Giá như ‘trận chiến’ này đã kết thúc thật sự
‘Khi được lệnh trở về, cảm xúc khó tả lắm. Giá như dịch trên toàn thế giới đã lắng xuống, giá như tất cả đều được về nhà, trận chiến này đã kết thúc thật sự, thì mình bước lui ra sẽ vui hơn’, bác sĩ Đồng Phú Khiêm chia sẻ.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm – Ảnh: VIỆT DŨNG
Cấp cứu ngừng tuần hoàn là cấp cứu tối cấp trong y khoa. Nếu ngừng tuần hoàn quá dài, tim không đập trở lại, thiếu oxy thì kể cả sau này có cấp cứu được, tình trạng của bệnh nhân sẽ phức tạp, tổn thương não không hồi phục, bệnh nhân có thể phải sống thực vật. Nhưng thật may mắn chúng tôi đã cấp cứu thành công, bệnh nhân đã hồi phục được cả về tri giác, nhận thức, đó là kết quả của quá trình theo dõi và phát hiện bệnh sớm.
Bác sĩ Khiêm nói về việc cấp cứu bệnh nhân 19.
Cuộc trò chuyện diễn ra trong ngày đầu tiên bác sĩ Đồng Phú Khiêm trở về môi trường rất quen thuộc, sau một ngày được nghỉ phép về nhà. Đó là nơi gần như lặng im, chỉ rầm rì tiếng máy thở, tiếng bước chân vội vã của các bác sĩ, nhưng là nơi cuộc sống được hồi sinh.
Bác sĩ Khiêm là phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Bắt đầu từ ngày 15-3, khi có bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng đầu tiên, bác sĩ Đồng Phú Khiêm và các đồng nghiệp cùng khoa của ông bắt đầu vào “cắm trại” tại bệnh viện. Đó là thời gian ông xa gia đình lâu nhất trong 10 năm qua.
Chúng tôi đã làm hơn 100% sức lực
* Thời điểm nào trong gần 2 tháng qua là thời điểm khó khăn nhất với các bác sĩ hồi sức tích cực, khi các anh có đến 5 bệnh nhân rất nặng (trong tổng số 6 bệnh nhân rất nặng ở Việt Nam, người còn lại là viên phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM)?
- BS Đồng Phú Khiêm: Dịch bắt đầu ở Việt Nam từ cuối tháng 1, đầu tháng 2 nhưng khi đó rất may đều là bệnh nhân nhẹ. Tình hình thay đổi nhanh khi vào giai đoạn 2 của dịch, tức là từ khi có bệnh nhân 17, và từ đó bắt đầu có những ca bệnh nặng. Khi khoa cấp cứu xử lý ban đầu, bệnh nhân thở oxy không đáp ứng và được chuyển điều trị tại khoa hồi sức tích cực.
Ngày tôi được điều sang điều trị bệnh nhân COVID-19 là chủ nhật 15-3, dù ngày thứ bảy trước đó tôi đã trực 24 giờ ở bệnh viện cho các bệnh nhân bệnh nặng khác. Tôi chỉ kịp về nhà chuẩn bị một ít quần áo rồi vào bệnh viện và ở đó luôn trong một tháng rưỡi.
Dù chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều về bệnh, về cách xử trí, chuẩn bị cơ sở nền tảng nhưng vẫn ngại nhất là số bệnh nhân gia tăng nhanh, vào dồn dập, không đủ nguồn lực con người và thiết bị để chữa. Vì thế chúng tôi đã lên phương án khi ca nặng vào thì điều trị ra sao, ai ở vòng trong cùng sát bệnh nhân, ai chạy vòng ngoài…
Thế nhưng vẫn có những giây phút rất khó khăn. Khó khăn ban đầu là việc phải mặc quần áo phòng hộ toàn thời gian tiếp cận bệnh nhân. Dù đã quen với loại trang phục này, giai đoạn đầu các bác sĩ vẫn thấy rất bức bí. Mặc bộ phòng hộ rất kín và nóng, mặc suốt nhiều giờ đồng hồ rất khó chịu, nhưng đây là yêu cầu phải tuân thủ, phải thích nghi trong điều kiện làm việc với bộ trang phục đó. Và từng giây từng phút tiếp xúc với bệnh nhân đều tuân thủ quy tắc để tránh lây.
