Giá thuốc trị Covid-19 có thể gấp 40 lần chi phí
Thuốc molnupiravir trị Covid-19 của hãng dược Merck có chi phí sản xuất khoảng 17,74 USD/liệu trình, nhưng được bán cho chính phủ Mỹ với giá gấp 40 lần.
Theo báo cáo được công bố tuần trước của các chuyên gia định giá thuốc tại Trường Y tế Công cộng Harvard và Bệnh viện Kings College ở London, molnupiravir, loại thuốc uống được ca ngợi là “tiến bộ vượt bậc” trong điều trị Covid-19, có giá thành khoảng 17,74 USD, nhưng tập đoàn dược phẩm Merck đang ký hợp đồng bán cho chính phủ Mỹ với giá 712 USD cho một liệu trình 5 ngày.
Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics hôm 1/10 công bố báo cáo thử nghiệm giai đoạn cuối, cho thấy molnupiravir giảm một nửa nguy cơ nhập viện, tử vong ở những ca Covid-19 vừa hoặc nhẹ. Molnupiravir là thuốc dạng viên, không phải tiêm vào tĩnh mạch như các kháng thể đơn dòng, nên dự kiến được sử dụng rộng rãi, dễ dàng hơn, giúp kéo giảm tỷ lệ tử vong và thay đổi cuộc chơi trước Covid-19.
Trong 29 ngày thử nghiệm của Merck, không bệnh nhân nào trong số 385 sử dụng thuốc molnupiravir tử vong, trong khi 8 người thuộc nhóm dùng giả dược đã chết vì Covid-19, theo tuyên bố của hãng dược Mỹ. Merck đã nộp đơn xin Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho loại thuốc này.
Thuốc viên trị Covid-19 molnupiravir của hãng dược phẩm Merck. Ảnh: Merck .
Molnupiravir ban đầu được Đại học Emory, bang Georgia, nghiên cứu để điều trị bệnh viêm não ngựa ở Venezuela. Từ năm 2013, Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, thuộc Viện Y tế Quốc gia đã tài trợ cho Đại học Emory hơn 29 triệu USD để nghiên cứu loại thuốc này.
Video đang HOT
Đến tháng 3/2020, Đại học Emory bán bản quyền thuốc molnupiravir cho Ridgeback Biotherapeutics, một công ty nhỏ tại Miami vốn không có phòng thí nghiệm, không cơ sở xuất. Hai tháng sau, Ridgeback Biotherapeutics bán bản quyền toàn cầu cho Merck với một khoản tiền không được tiết lộ.
Ngoài những tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng, molnupiravir có thể mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc cho cả Merck và Ridgeback Biotherapeutics, được dự đoán lên tới 7 tỷ USD vào cuối năm nay. Sau khi công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng hôm 1/10, giá cổ phiếu của Merck tăng vọt, trong khi giá cổ phiếu của một số nhà sản xuất vaccine bị tụt.
Bất chấp khoản đầu tư ban đầu cho Đại học Emory, chính phủ Mỹ dường như đang chịu nhiều thiệt thòi trong hợp đồng mua thuốc molnupiravir. Chính phủ Mỹ hồi tháng 6 ký hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD với Merck để mua 1,7 triệu liệu trình, tương đương 712 USD/liệu trình. Giao dịch sẽ diễn ra ngay sau khi molnupiravir được FDA cấp phép.
Một số người cho rằng vì chính phủ liên bang Mỹ đã chi ít nhất 29 triệu USD phát triển thuốc molnupiravir, họ có quyền được mua loại thuốc này với giá phải chăng.
“Ngân sách đã tài trợ cho loại thuốc này, do đó chính phủ có một số quyền, gồm quyền được mua theo các điều khoản hợp lý”, Luis Gil Abinader, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức phi chính phủ Knowledge Ecology International, cho biết.
Trong cuộc phỏng vấn trên CNBC, Wendy Holman, người đồng sáng lập Ridgeback, lưu ý rằng công ty đã yêu cầu nhưng “chưa bao giờ được chính phủ tài trợ” để sản xuất molnupiravir. Rick Bright, cựu giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Tiên tiến Y sinh (BARDA), tháng 5/2020 tiết lộ rằng Ridgeback đã nỗ lực xin tài trợ 100 triệu USD từ BARDA để phát triển loại thuốc này như một biện pháp điều trị Covid-19 nhưng không thành công.
Thông cáo báo chí của công ty về kết quả nghiên cứu cũng lưu ý “từ khi Ridgeback mua bản quyền, tất cả tiền được sử dụng để phát triển molnupiravir đều do Merck và Ridgeback cung cấp”.
