Giả mang thai xin tiền chích ma túy
Trời nắng gắt hay mưa lất phất, người phụ nữ này vẫn đứng sát mép đường. Đèn đỏ, xe dừng lại, chị ta ngửa chiếc nón kết hướng về các bác tài với hi vọng mọi người rủ lòng thương.
Gần 2 tháng nay, người phụ nữ này vẫn ngày hai buổi có mặt tại ở ngã tư Trương Định -Võ Văn Tần (P.6, Q.3, TP.HCM) để xin ăn. Người tiều tụy, áo quần bẩn thỉu, gương mặt người này hốc hác, xanh và tái.
Trên vai là một chiếc túi xách, bụng chị căng tròn dấu hiệu của người mang thai hơn 6 tháng.
Người đàn bà ăn xin này là một thai phụ?
Nhiều người làm việc và sinh sống tại đây đều xác nhận người phụ nữ không hề vắng mặt một ngày nào.
Hàng ngày, cứ từ 9h30 chị ta xuất hiện đến 11h30 rời khỏi vị trí. 14h lại tiếp tục đến 17h. Người đi đường nhìn cảnh này ai ai cũng thấy xót xa trong lòng.
Nhiều người ngang qua cám cảnh “bụng mang dạ chửa”, phải phơi mình dưới nắng, mưa nên ghé vào giúp. Người thì đôi ba chục ngàn, có người hào phóng cho cả trăm. Mỗi ngày chị ta kiếm được vài trăm ngàn là chuyện bình thường.
Video đang HOT
Sáng 17/6, chúng tôi ngồi trong căn phòng của một cơ quan nhìn ra. Suốt nhiều giờ liền, người phụ nữ này không rời vị trí. Gương mặt có lúc đờ đẫn trông thảm hại. Cũng có lúc, chị ta như mơ màng đến nỗi chiếc túi xách trên vai rơi xuống mà không hay…
Có một vài cái ngáp vặt, nhưng sau đó “bà bầu” này lại đưa tay quẹt nước mắt.
Người phụ nữ này là ai, ở đâu, hoàn cảnh thế nào không ai biết. Chỉ biết rằng chị ta đứng ở đây đã nhiều tháng, mà bụng bầu vẫn chỉ ngần ấy, không lớn hơn và không có biểu hiện của một thai phụ gần đến ngày chuyển dạ.
Một vài bộ phận trên cơ thể người phụ nữ mang thai thường căng tròn thì với chị ta vẫn lép kẹp.
Nhất là cái bụng. Bụng người phụ nữ này không tự nhiên như những người mang thai bình thường, mà có cái gì đó khác thường.
Câu hỏi được những người chứng kiến đặt ra: “Chị có phải là một thai phụ thực sự không?”.
Chúng tôi tiếp tục quan sát. Đến trưa, chị ta rời vị trí đi ngược đường Trương Định về phía công viên Tao Đàn cách đó vài trăm mét. Chúng tôi đi theo. Chị ta vào một chỗ khuất. Lấy trong giỏ một tép bột trắng, ống chích và nước cất.
Mắt lim dim và cái bụng không thay đổi theo thời gian.
Chị ta thao tác lanh lẹ và gọn gàng. Tìm một chỗ có gân nổi lên, mũi kim được luồn vào và trong tích tắc, cả ống chích và kim tiêm nằm lăn lóc dưới đất.
Điều đáng nói, trong lúc “bà bầu” này đi tìm ảo giác, một vài người có mặt trong công viên dùng máy ảnh ghi hình bị phát hiện. Thế là những câu chửi mắng nặng nề được tuôn ra.
Chích xong, chị ta ngã lăn ra lim dim đôi mắt… để đến vài giờ sau lại tiếp tục có mặt ở góc đường để xin tiền.
Một bảo vệ công ty gần đó cho biết thêm, năm ngoái anh đã gặp chị này cũng với cái bụng bầu đứng trước bệnh viện Nhi Đồng 1 để xin. Một thời gian sau, cũng chính anh bắt gặp chị ta chuyển địa điểm về công viên Tao Đàn.
