Giá dầu tuần qua có mức giảm mạnh nhất trong hai năm
Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới đã chịu nhiều sức ép, trước mối lo ngại về nhu cầu, tiến triển trong đàm phán Nga-Ukraine và quyết định giải phóng lượng dầu kỷ lục của Mỹ.
Tính chung cả tuần, cả giá dầu Brent lẫn dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều giảm khoảng 13%, ghi dấu mức giảm hàng tuần mạnh nhất trong vòng hai năm.
Giá tại một trạm bán xăng ở Washington DC., ngày 8/3/2022 Ảnh: AFP/TTXVN
Trong phiên đầu tuần (28/3), giá dầu giảm khoảng 7% sau khi trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc tiến hành phong tỏa để hạn chế số ca mắc COVID-19, làm dấy lên lo ngại về tác động đối với nhu cầu dầu. Thượng Hải đã bước vào tình trạng phong tỏa hai giai đoạn đối với 26 triệu dân ở thành phố này trong ngày 28/3, trong nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Các con đường qua cầu và đường hầm đều bị chặn lại, trong khi đường cao tốc bị hạn chế. Ông Bjarne Schieldrop, chuyên gia phân tích hàng hóa trưởng của ngân hàng SEB (Thụy Điển), cho biết nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, được dự đoán sẽ giảm 800.000 thùng/ngày so với mức bình thường trong tháng Tư.
Giá dầu tiếp tục đi xuống trong phiên 29/3, trước tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhận định các cuộc hòa đàm diễn ra ngày 29/3 giữa các nhà đàm phán của Ukraine và Nga tại Istanbul đánh dấu tiến triển đáng kể nhất trong các cuộc thảo luận giữa hai nước tính tới thời điểm này. Phát biểu tại Istanbul, ông Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh hai nước đạt được thỏa hiệp và một nhận thức chung về các vấn đề cụ thể, đồng thời cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine cần phải chấm dứt sớm nhất có thể.
Sau khi đi lên trong phiên giao dịch 30/3, do lo ngại các lệnh trừng phạt mới của phương Tây đối với Nga, giá dầu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 31/3, theo sau thông báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden về kế hoạch giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) với quy mô lớn chưa từng có tiền lệ và kêu gọi các công ty dầu mỏ đẩy mạnh sản lượng khai thác nhằm tăng cường nguồn cung cho thị trường. John Kilduff, một đối tác của công ty tư vấn đầu tư Again Capital LLC (Mỹ) cho biết: “Đây là thời điểm mà mỗi thùng đều có giá trị và (đợt mở kho SPR) đồng nghĩa với một khối lượng dầu đáng kể được đưa vào thị trường trong một thời gian dài”.
Ngày 31/3 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố quyết định xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu. Thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh đây là mức “chưa từng có tiền lệ” bởi thế giới chưa từng giải phóng lượng dầu dự trữ lên tới 1 triệu thùng/ngày trong thời gian lâu như vậy. Mức giải phóng kho dầu dự trữ này tương đương với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong khoảng hai ngày và đánh dấu lần thứ ba Mỹ mở SPR trong vòng sáu tháng qua.
Trong phiên cuối tuần (1/4), giá dầu tiếp tục giảm khi các thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhất trí “bơm” thêm dầu ra thị trường. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 32 xu (0,3%) xuống 104,39 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 1,01 USD, (1%) xuống 99,27 USD/thùng.
Video đang HOT
IEA đã kết thúc hội nghị khẩn cấp bộ trưởng trong ngày 1/4 để thảo luận về tình hình thị trường dầu mỏ cũng như đưa ra quyết định về việc cùng giải phóng dầu từ các kho dự trữ chiến lược. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, các nước thành viên IEA sẽ tiếp tục đàm phán về một chương trình phối hợp mở kho dự trữ năng lượng. Khối lượng và thời gian của chương trình này có thể được thông qua qua sớm nhất trong vòng một tuần tới.
