Giá sắn nguyên liệu tăng “không tưởng”, cầm chắc lãi gần 39 triệu/ha
Trong vòng 2 tháng trở lại đây, giá mì ( sắn) trên địa bàn Bình Định tăng đột biến, hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, khiến người trồng mì không thể vui hơn.
Nông dân Bình Định hồ hởi thu hoạch mì
Cách đây khoảng 1 tháng, giá mì trên địa bàn Bình Định tăng đến 2.500đ-2.600đ/kg (mì 30% độ bột), mức giá mà người trồng mì trên địa bàn không dám nghĩ đến bởi cùng kỳ năm trước, giá mì thời điểm cao nhất chỉ có 1.100đ/kg (mì 30% độ bột). Đến nay, giá mì đã giảm dần dần, hiện đang đứng ở mức 2.100đ-2.200đ/kg, nhưng vẫn còn cao gấp đôi năm ngoái. Đây là mức giá cao nhất trong 10 năm vừa qua. Với giá mì hiện nay, người trồng mì cầm chắc lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.
“Giá mì nguyên liệu đang được nhà máy thu mua ở mức 2,2 triệu đồng/tấn. Mỗi ngày nhà máy thu mua gần 1.000 tấn mì nguyên liệu trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) và các tỉnh Tây Nguyên. Nguyên nhân giá mì tươi tăng mạnh là do thị trường nhập khẩu tinh bột mì tăng mạnh trong thời gian vừa qua”, ông Lê Văn Nhựt, Phó Giám đốc Cty TNHH Tinh bột sắn Nhiệt Đồng Tâm đóng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ.
Video đang HOT
Tương tự, Cty CP Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định đóng trên địa bàn xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) cũng đang thu mua mì nguyên liệu với giá 2,1 – 2,2 triệu đồng/tấn. Do đầu ra đang thuận lợi nên Cty này mở rộng địa bàn thu mua đến các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên… Theo nhận định của các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn, vụ thu hoạch mì năm nay ở Bình Định sẽ kết thúc sớm hơn mọi năm, vì nông dân đang tranh thủ thu hoạch để bán được giá cao.
Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Bình Định có 5 nhà máy chế biến sắn với tổng công suất 270 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, tổng diện tích trồng mì trên địa bàn tỉnh này chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nguyên liệu. Dự báo giá mì nguyên liệu trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu thị trường rất lớn; đặc biệt khi các nhà máy chế biến nguyên liệu sinh học Ethanol đang đẩy mạnh thu mua mì nguyên liệu.
“Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, Bình Định chỉ phát triển diện tích mì ổn định ở mức 10.000 – 12.000 ha; trong đó quy hoạch vùng trồng mì nguyên liệu thâm canh tập trung 4.400 ha trên địa bàn 21 xã thuộc 3 huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Tây Sơn, năng suất bình quân 35-40 tấn/ha. Giảm diện tích trồng mì trên đất nương rẫy, đất có độ dốc trên 15 độ để trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường sử dụng các giống mì cao sản, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng mì”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.
Theo Vũ Đình Thung (NNVN)
Thiếu mì, nhà máy nâng giá thu mua cao nhất từ trước đến nay
Trên các cánh đồng mì (sắn) của hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận), nông dân đang hối hả thu hoạch vụ mì 2017-2018. Sau 2 năm liền cây mì bị thiệt hại do thời tiết, năm nay, nông dân vui mừng và phấn khởi vì cây mì không chỉ được mùa mà còn được giá.
Hiện nay, mì tươi được Nhà máy Chế biến tinh bột mì Fococev-Ninh Sơn thu mua với giá 2.050 đồng/kg đối với loại mì có chữ bột đạt 30%, cao hơn 700 đồng/kg so với vụ mì năm trước. Nguyên nhân giá mì tăng là do thiếu nguồn nguyên liệu mì trên khắp cả nước nên các nhà máy nâng giá thu mua...
Nông dân xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) vào mùa thu hoạch mì. Ảnh: Lê Thi
Có mặt tại cánh đồng mì ở xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), những ngày này, nông dân tất bật ra đồng, nhanh chóng thu hoạch mì vận chuyển sang nhà máy bán. Chị Lương Thị Mai Thu, thôn Thạch Hà 2, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) trồng 1,2 ha mì, cho biết: Năm nay, giá mì được xem là cao nhất từ trước đến nay, giúp chúng tôi có thêm thu nhập bù lỗ vào vụ mì năm trước. Sau hơn 3 ngày thu hoạch, gia đình thu về được 26 tấn mì, với chữ bột đạt 30% và được nhà máy gấp rút thu mua, không còn tình trạng chờ đợi như các năm về trước.
Cùng chung niềm vui, chị Chamaléa Thị Hồng, thôn Núi Rây, xã Phước Chính (Bác Ái) chia sẻ: Chúng tôi ra đồng từ sáng sớm để thu hoạch mì, nhằm tránh mưa ảnh hưởng đến chất lượng mì, nhà tôi sản xuất 2 ha, năm nay giá mì cao và đạt năng suất nên tôi yên tâm có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình...
Qua con số thống kê, tổng diện tích mì trong thời gian thu hoạch của hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái ước tính khoảng 2.000 ha. Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc quy hoạch vùng sản xuất mì đã góp phần đem lại kết quả khả quan; giảm thiểu được tình trạng dồn ứ, thiếu chủ động trong khâu thu mua như trước đây, qua đó tránh gây thiệt hại cho nông dân.
Theo ông Hồ Đức Tiên, Giám đốc Nhà máy Chế biến tinh bột mì Fococev-Ninh Sơn, tính đến thời điểm hiện tại, nhà máy đã thu mua được hơn 21.000 tấn mì trên địa bàn hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Nhà máy đang hoạt động với công suất tiêu thụ bình quân 350 tấn mì/ngày.
Với vụ mì được mùa, được giá như hiện nay đang là tín hiệu vui cho nông dân. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cả hai huyện khuyến cáo bà con không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng mì để tránh tình trạng cung vượt cầu, dẫn tới tình trạng "được mùa, mất giá" như trước đây.
Theo Lê Thi (Báo Ninh Thuận)
Cuộc sống thiếu thốn trăm bề của người dân vùng rốn lũ xứ Thanh Nước lũ dâng cao nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà ở xã Thạch Định (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) khiến người dân nơi đây đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu thốn trăm bề... Những túp lều tạm chống chọi với thiên nhiên Nhiều hộ dân ở xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng...