Giá điện, xăng cùng tăng: Người Sài Gòn khổ sở đi chợ, vài ngày mới giặt đồ
Giá điện tăng cao, giá xăng tăng… nhiều lần trong vòng một tháng khiến người dân khổ sở vì ‘bão giá’. Để cân đối tiền đi chợ, người Sài Gòn phải cắt giảm nhiều thứ, lên kế hoạch tiết kiệm trên mọi ‘mặt trận’!
Người Sài Gòn khổ sở khi đi chợ thời “bão giá” vì phải cắt giảm mọi chi tiêu trước tình trạng giá điện, xăng đồng loạt tăng cao
‘Muốn ‘liệu cơm gắp mắm’ cũng không kịp’
Chỉ trong vòng 30 ngày, người dân liên tiếp than… trời vì chưa kịp hết “sốc” khi giá điện tăng vọt, đã tiếp tục nghe tin giá xăng tăng gần 1.000 đồng/lít từ chiều 2.5 (dù tính từ đầu tháng 4, giá xăng đã tăng 2 lần rồi). Kéo theo đó, giá nhà trọ, thực phẩm, hàng loạt những mặt hàng khác… cũng tăng theo khiến người Sài Gòn khốn đốn.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại các khu chợ, cửa hàng ở TP.HCM, rất nhiều các mặt hàng như thịt, cá, rau củ quả… ít nhiều đều đã tăng giá. Nhiều người dân cho biết, nhìn giá xăng, dầu, điện, nước đã chóng mặt, đi chợ mua đồ còn khổ sở hơn vì cái gì cũng đắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch chi tiêu hàng ngày.
Bà Phạm Thị Mỹ (72 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) vừa đứng ngán ngẩm trước một hàng rau củ ở chợ Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), vừa than thở: “Ngày trước mỗi lần ra chợ tiêu khoảng 200 nghìn/ngày, bây giờ thì lên tận 250 nghìn. Trước tôi mua 10 nghìn rau là đủ, giờ phải mua 15 nghìn. Trái cây tôi mua cho mấy đứa cháu nhỏ ăn cũng vậy, dưa hấu 10 nghìn thì nay lên 14 – 15 nghìn, vì họ bảo chở xe từ Long An lên tiền xăng cao quá! Xăng, điện tăng nên chi phí sinh hoạt đều tăng. Nhà tôi trước kia tổng chi khoản 5 triệu/tháng, bây giờ lên gần 7 triệu, tương lai phải cắt giảm ăn uống và nhiều thứ lại. Mà người lớn thì không sao, còn mấy đứa nhỏ tội chúng, ăn uống phải đầy đủ đâu có bớt được”.
Một người dân đắn đo khi thấy giá cá tươi tăng đến 10%/kg
Video đang HOT
Xăng, điện tăng giá, người mua khổ mà người bán cũng… khổ! Bà Trần Thị Mai (55 tuổi), một tiểu thương, phải liên tục giải thích cho khách về việc các mặt hàng mình bán phải tăng giá
Chị Trần Thị Thảo (39 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức), một người dân đi chợ ở đây cũng chia sẻ, một ngày ăn uống của 4 người trong gia đình chị thường chỉ gói ghém trong khoảng 100 nghìn. Vì cả hai vợ chồng chị đều đi làm thuê, lương gom lại chỉ được hơn 5 triệu/tháng, trong khi chi phí nhà trọ và học hành của 2 con nhỏ đã “ngốn” bộn tiền. Giá cả tăng cao khiến chị phải tìm cách tằn tiện, sắp xếp lại kế hoạch chi tiêu.
“Tiền trọ 1,2 triệu/tháng, điện nước cũng hơn 700 nghìn. Tháng vừa qua tiền điện nước đột ngột lên hơn 1 triệu, rồi ra đi chợ cái gì cũng đắt hơn một chút. Thấy một chút một chút vậy mà gom lại vợ chồng mình bị hụt tiền lương luôn, phải cấn đỡ vào tiền dành dụm phòng khi bệnh tật. Đồ ăn uống lên giá thì buộc mình giờ đi chợ mua ít lại, chứ nếu mua hơn 100 nghìn là không kịp xoay sở. Khổ thật, nếu vì thị trường sao đó thì tăng cũng được, nhưng phải từ từ. Đùng một cái điện nước, xăng cộ lên ào ào, muốn “liệu cơm gắp mắm” cũng không kịp luôn”, chị cho biết.
