Giá sách giáo khoa tăng hơn gấp 3 lần là quá vô lý
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Không phải tự tiện nâng giá sách giáo khoa. Nâng tới mức mà bất hợp lý, con em người nghèo không đủ tiền mua sách”.
Công tác lựa chọn sách giáo khoa cho lớp 1 hiện vẫn chưa xong, trong đó giá sách giáo khoa là thông tin quan trọng, một trong những yếu tố để đưa ra quyết định chọn lựa sách.
Năm nay có 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để đưa vào trường học. Các bộ sách được làm bằng cách xã hội hóa. Trong đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ;
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có 1 bộ.
Sách giáo khoa tăng phi mã là một vấn đề cần thiết phải được tính toán kỹ (ảnh Thùy Linh).
Sách giáo khoa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai giá theo quy định tại Luật Giá và văn bản hướng dẫn liên quan. Cơ quan tiếp nhận kê khai giá có quyền rà soát nội dung văn bản kê khai giá do tổ chức, cá nhân thực hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các Nhà xuất bản kê khai, hoàn thành công bố giá sách giáo khoa lớp 1 trước ngày 15/2.
Văn bản số 115/BGDĐT -KHTC ngày 14/1/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị: “Chính phủ giao Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá theo Luật Giá 2012.
Trong đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trình Chính phủ về mức giá kê khai sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo không vượt mức giá kê khai của bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019-2020″.
Với những quy định như vậy, nhiều người yên tâm về giá các bộ sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên, mới đây trên báo nhân dân giá sách giáo khoa sẽ tăng đột biến khiến không ít người giật mình.
Theo đó, Nhà xuất bản giáo dục đã kê khai giá bốn bộ sách giáo khoa: Kết nối tri thức với cuộc sống (188 nghìn đồng); Chân trời sáng tạo (197 nghìn đồng);
Cùng học để phát triển năng lực (200 nghìn đồng); Vì sự bình đẳng và dân chủ trong trường học (189 nghìn đồng).
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh kê khai sách giáo khoa (bộ sách Cánh diều) giá 215 nghìn đồng [1].
Nếu các mức giá này trở thành chính thức thì đây là mức tăng phi mã so với giá sách giáo khoa hiện hành.
Cụ thể, bộ sách lớp 1 đang được sử dụng trong năm học 2019-2020 có giá là 54 nghìn đồng.
Video đang HOT
Nếu đem so sánh với Bộ sách tăng thấp nhất là bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong trường học thì cũng gấp gần 3 lần so với bộ sách giáo khoa cũ.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết, sách giáo khoa in ra là để phục vụ cho việc học tập của thế hệ trẻ.
Giáo dục là quốc sách thì sách giáo khoa phải ở một cái giá trong đó có cả sự hỗ trợ của nhà nước để con em và các gia đình có thể tiếp cận học tập.
Theo ông Lê Như Tiến, những người nghèo, gia đình khó khăn mà sách giáo khoa giá cao thì con em sẽ thất học.
Sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, quốc sách hàng đầu, vì thế bất kỳ một việc tăng giá sách nào phải có ý kiến của cơ quan quản lý giá và nếu vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo Chính phủ hoặc Quốc hội.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Không phải tự tiện nâng giá sách giáo khoa. Nâng tới mức mà bất hợp lý, con em người nghèo, hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua sách giáo khoa họ thất học thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cơ quan quản lý về vấn đề này phải có cân nhắc kỹ, kiểm soát chặt chẽ đối với các nhà xuất bản, xuất bản sách giáo khoa”.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội khóa 13 bà Bùi Thị An cho rằng, vừa rồi làm sách giáo khoa theo cơ chế xã hội hóa.
Giá sách có thể tăng nhưng tăng theo chất lượng sách giáo khoa tuy nhiên trong điều kiện kinh tế hiện nay thì tăng cho thế nào cho thích hợp là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.
“Giáo dục là vấn đề quốc sách hàng đầu và không thể xem bình thường như các mặt hàng khác.
Chúng ta xây dựng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên phải có sự điều chỉnh. Chính vì thế, cần xem xét, cân nhắc chứ không thể nào tăng giá lên cao như vậy”.
Tài liệu tham khảo:
//nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/43761102-minh-bach-khi-dua-sach-giao-khoa-moi-vao-day-hoc.html
Trinh Phúc
Sách giáo khoa mới và sự cạnh tranh của những người... trong nhà với nhau
Chúng tôi cho rằng "cuộc chiến" sách giáo khoa tới đây là sự cạnh tranh của chính những "người trong nhà" với nhau.
Những năm tới đây, thầy và trò ở các trường phổ thông sẽ được học 1 trong 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt để sử dụng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhưng, trong 5 bộ sách này thì 4 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 1 bộ còn lại của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) phối hợp thực hiện.
Sản phẩm nào sẽ được các địa phương, nhà trường lựa chọn đây? Rất khó để trả lời vào thời điểm hiện tại bởi những gì mà chúng ta đang thấy là một cuộc chiến âm thầm đang diễn ra có phần quyết liệt.
Các trường sẽ lựa chọn bộ sách nào trong 5 bộ sách đã được phê duyệt? - (Ảnh minh họa: baotintuc.vn)
Ngay sau khi lộ thông tin Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi tiền cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thì chúng ta thấy rất rõ là những lãnh đạo Nhà xuất bản, tác giả sách giáo khoa Cánh Diều đang có những phát biểu cho rằng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không cạnh tranh sòng phẳng.
