Giá dầu thô tại Mỹ chạm mốc cao nhất trong 7 năm
Trong phiên giao dịch ngày 4/10, giá dầu thô tại Mỹ đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua, giữa lúc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC ) tiến hành cuộc họp trực tuyến về sản lượng.
Tại một trạm bán xăng ở Plano, bang Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng 1,59% và được giao dịch với giá 77,09 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, sau khi chạm mốc 77,26 USD/thùng trước đó.
Cuộc họp của OPEC nhằm quyết định liệu có tăng sản lượng dầu hay không để giúp giảm giá dầu đang có xu hướng gia tăng mỗi ngày.
Chuyên gia Helima Croft thuộc ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets của Canada nhận định OPEC sẽ chịu áp lực ngày càng tăng từ Mỹ về việc tăng sản lượng. Bà cho rằng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và Trung Quốc đang leo thang, khả năng OPEC sẽ xem xét lại quyết định tăng dần sản lượng đưa ra trước đó và thúc đẩy tăng mạnh sản lượng.
Trong khi đó, căn cứ vào tình hình thị trường hiện nay, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent có thể tăng vọt lên mức 90 USD/thùng trong vài tháng tới. Để hạ nhiệt, OPEC có thể lựa chọn phương án tăng sản lượng, nhưng vấn đề đặt ra là các nước có sẵn sàng thực hiện điều này hay không.
Tình hình thị trường dầu mỏ thay đổi không đáng kể từ sau cuộc họp của OPEC vào đầu tháng trước khi nhu cầu tiếp tục tạo gánh nặng lên nguồn cung dầu thô toàn cầu. Giá dầu mỏ đã lần đầu tiên tăng lên mức hơn 80 USD/thùng vào tháng trước sau gần 3 năm. Việc giá dầu tăng một mặt có lợi cho các nhà sản xuất bằng cách tăng khối lượng xuất khẩu và doanh thu, mặt khác lại gây ra những hạn chế trong trung hạn vì giá dầu tăng có nguy cơ kìm hãm sự phục hồi kinh tế vốn mong manh sau đại dịch COVID-19.
Trước đó, trong cuộc họp hồi đầu tháng 9, OPEC đã thống nhất chủ trương sẽ tăng dần sản lượng khai thác dầu thô theo chính sách đang được áp dụng. Tại cuộc họp trước đó hai tháng, các nước này đã nhất trí tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô 400.000 thùng/ngày và mức này được dự kiến giữ nguyên trong thời gian tới. Ngày 31/8, các chuyên gia OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thô của năm 2022 sẽ lên tới 4,2 triệu thùng/ngày, tăng so với con số dự báo trước đó 3,28 triệu thùng/ngày. Điều này được cho là có thể OPEC sẽ tăng sản lượng khai thác dầu trong tương lai.
Tình trạng thiếu xăng tại Mỹ có thể sẽ kéo dài vài ngày
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn dự đoán của các nhà phân tích nước này cho rằng tình trạng thiếu xăng ở bờ Đông nước Mỹ có thể sẽ kéo dài vài ngày hoặc lâu nhất là 2 tuần ở những khu vực bị tác động nặng nề nhất.
Tại một trạm bán xăng ở Plano, bang Texas (Mỹ) ngày 20/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Đáng chú ý là tình trạng này xảy ra chủ yếu do người dân đua nhau đi mua xăng tích trữ, sau khi công ty quản lý hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu Colonial Pipeline bị tấn công bằng mã độc tống tiền và phải dừng hoạt động trong vài ngày.
GasBuddy, một trang web chuyên theo dõi giá xăng, nhận định tình trạng thiếu xăng xảy ra ở các bang như North Carolina, South Carolina, Virginia và Georgia. Trong ngày 15/5, 90% các trạm xăng ở thủ đô Washington DC không còn xăng để phục vụ khách hàng. 65% trạm xăng ở North Carolina, 48% trạm xăng ở South Carolina, 47% trạm xăng ở Georgia và 45% trạm xăng ở Virginia cũng bị cạn kiệt nguồn cung cấp nhiên liệu.
Tình trạng thiếu hụt này, theo đa số các nhà phân tích, là do các tài xế và người dân đua nhau tích trữ vì lo sợ sẽ không có đủ nhiên liệu cho các hoạt động hàng ngày. Tâm lý đó sẽ khó được giải tỏa ngay, ngay cả khi hệ thống đường ống dẫn Colonial Pipeline đã hoạt động trở lại. Theo nhận định của ông Patrick De Haan, Trưởng bộ phận phân tích dầu khí của GasBuddy, ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như bang Carolina và Virginia, thời gian ổn định trở lại phải mất từ 1-2 tuần. Người phát ngôn của Hiệp hội ô tô Mỹ Devin Gladden cũng cho rằng sẽ phải mất tối thiểu vài ngày để mọi việc trở lại bình thường, đồng nghĩa với việc phải sau cuối tuần này hoặc đầu tuần tới.
Trước đó, Nhà Trắng đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại 17 bang và thủ đô Washington. Tổng thống Joe Biden cũng đã kêu gọi người dân không hoảng sợ hoặc tích trữ xăng dầu. Trong khi đó, Bộ An ninh Nội Mỹ cũng nới lỏng quy định vận chuyển hàng hóa giữa các cảng của Mỹ để giảm bớt áp lực trong vấn đề cung cấp nhiên liệu. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ tạm thời dỡ bỏ yêu cầu về môi trường đối với loại xăng được bán ở một số bang.
Hệ thống đường ống Colonial Pipeline, cung cấp 45% nhiên liệu tiêu thụ cho Bờ Đông nước Mỹ, đã bị tấn công mạng vào cuối tuần trước và phải ngừng hoạt động trong vài ngày sau đó. Đây là hệ thống đường ống dài 8.850 km, vận chuyển xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm tinh chế khác từ Vịnh Mexico tới bờ Đông nước Mỹ, phục vụ trên 50 triệu khách hàng và một số sân bay lớn của Mỹ như Hartsfield Jackson ở bang Georgia, sân bay nhộn nhịp hàng đầu thế giới.
Lý do khiến Ấn Độ chưa thể từ bỏ 'cơn khát' năng lượng than đá Ấn Độ, nước thải ra lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch lớn thứ 3 thế giới, hiện vẫn phải dựa nhiều vào than đá. Nhiệt điện cung ứng tới 66% tổng sản lượng điện năng tại Ấn Độ. Ảnh: Getty Images Khi phương Tây hối thúc New Delhi giảm khí thải carbon, điểm mấu chốt chính là sự phụ thuộc của Ấn...