Già rồi, tình yêu đâu còn nghĩa lý gì
Người duy nhất để mình tin tưởng, nói với nhau những điều thầm kín nhất. Người duy nhất sẵn sàng bảo vệ mình khi bạo bệnh, khó khăn, va vấp trong cuộc đời. Đó là những khoản tích cóp vô giá, đến tuổi già, lấy ra xài…
Một buổi sáng nắng đẹp, ông cụ hàng xóm nhờ tôi “book” dùm chiếc taxi công nghệ để đưa bà đi khám bệnh. Thấy hai ông bà lom khom, yếu ớt, tôi quyết định tình nguyện, dành buổi sáng giúp đỡ ông bà. Cuộc sống của họ chẳng khó khăn gì, chỉ là… họ không có con cháu.
Vài lần, tôi nghe ông kể chuyện thời thanh niên, ông yêu và cưới bà. Nhưng ăn ở với nhau gần chục năm mà không có con. Hai bên gia đình cứ trông chờ miết. Mà ngày đó, để đi khám hiếm muộn không phải dễ, huống chi hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, thì chuyện can thiệp y học để sinh con là không thể.
Ảnh minh họa
Có lần, bà tâm sự với ông: “Chắc tại tui, thôi… anh coi thu xếp, cưới vợ để sanh con cho ba má, chứ nhìn ba má không vui, lòng tui cũng không đặng để yên bề…”. Ông gạt ngang: “Biết đâu chừng, không phải tại em, mà tại tui thì sao”. Tại qua tại lại, tại cả đôi đường. Đến khi tích cóp được kha khá, thì lúc ấy… không còn tuổi để sinh đẻ. Bẵng đi hơn 60 năm, họ yêu nhau bằng một tình yêu trọn vẹn.
Ông kể rằng: “Hồi sau giải phóng, cũng tính theo họ hàng để vượt biên, bả cản quá trời, quá đất không cho tui đi. Mà bả cũng không chịu đi, nên tui quyết định ở lại với bả. Ngày đó, tui với bả có cái gì đâu để mất, chỉ có tình yêu, sau bao nhiêu sóng gió và chiến tranh, mới còn chút xíu thời gian để bên nhau. Mấy mươi năm qua, sống vì cuộc sống của mình, vì bà nhà. May mắn, bả là chiếc neo để tui ở lại, chứ không… cuộc chia ly ấy, đã rẽ cuộc đời tui sang một hướng khác…”.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Tôi mạo muội hỏi vui ông: “Thời còn trẻ, người ta yêu nhau vì sức khỏe, vì sắc đẹp. Đến khi tuổi già, con nghĩ… người ta sẽ níu lại với nhau vì con cháu, nhà cửa, của cải. Ông bà không có con cháu, không còn người thân mà vẫn sống với nhau đến tuổi này, con thật sự ngưỡng mộ…”. Ông trả lời: “Già rồi, tình yêu đâu còn nghĩa lý gì. Sống với nhau chỉ còn là tình bạn, tình đời đã gắn bó với nhau mấy chục năm. Người duy nhất để mình tin tưởng, nói với nhau những điều thầm kín nhất. Người duy nhất sẵn sàng bảo vệ mình khi bạo bệnh, khó khăn, va vấp trong cuộc đời. Đó là những khoản tích cóp vô giá, đến tuổi già, lấy ra xài… vẫn còn thấy được một tình yêu của tuổi già…”.
Ông bà nâng nhau từng bước trong bệnh viện. Tay cầm sổ khám bệnh, dìu nhau đi, ông nói nhỏ: “Bà coi ráng uống thuốc bác sĩ cho trong toa, nay mai khỏe, nhờ mấy đứa nhỏ ở trọ nhà mình đi chợ mua đồ về nấu mâm cơm cúng ba, cúng má, cậu Sáu, cô Tư… Lẹ thiệt, mới đó mà tới tháng Năm rồi…”.
Tháng Năm về, có cặp vợ chồng già vẫn còn là chiếc neo để bám trụ cuộc đời, bởi cái tình dành cho nhau, dìu nhau qua những ngày cuối đời, chứng kiến sự đổi thay của thế sự thăng trầm, dù không con cái.
Theo Báo Phụ Nữ
Cha mẹ già như trăng với nước
Cha mẹ tôi đã bước qua ngưỡng bảy mươi. Đáng ra chị em tôi phải vui vẻ vì ít ra cha mẹ cũng sống được tới từng tuổi ấy và không bị bất cứ chứng bệnh nan y nào
Cha mẹ tôi đã bước qua ngưỡng bảy mươi. Đáng ra chị em tôi phải vui vẻ vì ít ra cha mẹ cũng sống được tới từng tuổi ấy và không bị bất cứ chứng bệnh nan y nào. Gia đình không giàu có nhưng cũng đủ ăn đủ mặc. Chị em chúng tôi có công việc làm ổn định và dù có riêng có tư nhưng vẫn thương yêu giúp đỡ nhau.
Thế nhưng, điều buồn cười nhất của chị em tôi là tính tình cha mẹ tự dưng cứ như trăng với nước. Ông nói câu này, thay vì bà hiểu theo chiều thuận là xong, đàng này bà hiểu theo chiều ngược và sinh ra "nghịch nhĩ".
Ảnh minh họa
Ví dụ thường khi mẹ nấu món cá kèo kho rau răm, nhưng nay bà đổi vị muốn chua chua thêm me vào. Vị chua của me, béo của dầu ăn và thơm tho của hành tím làm cha khen nức nở "Hôm nay bà làm món cá kèo kho me thật là đệ nhất thiên hạ nhen" và ăn một lúc ba chén cơm.
Đáng ra, mẹ nên hiểu đó là lời khen thật lòng và cười vui là xong, nhưng bà hỏi ngược lại "Vậy trước giờ các món khác đều dở nhất thiên hạ à". Rồi bà bỏ cơm ngồi lu loa kể lể. Mà trời đất ơi cái sự kể của mẹ tôi nó dài suốt nửa thế kỷ vậy đó. Từ ngày ông bà mới lấy nhau, hạt muối cắn đôi, tấm áo xẻ nửa đến khi sinh con mà cơm chẳng đủ no rồi nuôi con một mình cho chồng đi học thêm bằng cấp... Chung quy là "dày công hạn mã" lắm cho cái nghĩa vợ chồng, để giờ nhà cửa thênh thang thì chồng chê ngon chê dở.
Cha tôi... á khẩu. Bữa cơm sau không dám ý kiến gì thì mẹ bảo sao mà "im như hến", bộ có tình ý gì khuất tất hay sao mà không dám nhìn vợ mà nói chuyện. Mà ở tuổi ngoài bảy mươi rồi còn có thể "tình ý" gì hay sao.
Ngược lại, cha tôi cũng càm ràm rằng mẹ tôi dạo này sao khó tính quá "Biết vậy hồi đó ông nội tao biểu, tao cũng không dám cưới". Đơn cử, việc khó tính của mẹ là khi ru đứa cháu nội ba tuổi ngủ, mẹ hay hát những bài ca dao dân ca "Con cò bay lả ...là lả...bay la... Bay từ là từ của phủ... bay ra là ra cánh đồng" rất dịu dàng dìu dặt. Còn cha tôi lại xài... nhạc chế. Ví dụ "Ai đang đi trên cầu Bông/ Rớt xuống sông ướt cái quần ni lông...". "Cắc cùm cum đập đầu con cá lóc/ nấu canh chua bỏ ớt dầm me..." nghe rất vui tai và mắc cười. Nhưng mẹ bảo đó là không nghiêm túc, là tập cho cháu nói bậy. Thế là gây nhau.
Ảnh minh họa
Sau khi gây nhau xong, cha mẹ tôi còn khuyến mãi thêm chương trình "tìm người cùng phe" nữa chứ! Ấy là ông sẽ kiếm đứa con này kể nguyên nhân, vụ việc xem ông làm như vậy là đúng hay sai. Bà sẽ gọi điện thoại cho đứa con kia kể chuyện vừa xảy ra xem bà ứng xử vậy là sai hay đúng. Nghe riết, chị em tôi nhức đầu và đem hai sự vụ ghép lại thì ra... trớt quớt. Tôi bảo rằng có thể do tuổi tác làm thay đổi tâm tính, cha mẹ đã bên nhau suốt 40 năm rồi, giờ "ráng chịu" thêm 20 năm nữa thôi chứ mấy! Cha cười rung rinh hàm răng chỉ còn duy nhất một chiếc mà bảo rằng "Nếu mẹ bây mà hiểu như bây vậy thì hay biết mấy".
Thì ra ai cũng muốn phần phải về mình nên kể phần quấy "nhín nhín" lại một chút.
Tuy nhiên, ngộ một điều, gây nhau hoài vậy đó nhưng một trong hai người ho hen, sốt cảm là người còn lại lo sốt vó lên ngay. Có phải vì trăng và nước nên hay vờn nhau rồi quấn quýt với nhau như vậy không? Tôi không biết có cha mẹ ai có được tuổi già "vui" như cha mẹ tôi không.
Theo Báo Phụ Nữ
Tuổi già, chuyện ấy còn nước còn tát Nhiều người khi bước qua tuổi 60 thì tự cho phép mình "nghỉ hưu" luôn cả chuyện ấy. Đôi khi họ còn cố tình lờ đi sự ham muốn của đối phương hay của chính bản thân mình. Thường thì trong chuyện tế nhị này, cụ ông thường khởi xướng và tỏ rõ ý muốn nhiều hơn, trong khi cụ bà thường lảng...