Chúng tôi luôn hiểu người dân đang kỳ vọng gì ở các bác sĩ tuyến đầu. Nếu có bệnh nhân tử vong, tâm lý sẽ xấu đi nhiều lắm. Vì thế ai cũng phải cố làm hơn 100% sức lực của mình, ngoài thời gian chăm sóc, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân. Ba bác sĩ thay nhau nên bình thường cũng có thể nghỉ một chút để hồi sức.
Nhưng những giờ được nghỉ lại là thời gian vào mạng xem những vấn đề bệnh nhân gặp phải, những ca tương tự ở các nước khác đã được chữa khỏi ra sao. Từng chi tiết nhỏ đều phải học hỏi để giữ mình không quá nôn nóng mà phải từng bước tìm những cách an toàn nhất cho bệnh nhân, vì bệnh nhân cần thời gian để hồi phục và chúng tôi phải giữ cho bệnh nhân sống để đợi thời gian đó.
Thời gian nghỉ vì thế cứ quẩn quanh chỗ bệnh nhân hoặc tìm tài liệu đọc rồi báo cáo, tóm tắt tình hình để hội chẩn vì các thầy, Bộ Y tế đều rất quan tâm. Đó là giai đoạn làm quen với bệnh nhân, khi đã quen rồi thì áp lực lại là số bệnh nhân nặng tăng lên.
Bệnh nhân khỏi bệnh COVID-19 cảm ơn các bác sĩ trước khi rời Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 7-4 – Ảnh: VIỆT DŨNG
* Bệnh nhân nào bác sĩ thấy nặng nhất, thấy có những diễn biến phức tạp nhất?
- Bệnh nhân đầu tiên là bệnh nhân người Anh. Khi vào chỗ chúng tôi là ngày thứ 12 kể từ khi khởi bệnh, diễn biến rất xấu, hội đồng chuyên môn đã theo dõi từ trước khi bệnh nhân chuyển vào hồi sức tích cực và đã dự định là sẽ sử dụng ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân, nhưng chúng tôi “trong trận” nên có thời gian xem chi tiết, xem từng tình huống thế nào là tốt nhất cho bệnh nhân.
Các bác sĩ trực tiếp đã cố gắng xoay trở, điều trị máy thở, điều trị hết sức cho đến khi bệnh nhân cải thiện được mà không cần dùng ECMO. Lúc đó tất cả đều mừng lắm, báo cáo hội đồng chuyên môn ngay.
Bệnh nhân nặng nhất cho đến nay hiện vẫn đang nằm thở máy, là bệnh nhân 19 – bác ruột của bệnh nhân 17. Ngày thứ 3 khi bệnh nhân vào khoa, thở máy, đêm đó tình trạng bệnh nhân rất xấu, oxy trong máu xuống thấp, bệnh nhân tràn khí màng phổi, nếu không có can thiệp kịp thời chắc chắn không qua được.
Rất may là kỹ thuật tim phổi nhân tạo là kỹ thuật hiện đại nhất điều trị bệnh nhân suy hô hấp nặng mà bệnh viện đã sử dụng điều trị cho bệnh nhân khác. Chúng tôi chỉ kịp báo là sẽ sử dụng ECMO cho bệnh nhân và triển khai luôn, vì thời điểm đó rất căng thẳng, e ngại nếu không nhanh thì không kịp.
Rồi trong quá trình đó, khi bệnh nhân đỡ hơn, cai được ECMO, mình nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm le lói, cơ hội nhiều hơn, chúng tôi đã vui mừng lắm; nhưng đêm đầu tiên cai ECMO, bệnh nhân có tới 3 lần ngừng tuần hoàn trong khoảng thời gian 45 phút.
Thời điểm đó là 1h sáng, nếu không theo dõi kỹ thì có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Nhưng chúng tôi theo dõi 3 vòng liên tục 24/24 giờ đều có người theo dõi các yếu tố sinh tồn của bệnh nhân nên phát hiện được ngay, xử trí cấp cứu kịp thời.
Chúng tôi nhớ những lời động viên từ cộng đồng
* Giờ mọi người đều cảm ơn các y bác sĩ tuyến đầu. Còn với bác sĩ, điều gì làm ông cảm thấy sẽ nhớ, nhớ mãi về những tháng ngày đặc biệt này?
- Bác sĩ nào cũng như tôi thôi, khi bệnh nhân đỡ bệnh, ổn định được, ra được viện là điều chúng tôi vui nhất. Khoảnh khắc hạnh phúc là khoảnh khắc nhìn thấy bệnh nhân của mình từng ngày một khá dần lên.
Những ngày đầu, tất cả mọi người đều lo tình trạng những bệnh nhân nặng, nghĩ rằng 5 bệnh nhân này cứu được 3 bệnh nhân đã là rất tuyệt vời. Nhưng rồi giờ thì cả 5 người đều đã ổn, 2 người đã khỏi bệnh, 3 người còn lại đã khá lên. Cứ làm hết sức, giờ thì cứu được tất cả bệnh nhân.
Những hình ảnh bất ngờ mà chúng tôi nhìn thấy trên truyền thông, như câu chuyện của vợ chồng bệnh nhân người Anh lúc rời bệnh viện ra máy bay về nước, rồi chỗ tôi đã ở tạm bằng chiếc giường tầng, giường bệnh nhân ở khu đệm trong những ngày ở bệnh viện…, bình thường như vậy đã là một phần cuộc sống của chúng tôi trong những ngày vừa qua.
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương – Ảnh: V.D.
* Còn điều gì làm bác sĩ bất ngờ?
- Đó là những lời động viên từ cộng đồng. Động viên rất nhiều. Một tuần đầu tiên chúng tôi ăn cơm hộp do nhà ăn bệnh viện chuẩn bị. Cơm hộp cũng ngon lắm nhưng ăn cả tuần thì cũng cảm thấy ngán.
Tuy nhiên chỉ sau tuần đầu, người dân khắp nơi đã chuyển đồ ăn vào, là những món họ nấu nóng hổi, là những cốc cà phê kèm lời nhắn, nhiều lời nhắn xúc động và chia sẻ. Tôi có chụp lại những lời nhắn ấy để nghĩ về nghề bác sĩ của mình. Rõ ràng chúng tôi đang làm nhiệm vụ của mình nhưng trong điều kiện được thương yêu và chăm sóc.
Khi có 2 đồng nghiệp cùng bệnh viện tôi bị lây bệnh, đó cũng là thời điểm khó khăn. Căn bệnh này tưởng mình đã chủ động đề phòng nhưng vẫn lây. Tuy nhiên lúc đó mới thấy tình cảm của dân mình, trong khó khăn càng đoàn kết, càng yêu thương nhau.
Có những anh tài xế nhắn tin là anh sẵn sàng tham gia vận chuyển bệnh nhân, có đồng nghiệp khoa hồi sức khắp nơi thì nhắn đang sẵn sàng vào hỗ trợ, có gì khó khăn cứ nói. Dù bệnh lây nhưng mọi người càng khó khăn càng đoàn kết và can đảm. Đó là điều tôi nhìn thấy qua đại dịch.
* Có một lần bác sĩ có nói đây là lần xa gia đình lâu nhất. Gia đình chia sẻ như thế nào với bác sĩ? Giờ bác sĩ đã quen lại với cuộc sống gia đình?
- Tôi và vợ là người cùng quê, biết nhau từ nhỏ. Nghề hồi sức thì đang đêm được gọi cũng vào bệnh viện. Xem những hình ảnh của chúng tôi trong cuộc, chúng tôi không có nhiều thời gian để nghĩ, nhưng mọi người đã làm chúng tôi xúc động.
Khi được lệnh trở về, cảm xúc khó tả lắm. Giá như dịch trên toàn thế giới đã lắng xuống, giá như tất cả đều được về nhà, trận chiến này đã kết thúc thật sự, thì mình bước lui ra sẽ vui hơn.
Còn giờ với chúng tôi thì vui, buồn lẫn lộn. Vì vẫn còn anh em đang ở trong đó, vẫn còn những bệnh nhân nặng cần phải theo dõi, các bác sĩ vẫn đang phải gánh vác. Kể cả lần này về thì ưu tư vẫn còn…
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm – Ảnh: VIỆT DŨNG
“Đêm đó là một đêm rất cân não, cấp cứu 30 phút mà tim bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu đập trở lại. Đội ngũ lúc đó có mặt đầy đủ anh em chúng tôi, vì cấp cứu ngừng tuần hoàn rất mệt, mỗi bác sĩ chỉ ép tim vài phút là tay rã rời, vừa căng thẳng tinh thần vì tìm nguyên nhân xem ngừng tuần hoàn.
