Giá heo hơi hôm nay 17/12: Miền Bắc vượt 95.000 đồng/kg, miền Nam tiến sát
Giá heo hơi hôm nay 17/12 tại nhiều vùng trong cả nước đã vượt mốc 95.000 đồng/kg. Cụ thể, hiện tại ở Văn Giang ( Hưng Yên), Bình Lục ( Hà Nam)… giá lợn hơi mới nhất PV Dân Việt ghi nhận được đã lên đến 95.000 – 95.500 đồng/kg.
Giá heo hơi tại các tỉnh miền Trung, miền Nam cũng đã vượt ngưỡng 90.000 đồng đến 93.000 đồng/kg.
Lái buôn chọn mua heo tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm ở huyện Bình Lục (Hà Nam).
Giá heo hơi hôm nay 17/12 tại miền Bắc: Cao nhất cả nước
Tiết lộ với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Lộc – Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm ở Bình Lục (Hà Nam) cho biết: Giá heo hơi tại chợ ngày 16/12 đã tăng lên 95.000 đồng/kg hàng loại 1, tăng rất cao so với cuối tháng 11. Đáng chú ý, lượng heo hơi tiêu thụ tại chợ đã giảm khá mạnh so với trước, hiện các lái buôn chỉ giao dịch khoảng trên dưới 500 con/ngày, trong khi trước đó thường từ 1.000 – 1.500 con/ngày.
Ông Phạm Nhật Tính, một lái buôn ở tỉnh Ninh Bình cho hay: Càng vào dịp cuối năm giá lợn hơi càng tăng cao kỷ lục, giá biến đổi từng ngày khiến cho thợ buôn và người nuôi rất nóng ruột.
“Giá tăng cao nhưng không có hàng để mua, thậm chí có nhà còn giữ lợn cầm hàng để chờ giá tăng cao hơn mới bán khiến cánh lái buôn chúng tôi săn được ít hàng hơn so với thời điểm trước”, ông Tính nói.
Theo ông Tính, do giá lợn hơi tăng cao nên mấy ngày gần đây, nhiều lái buôn còn mua lợn về “để dành” trong chuồng, chờ giá lên thì bung ra kiếm lời.
Tại Văn Giang (Hưng Yên) hôm nay cũng đang trong tình trạng tương tự, song theo nhiều chủ trang trại, dù giá heo hơi hôm nay có tăng cao nhưng người dân nuôi nhỏ, lẻ không còn heo để bán mà đối tượng hưởng lợi chính vẫn là các trang trại lớn, doanh nghiệp chăn nuôi.
“Giá heo hơi tăng cao kéo theo giá giống cũng tăng chóng mặt, từ 800.000 đồng/con, giờ có chỗ bán đến 3 triệu đến 4 triệu đồng/con. Nên dù muốn bà con chúng tôi cũng không còn vốn để vào đàn nữa”, ông Nguyễn Văn Mừng chia sẻ.
Hiện, giá lợn thường tại các tỉnh miền Bắc đang được người nuôi bán với giá trên 92.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Được biết, chiều ngày 16/12, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P chi nhánh miền Bắc tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán tại kho thêm 1.000 đồng/kg. Hiện giá heo siêu loại 1 của C.P đạt 83.000 đồng/kg tại kho chính. Thương lái mua heo hơi của C.P hiện phải trả cao hơn từ 90.000-92.000 đồng/kg mới mua được.
Giá heo hơi mới nhất tại miền Trung – Tây Nguyên: Vượt mốc 90.000 đồng/kg
Tại nhiều tỉnh miền Trung – Tây Nguyên như Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng… chúng tôi cũng ghi nhận được giá heo hơi đã tăng vượt mốc 90.000 đồng đến 93.000 đồng/kg, tùy loại. Điều đáng chú ý là nhiều chủ trang trại, lái buôn heo tại đây đã và đang liên tục săn tìm mua loại heo nhỡ, tầm trọng lượng từ 50kg đến 80kg giá mềm để đưa về nuôi gột chờ cơ hội bung hàng kiếm lời.
“Tìm mua loại lợn này khá khó khăn vì rất ít người nuôi bán ra, trừ trường hợp bà con nợ nần nhiều, hoặc bán chạy dịch chúng tôi mới có cơ hội mua được. Dù mua được nhưng mọi người cũng phải chịu rủi ro cao”, ông Phạm Minh, một lái buôn ở Hà Tĩnh tiết lộ.
