Gia thế “thiếu gia” Tô Công Lý vừa bị bắt “khủng” cỡ nào?
Ông Tô Công Lý – Phó Tổng giám đốc Công ty Công Lý vừa bị bắt là con trai ông Tô Hoài Dân người sáng lập công ty. Công ty Công Lý là doanh nghiệp lớn ở tỉnh Cà Mau và sở hữu nhiều dự án “khủng”.
Phó Tổng giám đốc Công ty Công Lý – Tô Công Lý vừa bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngày 18/8, dư luận tỉnh Cà Mau xôn xao trước thông tin ông Tô Công Lý – Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (công ty Công Lý), bị bắt với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công ty Công Lý được thành lập ngày 10/11/2000 do ông Tô Hoài Dân làm Chủ tịch HĐQT. Theo đăng ký thay đổi lần thứ 18 ngày 23/09/2013, công ty này có vốn điều lệ 700 tỷ đồng.
Công ty Công Lý được biết đến như “cá mập” tại tỉnh Cà Mau với hàng loạt dự án lớn như xây dựng Khu du lịch Khai Long và Đất Mũi với số vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng, đã đưa vào khai thác năm 2005; Thi công xây dựng bờ kè vành đai Biển Đông (Cà Mau), xây dựng nhiều cầu đường thuộc tuyến Khai Long – Đất Mũi và Đầm Dơi – Thanh Tùng; Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý thải thành phố Cà Mau với tổng mức đầu tư 329 tỷ đồng (đây cũng là nhà máy rác duy nhất tại Cà Mau). Hiện nay, nhà máy đã đi vào hoạt động, bình quân mỗi ngày xử lý được 105-110 tấn rác thải được thu gom trong khu vực thành phố Cà Mau và 04 huyện lân cận;…
Chưa kể, UBND tỉnh Cà Mau vào năm 2015 đã có Tờ trình 84/TTr – UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ định nhà đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý thực hiện Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai. Dự kiến, tổng vốn đầu tư cảng tổng hợp Hòn Khoai khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó 15% vốn doanh nghiệp, 85% vốn vay từ US – Exim Bank.
Ngoài ra, Công Lý còn là doanh nghiệp có nhiều tâm huyết với các dự án nhà máy điện gió. Vào cuối năm 2013, công ty này đã đưa vào hoạt động nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam tại xã ven biển Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu với 10 cột turbine điện gió (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 1.024 tỷ đồng, hiện tại dự án đang triển khai giai đoạn 2 với 52 trụ turbine với tổng mức đầu tư dự án 4.200 tỷ đồng, công suất bình quân phát lên lưới điện quốc gia.
Cùng với việc thực hiện nhiều dự án, doanh nghiệp của ông Tô Hoài Dân còn góp vốn thành lập nhiều nhiều công ty như: CTCP Điện gió Bình Châu 1, CTCP Điện gió Bình Châu 2 và CTCP Điện gió Bạc Liêu.
Có một sự trùng hợp là các doanh nghiệp trên đều có vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng, có cùng địa chỉ trụ sở chính, cùng 1 ngành nghề kinh doanh (hoạt động tư vấn quản lý) và giống nhau đến cơ cấu cổ đông, cụ thể, đó là công ty TNHH Năng lượng Nami 30%; công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý 69% và pháp nhân Trần Thị Thanh Trúc 1%. Các doanh nghiệp này đều do ông Tô Hoài Dân trực tiếp đứng tên.
Ngoài ra, ông Dân cũng đang là Người đại diện theo pháp luật(kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP) Super Wind Energy Công Lý Sóc Trăng; CTCP Super Wind Energy Công Lý Sóc Trăng Hồ Bể; CTCP Super Wind Energy Công Lý Cà Mau và CTCP Super Wind Energy Công Lý Cà Mau Khai Long.
Video đang HOT
Trong khi đó, con trai ông Tô Hoài Dân là Tô Công Lý (vừa bị bắt) đứng tên là chủ sở hữu/ người đại diện pháp luật của hai doanh nghiệp đóng trụ sở tại tỉnh Cà Mau, đó là Nhà hàng Đất Mũi và công ty TNHH Du lịch Khai Long.