Abinader đã chỉ trích Ridgeback vì không thừa nhận khoản đầu tư ban đầu của chính phủ cho dự án. “Những gì họ muốn làm rõ ràng là định hình câu chuyện ai đã chi tiền phát triển thuốc để tránh yêu cầu bán thuốc với giá hợp lý”, ông nói.
Trong phản hồi qua email, Ridgeback Biotherapeutics khẳng định chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào của chính phủ Mỹ cho molnupiravir và công ty tự bỏ tiền phát triển thuốc điều trị. Merck hiện chưa bình luận.
Merck cam kết sẽ phân phối molnupiravir với giá hợp lý trên khắp thế giới và đã ký các thỏa thuận cấp phép với 5 công ty Ấn Độ để sản xuất thuốc. Các công ty Ấn Độ đang có kế hoạch định giá loại thuốc này dưới 12 USD cho liệu trình 5 ngày.
Ở Mỹ cũng như nhiều nước có thu nhập trên trung bình trở lên, giá thuốc sẽ do thị trường quyết định.
Các chuyên gia định giá thuốc tại Trường Y tế Công cộng Harvard và Bệnh viện Kings College ở London thừa nhận chi phí 17,74 USD để sản xuất một liệu trình 5 ngày thuốc molnupiravir chỉ là ước tính, nhưng cho biết thuật toán họ sử dụng đã được áp dụng để tính chi phí sản xuất hàng trăm loại thuốc.
Theo các chuyên gia, nếu bán molnupiravir với giá19,99 USD/liệu trình, công ty có thể thu về lợi nhuận 10%.
Sự khác biệt về giá là cơ sở để chính phủ Mỹ yêu cầu mức giá tốt hơn theo Đạo luật Bayh-Dole, chuyên gia Abinader cho hay. Đạo luật Bayh-Dole, được thông qua năm 1980, quy định việc chuyển các phát minh do liên bang tài trợ thành tài sản thương mại và cho phép chính phủ “can thiệp”, đình chỉ sử dụng các bằng sáng chế được phát triển bằng nguồn tài trợ chính phủ nếu xác định sản phẩm có giá quá cao.
“Khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đàm phán thỏa thuận khác với Merck, có lẽ họ nên tận dụng những quyền đó để có được mức giá tốt hơn”, Abinader nhận định.
Nhật Bản có thể cấp phép thuốc điều trị dạng uống cuối năm nay
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ đưa thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược phẩm Merk (Mỹ) vào danh mục các loại thuốc điều trị COVID-19 từ cuối năm nay.
Thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược phẩm Merck & Co (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Tại cuộc họp báo vào cuối tháng 9, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố sẽ cho phép sử dụng loại thuốc dạng uống dành cho người mắc COVID-19 thể nhẹ sớm nhất vào cuối năm nay. Mặc dù không tiết lộ nhà cung cấp nhưng giới chuyên gia cho rằng loại thuốc mà Thủ tướng Suga đề cập đến chính là Molnupiravir của hãng dược phẩm Merk (Mỹ).
Nhật Bản cũng là nước trực tiếp tham gia chương trình thử nghiệm giai đoạn cuối của loại thuốc này đối với 1.500 người ngoài nước Mỹ từ đầu năm nay. Cuộc thử nghiệm sẽ kết thúc sớm vào cuối tháng này và dự kiến sẽ được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép lưu hành trong tháng 11. Nếu được chấp nhận, Molnupiravir sẽ là loại thuốc đầu tiên trên thế giới được dùng để điều trị riêng cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo một quan chức Chính phủ Nhật Bản, Cơ quan dược phẩm và thiết bị y tế nước này (PMDA) đã phối hợp cùng với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) sớm khởi động quá trình trao đổi dữ liệu thử nghiệm lâm sàng với Merk. Dự kiến, sau khi được chấp nhận tại Mỹ, loại thuốc này sẽ nhanh chóng được phê duyệt tại Nhật Bản như một trường hợp đặc biệt.
Tại Nhật Bản, các liệu pháp điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ và vừa đều là truyền tĩnh mạch và đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Do đó, với đặc trưng có thể được sử dụng dễ dàng tại nhà, thuốc Molnupiravir được kỳ vọng sẽ cùng với vaccine là hai biện pháp then chốt giúp Nhật Bản kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Thái Lan đàm phán mua 200.000 toa thuốc điều trị COVID-19 Hãng tin Reuters của Anh đưa tin ngày 4/10, Vụ trưởng Vụ Dịch vụ y khoa Thái Lan, Somsak Akksilp, cho biết chính phủ nước này đang đàm phán với nhà sản xuất dược phẩm Merck & Co của Mỹ để đặt mua trước 200.000 toa thuốc kháng virus molnupiravir đang được thử nghiệm, phục vụ cho việc điều trị các bệnh nhân...