Theo ông Minh, nếu như giá lợn hơi trên thị trường dao động ở mức trên 90.000 đồng/kg thì giá loại heo nhỡ này hôm nay cũng chỉ khoảng 70.000 đồng đến trên 80.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam: Nhiều trại xuất chuồng giá 93.000 đồng/kg
Đến thời điểm này tại Mỏ Cày (Bến Tre) nhiều lái buôn, cò lợn đang lùng mua heo siêu với giá 93.000 đồng/kg loại 1, các loại còn lại thấp nhất cũng được giá trên dưới 90.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá heo hơi hôm nay 17/12 tại Cần Thơ, Đồng Nai, Trà Vinh… cũng đã tăng nhiều so với mấy ngày trước, chủ yếu heo hơi đang được các chủ trang trại xuất chuồng giá 92.000 đồng đến 93.000 đồng/kg.
“Cứ đà này rất có thể đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 giá heo hơi sẽ còn tăng cao, có thể đạt trên 100.000 đồng/kg”, bà Phạm Thị Lựu, một chủ trang trại ở huyện Mỏ Cày dự đoán.
Theo Danviet
Giá heo hơi hôm nay 15/9: Giá tăng cao, trang trại lớn chuẩn bị bung hàng
Giá heo hơi hôm nay 15/9 ở miền Bắc vẫn đang ở mức cao, dao động từ 46.000-50.000 đồng/kg. Dù dịch tả lợn châu Phi càn quét mạnh gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, song nhiều trang trại ở Hà Nam, Hưng Yên... vẫn giữ được đàn lợn lớn chuẩn bị tung hàng ra thị trường, hưởng lợi giá cao.
Nhiều trang trại vẫn giữ được đàn lợn với số lượng khá lớn dù bị "bão" dịch tả lợn châu Phi bủa vây.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc: Vẫn ở mức cao, nhiều trang trại lớn thoát "án tử"
Ghi nhận của PV Dân Việt tại một số địa phương của miền Bắc như Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... cho thấy giá lợn hơi mới nhất hôm nay 15/10 vẫn đang ở mức mức cao, ổn định quanh mức 46.000-50.000 đồng/kg, tùy loại lợn.Mặc dù dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, khó lường nhưng tại nhiều trang trại tại các tỉnh ở miền Bắc đã có các biến pháp bảo vệ đàn lợn an toàn, vượt "bão" dịch.
Điển hình như trang trại tư nhân Cường Hằng, xã Tiên Ngoại (Duy Tiên, Hà Nam) có quy mô chăn nuôi lên đến 600 con lợn nái và 6.000 lợn thịt. Dù dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại trang trại từ giữa tháng 4 tại khu chuồng lợn nái và lợn sữa, tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy khoảng 300 con nhưng ngay lập tức, trang trại đã áp dụng các biện pháp cách li, phòng chống hiệu quả theo đúng quy trình kỹ thuật.
Cụ thể, việc dập dịch được thực hiện ở từng ô chuồng bằng biện pháp tiêu hủy lợn bệnh, phun thuốc khử trùng tiêu độc triệt để, ngăn ngừa không để mầm bệnh phát sinh ra diện rộng. Hiện, lợn nuôi trong trang trại được theo dõi hằng ngày, khi thấy có lợn ốm chủ trang trại sẽ chuyển vật nuôi sang chuồng cách ly, thực hiện tiêu hủy khi xác định đúng bị mắc dịch.
Cùng với chống dịch, công tác phòng bệnh được tăng cường tối đa. Đặc biệt việc kiểm soát dịch được thực hiện từ vòng ngoài, toàn bộ người, phương tiện ra vào trại đều được khử trùng. Phương tiện từ nơi khác vào trại được phun thuốc khử trùng tiêu độc cách trại 300m, sau 30 phút mới vào khu trại.
Ngay cả người làm việc trong trại cũng được giới hạn theo nhiệm vụ của mình, không sang những khu vực khác để tránh mang mầm bệnh lây chéo giữa các khu chuồng. Lợn thịt xuất chuồng, xe đến mua ngoài việc sát trùng đều dừng ở cổng, có xe nội bộ của trại đưa lợn thịt ra bên ngoài. Từ những biện pháp trên, sau 45 ngày kể từ khi có lợn mắc bệnh đầu tiên, dịch đã được khống chế hoàn toàn.
Cùng với các biện pháp chống dịch, trang trại Cường Hằng tăng cường sức đề kháng của toàn bộ đàn lợn. Theo đó, lợn trong diện tiêm được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin hiện có. Nguồn nước dùng cho chăn nuôi được lấy hoàn toàn từ hệ thống giếng khoan sâu 100m, tuyệt đối không sử dụng nước mặt từ bên ngoài.
Anh Nguyễn Minh Hiển, cán bộ kỹ thuật của trang trại Cường Hằng cho biết: Khống chế được dịch tả lợn châu Phi là thành công lớn của trại. Yếu tố quan trọng nhất chính là tuân thủ chặt chẽ theo đúng quy trình công tác phòng chống dịch để bảo vệ đàn lợn.
