Giá điện và xăng dầu có thể sẽ được đóng “dấu mật”
Báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố sẽ được xếp vào dạng tài liệu mật.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Danh mục bí mật Nhà nước của ngành Công Thương. Trong đó, đáng chú ý là báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố được xếp vào dạng tài liệu mật.
Sau khi được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, rất nhiều tổ chức và chuyên gia đã phản đối về đề xuất trên. Để rõ hơn nữa về đề xuất này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, quy định vừa lỏng, vừa rộng về danh mục bí mật nhà nước có thể dẫn đến nguy cơ đóng dấu mật một cách tùy tiện văn bản liên quan.
Ông Thịnh phân tích, theo quy định của pháp luật, việc một văn bản có được đóng “dấu mật” hay không trước hết phải phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Trong khi đó, với lĩnh vực giá xăng dầu, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố không thuộc phạm vi của bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, không có cơ sở để Bộ Công thương đưa nội dung này vào danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý.
- Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Thông thường, quyết định tăng giá điện, giá xăng chỉ được đưa ra vào sát thời gian tăng giá nên gây khó khăn rất lớn cho người dân và doanh nghiệp khiến họ không chủ động trong việc xây dựng kịch bản sản xuất kinh doanh.
Với vấn đề giá điện, tôi hiểu rằng, cơ quan quản lý đang lo ngại việc công bố kịch bản tăng giá điện trước thời điểm ban hành một thời gian (khoảng từ 10 đến 15 ngày) sẽ tạo nên tình trạng doanh nghiệp “đua nhau” sản xuất kinh doanh trước thời điểm giá điện tăng để tiết kiệm chi phí. Điều này dẫn đến tình trạng ngành điện quá tải và sự an toàn của hệ thống điện. Nhưng chúng ta lại hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này bằng một số biện pháp kỹ thuật và hình thức quản lý như có thể chọn thời điểm điều chỉnh giá khi công suất phụ tải thấp.
Với lĩnh vực xăng dầu cũng tương tự như vậy. Có thể cơ quan quản lý có lo ngại về việc nguy cơ đầu cơ, tích trữ mặt hàng xăng dầu nên đưa chúng vào diện “dấu mật” nhưng thực tế cho thấy, nhờ việc kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đầu mối nên hiện tượng này đã giảm rất nhiều và gần như không còn tái diễn trong vài năm trở lại đây.
Video đang HOT
Hơn thế nữa, việc công khai phương án tăng giá điện, giá xăng cũng là cơ hội để dư luận, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá xem việc tăng có hợp lý hay không hợp lý, mức tăng bao nhiêu % là phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
- Vậy nếu đề xuất này được thông qua thì sao, thưa ông?
Với doanh nghiệp, giá xăng và giá điện là những thông số đầu vào rất quan trọng để hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do đó, việc doanh nghiệp được biết sớm các quyết định điều chỉnh giá xăng, giá điện từ phía Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong các kế hoạch kinh doanh của mình.
Trong những lần tăng giá điện, giá xăng, tôi thấy báo chí đã nhiều lần phản ánh rằng, chi phí điện, xăng tăng cao như vậy sẽ tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người tiêu dùng. Nhưng tôi cho rằng, thứ người dân hay doanh nghiệp mong muốn không phải là giá điện thấp mà là giá hợp lý với chất lượng sản phẩm hợp lý. Vậy, có lý do gì mà chúng ta phải đóng dấu mật vào phương án tăng giá xăng, giá điện.
Ở góc độ nhà nước, trong thời gian qua, người dân phàn nàn rất nhiều về vấn đề độc quyền của ngành điện lực. Bây giờ Bộ Công thương đóng dấu “mật” vào lĩnh vực này thì khác nào “mua dây buộc mình”, khác nào tự chứng minh mình không minh bạch? Minh bạch trong vấn đề này sẽ tránh được việc người dân, doanh nghiệp nghĩ rằng ngành điện đang giấu thông tin.
Quan sát các nước trên thế giới, tôi thấy rằng, có nhiều nước trên thế giới công khai việc tăng giá điện. Ngay trong khu vực Đông Nam Á cũng có nhiều nước tăng giá điện như Maylaysia, Singapore, Indonexia…
Với Việt Nam, đã đến lúc chúng ta phải học các nước này trong việc công khai giá bán điện để người dân và doanh nghiệp biết.
- Theo ông, dấu mật nên được sử dụng theo cách thức nào?
Trên thực tế, việc làm dụng tình trạng đóng dấu mật sẽ khiến doanh nghiệp và người dân gặp khó trong việc tiếp cận thông tin. Cần thấy rằng việc lạm dụng dấu mật là mâu thuẫn với Luật Tiếp cận thông tin, đi ngược lại xu hướng bảo vệ nhân quyền mà nhà nước chúng ta đang hướng tới.