Trong lúc nhiều mảnh đời nghiệt ngã, đắng cay vẫn giữ được lòng tự trọng thì ở đây, người phụ nữ này lại lợi dụng lòng tốt của nhiều người để tiếp tục chuỗi ngày chìm đắm trong cơn mê ma túy.
Theo vietbao
Dàn cảnh lừa tiền trên phố Sài Gòn
"Một bé trai khoảng 6 tuổi, đen đúa, còm nhom, siêu vẹo đội mâm bánh cam đi qua đường. Bất chợt thằng bé trượt chân ngã sấp mặt xuống, nguyên mâm bánh lăn lóc trên đất bẩn. Em bé lồm cồm bò dậy, khóc tức tưởi, nhặt từng chiếc bánh. Mọi người đi đường thương cảm, dừng xe, túm tụm cho tiền. Mặt ai cũng ngẩn ra, thậm chí có chị dễ xúc động nước mắt rơm rớm, tội nghiệp cho số phận nhỏ nhoi".
Tuy nhiên, những người cho tiền em bé trên sẽ còn phải bất ngờ hơn nữa khi biết lòng trắc ẩn của mình đã đặt sai chỗ và cảnh éo le họ vừa nhìn thấy chỉ là trò lừa đảo.
Cả hai vợ chồng bị một thằng bé lừa
Anh Trần Văn Huy, ngụ tại khu Tân Quy Đông, quận 7 chính là nạn nhân của vụ dàn cảnh này.
Một buổi chiều trên đường đi làm về, anh Huy cũng như bao người khác, chứng kiến bé trai bị ngã, làm đổ bánh cam ngồi khóc. Thương cảm cho cậu bé đó, anh chẳng ngần ngại, tấp xe, móc ví cho 20 ngàn đồng.
Các vụ dàn cảnh lừa đảo diễn ra quá nhiều, tới mức chủ cây xăng phải dán giấy cảnh báo
Sau đó vài hôm, trong bữa cơm tối, cả nhà đang quây quần, anh Huy thấy vợ mình dường như có tâm sự muốn nói.
Anh gặng hỏi mãi, bà xã mới chia sẻ: "Hôm nay đi chợ về, em thấy thằng bé tội nghiệp quá. Bé tí mà phải đội nguyên mâm bánh cam to đùng đi bán. Nó trượt chân ngã làm đổ hết bánh cam vào vũng bùn. Thấy nó ngồi khóc ti tỉ em thương quá. Em đi chợ không mang nhiều tiền nên chỉ cho nó được một trăm ngàn... Nó chỉ bằng tuổi con mình thôi anh ạ!"
Nghe lời vợ, anh Huy sực tỉnh người, anh biết cả hai vợ chồng mình đã bị thằng nhóc lừa.
Để vợ khỏi suy nghĩ, anh kể mình cũng từng gặp một thằng bé làm đổ bánh cam cách đây vài hôm. Khi nghe xong, vợ anh rất hụt hẫng vì lòng tốt bị lợi dụng.
Sau đó, anh Huy còn nghe một số người hàng xóm cũng kể từng cho tiền một thằng bé bán bánh cam, và cũng ngã ra đường, khóc lóc thương tâm như vậy.
Hình ảnh vô nhân tính
Dùng trẻ con để gạt lòng trắc ẩn của người khác là một hành động vô đạo đức.
Chị Hiền, 30 tuổi, ngụ tại quận 5 cho biết, sáng nào đi làm qua đoạn đường Nguyễn Tri Phương cũng thấy một người phụ nữ chừng ngoài 30 tuổi, ôm đứa bé khoảng 1 tuổi ngồi ăn xin ở vỉa hè bên hông siêu thị điện máy.
"Tôi không biết đứa trẻ đó có phải con cô ta không, và nếu là con thật thì cô ấy là người mẹ dã man nhất trên đời. Nhìn thằng bé tội nghiệp vật vã dưới ánh nắng mặt trời như thiêu như đốt, còn người mẹ giả bộ đưa tay áo chấm nước mắt.
Nhiều lần để ý, tôi thấy chị ta không hề khóc, đôi mắt trắng dã, ráo hoảnh giấu sau tay áo. Chị ta len lén nhìn xem có ai quan tâm không. Nếu có người để ý, ả phụ nữ này làm bộ ôm ấp đứa trẻ như thể hai mẹ con đang rất khổ sở", chị Hiền kể.
