Gia Lai: Săn của hiếm, vật lạ dưới miệng núi lửa khổng lồ
Giữa đại ngàn Tây Nguyên, có một hồ nước ngọt tự nhiên huyền bí, được ví là “đôi mắt Pleiku”. Tích tụ theo thời gian, lòng hồ sản sinh và lưu giữ nhiều của hiếm, vật lạ, thu hút nhiều người quen với nghề sông nước kéo đến săn tìm.
Biển Hồ là một miếng núi lửa khổng lồ nằm ở xã Biển Hồ ( TP. Pleiku, Gia Lai) – một trong những hồ nước tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên, với diện tích 230ha.
Biển Hồ được ví như hòn ngọc trên cao nguyên là trái tim lớn của Gia Lai gắn với nhiều truyền thuyết kỳ bí về hồ Tơ Nưng, có lời đồn rằng: “lòng hồ sâu không đáy và dưới đáy hồ có rất nhiều vật lạ có giá trị”.
Từ săn cá khủng…
Mặt trời vừa ló rạng trên đỉnh núi, các gia đình xung quanh Biển Hồ bắt đầu chuẩn bị lên nương cũng là lúc những “tín đồ săn cá khủng” loay hoay tìm cho mình một chỗ ngồi yên tĩnh để buông cần.
Biển Hồ có nhiều của hiếm, vật lạ khiến nhiều người tò mò săn tìm.
Cẩn thận đơm miếng mồi vào lưỡi câu, anh Nguyễn Văn Hùng (TP. Pleiku) nhanh tay quăng cần đến đúng điểm nước chọn trước.
Cả mấy giờ đồng hồ, anh Hùng ngồi im, hướng mắt về phía cần câu. Lúc này, ông mặt trời đã lấp ló sau đám rừng thông nhưng cần của anh Hùng và 1 người bạn vẫn chưa nháy phao. Anh hùng kéo cần vào, thay lại mồi và tiếp tục buông mồi xuống nước.
Cũng như anh Hùng, nhiều năm qua, Biển Hồ đã chứng kiến hàng trăm, hàng nghìn lượt “thợ săn” buông câu, lặn hồ với hy vong ôm được “báu vật” nhưng không phải ai đến đây cũng được kết quả như ý.
Video đang HOT
Uống ly trà trong bình mang theo người, anh Hùng chia sẻ: Muốn “săn hàng độc” cần phải có tính kiên nhẫn, không được nóng vội, một chút kinh nghiệm và nhất là sự may mắn, cái duyên.
“Tuần trước ở vị trí này, sau một buổi sáng không 1 con cá nào cắn câu. Vừa nghỉ giữa trưa xong, vừa quăng mồi xuống, 1 con cá trắm đen gần 17kg đớp ngay. Lúc đó, con trắm rất khỏe vùng vẫy nhằm thoát khỏi lưỡi câu. Theo kinh nghiệm, tôi quần dưới nước cho cá mệt lử đi. Tôi nhờ thêm mấy người bạn nữa cho tới khi thấy cá có vẻ yếu đi, tôi từ từ kéo con cá trắm đen lên. Bắt được con trắm, tôi về xẻ thịt chia cho mỗi người một ít”, anh Hùng kể.
Cũng theo anh Hùng, sau khi câu được con trắm “khủng” đã 3 ngày nay anh quay lại Biển Hồ câu tiếp nhưng chưa có thêm con nào cắn mồi. Vừa dứt câu chuyện với anh Hùng, anh Thìn ngồi cạnh bên hô to: “Cá lớn cắn câu rồi”. Hùng vội cắm cần của mình xuống, cùng anh Thìn xử lý con cá vừa dính mồi.
Hằng ngày có nhiều cần thủ đến Biển Hồ để săn cá
Con cá vẫy đuôi, cố lôi cây cần đi ra xa bờ, anh Thìn chùng dây cước xuống. Hơn 5 phút cứ đùa giỡn với cá dưới nước, nhằm làm cho nó mệt, anh Thìn kéo nhẹ cần lên. Chưa đưa được con cá lên đến mặt nước, anh Thìn ồ lên một tiếng “đứt rồi”. Con cá theo dòng nước bơi đi mất.
