Giá điện chính thức tăng 7,5%
Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi chủ trì họp Thường trực Chính phủ để nghe Bộ Công thương báo cáo phương án điều chỉnh giá bán điện năm 2015, đã đồng ý việc điều chỉnh giá điện lên 7,5% (tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh), kể từ ngày 16.3.2015.
Ngành điện cần công khai, minh bạch hơn – Ảnh: Ngọc Thắng
Chính phủ cũng cho rằng việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỉ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỉ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.
Video đang HOT
Theo đánh giá của Bộ Công thương, nếu giá điện tăng 7,5% thì sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 lên 0,369%; giá thành sản xuất phôi thép tăng 0,75%; giá thành sản xuất xi măng tăng 2,25%. Đối với đời sống dân cư, giá điện tăng ở mức trên sẽ làm các hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng phải trả thêm tiền điện 6.000 đồng/tháng; với các hộ sử dụng điện từ 100 – 300 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 18.900 đồng/tháng và với các hộ sử dụng trên mức này sẽ phải tiền điện thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng.
Việc Chính phủ đồng ý để EVN điều chỉnh giá điện cũng gây ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia kinh tế. Theo Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên, về dài hạn, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết vì hiện nay, giá điện VN duy trì ở mức thấp khá lâu sẽ khiến ngành điện thiếu nguồn vốn đầu tư, phát triển nguồn điện, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế về dài hạn. “Tuy nhiên, vấn đề là ngành điện phải công khai, minh bạch hơn nữa, loại bỏ ra những khoản chi phí bất hợp lý để tính toán điều chỉnh giá điện chính xác”, ông Thiên nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì đánh giá việc EVN chuẩn bị tới 3 phương án điều chỉnh giá điện cho thấy tập đoàn này chưa có sự chuẩn bị chắc chắn, đảm bảo tính chính xác của việc tăng giá điện. “Chính phủ đã lựa chọn, đồng ý với phương án điều chỉnh giá điện thấp nhất là đã có sự cân nhắc mức giá điện nào là phù hợp với tình hình kinh tế, mức độ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân”, ông Ngô Trí Long nhận xét.
Trước đó, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng hiện nay có những sai lệch trong điều hành về giá. “Ví dụ về giá điện, vấn đề không phải tăng giá điện bao nhiêu mà nằm ở chỗ cách thức họ muốn tăng giá. Bộ Công thương bảo vệ đề xuất tăng giá của EVN, thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Bộ lại bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”, ông nói. Theo ông Cung, lẽ ra Bộ Công thương phải là cơ quan giám sát EVN độc quyền bằng cách rà soát, đánh giá chi phí sản xuất một cách độc lập, tham vấn các bên liên quan xem đề xuất của EVN có hợp lý không chứ không phải bảo vệ đề xuất này.
Mạnh Quân
Theo Thanhnien
Giá điện có thể tăng ngay trong tháng 3
Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra chiều nay (2.3), Bộ Công thương đã "bật xi nhan" về khả năng có thể tăng giá điện ngay trong tháng 3 này khi đã "ghìm" lại từ trước Tết.
Giá điện đã được ghìm tăng giá từ trước Tết - Ảnh: Ngọc Thắng
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên Online, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng, nhưng mức độ tăng bao nhiêu vẫn còn là một ẩn số. Theo lãnh đạo này, lẽ ra giá điện phải được điều chỉnh trước Tết khi một loạt yếu tố cấu thành nên giá đầu vào đã thay đổi. Cụ thể, tỷ giá tăng thêm 1%, giá than tăng 22%. Trong khi đó, dù giá dầu giảm mạnh nhưng đáng tiếc lại không có tác động tích cực khi tỷ lệ sản lượng điện chạy dầu chỉ chiếm có 0,55% tổng sản lượng điện hiện nay.
Về phương án tăng giá, ông Hải cho biết, theo quy định hiện hành, Tập đoàn Điện lực EVN sẽ đề xuất phương án, nếu mức tăng từ 7% đến dưới 10% thì Bộ Công thương sẽ quyết định, sau đó báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 3 này. Trường hợp còn lại, nếu tăng trên 10%, Bộ Công thương sẽ giải trình, xin ý kiến Bộ Tài chính rồi trình lên Thủ tướng xem xét phê duyệt.
Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), trong 5 năm tới đây, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện lên tới 7,5 tỉ USD/năm và 70% số vốn này phụ thuộc vào khu vực tư nhân thông qua các dự án nhà máy điện độc lập. Chính vì vậy, Việt Nam không thể thu hút được đầu tư cho nguồn điện nếu giá điện không phù hợp.
Anh Vũ - Mạnh Quân
Theo Thanhnien
"Ai cũng hưởng lợi" hay phát ngôn gây sốc của quan chức Người ta chỉ thấy, trong những đợt tăng giá điện liên tiếp trước đây từ năm 2010 - 2013, cũng chưa có nhóm khách hàng nào của EVN đã được hưởng lợi cả. Từ đầu năm 2015 đến nay, dù thời gian khá ngắn, công chúng đã phải "sốc" trước một số phát ngôn của cán bộ, quan chức nhà nước. Trong đó,...