Tuy nhiên, vẫn có những hoài nghi rằng quyết định giải phóng dầu từ kho dự trữ của Mỹ có thể thay đổi cơ cấu của thị trường trong một thời gian dài. Damien Courvalin, chiến lược gia của ngân hàng Goldman Sachs, nhận định về mặt lý thuyết, đồng thái của Mỹ sẽ giúp ích cho thị trường dầu mỏ, song đây không phải là giải pháp cung cấp dầu mỏ lâu dài cho những năm tới.
Các chuyên gia nhấn mạnh lượng dầu dự trữ Mỹ tung ra thị trường vẫn không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm dầu thô của Nga. Theo IEA, sản lượng dầu của Nga có thể giảm 3 triệu thùng/ngày trong tháng Tư. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung bổ sung từ Mỹ sẽ chỉ thay thế 1/3 sản lượng bị hụt từ Nga.
Trong bối cảnh này, JPMorgan cho biết họ đã giữ nguyên dự báo giá dầu ở mức 114 USD/thùng trong quý II/2022 và 101 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.
'Hiệu ứng domino' từ căng thẳng Nga-Ukraine đối với thị trường dầu mỏ
Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu mỏ thế giới tăng mạnh tuần qua, bên cạnh nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, trong khi nguồn cung gặp khó khăn để theo kịp.
Các nhà phân tích lưu ý rằng nếu nguồn cung năng lượng bị xáo trộn trong cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nga và Ukraine, tác động từ sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sẽ ảnh hưởng tới nhiều khu vực trên thế giới, thậm chí trong kịch bản tồi tệ nhất có thể gây ra một đợt suy thoái mới.
"Hiệu ứng domino"
Toàn cảnh giếng khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Yamal thuộc Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong những phiên giao dịch gần đây, các nhà đầu tư đã đặt cược rất lớn vào khả năng giá dầu tiến tới ngưỡng 100 USD/thùng trên thị trường kỳ hạn. Giới đầu cơ dầu mỏ thậm chí còn đẩy mạnh hoạt động mua vào, khiến các hợp đồng dầu tương lai có thời điểm vượt ngưỡng 95 USD/thùng, đánh dấu mức cao kỷ lục của 8 năm qua.
Nguyên nhân tức thì ảnh hưởng tới tâm lý của thị trường là nguy cơ xung đột leo thang giữa Moskva và Kiev, cho dù phía Nga luôn bác bỏ kế hoạch triển khai hành động quân sự. Nga là một trong những siêu cường năng lượng và là nhà sản xuất dầu mỏ, khí đốt và than đá có vai trò quan trọng hàng đầu thế giới. Đặc biệt, châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí đốt xuất khẩu của Nga, và do đó đây được coi là "quân bài" chiến lược nếu Nga muốn trả đũa bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây trong cuộc khủng hoảng với Ukraine.
Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine thực tế chính là "hiệu ứng domino" trên thị trường năng lượng, khi dầu mỏ đang bước vào chu kỳ tăng giá do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục hồi. Kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng trở lại giai đoạn hậu dịch COVID-19, hoạt động đi lại của người dân dần bình thường hóa và tất nhiên kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng.
Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu liên minh (còn gọi là nhóm OPEC ) hiện vẫn duy trì hạn ngạch sản xuất. Bản thân Nga cũng đóng vai trò mang tính chủ chốt và có tiếng nói quan trọng trong nhóm OPEC . Liên minh này đang kiểm soát nguồn cung dầu mỏ một cách "thận trọng" bất chấp nhu cầu toàn cầu thay đổi và sức ép yêu cầu tăng sản lượng từ Mỹ.
Giữa bối cảnh đó, chuyên gia phân tích Rebecca Babin tại CIBC Private Wealth cho rằng thị trường lo ngại về khả năng Nga tấn công Ukraine suốt nhiều tuần qua, song hầu hết tin rằng nó sẽ không xảy ra hoặc ít nhất là sau Thế vận hội Olympic Mùa đông. Điểm mấu chốt đối với giá dầu thô nằm ở việc Mỹ và các đồng minh có trừng phạt Nga hay không. Đó là điều cuối cùng sẽ xác định nguồn cung dầu thô bị ảnh hưởng như thế nào.