Người dân đổ cám chăm sóc đàn lợn tại Duy Tiên (Hà Nam).
Tại xã Ngọc Lũ (Bình Lục) nơi có tổng đàn lợn trước khi bị dịch lên đến 45.000 con cũng có nhiều trang trại quy mô lớn hiện vẫn an toàn. Thực tế, ngay khi trên địa bàn huyện Bình Lục chưa xuất hiện dịch, công tác phòng chống dịch đã được triển khai từ hộ gia đình. Cụ thể, các hộ thực hiện vệ sinh chuồng trại, sử dụng hóa chất, vôi bột khử trùng tiêu độc định kỳ toàn bộ chuồng trại, môi trường xung quanh. Có những hộ chăn nuôi lớn cả quá trình phòng chống dịch sử dụng đến gần 10 tấn vôi bột.
Việc ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập chuồng trại cũng được xử lý hiệu quả từ việc ngăn chặn động vật có thể mang virus vào đến hạn chế tối đa người bên ngoài vào khu chuồng. Người dân Ngọc Lũ còn tự lập chốt phun thuốc khử trùng tiêu độc cho các phương tiện từ nơi khác đến.
Ông Trần Đình Thiện - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết: Đàn lợn là tài sản lớn, nguồn thu nhập chính của người dân, do vậy, khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, các hộ, nhất là những hộ chăn nuôi quy mô lớn đều ý thức được việc phòng chống.
Sau hơn nửa năm kể từ khi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng giảm dần. Hiện nay, đã có 13 xã của tỉnh này được công bố hết dịch.
Nói về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của địa phương, ông Đỗ Mạnh Hà - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Hà Nam cho biết: Việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi gặp khó khăn rất lớn do chưa có vắc - xin phòng và thuốc chữa. Cơ chế lây truyền của bệnh dịch cũng rất khó xác định. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động phòng, chống bệnh dịch tại mỗi trang trại, hộ chăn nuôi.
Việc tiêu thụ lợn tại các vùng miền trong cả nước vẫn thuận lợi.
"Thực tế cho thấy, các trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn đã làm khá tốt công tác phòng, chống bệnh dịch thời gian qua", ông Hà khẳng định.
Theo ông Hà, thành công trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các trang trại lớn đã góp phần duy trì và giữ được tổng đàn theo mục tiêu đặt ra. Đặc biệt, với đàn lợn nái hiện có sẽ là nguồn cung cấp con giống cho nuôi lợn thịt tại chỗ và cung cấp cho người dân khi đủ điều kiện tái đàn.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên: Giữ giá, lái buôn vẫn kén chọn
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Phạm Mạnh Tiến, chủ một trại lợn nhỏ ở Lâm Đồng cho biết, nhà anh đang nuôi hơn 20 con lợn thịt, hiện đều đã đến tuổi xuất chuồng khoảng trên 100kg/con. Tuy nhiên khi anh gọi lái buôn đến xem, mua lợn thì có một số người còn ép giá dưới 40.000 đồng/kg và kén lợn nên anh quyết định giữ lại chưa bán.
"Tôi có gọi hỏi xin tư vấn ở nhiều trại tại địa phương lân cận giá lợn hơi mới nhất hôm nay vẫn đang ở mức trên 40.000 đồng/kg lợn đẹp nhưng lái đến nhà tôi vẫn ép giá khiến chúng tôi rất bức xúc", anh Tiến nói.
Giá heo hơi hôm nay 15/9 tại miền Nam - Đồng Nai: Chững lại
Theo tiết lộ của nhiều chủ trang trại tại Xuân Lộc (Đồng Nai), giá heo hơi mới nhất vẫn không có thay đồi gì nhiều mà vẫn giữ ở ngưỡng trên dưới 40.000 đồng/kg heo, tùy loại.
Bà Trương Thị Vân, một chủ trại lợn ở Xuân Lộc cho hay: Thời điểm hiện tại việc mua bán heo thịt, giống ở các vùng của Đồng Nai vẫn phụ thuộc nhiều vào "cò" (người bắt mối trung gian). Tuy nhiên, việc tiêu thụ lợn cũng khá thuận lợi, thương lái thu mua nhanh gọn.
Theo Danviet
Khi sự hung dữ khó kiểm soát Vì đâu bạo lực học đường ngày càng có xu hướng lan rộng? Làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn nhức nhối này trong môi trường lẽ ra phải trong lành, an toàn và thân thiện nhất - học đường? Những hồi chuông không ngừng gióng lên cảnh báo khẩn thiết về vấn đề này, nhưng xu hướng kẻ mạnh...