Giá thành sản xuất 1kg thịt lợn hơi hiện nay đã lên hơn 50.000 đ/kg
Cho đến trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, giá thành sản xuất ra 1kg lợn hơi được tính toán dao động từ 35.000-38.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh xảy ra, giá thành sản xuất ra 1kg thịt lợn hơi đã tăng lên đáng kể do chi phí về giống, thuốc men và cả giá thức ăn chăn nuôi tăng lên.Theo tính toán, giá thành sản xuất 1kg lợn hơi hiện vào khoảng trên 50.000 đồng/kg.
Để tìm hiểu rõ hơn tính toán này, PV Dân Việt đã phỏng vấn ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Đoán, với việc giá heo giống đang rất cao như hiện nay, 2,5 – 3 triệu đồng/con thì giá thành chăn nuôi của các trang trại là khá cao, không tính toán thận trọng, khi giá heo hơi giảm có thể bị lỗ.
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai. Ảnh: I.T
Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đang gặp khó khăn trong khâu tái đàn do giá con giống quá cao, như vậy, theo ông giá thành sản xuất heo hiện nay là bao nhiêu mới hợp lý?
- Có một thực tế là hiện nay người dân muốn tái đàn heo thời điểm này đều phải mua con giống với giá rất đắt. Theo đó, giá heo giống hiện tại là 150.000 – 153.000 đồng/kg, tức khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/con.
Nếu theo giá con giống hiện nay các công ty đang cung cấp ra thị trường, khi giá heo hơi xuống quá thấp người dân không những không có lãi, thậm chí có thể lỗ, đấy mới chỉ là tính mặt bằng giá chung chứ chưa tính đến yếu tố dịch tễ.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá thành sản xuất 1kg thịt lợn hơi chỉ khoảng 35.000-38.000 đồng/kg. Do đó, với giá 75.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng như hiện nay là quá chênh lệch. Theo ông, giá thành sản xuất 1kg lợi hơi hiện khoản bao nhiêu?
- Người chăn nuôi cũng đang tỏ ra băn khoăn với mức giá thành sản xuất heo 38.000 – 45.000 đồng/kg. Theo họ, với giá con giống cao như hiện nay, cộng với chi phí để đảm bảo an toàn sinh học sau dịch tả lợn châu Phi thì ngay cả ở những trang trại chăn nuôi của những doanh nghiệp lớn, khép kín từ con giống đến thức ăn, giá thành sản xuất đã phải tầm 50.000 đồng/kg.
Do đó, những nông dân nào vừa tái đàn phải mua con giống với giá quá cao, nếu giá heo hơi giảm sâu hơn trong thời gian tới thì có thể khó có lãi, không khéo thậm chí còn bị lỗ.
Video đang HOT
Giá heo giống hiện đang cao, người chăn nuôi e ngại tái đàn. Ảnh: I.T
Vậy theo ông, làm thế nào để vừa thúc đẩy nông dân tái đàn vừa đảm bảo bình ổn thị trường thịt lợn để người tiêu dùng được sử dụng thịt lợn với giá hợp lý?
- Với giá heo giống quá cao như hiện nay, cộng với giá heo hơi có xu hướng giảm sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rất có thể nhiều nông dân sẽ e ngại việc tái đàn, bởi họ sợ sẽ thua lỗ lần nữa.
Muốn kích thích việc tái đàn, đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi dù giá heo hơi hạ về mức hợp lý đảm bảo bình ổn chỉ số giá tiêu dùng đồng thời giúp người tiêu dùng được sử dụng thịt heo với mức giá hợp lý theo tôi ngành chức năng phải xem xét, kiểm soát lại khâu trung gian, phân phối.
Chứ cứ như hiện nay, việc phải trải qua quá nhiều tầng nấc từ chuồng trại mới ra được đến thị trường của con heo thì người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi và nông dân bị thiệt là chính.
Từ năm 2017 – 2019, 3 năm liền các trang trại phải gồng mình gánh thua lỗ do bão giá, dịch bệnh. Cho đến thời điểm này, nhiều trang trại cỡ 100 nái ở Đồng Nai vẫn còn ôm nợ ngân hàng, phải đề nghị khoanh nợ, giãn nợ.
Giá heo hơi từ cuối năm 2019 có dễ thở hơn nhưng cũng chưa thể bù đắp hết những thiệt hại cho họ trong 3 năm qua.
Vì vậy, trong việc bình ổn giá heo hơi, cũng cần tính đến lợi ích của những hộ chăn nuôi nông hộ, nếu không họ thực sự không dám tái đàn.
Để bình ổn giá thịt lợn, việc nhập khẩu thịt lợn cũng đã được ngành chức năng xúc tiến. Theo ông, việc này có giúp bình ổn thị trường heo hơi hiện nay?
