Giá lợn hơi tăng, nguy cơ dịp Tết thiếu thịt?
Giá thịt lợn hơi nhích lên từng ngày, có nơi chạm mốc 55.000 đồng/kg khiến nguy cơ thiếu thịt lợn ngày càng hiện rõ. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán có thể thiếu tới 500 ngàn tấn, tương đương 20% nhu cầu.
Báo Pháp luật dẫn thông tin từ Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá lợn hơi ngày 23/8 ở nhiều tỉnh miền Bắc tiếp tục quay đầu, tăng thêm một vài giá ở nhiều địa phương. Cụ thể, theo thông tin từ một số thương lái và người chăn nuôi heo, giá lợn hơi tại Quảng Ninh đạt bình quân 49.000 – 50.000 đồng/kg; cá biệt có một số địa phương trong tỉnh như Hạ Long, Móng Cái và Hải Hà đã chạm mốc 52.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá lợn hơi tại Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình cũng đều chạm mốc 50.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại Hòa Bình, Hà Nam, Tuyên Quang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Kạn,… dao động trong khoảng 47.000 – 49.000 đồng/kg.
Tại miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi ngày 23/8 tiếp tục tăng lên một vài giá khiến những nông dân còn lợn trong chuồng rất phấn khởi. Hiện, giá lợn hơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã đạt 45.000 – 46.000 đồng/kg; trong khi giá lợn hơi ở Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế đã lên 41.000 đồng/kg.
Tại Tây Nguyên, giá lợn hơi khu vực Đắk Lắk đạt 42.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại đang duy trì giữ khung giá từ 34.000 – 40.000 đồng/kg. Thông tin phản ánh từ một số huyện thuộc Gia Lai và Đăk Nông, một số tư thương lợi dụng tình hình dịch tả lợn châu Phi và thông tin chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đã tìm cách ép giá người nuôi. Có nơi, bị ép giá 31.000 đồng/kg.
So với hai miền Bắc và Trung – Tây Nguyên, miền Nam duy trì ổn định và có sự tăng nhẹ bởi nguồn cung lớn từ các Tổng công ty và các trang trại. Công ty CP chi nhánh miền Nam tiếp tục điều chỉnh giá lợn hơi theo hướng tăng. Theo đó, lợn thịt 3 máu cái giá 43.000 đồng/kg; lợn 2 máu cái giá 42.500 đồng/kg; lợn máu đực 41.000 đồng/kg.
Đây chính là một trong những yếu tố đẩy giá lợn hơi miền Nam tăng cao. Tại Trảng Bom, Biên Hòa và Gia Kiệm (Đồng Nai), giá lợn hơi đạt 42.000 đồng/kg, ở Bình Dương 39.000 đồng/kg.
Ở khu vực miền Tây, giá lợn hơi cũng tăng đồng loạt, giá 39.000 đ/kg – 40.000 đồng/kg đã xuất hiện ở nhiều địa phương như Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre. Thấp hơn một chút, giá lợn hơi tại Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau khoảng 34.000 – 38.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Đáng chú ý, giá heo giống trên thị trường cả nước cũng tăng đáng kể, hiện, giá heo con miền Bắc đang ở mức cao, từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/con. Mặc dù có khuyến cáo từ các cơ quan thú y địa phương về việc vội tái đàn bởi dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) chưa chấm dứt hoàn toàn, tuy nhiên giá lợn hơi tăng từng ngày nên nhiều nơi vẫn tái đàn khiến nhu cầu lợn giống tăng cao.
Giá lợn hơi tăng trên cả nước.
Theo Vietnamnet, giá thịt lợn tại Việt Nam được dự báo tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2019, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán.
Một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu thị trường dự báo, đến cuối năm 2019, Việt Nam có thể thiếu 0,5 triệu tấn thịt lợn, tương đương 20% nhu cầu. Theo đó, giá thịt lợn hơi thời gian tới sẽ còn tăng do lượng cung đã giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Tất Thắng – Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho hay, trong số các mặt hàng thực phẩm, tỷ lệ tiêu dùng thịt lợn chiếm tới 65% lúc cao điểm. Khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành, tỷ lệ này có xê dịch, dịch chuyển sang tiêu dùng thịt gia cầm và các sản phẩm khác. Điều này xảy ra điển hình tại thời điểm tháng 4, tháng 5 vừa qua. Hiện nay, tình hình tiêu dùng đã trở lại bình thường.
Hiện lượng lợn bị tiêu hủy do dịch tả châu Phi đang ở con số cực lớn, trong khi, khả năng tái đàn của các trang trại nuôi lợn đang bị hạn chế. Nguồn cung thịt lợn đang có xu hướng giảm so với năm trước.
“Dự báo, từ nay tới hết năm, đặc biệt là dịp cuối năm, giá còn tiếp tục tăng. Hiện với mức giá bán lợn hơi khoảng hơn 40.000 đồng/kg là người chăn nuôi đã có lãi. Giá lợn hơi có lúc lên tới đỉnh điểm là 58.000 đồng/kg. Tôi cho rằng, thời gian tới, giá có thể còn vượt mức đỉnh điểm này lên trên 60.000 đồng/kg”, ông Thắng nhận định.
Hoàng Dương (T/h)
Theo VietQ.vn
Vụ người dân phải đóng phí tiêu hủy lợn dịch tả ở Quảng Nam: UBND đang trả lại tiền
UBND xã Bình Triều đang thực hiện việc trả lại tiền cho người dân mà đội thu gom, tiêu hủy lợn chết vì dịch tả châu Phi thu không đúng quy định.
Theo Lao động và Dân trí, ngày 9/8, ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - cho biết: "Từ ngày 8/8, UBND xã Bình Triều thực hiện việc trả lại tiền cho người dân mà đội thu gom, tiêu hủy lợn chết thu không đúng quy định. Tổng số tiền phải hoàn trả lại cho người dân là 214 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, việc chi trả được chúng tôi hoàn thành ở thôn 3 và thôn 4.
Dự kiến toàn bộ số tiền mà đội thu gom, tiêu hủy lợn bệnh đã thu của người dân thôn 1 và thôn 2 sẽ được hoàn trả trong 2 ngày cuối tuần", ông Ba nói.
Thông tin từ UBND xã Bình Triều, quy định của nhà nước đối với heo mắc bệnh phải tiêu hủy có trọng lượng lớn hơn 70kg, nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí 150.000 đồng/con. Trong khi người dân đã nộp cho đội xe vận chuyển 300.000 đồng/con, phần kinh phí người dân đã nộp vượt quy định (150.000 đồng/con) sẽ được địa phương xoay xở để bù lại theo đúng quy định của Nhà nước.
Vụ dân phải đóng phí tiêu hủy lợn dịch tả: Xã đã trả lại tiền. Ảnh: Thanh niên
Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, vào tháng 7/2019, người dân xã Bình Triều bức xúc trước việc heo của họ bị bệnh dịch tả châu Phi, chính quyền địa phương khi tiêu hủy đã yêu cầu người chăn nuôi phải đóng tiền vận chuyển tùy vào trọng lượng heo.
Theo đó heo từ vài chục ký đến dưới 100kg thì đóng phí 200.000 đồng/ con, heo trên 100kg thu 300.000 đồng/con.
Nếu hộ nào không đóng tiền thì sau khi cân xong sẽ bị bỏ lại và phải tự chở đến điểm tiêu hủy tập trung của xã chôn lấp.
Chính quyền xã Bình Triều giải thích việc đội tiêu hủy thu tiền của người dân là không đúng với quy định. Tuy nhiên nhà nước chưa cấp tiền để chi trả cho số người làm công tác vận chuyển này nên chính quyền thuê người vận chuyển xác heo đi tiêu hủy rất khó khăn. Do đó, có xảy việc thu tiền của người dân để chi trả, việc này giúp nhanh chóng thu dọn heo chết sớm đi tiêu hủy, còn để lâu ngày bị hôi thối, sau khi có tiền nhà nước hỗ trợ sẽ trả lại cho dân.
Sau đó, UBND huyện Thăng Bình đã có công văn gửi các xã, thị trấn về việc chấn chỉnh, dừng ngay tình trạng thu tiền của người dân trong quá trình tiêu hủy heo bị dịch tả châu Phi.
Huyện đề nghị các xã sử dụng nguồn ngân sách dự phòng và các nguồn ngân sách khác của địa phương để triển khai phòng chống dịch, tuyệt đối không thu tiền của người dân.
Vũ Đậu (T/h)
Theo doisongphapluat
Quảng Nam yêu cầu dừng ngay việc thu tiền tiêu hủy lợn do dịch tả Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc tự ý thu tiền của người dân để tiêu hủy lợn chết do dịch tả châu Phi là việc làm trái quy định. Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Số lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy liên tục tăng nên một số nơi, người dân...