Giá gia cầm hôm nay 26/3: Thủ tướng ký chỉ thị khẩn bảo vệ người chăn nuôi
Khảo sát tại ba miền, PV Dân Việt nhận thấy giá gia cầm hôm nay 26/3 vẫn ở mức thấp. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc gia cầm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học giúp cho người nuôi hạn chế được dịch bệnh.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại dịch bệnh động vật đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cụ thể, cả nước đã có 34 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) do virus cúm A/H5N1 và A/H5N6 gây ra tại 10 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm.
Các chủng virrus cúm này có khả năng lây nhiễm và gây tử vong ở người. Có hơn 100 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại 9 tỉnh, thành phố làm hàng nghìn con gia súc mắc bệnh và hàng trăm con gia súc bị chết. Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra rất trầm trọng vào năm 2019 gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và làm ảnh hưởng lớn chỉ số CPI…
Để khẩn trương kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh CGC, LMLM, DTLCP, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, đặc biệt không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (Covid-19) trên người đang diễn ra hết sức phức tạp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các địa phương đang có dịch bệnh động vật (CGC, LMLM, DTLCP…) tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài.
Trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, cần công bố dịch và tổ chức chống dịch bệnh theo quy định. Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine bao vây ổ dịch và phòng chống bệnh cho toàn bộ đàn gia cầm có nguy cơ. Thành lập các đoàn công tác đến các địa phương có dịch để chỉ đạo tổ chức chống dịch.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao: Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch, rà soát kịp thời tiêm vaccine cho đàn vật nuôi phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như CGC, LMLM, tai xanh, dại… nhất là tại các khu vực có ổ dịch vũ, các địa bàn có nguy cơ cao.
Video đang HOT
Kịp thời bố trí kinh phí và các nguồn lực cần thiết cho công tác phòng chống dịch bệnh; trong đó có kinh phí triển khai các chương trình, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện.
Hướng dẫn, đảm bảo tổ chức nuôi tái đàn lợn thành công, không để dịch bệnh tái phát
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương: Tập trung các nguồn lực để tổ chức hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các địa phương trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh CGC, LMLM, DTLCP; hướng dẫn, đảm bảo tổ chức nuôi tái đàn lợn thành công, không để dịch bệnh tái phát.
Đồng thời chỉ đạo bảo đảm các nguồn vaccine để cung ứng đủ và kịp thời cho công tác tiêm phòng, tổ chức giám sát, đánh giá lưu hành các loại mầm bệnh; kiểm nghiệm, khảo nghiệm đánh giá các loại vắc xin để kịp thời có được các loại vắc xin phù hợp, hiệu quả nhất cho công tác phòng bệnh.
Chỉ thị cũng nêu rõ, Bộ Công Thương có trách nhiệm tăng cường quản lý thị trường, chủ động phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối, các điểm thu gom động vật, sản phẩm động vật.
Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1, A/H5N6…, phát hiện sớm trường hợp người mắc bệnh, cách ly khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan diện rộng; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch CGC lây từ gia cầm sang người.
Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện điều tra ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc, động vật, sản phẩm động vật bán chạy, nghi bán chạy từ ổ dịch theo quy định của pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm: Chỉ đạo hệ thống thông tin báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế.
Giá vịt thịt hôm nay tại các vùng vẫn ở mức thấp.
Giá gia cầm hôm nay 26/3: Chững giá
Vào những ngày này, tại chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc ở Hà Vỹ (Hà Nội), giá gà thịt vẫn chững ở mức thấp. Cụ thể, gà mía Sơn Tây có giá trên dưới 90.000 đồng/kg, giá gà thịt công nghiệp hôm nay đang giao dịch ở mức từ 29.000 đồng đến 35.000 đồng/kg, gà thải loại có giá trên dưới 60.000 đồng/kg, gà Dabaco ở chợ Hà Vỹ có giá cao nhất từ 40.000 đồng đến 45.000 đồng/kg…
“Hôm nay lượng gà về chợ khá nhiều so với mọi người, bên cạnh đó giá mặt hàng này vẫn ở mức thấp, việc tiêu thụ vẫn khá khó khăn”, ông Phạm Hiền, một tiểu thương ở chợ Hà Vỹ chia sẻ.
Giá vịt thịt hôm nay 26/3 tại các trang trại ở Đồng Nai, Cần Thơ… đang được giao dịch ở mức từ 27.000 đồng đến trên dưới 32.000 đồng/kg. “Do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên ít người đi chợ, khiến cho việc tiêu thụ gà, vịt của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, bà Trương Thị Tốt, một lái buôn gia cầm ở Xuân Lộc (Đồng Nai) buồn rầu nói.
Giá gia cầm hôm nay 25/3: Nuôi gà vịt kiểu này có lời, lại không lo đầu ra
Cập nhật giá gia cầm hôm nay 25/3, mặt bằng chung không có biến động. Do giá gia cầm liên tục bấp bênh và ở mức thấp nên các cơ quan chức năng địa phương đã tích cực vào cuộc mời gọi, hỗ trợ người chăn nuôi liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định.
Chăn nuôi vịt theo hướng công nghiệp đang mang lại hiệu quả khá tốt cho nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long.