Vấn đề khó xác định giải pháp
Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên Biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc giá "vàng đen" tăng nhanh dựa trên những đồn đoán, cho thấy mức độ chặt chẽ của các nguyên tắc cơ bản trên thị trường dầu mỏ hiện tại. Nhu cầu ngày càng tăng cùng với lượng hàng tồn kho thấp và nguồn cung mới hạn chế đang làm dấy lên tâm lý bất an trên thị trường.
Cũng có quan điểm cho rằng Mỹ và phương Tây đứng trước quyết định khó khăn nếu áp đặt trừng phạt Moskva. Trong kịch bản Washington trừng phạt xuất khẩu dầu mỏ của Nga giống như cách đã làm với Iran thì đây sẽ là đòn giáng mạnh vào nguồn thu của Nga. Bởi lẽ xuất khẩu dầu chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu và 30% giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga.
Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi khi giá dầu và khí đốt tự nhiên hiện đã quá cao ở Mỹ và châu Âu, nên khả năng trừng phạt xuất khẩu dầu của Nga rồi nguồn cung bị kiềm chế thêm sẽ khiến thị trường năng lượng càng trở nên mất kiểm soát.
Hệ quả xa hơn, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hóa đơn năng lượng và điện, đồng thời giá phân bón và giá lương thực cũng sẽ chạm tới các mức cao kỷ lục và làm gia tăng áp lực lạm phát.
Tại châu Âu, mối đe dọa về nguy cơ leo thang quân sự ở Ukraine đang tác động lớn đối với thị trường khí đốt. Khả năng Nga chủ đích cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang châu Âu là không cao, bởi điều này cũng không có lợi trên phương diện tài chính đối với Moskva. Nga hiện cung cấp cho châu Âu hơn 1/3 nhu cầu khí đốt tự nhiên hàng năm và xuất khẩu khoảng 2 triệu thùng/ngày (gồm cả dầu thô và chế phẩm dầu mỏ) sang các quốc gia châu Âu. Ngoài ra, báo cáo của Ngân hàng đầu tư JPMorgan cho thấy, khoảng 70% khí đốt của Nga được vận chuyển tới châu Âu bằng đường ống và khu vực này phụ thuộc rất nhiều vào việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.
Thậm chí, theo dự đoán của ông Natasha Kaneva, người phụ trách chiến lược hàng hóa toàn cầu của JPMorgan, giá dầu có thể dễ dàng tăng lên đến 120 USD/thùng, nếu hoạt động xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn bởi tình hình căng thẳng với Ukraine, trong bối cảnh năng lực sản xuất dư thừa ở các khu vực khác đều đang ở mức thấp.
Tình hình Ukraine đã làm nổi bật sự phụ thuộc của "lục địa già" vào nguồn khí đốt tự nhiên của Nga, cũng như những nỗ lực của châu Âu trong vài tuần qua để đảm bảo các lựa chọn thay thế trong trường hợp bị cắt nguồn cung. Dù đã cố gắng, song châu Âu cũng không thể tìm được nhà thay thế ngay lập tức. Nếu tất cả các dòng khí ngừng hoạt động, kho chứa khí đốt hiện có của châu Âu sẽ cạn kiệt sau 6 tuần. Vì vậy, bất kỳ sự gián đoạn tiềm tàng nào đối với các đường ống có thể dẫn đến sự hỗn loạn năng lượng ở châu Âu và lan ra thị trường khí đốt và điện năng toàn cầu.
Khó có thể biết chính xác thời điểm giá dầu đạt đỉnh nếu căng thẳng Nga-Ukraine không sớm "hạ nhiệt", và cho đến lúc đó loại hàng hóa này vẫn tiềm ẩn sự biến động mạnh mẽ, giống như những đợt tăng giá đột biến vừa qua. Bất chấp các nỗ lực chuyển đổi cán cân năng lượng, thế giới hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch về trung hạn. Trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ bị giới hạn, việc xử lý cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine mà không gây ra áp lực đối với các thị trường hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là dầu thô và khí đốt, sẽ là thách thức lớn đối với Nga và phương Tây.
Giá dầu hôm nay (31/3) bất ngờ giảm mạnh Giá dầu thô đã giảm về sát mốc 100 USD/thùng do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 và lạm phát cao. Theo dữ liệu từ Oilprice, đầu giờ sáng nay (31/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng...