Gia đình các nạn nhân đề nghị nhà chức trách Mỹ phạt Boeing gần 25 tỷ USD
Ngày 19/6, gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong 2 vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX đã đề nghị nhà chức trách Mỹ phạt tập đoàn sản xuất máy bay Boeing 24,8 tỷ USD, cũng như nhanh chóng tiến hành các thủ tục truy tố hình sự – vốn đã bị hoãn từ 3 năm trước.
Máy bay 737 MAX của Boeing thực hiện chuyến bay kiểm tra tại Seattle, Washington, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong hồ sơ dài 32 trang gửi Bộ Tư pháp Mỹ, ông Paul Cassell, luật sư đại diện của 15 gia đình nêu rõ: “Mức phạt tối đa hơn 24 tỷ USD hoàn toàn hợp tình hợp lý” do Boeing trực tiếp liên quan đến cái chết của các hành khách và phi hành đoàn. Theo ông, nhà chức trách cần truy tố những người chịu trách nhiệm dẫn dắt Boeing trong thời gian xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng tại Indonesia và Ethiopia vào năm 2018 và 2019, trong đó có Giám đốc điều hành khi đó là Dennis Muilenburg. Tổng cộng 346 người đã thiệt mạng trong 2 vụ tai nạn. Hồ sơ cũng đề nghị giới chức Boeing gặp gỡ gia đình các nạn nhân.
Động thái trên được gia đình các nạn nhân đưa ra sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đang cân nhắc việc liệu có khôi phục cáo buộc hình sự về tội gian lận đối với Boeing hay không. Tháng trước, các công tố viên xác định Boeing đã vi phạm thỏa thuận năm 2021, vốn giúp nhà sản xuất máy bay này tạm thời không bị truy tố hình sự liên quan đến các vụ tai nạn vào năm 2018 và 2019.
Theo kế hoạch, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ phải thông báo với thẩm phán liên bang ở Texas về việc có khôi phục cáo buộc đối với Boeing hay không trước ngày 7/7 tới.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện ngày 18/6, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Boeing cần bị truy tố.
Hiện Boeing và Bộ Tư pháp Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên. Trước đó, Boeing khẳng định đã đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận năm 2021.
Boeing 'chỉnh đốn' nhân viên vi phạm quy trình làm việc
Ngày 12/3, Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) cho biết sẽ có buổi làm việc với các nhân viên vi phạm quy định sản xuất của công ty để đảm bảo họ nắm được quy trình làm việc của mình.
Máy bay 737 MAX của hãng Boeing hạ cánh sau khi thực hiện chuyến bay kiểm tra tại nhà máy ở Seattle, Washington, Mỹ, ngày 29/6/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Đây là nỗ lực mới nhất nhằm khắc phục những sai sót về chất lượng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và bàn giao máy bay của Boeing sau sự cố hồi đầu tháng 1 vừa qua.
Động thái trên diễn ra sau khi Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) kết thúc cuộc kiểm tra toàn diện kéo dài 6 tuần về quy trình sản xuất và nghiệm thu máy bay 737 MAX nhà máy của Boeing ở hạt Benton, bang Washington. Kết quả cho thấy quy trình sản xuất tại đây đã vượt qua 56 trong tổng số 89 bài kiểm tra. Cuộc kiểm tra diễn ra sau sự cố hôm 5/1 khi máy bay Boeing 737 MAX 9 của hàng hàng không Alaska Airlines đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Portland, bang Oregon (Mỹ) do bị bung cửa trong quá trình bay.
Trong bản ghi nhớ, ông Stan Deal - Giám đốc bộ phận sản xuất máy bay thương mại của Boeing, nêu rõ "phần lớn" các vi phạm mà FAA phát hiện đều liên quan việc người lao động không tuân theo các quy trình đã được Boeing phê duyệt. Ông Deal khẳng định Boeing sẽ thực hiện các biện pháp khắc phục bao gồm làm việc với các nhân viên không tuân thủ hướng dẫn và quy trình làm việc, tiến hành kiểm tra hằng tuần đối với tất cả các nhóm làm việc tại nhà máy Renton, nơi lắp ráp máy bay dòng MAX.
Ngoài ra, ông Deal thừa nhận kết luận gần đây của một nhóm chuyên gia trong chính phủ và ngành chế tạo máy bay, trong đó nhận định các thủ tục đảm bảo an toàn của Boeing quá phức tạp và thay đổi quá thường xuyên.
Ngày 11/3, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg kêu gọi Boeing hợp tác với Bộ Tư pháp và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ trong cuộc điều tra sự cố nói trên. Sau sự cố, hãng hàng không Alaska cũng như nhiều hãng hàng không khác ở cả Mỹ và nước ngoài đã đình chỉ hoạt động đối với các máy bay Boeing 737 MAX 9. FAA cũng yêu cầu dừng bay đối với một số máy bay thuộc dòng này. Việc thay đổi đội bay của các hãng hàng không đã làm đảo lộn kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024 của ngành hàng không.
United Airlines (Mỹ) thiệt hại 200 triệu USD do Boeing 737 MAX 9 bị cấm bay Ngày 16/4, hãng hàng không United Airlines của Mỹ cho biết hãng này đã bị lỗ trong quý đầu tiên của năm 2024 do lệnh cấm bay tạm thời đối với một số dòng máy bay Boeing hồi tháng 1 sau sự cố bung cửa. Máy bay của hãng hàng không United Airlines. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN Theo United Airlines, việc một số...