Một số người đi đường trúng bẫy, có thể biết bị lừa nhưng không cầm lòng được trước đôi mắt thơ ngây của đứa trẻ vô tội. Họ đã tấp vào, đưa tiền cho người phụ nữ kia.
Riêng chị Hiền, sáng nào đi qua đoạn đường này, nhìn đứa bé mà lòng đau như cắt. Tuy vậy, chị quyết tâm không cho ả phụ nữ kia dù chỉ một xu.
"Tôi cho tiền liệu đứa bé có được hưởng đồng nào không, hay đồng tiền đó để cho những kẻ lười lao động, vô nhân tính phè phỡn. Sao người phụ nữ đó có thể nhẫn tâm được như vậy? Dù đứa bé không phải con cô ta, liệu cô ta còn có tính người khi mỗi ngày hành hạ nó, đem nó ra phơi dưới nắng, mưa, bụi đường.
Có lúc tôi thấy thằng bé mệt quá, khóc khản cả cổ, rồi lả đi. Tại sao không có ai giải quyết được chuyện này? Tại sao để những cảnh tượng phản cảm, vô nhân tính đó diễn ra mỗi ngày ngay giữa phố?", chị Hiền bức xúc.
Trẻ em là đối tượng dễ bị lợi dụng. (Ảnh minh họa: CATP.HCM)
Chị Thủy, ngụ tại Phú Mỹ Hưng, quận 7 cũng vô cùng bức xúc khi chứng kiến cảnh một bà mẹ bán vé số dạo dùng con để... xin tiền.
Đang ngồi uống cà phê, chị thấy một người phụ nữ đạp xe đạp, chở đứa con chừng 5 tuổi tới. Người phụ nữ nhấc đứa bé xuống đất, đưa cho tập vé số, dặn dò: "Đi vào kia bán đi, chừng nào bán hết mẹ mới quay lại đón".
Thế rồi người phụ nữ chẳng đoái hoài, đạp xe bỏ đi.
Thằng bé ngơ ngác cầm tập vé số, lấm la lấm lét nhìn mọi người trong quán cà phê. Nó chẳng dám lại gần, ngoái đầu quay ra đường tìm mẹ.
Không thấy mẹ đâu, thằng bé ngồi xổm trên vỉa hè, òa khóc.
"Thấy cảnh đó, tôi cầm lòng không nổi. Giận mẹ nó bao nhiêu, tôi càng thương thằng bé bấy nhiêu. Tôi đã bỏ ra 200 ngàn mua hết chỗ vé số cho thằng bé. Dỗ dành mãi nó mới nín. Lúc sau mẹ nó đạp xe quay lại, vẫy nó ra hỏi bán hết vé số chưa. Biết thằng bé đã hoàn thành nhiệm vụ, chị ta tỏ vẻ hài lòng, nhấc nó lên xe và chở đi", chị Thủy kể.
Khi kể cho bạn bè về việc mua hết chỗ vé số giúp thằng bé tội nghiệp, chị Thủy đã bị mắng là dại.
Một người bạn của chị Thủy cho rằng làm như vậy là nối giáo cho giặc, chẳng giúp gì được đứa trẻ mà còn tạo điều kiện cho bà mẹ lười lao động kiếm chác.
Chị Thủy còn buồn hơn khi biết chuyện, "kịch bản" thằng bé bán vé số khóc lóc thảm thiết không chỉ xảy ra ở quán cà phê chị thường ngồi mà còn diễn ra ở nhiều quán khác trên thành phố...
Theo 24h
Những "kịch bản" ăn xin đầy nước mắt Vợ chồng con cái bế nhau ra giữa đường khóc lóc xin tiền, cụ già lê lết trong chợ run rẩy xin bố thí, mẹ bồng con đi ăn xin ngoài bến xe... Nhiều người xót thương sẵn sàng ra tay giúp đỡ những người "bất hạnh" mà không biết đó là những kịch bản được dàn dựng. Những "số phận" thê thảm...