Gia đình người lao động đi làm việc tại Ả rập Xê út kêu cứu
Anh Phạm Văn Trường, ở thôn An Thái (thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) vừa có đơn cầu cứu về việc vợ anh được đưa đi làm giúp việc tại Ả rập Xê út đã bị “mất dấu” mấy tháng nay. Một số lao động khác được đưa đi thị trường này hiện cũng rơi vào cảnh tương tự khi thường xuyên bị thiếu lương, bạo hành và nhất là bị cắt liên lạc với gia đình…
Gia đình anh Trường (bên trái) bày tỏ nỗi lo lắng khi không liên lạc được với chị Thuy gần 5 tháng nay
Bị nợ lương, cắt liên lạc
Đứng ngồi không yên khi từ đầu năm đến nay không thể liên lạc được với vợ là chị Nguyễn Thị Thuy (sinh năm 1976) hiện đang đi lao động giúp việc tại Ả rập Xê út, đầu tháng 5 vừa qua, anh Phạm Văn Trường đã liên hệ với công ty đưa chị Thuy đi xuất khẩu lao động nhưng không nhận được câu trả lời. Kể từ đó đến nay gần 3 tháng trôi qua, thông tin về người vợ của anh Trường vẫn bặt vô âm tín. Ngày 22-7, sau buổi làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông (Tranconsin) – đơn vị đã đưa chị Nguyễn Thị Thuy và nhiều lao động khác đi lao động giúp việc tại Ả rập Xê út, anh Trường cùng anh Nguyễn Văn Thao (em trai chị Thuy) cho biết, gần 1 năm kể từ ngày đi xuất khẩu lao động, chị Thuy chỉ liên lạc với gia đình 3 lần và lần gần nhất cách đây cũng đã khoảng 5 tháng. Phía gia đình đã nhiều lần gọi đến số điện thoại của chủ lao động nơi chị Thuy làm việc nhưng không thể liên lạc được.
Anh Trường kể, tháng 9-2012, vợ anh ký hợp đồng với Công ty Tranconsin để đi xuất khẩu tại Ả Rập Xê út. Trong hợp đồng có quy định rõ: người lao động với tư cách là người giúp việc gia đình được nhận mức lương hàng tháng là 1.100 Riyals (khoảng 6 triệu đồng) và nhận lương vào cuối tháng; người lao động được nghỉ ít nhất 8 tiếng/ngày; chủ lao động phải hỗ trợ người lao động trong việc gửi hoặc nhận thư từ phía gia đình và gửi tiền lương về cho gia đình, cho phép người lao động gọi về nhà mỗi tháng một lần… Tuy nhiên, chị Thuy đi làm việc đã được hơn 10 tháng nay nhưng gia đình mới chỉ nhận được chưa đủ 3 tháng lương (14 triệu đồng). Điều khiến gia đình lo lắng hơn là trong lần điện thoại về nhà gần đây nhất, chị Thuy cho biết bị chủ lao động bắt làm việc thâu đêm suốt sáng, cả ngày chỉ được nghỉ khoảng 3-4 tiếng. “Đặc biệt, vợ tôi rất sợ hãi vì bị chủ lao động xâm phạm đến thân thể và tính mạng” – anh Trường nói.
Cũng theo anh Trường, ở địa phương anh còn có 4-5 người khác được công ty Tranconsin đưa đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út cùng đợt với chị Thuy, đến nay đã có 1 người phải xin về nước vì bị chủ lao động bóc lột quá sức và thiếu, nợ lương triền miên.
Phải bảo vệ tính mạng người lao động
Ngày 22-7, sau nhiều lần liên hệ và nhờ đến nhiều cơ quan chức năng vào cuộc, gia đình anh Trường đã được sắp xếp cuộc làm việc với ông Phạm Đức An, Giám đốc Công ty Tracosin. Tại cuộc làm việc này, phía Công ty Tracosin cam kết sẽ cử cán bộ sang Ả Rập Xê Út để giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh của người lao động, tiến hành đưa lao động về nước trong tháng 8 và không quá ngày 30-9-2013. Đại diện Công ty Tranconsin cũng cho biết sẽ chịu trách nhiệm về sức khỏe và tính mạng của chị Thuy trong thời gian ở Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, khi được hỏi về tình hình hiện tại của chị Thuy ra sao thì phía công ty cũng thừa nhận, dù đã làm việc cùng đối tác trung gian của Công ty tại Ả Rập Xê Út nhưng tới nay vẫn không thể liên hệ được với chị Thuy cũng như chủ lao động.
Trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Đoàn Kiến Trung, Phó trưởng Phòng Quản lý Lao động, Cục Quản lý Lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, không riêng trường hợp chị Thuy mà từ đầu năm đến nay, Cục đã nhận được đơn kêu cứu, phải vào cuộc giải quyết 3-4 vụ tương tự liên quan đến lao động đi giúp việc tại Ả rập Xê út. Lý do đều xuất phát từ phía chủ sử dụng lao động tại nước sở tại không thực hiện đúng hợp đồng với đơn vị cung cấp lao động. Một phần, cũng do chủ lao động ở đó muốn giữ lao động dài lâu nên không muốn lao động liên lạc về gia đình. Với trường hợp cụ thể của chị Nguyễn Thị Thuy, ông Trung cho biết, Cục đã có văn bản chỉ đạo chỉ đạo Công ty Tranconsin phải khẩn trương liên hệ với đối tác và chủ sử dụng lao động tại Ả rập Xê út để kiểm tra, xác minh thông tin. Đặc biệt, phải cử người sang làm việc, đưa lao động về nước trong trường hợp người lao động không được đảm bảo về sức khỏe hay chủ lao động vi phạm hợp đồng một cách nghiêm trọng.
Đáng chú ý, công văn của Cục gửi Công ty Tracosin ghi rõ thời hạn báo cáo giải quyết vụ việc này là trước ngày 20-5-2013 nhưng đến nay, đã gần hết tháng 7, vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Ông Trung lý giải, không phải Cục “phớt lờ” việc này mà lý do khiến vụ việc chưa thể giải quyết được, phải đợi đến tháng 8, thậm chí kéo dài sang tháng 9 là do phía Ả Rập Xê Út đang tổ chức lễ ăn chay Ramadan nên rất khó để làm việc cùng cơ quan chức năng. Ông Trung cũng khẳng định, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp cùng Công ty Tranconsin và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út sớm tìm cách liên hệ với chị Thuy và đảm bảo đưa người lao động về nước an toàn.
Theo ANTD