Chúng ta nên rà soát lại các quy định, văn bản liên quan đến việc đóng dấu mật, làm rõ cái gì thì được coi là mật, cái gì không mật, độ mật thế nào, giải mật thế nào, chứ không thể tùy tiện đóng dấu mật như hiện nay, bởi việc này gây ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp, báo chí…
- Xin cảm ơn ông!
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản chính thức trả lời Bộ Công Thương về đề nghị góp ý đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng về Danh mục bí mật Nhà nước ngành Công thương, trong đó có nội dung quy định giá xăng và giá điện khi chưa công bố cần xếp vào diện tài liệu mật.
VCCI cho hay, qua tham khảo ý kiến doanh nghiệp và các chuyên gia, thì giá xăng và giá điện là những thông số đầu vào rất quan trọng để các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu biết sớm các quyết định điều chỉnh giá xăng, giá điện từ phía Nhà nước.
“Việc bí mật phương án giá xăng có thể được suy đoán là nhằm tránh tình trạng đầu cơ như đã diễn ra cách đây nhiều năm. Đã từng có hiện tượng trước mỗi thời điểm tăng giá, các cây xăng lấy lý do kỹ thuật để dừng bán xăng, gây ảnh hưởng đến nhu cầu xăng dầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ việc kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đầu mối, nên hiện nay đã giảm rất nhiều và gần như không còn tái diễn trong vài năm trở lại đây”, VCCI lập luận.
Đỗ Huyền
Theo Diendan
VCCI đề nghị Bộ Công Thương không đóng dấu mật vào phương án giá xăng, giá điện
Theo VCCI, doanh nghiệp cần biết sớm các quyết định điều chỉnh giá xăng, điện bởi đó là những thông số đầu vào rất quan trọng để hoạch định kế hoạch.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa chính thức trả lời Bộ Công Thương về đề nghị góp ý đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng về Danh mục bí mật Nhà nước ngành Công thương, trong đó có nội dung quy định giá xăng và giá điện khi chưa công bố cần xếp vào diện tài liệu mật.
Theo VCCI, qua tham khảo ý kiến doanh nghiệp và các chuyên gia, thì giá xăng và giá điện là những thông số đầu vào rất quan trọng để các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu biết sớm các quyết định điều chỉnh giá xăng, giá điện từ phía Nhà nước.
Trong văn bản trả lời Bộ Công Thương, VCCI nêu rõ: "Việc bí mật phương án giá xăng có thể được suy đoán là nhằm tránh tình trạng đầu cơ như đã diễn ra cách đây nhiều năm. Đã từng có hiện tượng trước mỗi thời điểm tăng giá, các cây xăng lấy lý do kỹ thuật để dừng bán xăng, gây ảnh hưởng đến nhu cầu xăng dầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ việc kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đầu mối, nên hiện nay đã giảm rất nhiều và gần như không còn tái diễn trong vài năm trở lại đây".
VCCI kiến nghị về việc giá xăng không nên đóng dấu mật. Ảnh: T.L
Bên cạnh đó, hiện cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu và phương pháp tính giá đã được quy định khá chi tiết tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Theo VCCI, dựa vào các quy định này, việc tiên đoán thời điểm điều chỉnh giá và mức giá tương đối dễ dàng. Trước mỗi đợt điều chỉnh giá, một số tờ báo đã đưa thông tin dự báo rất chính xác phương án giá xăng dựa trên các thông số đầu vào công khai trên thị trường quốc tế.
"Thực tiễn cũng cho thấy, các dự báo này không gây tác động gì lớn đến hoạt động mua bán xăng dầu bình thường trên thị trường", VCCI nhấn mạnh.
Đối với mặt hàng điện, VCCI cho hay, do đặc tính sản xuất và tiêu dùng đồng thời, nên nguy cơ đầu cơ mặt hàng này rất khó có thể xảy ra. Có chăng chỉ là hiện tượng gia tăng sử dụng điện trước mỗi dịp tăng giá có thể gây ảnh hưởng đến khả năng truyền tải của hệ thống đường dây. Tuy nhiên, nguy cơ này không cao và dễ dàng được xử lý thông qua các biện pháp kỹ thuật và điều hành (ví dụ chọn thời điểm điều chỉnh giá khi công suất phụ tải thấp).
ĐÀO BÍCH
Theo VTC
Có được ủy quyền cho vợ nhận trợ cấp thất nghiệp? Hôm nay cơ quan điều hành sẽ tiến hành điều chỉnh giá xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thành phẩm thế giới giảm mạnh. Hôm nay, Liên Bộ Tài chính - Công thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu thường kỳ. Ảnh minh họa Theo dữ liệu từ Bộ Công thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore...