Giá điện ở Việt Nam quá rẻ nên không cần tiết kiệm?
Giá điện thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc, Thái Lan, khiến khách hàng không quan tâm đến tiết kiệm điện và các DN có vốn nước ngoài đưa công nghệ lạc hậu vào sản xuất để kiếm lời – lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương nói.
Tại Hội nghị “Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, trong thời gian ngắn sắp tới, các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước sẽ không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Nước ta sẽ chuyển từ một nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu thuần về năng lượng.
Giá bán điện lẻ bình quân ở Việt Nam thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc, Thái Lan. Ảnh minh họa
Theo đó, nước ta sẽ bắt đầu phải nhập khẩu than cho phát điện từ năm 2017 và dự kiến nhập khẩu khí hóa lỏng từ năm 2023 để đảm bảo nguồn năng lượng cung ứng cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh mới đây, Quốc hội đã phê chuẩn việc dừng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thì việc tìm các giải pháp cung ứng đầy đủ nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế trong tương lai là vấn đề quan trọng và cấp bách.
Theo ông, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu thì việc phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đóng vai trò ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay giá thành năng lượng tái tạo như nhiệt điện mặt trời, gió…còn cao, chưa có khả năng cạnh tranh nên sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cần ưu tiên thực hiện.
Video đang HOT
Mặc dù cường độ năng lượng của nước ta đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2011- 2015 tuy nhiên vẫn ở mức rất cao so với khu vực và thế giới (cao hơn 1,4 lần so với Malaysia và hơn 5 lần so với Nhật Bản).
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng từ 25- 40%.
Song theo đánh giá của Tổng Cục Năng lượng, nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thấp. Doanh nghiệp không muốn chọn giải pháp tiết kiệm năng lượng vì vốn đầu tư ban đầu cao hơn các thiết bị thông thường.
Mặt khác, theo lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, giá năng lượng thấp đang là rào cản cho việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, làm giảm hiệu quả kinh tế, giảm động lực của doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
“Hiện nay, giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng của nước ta tương đối thấp nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.622 đồng/kWh, tương đương với 7,31 US cent/kWh. Giá điện của Việt Nam thấp hơn đáng kể nếu so với Trung Quốc (10,04 cent/kWh), Thái Lan (11,81 cent/kWh), chỉ cao hơn Indonesia (6,72 cent/kWh) là quốc gia còn duy trì cơ chế bao cấp giá năng lượng”, ông Quân cho hay.
Tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho rằng, giá điện ở Việt Nam còn thấp so với thế giới và khu vực, dẫn tới khách hàng không quan tâm tiết kiệm điện.
“Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng lợi dụng chính sách giá điện rẻ cho sản xuất công nghiệp để mang những nhà máy có công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp để sản xuất, xuất khẩu kiếm lời ở Việt Nam”, đại diện EVN cho biết.
Theo Thùy An (Infonet)
Bộ Công Thương "thúc" Hải quan cho Formosa được trực tiếp nhập than
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện của Nhà máy Nhiệt điện Formosa, Bộ Công Thương vừa có đề nghị Tổng cục Hải quan sớm hoàn thiện các thủ tục hải quan theo quy định để thông quan đối với mặt hàng than do Formosa nhập khẩu.
Đơn đề nghị này vừa được Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương gửi đến Tổng cục Hải quan xung quanh thông tin gần đây, Formosa kêu khó khăn trong việc nhập khẩu than trực tiếp để phục vụ phát điện nhà máy nhiệt điện Formosa tại Đồng Nai.
Nhiệt điện Formosa tại Đồng Nai
Theo lý giải của cơ quan Bộ Công Thương, dự án Nhà máy nhiệt điện Formosa do Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa (tại Đồng Nai) làm chủ đầu tư có công suất 2x150 MW, sử dụng nguồn than nhập khẩu đã đi vào vận hành từ năm 2004.
Tại Thông báo số 101/TB-VPCP ngày 9/7/2003 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đồng ý cho phép Formosa nhập khẩu than để sử dụng cho mục đích phát điện của Nhà máy nhiệt điện Formosa. Do đó, việc Formosa đề nghị tiếp tục nhập khẩu than cho nhà máy nhiệt điện là phù hợp với quy định hiện hành.
Trước đó, như Dân Trí đã đưa tin, Formosa đã gửi kiến nghị đến Tổng cục Hải quan, yêu cầu tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục nhập khẩu than trực tiếp từ nước ngoài. Lý do của Formosa đưa ra, than trong nước có chất bốc thấp, không phù hợp với thiết bị công nghệ nhà máy phát điện của Formosa tại Đồng Nai. Đồng thời Formosa là DN có kinh nghiệm và có nguồn cung tốt, do đó được quyền tự nhập than không qua doanh nghiệp nào cả.
Tuy nhiên, bối cảnh cho phép Formosa trực tiếp nhập than 2004 khác với hiện nay, khi đó than nhập giá rẻ được ưu tiên dùng cho các nhà máy điện, số lượng than khai thác trong nước được khai thác chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Nhưng hiện nay, khi nhập khẩu than đang rất lớn, lượng tồn kho tăng cao và đặc biệt từ năm 2014, Chính phủ đã quy định ưu tiên sử dụng than trong nước để phát điện và các DN nhập khẩu than phải thông qua hai đầu mối chính, nhằm quản lý hoạt động nhập khẩu than.
Cụ thể, trong Thông báo số 346/TB-VPCP chỉ đạo ngày 26/8/2014 Văn phòng Chính phủ đã công bố kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc nhập khẩu than. Theo quy định phải qua hai đầu mối chính là: Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) hoặc Tổng Công ty Đông Bắc. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế vừa bảo đảm các doanh nghiệp đầu mối tìm nguồn cung cấp ổn định, với chất lượng và giá cả phù hợp. Văn bản này có hiệu lực ngay từ thời điểm ban hành.
Một diễn biến đáng chú ý, theo thông báo mới nhất Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), lượng tồn kho than trong nước sản xuất hiện đang ở mức 10 triệu tấn, trong khi đó, hết 9 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu than (theo báo cáo của Tổng cục Hải quan) đã sụt giảm hơn 50% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2015, đứng đầu trong các mặt hàng sụt giảm xuất khẩu. Sản xuất tồn kho, xuất khẩu giảm sút, đang khiến TKV rất khó khăn.
Chiều ngược lại, nhập khẩu than của Việt Nam qua TKV và từ nhiều DN có xu hướng tăng rất mạnh. Hết 9 tháng, cả nước đã nhập hơn 10,5 triệu tấn than, bằng với lượng than tồn kho, đạt giá trị khoảng 654 triệu USD, tăng mạnh nhất trong các mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam, khoảng 147% về lượng và 82% về giá trị.
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Tỉnh Hòa Bình xin thêm 3 dự án thủy điện nhỏ Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chiều 17/10, lãnh đạo tỉnh Hoà Bình đã xin thêm 3 dự án thuỷ điện bao gồm: Thủy điện So Lo 2 - Suối Rút, Thủy điện Suối Cái 1, và Dự án thủy điện Suối Cái 2 thuộc tỉnh Hòa Bình. Tại buổi làm việc với người đứng đầu ngành...