Giá lên đỉnh kỷ lục, thịt lợn sẽ tiếp tục tăng đến Tết
Chỉ trong ít ngày, giá thịt lợn hơi leo thẳng lên mốc 55.000-63.000 đồng/kg. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi nhận định giá lợn dự kiến sẽ tiếp tục tăng, song sẽ không quá cao như Trung Quốc.
Trao đổi với báo chí về câu chuyện nguồn cung thịt lợn đang thiếu hụt đã đẩy mặt hàng này tăng giá chóng mặt suốt từ đầu tháng 10 tới nay, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết, phía Cục đã yêu cầu các địa phương thống kê đàn lợn đến 31/8/2019. 56 tỉnh, thành phố đã có báo cáo số liệu đàn lợn hiện là trên 22 triệu con và 2,7 triệu con nái. Dự kiến, với 7 tỉnh còn lại, tổng đàn lợn cả nước hiện có khoảng gần 25 triệu con.
Theo ông, với số lượng lợn nái khoảng 2,7 triệu con như hiện nay thì hoàn toàn có thể chủ động con giống cho tái đàn, cùng với hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học, ngành chăn nuôi sẽ chủ động được nguồn thực phẩm cuối năm.
Giá thịt lợn được dự báo sẽ tiếp tục tăng
Ông Trọng cho hay, hiện nay, giá thịt lợn ở miền Bắc đang dao động từ 60.000-63.000 đồng/kg; Bắc Giang và Vĩnh Phúc cao nhất với mức giá 63.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung dao động từ 50.000-57.000 đồng/kg. Tại khu vực ĐBSCL, giá lợn hơi từ 56.000-60.000 đồng/kg.
Liên quan đến vấn đề liệu giá thịt lợn ở Việt Nam có đuổi kịp giá lợn hơi tại Trung Quốc hay không, ông Trọng nhận định giá lợn dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhưng sẽ không quá cao như Trung Quốc.
Theo ông Trọng, hiện các cơ sở, trang trại chăn nuôi lớn hầu hết chăn nuôi khép kín, theo chuỗi nên đảm bảo từ khâu sản xuất giống cho đến thương phẩm an toàn sinh học tốt. Đây là những cơ sở có khả năng tái đàn. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ nếu không đủ điều kiện an toàn sinh học cũng không nên tái đàn vì nếu dịch tái bùng phát sẽ ảnh hưởng về kinh tế cũng như an toàn dịch bệnh cho cơ sở xung quanh.
Video đang HOT
Trước đó, dù không đưa ra dự báo giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ lên mức bao nhiêu nhưng Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương khẳng định, giá không thể tăng như Trung Quốc vì tỷ lệ đàn lợn của chúng ta vẫn còn nhiều, bên cạnh đó chúng ta còn nhiều giải pháp khác như phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, việc thịt lợn thiếu tức thì là đương nhiên. Người tiêu dùng cũng cần phải chuyển sang các thực phẩm khác để giảm áp lực cho thịt lợn.
Thế nhưng trên thực tế, tại nhiều địa phương nguồn cung thịt lợn đã cạn kiệt. Anh Nguyễn Văn Trinh – chủ trang trại nuôi lợn lớn tại xã Nghĩa Sơn ( Nghĩa Hưng, Nam Định), cho biết, tại xã này chuồng trại đã trống từ lâu, đi cả xã không còn con lợn nào nữa. Bởi, một số hộ nuôi lợn mắc dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy, số khác lợn xuất chuồng xong cũng không dám vào đàn vì sợ dịch bệnh.
Như nhà anh, bình thường xuất lợn xong thì khoảng 20 ngày sau anh sẽ vào đàn mới, song dịp này hơn một tháng nay anh vẫn chưa dám bắt lợn về nuôi, chờ nghe ngóng tình hình và dự kiến nếu ổn định thì 2 tuần nữa mới tái đàn.
Tại khu vực miền Nam, với mức giá hiện tại người chăn nuôi cũng đã có lãi. Song, lượng lợn trong dân không còn nhiều. Đơn cử như TP. Cần Thơ, thống kê cho thấy, đàn heo đã giảm đến 60%; còn tại tỉnh Đồng Nai, dịch tả heo châu Phi đã cướp đi 16% tổng đàn.