Mời doanh nghiệp đến giúp dân
Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, cùng với sự bùng phát trở lại của dịch cúm gia cầm tại một số tỉnh thành nên tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ gia cầm bị ảnh hưởng không nhỏ. Trước thực trạng này, mới đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã mời lãnh đạo Công ty cổ phần Ba Huân đến khảo sát vùng chăn nuôi vịt và ký kết hợp tác với bà con, đẩy mạnh áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Với tổng đàn vịt gần 7 triệu con, sản lượng trứng bình quân trên 273 triệu trứng/năm, Đồng Tháp hiện là địa phương có tổng đàn vịt lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Chính những lợi thế về điều kiện chăn nuôi nên Đồng Tháp đã lựa chọn vịt là 1 trong 5 ngành hàng được ưu tiên phát triển trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật, định hướng người nông dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và có chứng nhận VietGAP.
Đặc biệt, hiện người chăn nuôi vịt tại nhiều xã, huyện ở Đồng Tháp cũng đã có nhiều đột phá mới về kỹ thuật nuôi. Thay cho hình thức nuôi vịt chạy đồng truyền thống như trước kia, giờ người dân ở đây đã chuyển sang nuôi rọ (nuôi nhốt trong chuồng) theo hướng công nghiệp, có sự giám sát và theo dõi dịch bệnh rất khoa học, bài bản.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan cho biết, đến nay tỉnh Đồng Tháp đã hình thành nhiều mô hình liên kết và sản xuất tập trung với 5 tổ hợp tác chăn nuôi vịt rọ, có 26 thành viên với quy mô tổng đàn vịt rọ trên 154.000 con, sản lượng trứng bình quân khoảng trên 3,8 triệu trứng/tháng.
Trong buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp vừa qua, Công ty cổ phần Ba Huân cam kết sẽ đồng hành cùng nông dân Đồng Tháp trong xây dựng và thực hiện chuỗi liên kết ngành hàng vịt. Cụ thể, sắp tới, doanh nghiệp sẽ đưa kỹ thuật phối hợp với ngành nông nghiệp của địa phương để có những hướng dẫn về quy trình chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sinh học.
Sau khi hoàn tất các khâu về khảo sát vùng nuôi, thực hiện kiểm tra chất lượng trứng vịt tại một số tổ hợp tác chăn nuôi vịt an toàn sinh học của tỉnh Đồng Tháp, dự kiến đầu tháng 4 tới sản phẩm trứng vịt của Đồng Tháp sẽ có mặt tại các kênh phân phối và tiêu thụ trứng vịt của Công ty cổ phần Ba Huân trên khắp cả nước.
Hiện, mô hình nuôi gà lai thương phẩm theo hướng an toàn sinh học cũng đang được cơ quan chuyên môn của tỉnh Kiên Giang triển khai, hỗ trợ người chăn nuôi rất hiệu quả. Theo kỹ sư Lê Thị Giang, Phòng Khuyến nông - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, qua khảo sát mới đây cho thấy, hầu hết các điểm nuôi gà lai theo hướng an toàn sinh học đều thích nghi với điều kiện chăn nuôi của người dân, không hao hụt, tỷ lệ sống cao.
Sau 3 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng trung bình 1,5kg/con, với giá bán hiện nay 70.000 đồng/kg, mỗi hộ nuôi gà trong mô hình này (200 con) sau khi trừ chi phí làm chuồng, đệm lót, thức ăn, thuốc tiêm phòng chống dịch bệnh... lãi bình quân 4,3 triệu đồng.
"Sắp tới sẽ có nhiều nông dân trên địa bàn huyện Gò Quao và các huyện khác của Kiên Giang tiếp tục nuôi gà theo mô hình này với số lượng nhiều hơn để tăng thu nhập", bà Giang nói.
Giá vịt thịt hôm nay: Dao động từ 28.000 - 30.000 đồng/kg
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, hiện tổng đàn gia cầm của địa phương này đang có trên 25 triệu con, các huyện có số lượng gia cầm lớn như Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc.
Ông Phạm Xuân Thông, chủ một trại vịt thịt ở Xuân Lộc, (Đồng Nai) cho biết, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đến nay giá vịt thịt tại các vùng của Xuân Lộc vẫn ở mức thấp khoảng từ 27.000 đồng đến 30.000 đồng.
"Dù giá thấp nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi vẫn khó khăn, gian nan", ông Thông buồn rầu bảo.
Người nuôi gia cầm tại các tỉnh vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Tại các tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam..., giá gia cầm vẫn chững giá. Cụ thể, giá gà mía dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg; gà Dabaco trên 40.000 đồng/kg; giá vịt thịt hôm nay được lái thu mua với từ 26.000 - 27.000 đồng/kg tại trại; ngan thịt có giá từ 45.000 - 55.000 đồng/kg.
Giá gia cầm hôm nay 21/3: Hồi Tết còn lời trăm triệu, giờ thua lỗ mất nhà, trốn nợ Giá gia cầm hôm nay 21/3 tại các vùng vẫn chưa có dấu hiệu tăng thêm. Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, sau thời gian dài gà, vịt mất giá, nhiều chủ trang trại thua lỗ hàng trăm triệu đồng, có hộ phá sản còn bị chủ nợ siết nhà, "sổ đỏ", phải trốn đi làm ăn xa. Do việc bán buôn...