Thời gian vừa qua, Công ty Công Lý được biết đến với vụ lùm xùm Nhà máy rác phát hiện hơn 300 xác thai nhi.
Hay năm 2016, doanh nghiệp của ông Tô Hoài Dân tặng UBND tỉnh Cà Mau hai xe sang. Tuy nhiên, sau phiên họp thường kỳ Chính phủ vào ngày 1/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận và chỉ đạo “từ nay các địa phương không được nhận ô tô doanh nghiệp tặng”. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã báo cáo Bí thư Tỉnh ủy và thực hiện ngay việc trả lại 2 ôtô Lexus cho Công ty Công Lý.
Ngoài ra, Công ty Công lý còn dính vào vụ lùm xùm khi sở hữu 5 xe có biển số ngoại giao, gắn còi ưu tiên.
THỦY TIÊN
Theo doisongphapluat
Công ty nhà "thiếu gia" Tô Công Lý và những vụ "vô tiền khoáng hậu" ở Cà Mau
Doanh nghiệp của "thiếu gia" Tô Công Lý từng tặng xe Lexus tiền tỷ cho tỉnh Cà Mau chỉ để "kiểm tra đê điều". Ngoài ra, Tô Công Lý còn từng ký quyết định sa thải một nhân viên nhặt được vàng. Tuy nhiên, chính ông này lại bị thua kiện.
Tặng xe tiền tỷ để đi kiểm tra đê điều
Đầu năm 2017, dư luận Cà Mau bàn tán về hai chiếc "siêu xe" Lexus GX 460 gắn biển xanh 80A mà Tỉnh ủy và UBND tỉnh này đang sử dụng. Hai chiếc xe trên giá xuất hóa đơn là hơn 6,2 tỉ đồng.
Cụ thể, tháng 3/2016, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý đã tặng cho Cà Mau hai chiếc xe trên. Chiếc màu trắng được tặng cho UBND tỉnh Cà Mau biển xanh 80A-338.39; chiếc màu bạc tặng cho Tỉnh ủy Cà Mau mang biển xanh 80A-369.69.
Tô Công Lý và siêu xe Bentley.
Khi ấy, trả lời báo PLO, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch tỉnh Cà Mau, cho biết: Việc tặng và nhận hai chiếc xe trên đã thực hiện theo đúng quy trình. Cụ thể, khi doanh nghiệp có nhã ý tặng xe, tỉnh giao Sở Tài chính rà soát, tiếp nhận đúng quy trình nhận tài sản tặng cho. Sau đó, Sở Tài chính có đề xuất và được UBND tỉnh chấp nhận, giao UBND tỉnh một chiếc và Tỉnh ủy một chiếc sử dụng vào việc công.
Chiếc Lexus màu trắng được công ty Công Lý tặng cho UBND tỉnh Cà Mau để đi kiểm tra đê điều.
Về mục đích doanh nghiệp tặng xe cho tỉnh, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc công ty Công Lý - cha của "thiếu gia" Tô Công Lý vừa bị bắt, cho biết: "Tôi hỗ trợ tỉnh Cà Mau nhiều tỷ đồng để làm đường, xây nhà cho người nghèo... Thấy chính quyền địa phương không có ôtô đủ tiêu chuẩn để phục vụ cho việc kiểm tra đê điều hoặc đón những đoàn công tác Trung ương nên tặng 2 xe phục vụ cho việc công. Việc làm này là tự nguyện, minh bạch, không vụ lợi".
Trong khi đó Chủ tịch tỉnh Cà Mau cho hay: "Doanh nghiệp tặng hai ô tô cho Cà Mau nhằm phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán xâm nhập mặn, đê kè, phòng chống lụt bão, cháy rừng...".
"Không có chuyện vì nhận xe mà tỉnh có những ưu ái cho doanh nghiệp như đồn đại" - ông Hải nói.