Nhiều ngày mới giặt đồ một lần để… đỡ tiền điện
Đi chợ trong thời “bão giá”, người dân buộc phải chọn một trong hai cách: thắt chặt chi tiêu các khoản khác lại để dành tiền đi chợ hoặc cố gắng cắt giảm những thứ phải mua hằng ngày xuống.
“Sống ở Sài Gòn, bình thường là đã tiết kiệm rồi, bây giờ lại càng phải cắt giảm hết mức mọi thứ. Chứ biết làm sao, vì điện, xăng đều là những thứ cần thiết nhất mà, đắt thì vẫn phải sử dụng thôi. Bắt (mở – PV) quạt ít lại, bắt đèn ít lại, ăn uống chừng mực lại, để cái này còn bù cái kia. Riết lấy xe đi chợ mỗi ngày cũng không dám vì chịu xăng không nổi, phải đi 1 ngày mua luôn cho vài ngày. Mà thịt rau về để dành 2 – 3 ngày thì phải bỏ tủ lạnh, thế là lại lòi ra tiền điện tủ lạnh! Bởi vậy, giờ chuyện chi tiêu làm sao cho hợp lý thôi cũng là một cái khổ nữa”, bà Nguyễn Ngọc Hồng Thắm (45 tuổi, ngụ Q.3) chia sẻ.
Người dân chọn cách cắt giảm bữa ăn hoặc phải thắt chặt các khoản chi khác trong sinh hoạt để cân đối tiền đi chợ
Trong khi đó, bà Trần Thị Mai (55 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh), cho biết, nhà bà chỉ có 2 mẹ con. Những tháng trước trung bình bà chỉ xài dưới 140 kWh điện, nhưng tháng vừa rồi do trời quá nóng nực, lượng điện sử dụng lên 170 kWH. Cùng lúc đó, giá điện nơi bà sống lại lên 4.000 đồng/kWh. Công việc buôn bán còn đòi hỏi bà phải thường xuyên chạy xe đi giao hoặc lấy hàng về. Khi xăng tăng, điện tăng buộc bà phải dè xẻn đủ bề.
“Xăng tăng, điện tăng mà lương con tôi đi làm thì không thấy tăng. Còn tôi buôn bán cũng ít hơn, tại giá cả tăng cao làm người ta mua sắm tiết kiệm hơn. Hai mẹ con giờ phải hạn chế nhiều thứ. Cửa nhà lúc nào cũng mở, để đỡ bắt quạt. Còn máy giặt, trước 2 – 3 bộ là giặt một lần, giờ đợi 4 – 5 bộ mới dồn vô giặt luôn thể”, bà Mai nói.
Câu chuyện… giặt đồ tương tự cũng xảy ra ở nhà ông Trịnh Văn Quang (57 tuổi, ngụ Q.1). Ông kể: “Nếu trước 2 ngày giặt đồ một lần thì giờ cũng ráng gom 3 – 4 bữa giặt cho nó đỡ điện một tí. Mấy tháng trước nắng nóng quá sức, xài máy lạnh nhiều nên tiền điện tăng vọt. Giờ giá điện lại tăng, nên chỉ dám bật tầm 1 – 2 tiếng trong ngày chứ không xài cả buổi như trước nữa. Nóng quá thì bật quạt, không thì ra sân ngồi. Cũng buồn cười lắm, thấy mẹ đi chợ mua thịt cá ít hơn, rau cũng chỉ 2 bó, cắt giảm 1 bó so với trước, mấy đứa nhỏ biết thân biết phận tự giác tiết kiệm luôn, ít bật máy lạnh, ít coi ti vi, vì chúng sợ… thiếu đồ ăn”.
Bà Kim Hoa (63 tuổi) phải tranh thủ đi xin đồ ăn ngoài chợ trong lúc bán vé số, để đỡ được phần nào chi phí sinh hoạt khi giá trọ tăng vì giá điện tăng
Trong khi đó, những người lao động thu nhập thấp như bà Lê Thị Kim Hoa (63 tuổi, ngụ Q.Bình thạnh), chọn cách đi xin đồ ăn ngoài chợ để đỡ được phần nào chi phí sinh hoạt. Bà cùng một người chị hiện ở trong căn phòng trọ giá 1,4 triệu đồng, đã bao gồm điện nước. Khi giá điện tăng cao, chủ nhà đã nâng giá phòng lên 1,6 triệu, khiến bà chật vật xoay sở.