- Việc nhập khẩu thịt lợn từ Nga và nhiều quốc gia khác sẽ giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn và thị trường thực phẩm sẽ phong phú hơn, điều này là cần thiết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc lưu thông hàng hóa khó khăn hơn do phải kiểm soát dịch, cộng với nguồn cung thịt lợn thế giới đang được dự báo thiếu tới 10% thì tôi e mức giá thịt lợn nhập về Việt Nam cũng không hề rẻ.
Xin cảm ơn ông!
Mức 75.000 đồng/kg, người chăn nuôi cũng không lãi nhiều
Theo tính toán của một số chủ trang trại chăn nuôi; chi phí nuôi 1 con lợn 100kg hơi hiện nay như sau:
Tiền giống: 2,5 triệu đồng
Tiền cám: 2,3 triệu đồng
Thuốc: 250.000 đồng
Công, điện, nước: 320.000 đồng
Hao hụt (tạm tính 3,2%): 320.000 đồng.
Tổng chi hết: 5,78 triệu đồng.
Thu: Với giá bán ra 75.000 đồng/kg (100kg*75.000đ), thu về 7,5 triệu đồng; còn lãi: 1,72 triệu đồng; chia cho 4 tháng nuôi, trung bình mỗi tháng lãi 430.000 đồng/con là mức cũng không phải quá cao.
Thịt lợn nhập về từ những nước nào mà giá chỉ hơn 33.000 đồng/kg?
Sáng 3/1, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nhu cầu thịt lợn trong nước đang tăng nhanh vào dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, dẫn đến nhập khẩu thịt lợn trong tháng 10 và tháng 11 năm 2019 đã có chiều hướng tăng mạnh.
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, dự báo tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Canh Tý tăng cao nên các doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ nhiều thị trường.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, riêng trong tháng 11 năm 2019, lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 15.000 tấn với kim ngạch 15,9 triệu USD, tăng 164% về lượng và 113% về kim ngạch so với tháng 11 năm 2018. Tính chung trong 11 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn của nước ta đạt hơn 111.000 tấn với kim ngạch 124 triệu USD, tăng 108% về lượng và 97% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương... từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Ba Lan, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Hà Lan...
Hiện có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thịt lợn từ các nước. Ảnh minh họa
Theo thống kê, giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này trong 11 tháng năm 2019 là 1.117 USD/tấn, tương đương khoảng 25.950 - 26.000 đồng/kg. Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm, thịt lợn nhập khẩu khi đưa ra thị trường phải chịu nhiều mức thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng 5%, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh...), tương đương khoảng 33.000 - 35.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, từ tháng 11 đến nay, giá nhập khẩu đã có xu hướng tăng so với thời điểm các tháng trước đó do nhu cầu ngày càng đang tăng mạnh. Thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đều đang chịu thuế MFN với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%.
Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico... mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3 - 21%. Hiện có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thịt lợn từ các nước.
Để góp phần bình ổn nguồn cung và giá thịt lợn tại thị trường trong nước ở thời điểm hiện nay, đặc biệt là trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Cục Xuất nhập khẩu đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cục Thú y trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.
Trong khi đó, theo Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước đến tháng 11 năm 2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước và sản lượng năm 2019 giảm 13,6% so với năm 2018. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thịt lợn năm 2019 giảm khoảng 200 - 380 nghìn tấn, tương đương từ 7 - 10% so với năm 2018 do diễn biến phức tạp của tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Khảo sát của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, trong những ngày đầu năm 2020, giá lợn hơi đang có xu hướng tiếp tục giảm nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại các tỉnh phía Bắc. Cụ thể, giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống còn 94.000 đồng/kg; Hà Nam xuống 92.000 - 93.000 đồng/kg; tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La, giá phổ biến là 93.000 đồng/kg.
Nhìn chung, dù giá lợn tại khu vực miền Bắc vẫn ở mức cao nhất cả nước, dao động 90.000 - 95.000 đồng/kg, nhưng đà tăng đã chững lại và bắt đầu đang điều chỉnh giảm. Các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều khẳng định tiếp tục đồng hành trong việc bình ổn mặt hàng thịt lợn.
Theo Văn Sinh (Tiêu Dùng)
Giá heo hơi hôm nay 17/3: Vẫn neo khá cao, cung thịt lợn giảm 10% Ngày đầu tiên của tuần mới sau khi Bộ NNPTNT kêu gọi các doanh nghiệp đưa giá heo hơi về mức 70.000 đồng/kg, giá heo hơi tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức khá cao. Theo đó, giá heo hơi hôm nay 17/3 ở miền Bắc cao nhất vẫn đạt 86.000 đồng/kg. Trong một diễn biến khác, dịch Covid-19 có thể là...