Giả nhân viên viễn thông và công an, lừa đảo qua điện thoại
Thủ đoạn của những đối tượng này là giả nhân viên viễn thông để báo nợ cước điện thoại, rồi giả công an hù dọa người dân có liên quan đến đường dây phạm tội yêu cầu họ phải chuyển số tiền lớn vào tài sản của chúng.
Theo phản ánh của chị V. T. H (trú phường Hòa Khánh Bắc, quân Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) với báo Dân trí, vào sáng 3/9, chị đang ở trong bếp thì nghe chuông điện thoại bàn reo. Khi chị nhấc máy lên thì nghe đầu dây bên kia nói: đây là tổng đài VNPT, nợ cước của quý khách hiện chưa thanh toán là 8.930.000 đồng. Vậy xin mời quý khách thanh toán trong vòng 24 giờ. Nếu trong vòng 24h, quý khách không thanh toán số tiền trên chúng tôi sẽ đưa quý khách ra trước cơ quan pháp luật. Nếu quý khách chuyển khoản thì nấm phím số … (chị H không thanh toán nên không để ý là bấm phím số mấy). Nếu quý khách muốn giải đáp thắc mắc thì bấm phím số 9.
Vì nghĩ mình không nợ tiền cước điện thoại, chị H muốn được giải đáp thắc mắc nên đã bấm phím số 9. Khi chị H bấm phím số 9, đầu dây bên kia một thanh niên tự xưng là điện thoại viên của VNPT. Chị H nói với điện thoại viên kia là mình không nợ tiền cước tháng 8 và nhờ điện thoại viên kia kiểm tra lại dùm. Thanh niên kia hỏi chị tên thuê bao đại diện. Sau “kiểm tra” một lúc, thanh niên kia bảo hiện tại chị không nợ cước điện thoại.
“Thế sao lại vô lý vậy? Chị ở Đà Nẵng sao tổng đài ở TPHCM lại đòi cước điện thoại của chị” “, chị H hỏi.
Người dân phải cảnh giác với trò lừa đảo qua điện thoại này
Thanh niên kia hỏi chị có cho ai mượn chứng minh nhân dân hay là mất không? Chị H đều trả lời không.
Đầu dây bên kia nói tiếp: chắc chị đi photo chứng minh nhân dân đã bị kẻ gian lợi dụng. Giờ chị phải báo cho công an TPHCM để khai báo sự việc.
Rồi thanh niên kia nói kết nối điện thoại với “công an TPHCM” cho chị để chị khai báo sự việc. Đầu dây bên kia tự xung là trung úy Lê Đình Chiến, đội số 1 – đội phòng chống ma túy TPHCM. Chị H kể lại sự việc trên cho “trung úy Lê Đình Chiến” thì “Chiến” cho biết, hiện có 1 thuê bao trong TPHCM mạo danh tên chị nên đã phát sinh ra số cước thuê bao trên.
Sau đó “Lê Đình Chiến” gọi điện cho một người khác nói chuyện nhưng vẫn giữ máy để chị H nghe cuộc gọi giữa “Chiến” và người bên kia. Bên kia xác nhận V.T.H hiện không nợ cước điện thoại và sẽ đưa chị H ra VNPT để xóa nợ. Tuy nhiên V.T.H đã bị đối tượng Nguyễn Văn Hùng lợi dụng chứng minh nhân dân để buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Giờ phải xác minh xem chị H có liên quan không. Hiện cơ quan công an đã bắt được Nguyễn Văn Hùng, khám xét tại nhà Hùng phát hiện 10 bánh heroin, 4 tỷ đồng gửi ở ngân hàng T., 2,8 tỷ đồng gửi ở ngân hàng S và 18 thẻ tín dụng trong đó có 1 thẻ mang tên V.T.H. Qua điều tra, biết được tên Hùng là nhân viên của ngân hàng S.
Video đang HOT
Tiếp đó, “Lê Đình Chiến” hỏi chị H có quen với tên Hùng không? Có làm mất chứng minh nhân dân không? Có cho ai mượn chứng minh nhân dân không? Phải thành thật khai báo. Chị H đều trả lời không.
Đối tượng trên tiếp tục hù dọa chị H là phải thành thật khai báo. Rồi hỏi chị H có bao nhiêu thẻ tín dụng? Trong nhà có bao nhiêu người? Anh em ở đâu? Có mấy chiếc xe? Có bao nhiêu miếng đất? Hiện chị có bao nhiêu vàng, tiền? ..
Chị H trả lời có 2 thẻ tín dụng nhưng không có tiền, hiện không có tiền vàng, không có đất, có 2 chiếc xe máy…
“Ngày mai, đúng 9h30, công an TPHCM sẽ phối hợp với công an Đà Nẵng để đến nhà chị điều tra, niêm phong tài sản. Chị không được báo cho ai cả? Nếu chị báo cho chồng con chị biết, đối tượng Nguyễn Văn Hùng biết sẽ bắt cóc họ”, “Lê Đình Chiến” nói.
