồng/lít.
Theo tính toán, nếu đưa thuế nhập khẩu về mức 0% như thời điểm hồi đầu năm (khi mức giá nhập khẩu xăng tại Singapore cũng tương đương hiện nay), giá cơ sở trung bình 30 ngày sẽ giảm được khoảng 1.950 đồng/lít. Do đó chỉ cần giảm mức thuế nhập khẩu xăng A92 từ 12% hiện nay xuống còn 5%, mức giá xăng nhập khẩu có thể giảm được khoảng 1.150 đồng/lít, hoàn toàn không phải tăng giá xăng.
Được biết, hiện mức thuế đang áp dụng thấp hơn so với barem quy định, chẳng hạn thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng theo quy định là 20% nhưng hiện nay chỉ áp ở mức 12% Tương tự, dầu diezel 10% (quy định 15%), dầu hỏa 12% (20%) và dầu ma zut 12% (15%).
Theo Dantri
Xăng tăng, phí cao: cho ôtô 'đắp chiếu'
Hạn chế lượn phố, cắt bớt dã ngoại, không ít gia đình đắp chiếu thậm chí om xe chờ bán để giảm phần nào chi phí nuôi xe đang ngày càng tăng mạnh vì xăng cùng phí.
Đắp chiếu cho xe vì xăng tăng giá
Vừa chỉ vào chiếc xe đắp chiếu từ vài tuần trở lại đây, anh Dương, nhân viên một công ty truyền thông cho biết xăng tăng giá, tắc đường rồi việc thiếu chỗ gửi xe khiến anh liên tục phải cho chiếc Kia Morning mới mua "nghỉ dưỡng" để tiết kiệm chi phí và chiếc Honda Air Blade thường xuyên được huy động thế chỗ người bạn 4 bánh.
Chiếc Kia Morning đắp chiếu "nghỉ dưỡng" để tiết kiệm tiền xăng cho chủ.
"Xăng tăng giá liên tục làm tiền đổ vào nuôi chiếc xe này ngày càng tốn. Ngoài tiền xăng, phí gửi xe, tiền sửa sang bảo dưỡng và cả tiền trả góp mua xe vẫn còn một ít khiến gia đình tôi nhiều lúc điên cả đầu. Mà không hiểu sao từ ngày xăng tăng giá, bình xăng dường như ngót đi nhanh hơn.", anh Dương than thở.
Đã có lúc anh đã có ý định bán xe nhưng xe mới đi mà giá khách hỏi mua quá thấp nên anh đành "om xe" để đấy. "Bán cũng khó mà đi thì tốn, nên tôi đành để đó, thỉnh thoảng về quê, có việc cần kíp mới sử dụng cho đỡ tốn tiền xăng" anh Dương chia sẻ.
Thuộc loại xe nhỏ, dung tích bé, chiếc Kia Morning của anh Dương không phải là dòng xe ngốn xăng. Dù chỉ tiêu thụ nhiên liệu trung bình khoảng 6-7 lít xăng/100 km (tính trung bình cả đường trong và ngoài đô thị), nhưng nếu dùng thường xuyên, tiền xăng hàng tháng dành cho chiếc xe cũng lên tới trên dưới 2 triệu đồng.
Xăng tăng giá, đường tắc khiến tiền đổ xăng cho những dòng xe dung tích lớn hơn càng đội lên nhiều so với trước.
Chính vì thế, mà không ít người cũng phải hạn chế đi lại và chọn cách "đắp chiếu" cho xe giống anh Dương để tiết kiệm chi phí.
Sợ phí, om xe chờ bán
Không chỉ mệt vì giá xăng, khả năng phải đóng tiền phí ôtô hàng chục triệu đồng mỗi năm theo dự kiến của Bộ Giao thông Vận tải khiến nhiều người cân nhắc việc bán xe né phí.
Ki cóp, vay mượn hơn 500 triệu đồng để mua chiếc Lacetti, anh Minh, ở Cầu Giấy cho biết do quê ở xa nên gia đình anh cố mua xe chủ yếu để về thăm bố mẹ các dịp lễ tết và thỉnh thoảng đi chơi cuối tuần. Do chỉ dùng xe chủ yếu để đi xa nên tần suất sử dụng của anh Minh không nhiều. Chính vì thế, khi nghe thông tin về việc có thể sẽ phải đóng phí hạn chế phương tiện cá nhân cả chục triệu đồng/năm, anh Minh buộc phải nghĩ lại.
"Gia đình tôi không mấy khi dùng xe, nhưng chi phí nuôi lại chả ít vì tiền gửi, tiền bảo dưỡng rồi tiền xăng xe. Thế mà giờ đây còn phải nộp thêm phí hạn chế phương tiện cá nhân thì tôi thực sự không biết có nên giữ xe lại nữa không", anh Minh cho biết.
Và bán xe là lựa chọn của cả gia đình anh Minh sau một thời gian bàn bạc. Tuy nhiên, bán xe thời điểm này lại chẳng dễ. Do sợ phí, nhiều người cũng đang rao bán xe cũ và thị trường xe hiện rơi vào tình trạng trăm người bán, một vài người hỏi mua. Giá xe cũng vì thế mà xuống khá nhiều. Những dòng xe nổi tiếng giữ giá cũng mất giá khiến dòng xe vốn không đắt khách như chiếc Lacetti của anh Minh càng xuống giá thê thảm.
Nuôi xe thì khổ mà bán xe thì khó, anh Minh cũng như không ít người cùng cảnh ngộ giờ đây đành "om xe tại nhà chờ bán" bởi việc kí gửi bán xe tại các salon xe đã qua sử dụng giờ đây cũng chẳng dễ.
Anh Hưng, chủ một showroom xe cũ trên đường Láng cho biết trước đây công ty anh chuyên phân phối xe nhập khẩu mới nguyên chiếc nhưng vì không thể đưa xe mới về nước sau khi áp dụng thông tư 20, công ty anh đành chuyển sang kinh doanh xe cũ. Và giờ đây, bán xe cũ cũng vô cùng chật vật vì "xe bán thì nhiều mà người mua thì hầu như không có".
"Hiện chúng tôi rất hạn chế nhận thêm xe vì hàng tồn còn nhiều, Xe kí gửi cũng nhận ít và thường chỉ chọn các dòng xe dễ bán, giữ giá như Toyota mà thôi vì cũng chẳng có nhiều chỗ mà để", anh Hưng cho biết.
Giờ đây, dưới tác động của xăng và phí, giấc mơ về chiếc xe 4 bánh ngày càng xa vời với phần lớn người dân và không ít người đã "chạm" vào giấc mơ rồi vẫn đành phải từ bỏ.
Theo Khánh Hòa (VTC)