Bình thường cấp cứu ngừng tuần hoàn 30 phút nếu tim không đập lại đã coi như là cấp cứu ngừng tuần hoàn thất bại. Nhưng thật sự là bao công sức của bao nhiêu người đã dành cho bệnh nhân, bệnh nhân đã khá lên, bao nhiêu kỳ vọng, vậy mà giờ thất bại thì quá tiếc nuối, không ai đành.
Chúng tôi cứ cố mãi, cố mãi và thật may sau 45 phút, tim bệnh nhân đập lại. Lúc tim bệnh nhân đập lại, khoảng gần 2 giờ sáng, mọi người đều mệt nhoài, nhưng tinh thần dù căng nhưng vui lắm, vui như người thân chúng tôi vừa thoát nạn. Tất cả dù mệt lại tiếp tục từng chút để giữ được thành quả”.
Y bác sĩ tuyến đầu chống dịch: 'Bao khó khăn không bằng con hỏi khi nào mẹ về'
'Khó khăn nhất là khi nói chuyện với con, con hỏi sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về', 'Chưa bao giờ được ngủ một giấc quá 3-4 tiếng, cho dù trong giờ nghỉ, họ vẫn cứ quanh quẩn bên chỗ khu bệnh nhân'...
Y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong cuộc chiến chống COVID-19 - Video: T.Đ.
Đó là trải lòng của các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Trong mùa dịch này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đã đón xấp xỉ 135 bệnh nhân COVID-19, trong đó khoa Nội Tổng hợp là một trong những khoa có nhiều bệnh nhân nhất, hiện còn khoảng 40 người.
Gần một tháng rưỡi nay hoàn toàn ở bệnh viện, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết các đồng nghiệp của chị có người còn ở đây lâu hơn và hoàn toàn không được về nhà. Họ luôn là các "F1" - người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và phải "cấm trại" để bảo đảm an toàn cho người thân, hàng xóm...
Trong cuộc chia sẻ hiếm hoi, chị đã rơi nước mắt kể về thời khắc khó khăn nhất của mình và đồng nghiệp ở bệnh viện: khi gọi điện về nhà cho con, con hỏi sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về. Câu hỏi họ không thể trả lời vì chính họ cũng không biết khi nào mình được về, để ôm con vào lòng cho thỏa nỗi nhớ thương.
Điều dưỡng Doãn Thị Nguyệt - Trưởng phòng điều dưỡng bệnh viện, thì không giấu được xót xa khi kể về những đồng nghiệp trẻ phải xa con nhỏ, bị chủ nhà trọ kỳ thị: 'Chủ nhà trọ lấy vôi bột rắc quanh nhà dù anh chồng đã nói vợ tôi trực ở bệnh viện không về'...
Còn BS Đồng Phú Khiêm - phó trưởng khoa điều trị tích cực, người đã cùng gần 20 đồng nghiệp đã rất vất vả điều trị cho 5 bệnh nhân nặng nhất, trong đó có bệnh nhân 3 lần ngừng tuần hoàn, tâm sự: "Chưa bao giờ chúng tôi được ngủ một giấc quá 3, 4 tiếng, có người bị ám ảnh bởi tiếng máy thở, tiếng báo động... Thế nhưng có chút thời gian nghỉ ngơi thì lại lên mạng tìm tài liệu, hoặc quanh quẩn ở khu bệnh nhân".
"Mong muốn lớn nhất là dịch hết để dân được bình yên, sau đó mình được về nhà. Vợ chồng tôi cũng nói với nhau: từ lúc yêu nhau, rồi cưới nhau 10 năm, chưa bao giờ mình xa nhau lâu thế này", ông chia sẻ.
Trong số gần 135 bệnh nhân của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, đến nay đã có trên 70 người đã khỏi, trong đó có những bệnh nhân rất nặng, có bệnh nhân 3 lần ngừng tuần hoàn trong đêm đã được cấp cứu kịp thời và vượt qua giai đoạn nguy hiểm.
LAN ANH
Nhiều bệnh viện đóng góp nguồn lực cho bệnh viện dã chiến TP.HCM Ngày 13-2, Sở Y tế TP.HCM cho biết tiếp tục huy động nguồn lực từ các đơn vị trực thuộc cùng Bộ Tư lệnh TP đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy mô bệnh viện dã chiến lên mức 300 giường theo kế hoạch. Bệnh viện Nhi Đồng thành phố vận chuyển máy thở, monitor,... bổ sung cho bệnh viện dã chiến -...