Sau khi kết thúc cuộc gọi, chị H cũng không nói với chồng con. Tuy nhiên, xâu chuỗi lại sự việc nên chị cũng nghi ngờ. Chị gọi 1080 của TPHCM để hỏi tên người đứng thuê bao mà “công an” cho chị thì 1080 cho biết thuê bao trên không phải đứng tên Nguyễn Văn Hùng mà tên của một người khác. Lúc này thì chị biết chính xác là mình bị lừa. Chị H tiếp tục gọi 1080 để xin số điện thoại đường dây nóng của công TPHCM và kể lại sự việc trên thì công an TPHCM cho biết, ở đây không có ai tên là Lê Đình Chiến và bảo chị bị lừa. Số điện thoại của đối tượng trên sử dụng là 839.231.xxx trong khi số điện thoại đường dây nóng của công an TPHCM là 0839.231.xxx. Chị H cũng gọi cho công an Đà Nẵng và cũng được thông báo là chị bị lừa.
Đến 9h30 ngày hôm sau, chị H chuẩn bị sẵn sàng và báo cho công an phường khi chúng đến thì ập vào bắt luôn nhưng không thấy chúng tới.
Theo chị H, có lẽ chị khai báo không có tiền nên chúng không thể yêu cầu chị đi chuyển tiền cho chúng được và chúng cũng đã phát hiện ra điều gì đó nên không dám tới nhà chị.
Thời gian vừa qua, nhiều người ở địa bàn như Hà Nội, Thanh Hóa, Lâm Đồng… cũng đã bị chúng lừa với thủ đoạn tương tự. Chúng yêu cầu người dân chuyển toàn bộ số tiền họ mà đang có cho “cơ quan công an để phục vụ điều tra”. Nếu “cơ quan điều tr”a chứng minh họ trong sạch sẽ trả tiền lại. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền, họ chẳng thấy “cơ quan điều tra” hồi âm thì mới biết mình đã bị lừa.
Khánh Hồng
Theo dantri
Mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại
Ngày 16/1, ông N.V.N (ngụ Q.1, TP HCM) đã đến tòa soạn Báo Thanh Niên gửi đơn tố cáo một nhóm người lạ gọi đến điện thoại bàn của nhà ông tự xưng là tổng đài VNPT, công an, Viện KSND hù dọa chủ thuê bao nợ tiền cước, dính líu pháp luật, bỏ tù nếu không chuyển tiền cho chúng.
Ông N. đến tòa soạn gửi đơn tố cáo
Ở tù nếu không chuyển tiền
Theo đó, khoảng 13 giờ ngày 13/1/2014, nạn nhân nhận được điện thoại (ĐT) bàn thông báo ông đang sử dụng thuê bao số ĐTDĐ 091693968... nợ tiền cước hơn 8,9 triệu đồng, nếu không thanh toán sẽ bị truy tố. Chưa dứt lời, người kia buông lời xoa dịu: "Quý khách thắc mắc xin bấm tiếp số 9 gặp tổng đài VNPT xác minh".
Lập tức, ông N. bấm số 9 và có người tự xưng là tổng đài VNPT, xác nhận nội dung trên. Thậm chí, "tổng đài" còn đọc chính xác họ tên, số CMND của ông N. khiến ông tin đó là sự thật. Chưa hết, người này chuyển máy cho nạn nhân gặp "Công an TP Hà Nội", rồi một người đàn ông tự xưng là điều tra viên, tiết lộ rằng ông N. đang liên quan một vụ án ngân hàng ở Hà Nội. Tài khoản ngân hàng của ông được dùng để chuyển tiền cho đường dây buôn lậu quốc tế... "Điều tra viên" yêu cầu ông N. thành khẩn khai báo toàn bộ tài sản hiện có (2 lượng vàng - PV).
Nói đến đây, ông N. lại được gặp cả đại diện của "Viện KSND Hà Nội" để xét hỏi tiếp. Sau đó, ông N. bị dọa sẽ ở tù nếu không bán 2 lượng vàng rồi chuyển tiền mặt vào tài khoản của "bà viện trưởng" mang tên Ngô Thị Mỹ Tiên để "phục vụ công tác điều tra". Ông N. được hứa hẹn rằng sau khi "chuyên án" kết thúc, "ban chuyên án" sẽ trả lại số tiền trên. Đến 15 giờ 30 cùng ngày, ông N. mang 2 lượng vàng bán được hơn 70 triệu đồng, chuyển hết vào tài khoản trên.
"Chúng đóng kịch rất giỏi và dùng lời lẽ, ngôn từ giống hệt cơ quan tố tụng. Chúng liên tục đe dọa gây áp lực để cho mình không còn tỉnh táo. Khi bình tĩnh lại thì tiền đã chuyển cho chúng và đã bốc hơi" - ông N. bức xúc.
"Hù" dính đường dây ma túy xuyên Việt
Tương tự, theo lời trình bày của ông Lê Văn H. (45 tuổi, ngụ P Hố Nai, TP Biên Hòa, Đồng Nai), trưa 24/12/2013, ông nhận cuộc ĐT thông báo mình đã vay 39 triệu đồng của một ngân hàng ở Hà Nội nhưng chưa trả. Vì thế, ngân hàng đang kiện ông ra tòa về tội chiếm đoạt tài sản. Người thông báo cũng bảo ông H. bấm phím số 9 và rồi được người khác tiếp chuyện.
"Bất ngờ vì thông tin cá nhân của tôi, người này biết chính xác 100%. Họ nói tôi liên quan đến vụ vay tiền có thể bị bỏ tù. Sau đó, họ hướng dẫn tôi bấm số 113 gặp cảnh sát thụ lí hồ sơ, thông tin chi tiết hơn", ông H. chưa hết bàng hoàng kể.
Lập tức, ông H. bấm số 113 gặp người đàn ông tự xưng là công an đang thụ lí vụ việc. "Người này buộc tôi phải khai báo đầy đủ những câu hỏi để anh ta ghi âm làm bằng chứng trước tòa; đồng thời yêu cầu tôi tắt tất cả các thiết bị điện tử, ĐTDĐ, internet... không cho phép người nào đứng bên cạnh để nghe, nếu có người thứ ba biết chuyện thì sẽ bị phạt tù từ 7 - 8 năm vì đây là thông tin bí mật nên không thể tiết lộ cho ai biết", ông H. nhớ lại.
Ngoài ra, ông H. cũng bị yêu cầu phải khai rõ trị giá tài sản của gia đình. Chưa dừng lại ở đó, nạn nhân còn bị cho là liên quan đến đường dây buôn ma túy nên phải nộp 50 triệu đồng cho tòa án để được bảo lãnh tại ngoại.
"Sau khi điều tra nếu tôi trong sạch thì sẽ trả lại tiền. Nếu không nộp số tiền trên, trong vòng 24 giờ sẽ bị bắt tạm giam để điều tra", ông H. kể tiếp. Sau đó, bọn chúng cho ông H. số tài khoản để chuyển tiền. Tuy nhiên, ông H. không có tiền nộp nhưng không thấy chúng gọi lại...
Khá giống các trường hợp trên, anh Trịnh Quốc L. (32 tuổi, ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), kể: Khoảng 10 giờ ngày 3/1/2014, anh cũng nhận được ĐT bàn gọi đến, người đầu dây bên kia giới thiệu đang công tác ở TAND H.Thống Nhất (Đồng Nai). Người này thông báo cho anh L. biết anh đang bị truy tố về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chống đối người thi hành pháp luật... cũng do vay mượn tiền ngân hàng. Do am hiểu pháp luật, anh L. cự lại rồi người lạ cúp máy luôn.
Một cán bộ của Công an TP HCM khẳng định: "Đây là trò lừa đảo qua ĐT, na ná như thủ đoạn của nhóm người nước ngoài lưu trú Việt Nam gọi ra nước ngoài tự xưng là cơ quan công an, viện KSND, tòa án, ngân hàng và đề nghị chủ tài khoản cung cấp tài khoản ngân hàng do đang bị tin tặc tấn công... Theo quy định ngành, Cảnh sát 113 không có thẩm quyền thụ lí điều tra vụ án".
Tội phạm có thể sử dụng công nghệ cao
Theo ông Ngô Tuấn Anh - Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Công ty Bkav, kẻ gian có thể sử dụng một tổng đài loại nhỏ để can thiệp vào đường dây ĐT cố định của nạn nhân. Cụ thể đường dây của nạn nhân có thể đã bị cắt và nối qua tổng đài của kẻ xấu như một trạm trung gian. Tổng đài trung gian này có khả năng được thiết lập chế độ để các cuộc gọi đi gọi đến hoàn toàn bình thường nhưng nếu gọi đến một số ĐT mà chúng định sẵn (ở đây là số 113) thì sẽ chuyển đến một số máy khác để đánh lừa nạn nhân là đang nói chuyện với Cảnh sát 113. Theo ông Ngô Tuấn Anh, hiện các loại tổng đài loại nhỏ này có thể dễ dàng kiếm được trên thị trường với mức giá chỉ vài triệu đồng.
Chiều 16/1, PV Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo bộ phận truyền thông Tập đoàn VNPT, nhưng vị này cho biết sẽ xác minh thông tin rồi trả lời sau.
Theo Thanh Niên