Giá dầu tiếp tục tăng nhẹ nhờ lực đẩy từ dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc
Giá dầu Brent tăng gần 0,5% trong phiên ngày 13/4 sau khi thị trường đón nhận dữ liệu cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc tăng kỷ lục.
Giá dầu tiếp tục tăng nhẹ trong phiên ngày 13/4. Ảnh: Reuters
Thị trường năng lượng tiếp tục khởi sắc trong phiên ngày 13/4 sau khi leo dốc ở phiên đầu tuần. Tuy nhiên, đà đi lên của giá “vàng đen” trong hôm nay vẫn còn yếu ớt trong bối cảnh nhà đầu tư bớt lo ngại về nguy cơ nguồn cung bị gián đoạn do căng thẳng Trung Đông.
Cụ thể, giá dầu Brent giao sau tăng 25 xu Mỹ, tương đương 0,4% lên 63,53 USD, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng cộng 14 xu Mỹ (khoảng 0,2%) lên mức 59,84 USD/thùng.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 ghi nhận mức tăng kỷ lục, dấu hiệu rõ ràng về đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh nhiều nước đang tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19.
Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc cũng đạt mức cao nhất trong 4 năm. Lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 21% trong tháng 3 khi các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh hoạt động.
Theo nhà phân tích dầu Louise Dickson của trung tâm Rystad Energy, giá dầu phục hồi trong 2 phiên đầu tuần một phần nhờ tiến độ của các chiến dịch tiêm chủng vaccine ở Mỹ đang giúp nền kinh tế phục hồi.
Video đang HOT
Ngoài ra, giá dầu đi lên trong ngày 13/4 nhờ dự đoán cho rằng các kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước sẽ giảm trong tuần thứ 3 liên tiếp.
Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hôm 12/4 cho biết, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ dự kiến sẽ tăng tháng thứ 3 liên tiếp với mức tăng khoảng 13.000 thùng/ngày trong tháng 5 lên 7,61 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ sau khi phong trào Houthi tại Yemen ngày 12/4 thông báo đã phóng 17 thiết bị bay không người lái vào các mục tiêu tại Ả Rập Saudi, trong đó có 10 thiết bị tấn công vào các cơ sở lọc dầu của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco ở Jubeil và Jeddah.
Dẫu vậy, các nhà phân tích của PVM nhận định: “Tình trạng leo thang căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông sẽ chỉ có tác động đáng kể đối với giá dầu thô nếu nguồn cung bị gián đoạn”.
Nước nào đang dẫn đầu đường đua tiêm chủng vaccine Covid-19 ở châu Á?
Từng đi đầu thế giới trong việc kiểm soát dịch bệnh, các quốc gia châu Á đang tụt lùi so với phương Tây trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19...
Du khách tại Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post
So với các nước phương Tây, chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại châu Á đang diễn ra tương đối chậm chạp. Hiện tại, những nơi có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất là các quốc đảo nhỏ như Seychelles, Maldives hay Singapore.
Theo dữ liệu từ dự án nghiên cứu Our World in Data, tính tới ngày 6/4, Singapore đã tiêm 26 liều vaccine Covid-19 trên mỗi 100 dân. Con số này của Seychelles và Maldives lần lượt là 49 và 104.
Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia có dân số đông nhất thế giới, đã tiêm được lần lượt 6,3 và 10,1 liều trên mỗi 100 dân. Cả hai nước này đều đã phát triển được vaccine Covid-19 riêng và phê duyệt sử dụng cho trường hợp khẩn cấp trong nước.
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng khi giúp Seychelles khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine. Nước này cũng cung cấp vaccine Covid-19 cho Indonesia.
Trong khi đó, Singapore cũng như Malaysia sử dụng hoàn toàn vaccine Covid-19 do hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và hãng công nghệ sinh học BioNTech phát triển.
Còn Ấn Độ, dù chưa xuất khẩu vaccine nội địa Covaxin, cũng đã giúp các nước láng giềng và đồng minh với việc cung cấp vaccine của hãng dược Anh AstraZeneca được sản xuất tại nước này. Nhờ vậy, chiến dịch tiêm chủng tại Bangladesh và Sri Lanka diễn ra nhanh chóng và hiệu quả phủ sóng cao.
Tuy nhiên, một số quốc gia châu Á khởi động chiến dịch chậm và đến nay tỷ lệ tiêm chủng khá thấp. Điển hình là Thái Lan, Philippines và Nhật Bản. Cả ba nước đều mới chỉ bắt đầu triển khai tiêm chủng cho người dân từ cuối tháng 2 và đến nay tiến độ diễn ra khá chậm chạp với chưa đầy 1 liều trên mỗi 100 dân.
Cũng bắt đầu muộn, Mongolia và Hàn Quốc có tình hình khả quan hơn. Theo dữ liệu của Our World in Data, Mongolia đã tiêm được hơn 9 liều trên mỗi 100 dân kể từ khởi động chiến dịch từ ngày 22/2 với vaccine AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ. Còn tỷ lệ này của Hàn Quốc là 2/100 kể từ khi bắt đầu tiêm chủng vào ngày 25/2. Hàn Quốc hiện sử dụng vaccine của AstraZeneca và Pfizer. Dữ liệu cho thấy tới ngày 8/4, tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam là 0,06 liều trên 100 dân với vaccine của hãng AstraZeneca.
Trái ngược với sự chậm chạp các nước châu Á, Mỹ và Anh là hai trong số những quốc gia có tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh nhất thế giới. Cả hai nước này đều đã phê duyệt nhiều loại vaccine khác nhau, trong đó có Pfizer, AstraZeneca, Johnson & Johnson.
Trên thế giới, hiện chỉ có Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Serbia, Hungary và Mexico đã cấp phép toàn diện cho hơn 3 loại vaccine. Đây cũng là quốc gia đã cấp phép cả vaccine của Nga và Trung Quốc.
Đến nay, UAE là một trong những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng thành công nhất thế giới với hơn 86 liều trên mỗi 100 dân tính tới ngày 4/4. Tỷ lệ này của Bahrain, Serbia và Hungary lần lượt là 48, 38 và 34, vượt xa các quốc gia châu Âu khác.
Tính theo tỷ lệ tiêm chủng trên dân số, Israel hiện dẫn đầu thế giới với tỷ lệ 61,18% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, theo sau là Anh với 46,85%. Chile đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao thứ ba thế giới (37,37%). Tỷ lệ này của Việt Nam là 0,06%, Thái Lan 0,58%, Indonesia 3,43%, Singapore 19,34%. Our World in Data không có dữ liệu này của Trung Quốc.
JPMorgan: Kinh tế Mỹ sẵn sàng cho giai đoạn 'tăng tốc' hồi phục CEO JPMorgan cho hay những khoản thâm hụt chi tiêu khổng lồ của Mỹ và tiến trình tiêm chủng vaccine COVID-19 gia tăng nhanh chóng, khiến ông phần nào quan ngại về việc "nền kinh tế Mỹ có thể bùng nổ. Nền kinh tế Mỹ sẵn sàng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ. (Nguồn: Reuters) Giám đốc điều hành (CEO) của công ty...