Không còn là thú buông cần tìm vui đơn thuần, dọc bờ của Biển Hồ, có rất nhiều cần thú thả câu chuyên nghiệp, chuyên săn cá lớn. Một số cần thủ tiết lộ, đầu mùa mưa (từ tháng 4) là thời điểm cá lớn xuất hiện nhiều trên Biển Hồ, vì đây là thời điểm cá bắt đầu vào mùa sinh đẻ.
Ông Quách Trong Hoan (78 tuổi, nhà ở sát Biển Hồ) kể, ở hồ nước này có rất nhiều con cá to, trong đó chủ yếu là cá trắm đen và cá mè. Có người nhiều người từng câu hoặc giăng lưới được cá to “khổng lồ” nặng đến gần 30kg. Nhờ cá nhiều mà nuôi sống được biết bao nhiêu thế hệ làm nghề chài lưới ở các làng xung quanh đây.
Một con cá chép vàng quý hiếm nặng gần 10kg cần thủ câu được ở Biển Hồ-miệng núi lửa khổng lồ thời xa xưa.
Ông Hoan chia sẻ, ở Biển Hồ này có 1 loài cá chép vảy vàng, thân hình óng ánh rất quý hiếm. Ông ở đây cả mấy chục năm rồi nhưng chỉ duy nhất 1 lần nhìn thấy con cá này. Vào một ngày giữa tháng 12, anh Việt (xã Biển Hồ) đi câu cùng nhóm bạn. Đến lúc chuẩn bị về có 1 con cá lớn cắn câu. Khi kéo được lên bờ, anh Việt vui mừng vì câu được con cá chép khoảng 10kg có màu vàng óng ánh. Người dân ở đây hiếu kỳ kéo nhau đến xem con cá chép vàng.
… Đến săn máy bay
Ông Quách Trong Hoan cũng chính là người đã từng săn được xác chiếc máy bay dưới Biển Hồ. Ông kể rằng, qua những lần lặn ngụp sâu nhất xuống tận đáy Biển Hồ để trục vớt xác người chết đuối bị mặc kẹt, ông phát hiện một khối sắt lớn hao hao giống chiếc máy bay. Nhiều lần, ông nói với mọi người về vị trí chiếc máy bay bị rơi, nhưng mọi người hoài nghi.
Ông Quách Trọng Hoan sau nhiều năm ngụp lặn nắm rõ chi tiết từng ngóc ngách Biển Hồ
Để minh chứng, ông Hoan cùng anh Đinh Văn Biên và anh Phạm Văn Ban chèo thuyền ra vị trí được xác định có máy bay. Theo ông Hoan, xác chiếc máy bay nằm ở độ sâu dưới lòng hồ khoảng 22 m. Ông Hoan cùng 2 anh Biên và Ban đã thay nhau ngụp lặn 3 ngày liền, mới đưa được xác chiếc máy bay lên bờ. Những ngày sau, cả 3 người đều bị ốm vì khí độc trong chiếc máy bay phả vào người.
Theo các ký hiệu trên chiếc xác máy bay trục vớt được, ông Hoan cho biết đây có thể là loại máy bay quân sự của địch bị rơi tại lòng hồ. Được sự cho phép của chính quyền địa phương, ông Hoan để 2 người bạn lặn bán các phế liệu thu được từ máy bay, còn mình giữ lại 1 phần thân làm kỷ niệm.
Một bộ phận của máy bay được ông Hoan vớt dưới Biển Hồ lên
Lúc mặt trời đã xuống gần phía sau ngọn núi, ông Hoan lấy thuyền chở chúng tôi đi 1 vòng xung quanh Biển Hồ. Ở trên thuyền, ông chỉ cho chúng tôi từng vị trí gắn với những kỷ niệm hàng chục năm của ông ở Biền Hồ. Ông Hoan chia sẻ: “Còn thời gian, tôi còn lặn ngụp lặn ở Biển Hồ”.
Theo Chí Dũng (Báo Công an TPHCM)
Loài cá thọ 50 năm, hiếm có khó tìm, ẩn mình dưới dòng Sê San
Sê San không chỉ là "dòng sông điện" mà còn có vô số các loại thủy sản đặc hữu, trong đó có rất nhiều loài "quái ngư", cá quý hiếm, thơm ngon nức tiếng như cá anh vũ, cá sọc dưa, cá lăng, cá chiêng, cá mõm lợn...Và cá sọc dưa là một trong những loài cá hiếm có khó tìm, ẩn mình dưới dòng Sê San.
Được sinh sống trong môi trường tự nhiên trong lành của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ nên các loại cá trên sông Sê San là loại thực phẩm sạch, an toàn và rất bổ dưỡng.
Một con cá sọc dưa "khủng" . Ảnh: Hoàng Cư.
Dòng sông Sê San huyền thoại trải dài từ thượng nguồn tỉnh Kon Tum xuống hạ lưu giáp biên giới Việt Nam-Campuchia (thuộc địa phận tỉnh Gia Lai của Việt Nam và tỉnh Ratanakiri-nước bạn Campuchia).
Cá sọc dưa có tên khoa học là Probarbus Jullieni. Loại cá này có rất nhiều vảy cứng, gần giống như vảy cá chép. Điểm khác biệt dễ nhận thấy là cá sọc dưa có 5-7 chiếc sọc màu nâu sẫm nằm dọc theo 2 bên thân từ đầu đến đuôi. Chúng có thể sống tới 50 năm, dài gần 2 mét, cân nặng tới 70 kg. Loài "quái ngư" quý hiếm này thường sinh sống ở những con sông lớn như: Mê Kông, Sêrêpok, Sê San...
Môi trường sống lý tưởng nhất của cá sọc dưa là những lưu vực sông nước chảy xiết, có nhiều thác ghềnh... Vào đầu mùa mưa hàng năm, chúng thường ra khỏi nơi trú ẩn, di cư ngược dòng lên thượng nguồn tìm kiếm thức ăn. Hiểu biết được tập tính này, người dân sinh sống ở 2 bên bờ sông Sê San đã đi săn bắt cá sọc dưa bằng nhiều cách.
Già làng Rơ Châm Íp (làng Bloi, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) cho biết: "Trước năm 1965, cá sọc dưa bơi từng đàn trên sông Sê San. Thời đó, dân làng và bộ đội dùng những cây lao đâm cá sọc dưa lên làm thịt ăn thoải mái. Bây giờ, các nhà máy thủy điện ngăn sông và nhiều người đánh bắt nên thỉnh thoảng mới gặp loại cá quý này".
Hiện nay, chợ Ia Ly (huyện Chư Pah), chợ làng Lân (xã Ia O, huyện Ia Grai), các nhà hàng đặc sản ở Pleiku... thường hay bày bán đặc sản cá sọc dưa. "Các món ăn chế biến từ cá sọc dưa luôn được khách hàng lựa chọn. Vào ngày Tết, quán "cháy hàng" cá sọc dưa..."-chị Bùi Thị Sang Đông-chủ quán Lộc Vừng (TP. Pleiku) cho biết.
Theo Hoàng Cư (Báo Gia Lai)
Ra mắt nhà máy chế biến hạt điều chuẩn HACCP ở Gia Lai Bà con nông dân vùng trồng điều ở Gia Lai đang có cơ hội tăng thêm thu nhập từ chuỗi giá trị nông sản sau khi nhà máy chế biến hạt điều của Công ty Cổ phần Hạt điều Hải Bình Gia Lai đi vào hoạt động. Ngày 17.9, tại TP Pleiku, Công ty Cổ phần Hạt điều Hải Bình Gia Lai (thôn...