Khi chia sẻ với Tạp chí điện tử VietTimes, ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VEPIC đã lên tiếng:
" Theo tôi, việc này khiến ai cũng cho rằng quá trình chọn lựa sách giáo khoa là không thể công bằng. Bởi lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thù lao liên tục trong 4 năm với tổng số tiền lên tới gần 3 tỷ để tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam". [1]
Còn giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới - Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt của sách giáo khoa Cánh Diều thì băn khoăn:
" Việc Nhà xuất bản chi tiền thù lao như thế thì làm sao Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có thể chọn sách giáo khoa một cách khách quan được?
Như vậy thì chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa của Đảng và Nhà nước không thực hiện được.
Chưa kể, không biết ngoài việc chi thù lao cho Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn chi thù lao hay chi phí cho các chuyến tham quan, du lịch "miễn phí" cho quan chức, công chức của những đơn vị nào nữa?
Có đơn vị nào cũng chi thù lao tương tự như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không?". [2]
Những băn khoăn của Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VEPIC và Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt của sách giáo khoa Cánh Diều là đúng bởi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi tiền thù lao cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, điều mà chúng ta cũng dễ dàng nhận ra là phía sau những chia sẻ này có phải là các vị này lo lắng cho sự khách quan, minh bạch trong việc lựa chọn sách giáo khoa hay là lo cho tương lai của sách Cánh Diều khó chiếm lĩnh được thị trường trong những năm tới?
Cuộc chiến của những người..."trong nhà" với nhau
Chiều 19/1/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo thông tin về dự thảo chương trình 20 môn học, hoạt động giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sau gần 1 năm lấy ý kiến của xã hội thì đến ngày 27/12/2018, Chương trình môn học chính thức được thông qua.
Thế nhưng, từ những chia sẻ gần đây của các tác giả viết sách giáo khoa, và ngay cả sự thừa nhận của cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì các đơn vị biên soạn, xuất bản sách giáo khoa đã chuẩn bị biên soạn sách giáo khoa từ rất lâu rồi.
Ngay như đơn vị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi thù lao cho một số lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh từ 4 năm nay. Công ty VEPIC cũng đã tổ chức biên soạn bộ sách Cánh Diều từ đầu năm 2018.
Như vậy, chương trình môn học của Bộ công bố có phải là của Bộ hay là của các Nhà xuất bản? Bởi phần nhiều tác giả viết Chương trình tổng thể, Chương trình môn học bây giờ là Tổng chủ biên, Chủ biên sách giáo khoa cho các nhà xuất bản?
Điều mà dư luận đang thấy giữa 4 bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dụcViệt Nam với bộ sách Cánh Diều tuy riêng nhưng thực ra nó vẫn có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Chúng tôi cho rằng "cuộc chiến" sách giáo khoa tới đây là sự cạnh tranh của chính những "người trong nhà" với nhau. Bởi, theo chia sẻ của ông ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VEPIC thì chúng ta sẽ nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này.
Ông Ái nói: " Vốn đầu tư của Công ty VEPIC do các cổ đông đóng góp, hầu hết là của những cán bộ ở Nhà xuất bản đã về hưu, các thầy giáo, các tác giả. Những đơn vị của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm các công ty con, công ty thành viên có góp vốn vào Công ty VEPIC" . [1]
Trong khí đó, chúng ra đều đã biết, ông Ngô Trần Ái, nguyên là Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục chi nhánh tại Thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Còn giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới- Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt của sách giáo khoa Cánh Diều cho biết:
" Đây là lần đầu tiên xuất hiện những đơn vị làm sách giáo khoa bên cạnh đơn vị vốn độc quyền trong lĩnh vực này là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Công ty VEPIC đã chuẩn bị rất chu đáo, mời được 41/56 thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018". [3]
Như vậy, chúng ta thấy rằng dù chia làm "2 phe" nhưng mối quan hệ ríc rắc giữa các nhóm tác giả viết chương trình, biên soạn sách giáo khoa, các nhà xuất bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đều có mối quan hệ rất mật thiết với nhau.
Về cơ bản, chủ trương: "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" đã thực hiện được nhưng nhiều vấn đề còn lại có lẽ vẫn còn để ngỏ.
Vì thế, thị trường sách giáo khoa khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cứ tưởng là phức tạp nhưng suy đi, nghĩ lại thì chúng ta cũng thấy không có sự thay đổi nhiều so với cách xuất bản sách giáo khoa hiện hành.
Tài liệu tham khảo:
[1] //viettimes.vn/nhung-nguoi-chi-dao-nhan-thu-lao-thi-khong-the-dam-bao-su-minh-bach-khi-chon-sgk-376068.html
[2] //viettimes.vn/nong-nha-xuat-ban-chi-thu-lao-gan-3-ty-cho-lanh-dao-so-gddt-truong-pho-phong-chuyen-mon-viec-lua-chon-sach-giao-khoa-lieu-con-khach-quan-374707.html
[3]//viettimes.vn/co-gi-moi-trong-bo-sach-giao-khoa-xa-hoi-hoa-dau-tien-374214.html
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net
Sốt ruột chờ sách giáo khoa mới công khai giá bán Được giao trách nhiệm lựa chọn SGK lớp 1 mới, các trường học đang sốt ruột chờ được cung cấp 5 bộ SGK cũng như giá bìa các cuốn sách này. Theo đề xuất từ nhiều hiệu trưởng, giáo viên các trường tiểu học, để phục vụ việc lựa chọn SGK lớp 1 mới cho năm học 2020-2021, các NXB được phê duyệt...