“Tôi bán vé số nhiều lắm cũng chỉ được 100 tờ/ngày. Trước tôi nuôi cả mẹ già và chị bị tâm thần, mẹ chỉ mới mất cách đây vài ngày. Nhưng còn tiền thuốc men cho chị và căn bệnh tim ngày càng nặng của tôi nữa, nên 1,4 triệu là đã thiếu trước hụt sau rồi. Điện tăng, chủ nhà đòi lên 1,6 triệu, giờ phải đi xin đồ ăn ngoài chợ, người ta thương thì cho chứ tự mua không nổi nữa”, bà thở dài.
Theo Thanhnien
Ổ bánh mì, bịch mì chính, mớ rau... đã tăng giá
Người bán nói xăng tăng liên tục, giá mua từ cây chả, cọng rau hành đều tăng, không thể bán bánh mì bằng giá cũ được, như vậy không có lãi đồng nào.
Giá xăng tăng kéo các mặt hàng khác tăng theo
Dẫn chứng cho việc tăng giá rõ ràng nhất, ông Văn Công Điểm - Phó tổng giám đốc Công ty Phương Trang, kể lâu nay ông mua bánh mì tại tủ bán bánh mì trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) giá 20.000 đồng, nhưng sáng nay tăng giá lên 25.000 đồng/ổ. Hỏi, người bán nói xăng tăng liên tục, giá mua từ cây chả, cọng rau hành đều tăng, không thể bán bánh mì bằng giá cũ được, như vậy không có lãi đồng nào.
Tại cửa hàng chuyên bán rau sạch trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), giá bó rau muống sạch mua tuần trước là 14.000 đồng, sáng qua (18.4), cửa hàng niêm yết giá bó rau này 17.000 đồng. Hỏi sao tăng đột ngột quá vậy, cô chủ cửa hàng bảo nhẽ ra đã tăng từ tuần trước, những cố giữ giá, sáng nay xe chở rau đến đã tăng, cộng thêm giá mua tại nông trại tăng, nên buộc phải tăng thêm 10 - 20% cho giá các loại rau củ bán trong cửa hàng.
Tương tự, ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở chả sạch Quang Hậu (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho hay bột ngọt hiệu Ajinomoto của cơ sở mua lâu nay tăng 3.000 đồng/kg từ tuần trước và sáng qua tăng tiếp 2.000 đồng/kg. Tổng cộng hai lần tăng hơn 10% so với tháng trước. Giá thịt bán sỉ tại các chợ đầu mối sáng qua chưa thấy tăng, tuy nhiên giá thịt tại chợ bán lẻ đã rục rịch tăng. Tại chợ Thái Bình (Q.1, TP.HCM), theo người bán, giá thịt nạc thăn tăng 5.000 đồng/kg từ hôm qua (giá cũ 85.000 đồng, giá mới 90.000 đồng/kg), thịt ba chỉ 135.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng/kg so với tuần trước), giá sườn 125.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng).
Ông Hậu cho rằng, giá điện đã "giáng đòn" quá nặng lên DN sản xuất nay thêm giá xăng tăng vọt khiến nhà sản xuất không thể không tăng giá bán. "Giá tăng đã "leo lên" ngồi chễm chệ trên bàn ăn mỗi gia đình rồi", ông Hậu ví von.
Góp ý về việc điều hành giá xăng, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Vận tải Kim Phát, nêu ý kiến: "Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu trong thời gian nhất định, trung bình khoảng 4 - 6 tháng để DN có thể hoạt động ổn định, đảm bảo lợi nhuận".
Theo Thanhnien
Bất an các điểm đen 'tử thần' ở Sài Gòn Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn TP.HCM có 16 điểm đen tai nạn giao thông cần xử lý trong năm 2019. Nhưng chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019, đã phát sinh thêm 3 điểm đen. Tai nạn giữa hai xe tải tại vòng xoay Mỹ Thủy (Q.2) . ẢNH: CÔNG NGUYÊN Tái diễn cảnh xe máy đi vào làn đường...