Sau khi báo chí lên tiếng, tỉnh Cà Mau đã trả lại 2 xe sang cho Công ty Công Lý. Tuy nhiên dư luận vẫn đặt dấu hỏi về việc doanh nghiệp được ưu ái sau khi tặng xe sang.
Tặng xe xong liền được "ưu ái"
Thực tế là có cơ sở khi vào tháng 11/2016, công ty trên được tỉnh cho ứng 25 tỉ đồng từ ngân sách, công ty được phép trả chậm trong nhiều năm. Trong khi đó, với mức tiền chi trả hằng năm, công ty được phép ứng trước ngân sách nhưng con số này không vượt quá 16 tỉ đồng.
Thêm vào đó, tháng 12/2016, lực lượng biên phòng báo cáo về việc bắt quả tang người của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý khai thác cát biển trái phép với trữ lượng khoảng 80.000 m3. Đơn vị này cũng đề nghị UBND tỉnh xử phạt hành chính nhưng đã hơn hai tháng qua tỉnh vẫn chưa có quyết định xử lý nào về hành vi này của công ty.
Cùng với đó, công ty này đã từng để chết 8/15 ha rừng phòng hộ được Nhà nước cho thuê. Theo luật, công ty phải bị truy trách nhiệm nhưng Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau lại đề xuất tỉnh cho phép công ty tận thu toàn bộ số cây rừng bị chết, trồng lại cây thay thế phục vụ du khách trong Khu du lịch sinh thái Khai Long do công ty đầu tư.
Thua kiện nữ công nhân nhặt được vàng trong rác
Cách đây 5 năm, tại công ty Công Lý cũng xảy ra vụ việc gây nhiều chú ý khi Tô Công Lý trực tiếp đặt bút ký quyết định sa thải nữ công nhân nhặt được vàng trong rác là chị Phạm Tuyết Mai (39 tuổi, ngụ huyện Đầm Dơi). Lý do chị Mai bị đuổi việc là vi phạm nội quy kiểm soát ra, vào cổng và chống trộm cắp do Tổng giám đốc Công ty Công Lý ký ngày 20/3/2013.
Chị Phạm Tuyết Mai, người thắng kiện công ty Công Lý.
Cụ thể, vào ngày 4/8/2014, trong lúc làm việc ở một dây chuyền xử lý rác, chị Mai nhặt được khoảng 5 lượng vàng.
Quản lý nhà máy rác Cà Mau yêu cầu chị nộp số vàng lại nhưng chị không đồng ý. Sau đó, chị và cả Ban quản lý nhà máy rác cùng báo Công an đến giải quyết, số vàng bị Công an tạm giữ, thông báo cho người mất đến nhận.
Tuy nhiên, sau đó, quản lý nhà máy rác đã họp và thống nhất kết luận chị Mai nhặt vàng không bàn giao là vi phạm quy định về việc ra vào cổng và chống trộm của đơn vị mình. Từ đó đề xuất công ty sa thải chị.
Tuy nhiên, theo kết luận của HĐXX, Tòa tuyên buộc công ty phải nhận chị Mai trở lại làm việc và bồi thường thiệt hại cho chị Mai hơn 76 triệu đồng.
HĐXX lập luận, quyết định sa thải chị Mai do ông Tô Công Lý, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng, thương mại Công Lý ký là trái luật. Cụ thể, Quyết định này không đưa ra căn cứ điều luật nào để sa thải chị Mai, tức là đã sai về hình thức.
Về nội dung, phía công ty cho rằng chị Mai đã vi phạm quy định nội bộ, nhưng quy định nội bộ của công ty chưa được đăng ký với cơ quan thẩm quyền nên HĐXX bác.
Đình Văn (Tổng hợp)
Theo nguoiduatin
Cà Mau: Bắt phó tổng giám đốc Công ty Công Lý về hành vi lừa đảo Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa bắt Phó tổng giám đốc Công ty Công Lý Tô Công Lý để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Tô Công Lý Ảnh: CTV Sáng 18.8, theo nguồn tin riêng của PV Thanh Niên, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an đã bắt ông Tô Công...