Như Băng
Theo Vietnamnet
Cơn đại dịch quét bay 3.600 tỷ, chục vạn dân khổ sở
Dịch tả lợn Châu Phi lây lan ra 52 tỉnh, thành phố, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con, con số thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng. Có lãnh đạo tỉnh phát sốt vì thấy con số thiệt hại quá lớn.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến 3/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 52 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130 nghìn tấn.
Theo đó, số tiền thiệt hại do bệnh dịch này gây ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí hỗ trợ tiêu hủy...
Tại cuộc họp với đại diện 35 tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để thống nhất cách thức và mức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách hợp lý, chính xác khi lợn bị bệnh DTLCP, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đưa ra hai phương án hỗ trợ.
Con số thiệt hại ước tính lên tới 3.600 tỷ đồng sau hơn 4 tháng dịch tả lợn châu Phi hoành hành
Phương án 1 (đang thực hiện theo Nghị quyết 16) hỗ trợ phân theo đối tượng lợn con, lợn thịt các loại; lợn nái, lợn đực đang khai thác các loại hỗ trợ bằng 80% giá thị trường và hỗ trợ bằng cân. Bên cạnh đó, ông Dương cũng nêu đề xuất phương án hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh tối thiểu bằng 30% giá thị trường.
Phương án 2 hỗ trợ theo nhóm lợn phân ra 5 nhóm lợn: lợn đang theo mẹ, mức hỗ trợ là 250.000 đồng/con; lợn con cai sữa dưới 2 tháng tuổi mức hỗ trợ 500.000 đồng/con; lợn thịt từ 2 đến 4 tháng tuổi (từ 30-80kg) hỗ trợ 1,5 triệu đồng/con; lợn thịt từ 4 tháng tuổi trở lên 2,5 đồng/con; lợn nái đang khai thác 3,5-4 triệu đồng/con.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, với cách tính bằng cân "là công bằng, chính xác nhất". Song, với số lượng lợn ít thì dễ thực hiện, còn khi trang trại có 1.000 con phải tiêu hủy, ai đi cân hết được 1.000 con lợn trong điều kiện nắng mưa, nhọc nhằn?
Trong khi đó, cách hỗ trợ theo nhóm lợn (phương án 2) đang được Đồng Nai và một số tỉnh đang áp dụng. Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cũng đang áp dụng theo phương án này.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, cho biết, tỉnh này đã tiêu hủy hơn 178.000 con lợn, chiếm khoảng 30% tổng số đàn. Theo đó, tính đến nay số tiền hỗ trợ của tỉnh vào khoảng 450 tỷ đồng, trong khi quỹ dự phòng của tỉnh là 100 tỷ đồng.
"Lãnh đạo tỉnh phải phát sốt lên, bởi trong đời quản lý tài chính chưa bao giờ nhìn thấy thiệt hại như vậy kể cả bão gió, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh", bà Nga chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Hà Nội, nói rằng, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, thành phố áp dụng hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ - không dưới 38.000 đồng/kg. Khi giá lợn xuống thấp, Sở đã trình UBND thành phố mức hỗ trợ bằng 80% mức giá do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam công bố nhằm tránh xảy ra tình trạng trục lợi hỗ trợ do giá hỗ trợ cao hơn giá thị trường và thành phố lấy nguồn từ Quỹ dự phòng thiên tai để chi trả.
Tại cuộc họp, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với phương án đưa ra tại Nghị quyết số 16 của Chính phủ, đó là hỗ trợ bằng cân với tối thiểu 80% giá thị trường. Các địa phương căn cứ vào giá thực tế tại địa phương vào thời điểm hỗ trợ để xác nhận mức hỗ trợ cụ thể.
Ngoài hỗ trợ cho người chăn nuôi, các đại biểu cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ cho lực lượng tham gia tiêu hủy lợn bị bệnh bằng với mức thuê nhân công ở địa phương, dao động từ 300.000-500.000 đồng/ngày.
B.Phương
Theo Vietnamnet
Giá heo hơi tăng "nóng", Bộ Nông nghiệp dự báo gì? Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay giá heo hơi ở miền Bắc cao nhất cả nước, đạt từ 60.000-63.000 đồng/kg; tại miền Nam trung bình từ 58.000-60.000 đồng/kg. Căn cứ vào tổng đàn và tình hình dịch bệnh, dự báo giá heo hơi từ nay tới cuối năm sẽ còn tăng, nhưng sẽ không tăng "nóng"...