Giá dầu thô giằng co trước các dữ liệu kinh tế mới của Hoa Kỳ và số ca nhiễm Covid-19 mới
Giá dầu thô đã tăng gần 2% sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ có thể bắt đầu phục hồi trở lại nhưng đà tăng vẫn bị chi phối bởi tâm lý lo ngại số ca nhiễm Covid-19 mới đang tăng cao.
Một giàn khoan dầu thô tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ (Ảnh: midlandtrust.com)
Phiên giao dịch hôm qua (25/6) đã chứng kiến sự biến động mạnh của giá dầu thô. Chốt phiên giao dịch ngày 25/6, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 74 cents tương ứng 1,8% lên 41,05 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 71 cents tương ứng 1,9% lên 38,72 USD/thùng. Trước đó, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã suy giảm mạnh, lần lượt, ở mức 5,4% và 5,8% trong phiên giao dịch ngày 24/6.
Giá dầu thô tăng lên trong ngày 25/6 chủ yếu do các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ có thể bắt đầu phục hồi trở lại. Dữ liệu mới cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm xuống và số đơn đặt hàng cho các loại hàng hoá chủ lực đã tăng trở lại trong tháng 5/2020. Tuy nhiên, sự sụt giảm của số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ vẫn thấp hơn mức dự báo của giới chuyên gia và một số dữ liệu khác cho thấy tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong quý 2/2020 có thể suy giảm mạnh đến 40%.
Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy lưu lượng giao thông tại một số thành phố chính trên thế giới trong tháng 6/2020 đã quay trở lại ngang bằng mức trong năm 2019, điều này có thể cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu và dầu thô đang dần phục hồi trở lại.
Video đang HOT
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô vẫn bị kìm hãm bởi dữ liệu cho thấy số ca nhiễm mới Covid-19 đang tiếp tục gia tăng mạnh. Các tiểu bang của Hoa Kỳ như Oklahoma, Texas và Floria cùng với Australia đã ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 tính theo ngày chạm mức cao kỷ lục trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng lo ngại triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ ở mức yếu sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) cho biết nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn những gì được dự báo trước đây.
Việc liên minh OPEC bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh tiến hành cắt giảm mạnh sản lượng khai thác đã phần nào giúp ổn định thị trường dầu mỏ. Trong tháng 4/2020, giá dầu thô Brent đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 21 năm trở lại đây, đạt 16 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô WTI lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng.
Giới đầu tư hiện đang quan sát các động thái của OPEC để đánh giá khả năng OPEC kéo dài cắt giảm sản lượng khai thác thay vì chấm dứt trong tháng 7/2020.
Giá dầu thô tiếp tục tăng, triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu được cải thiện
Giá dầu thô đã tăng hơn 3% trong phiên giao dịch ngày 16/6 nhờ số liệu tích cực về nền kinh tế Hoa Kỳ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng mức dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2020.
Hoạt động khai thác dầu thô tại Biển Bắc, Châu Âu (Ảnh: upstreamonline.com)
Chốt phiên giao dịch ngày 16/6, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 1,24 USD tương ứng 3,1% lên 40,96 USD/thùng; trong khi đó, g iá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 1,26 USD tương ứng 3,4% lên 38,38 USD/thùng.
Phiên giao dịch ngày 16/6 đã ghi nhận sự biến động mạnh của giá dầu thô trong bối cảnh thị trường chứng khoán Hoa Kỳ bật tăng mạnh và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng mức dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm 2020 nhưng nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai ngày càng tăng cao.
Ông Bjornar Tonhaugen, Trưởng ban thị trường dầu mỏ của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, nhận định "Trong hai tuần cuối của tháng 6/2020, giá dầu thô sẽ chịu tác động của 2 biên số lớn gồm diễn biến nguồn cung dầu ra thị trường và tâm lý lo sợ sự bùng phát dịch bệnh lần 2".
Trong đầu phiên giao dịch ngày 16/6, giá dầu thô đã tăng cao khi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ mở cửa bật tăng trở lại nhờ dữ liệu doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ trong tháng 5/2020 đạt mức cao kỷ lục, khiến các thị trường tài chính kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bật tăng mạnh trở lại sau khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng. Đà tăng của giá dầu thô cũng như của thị trường chứng khoán còn được hỗ trợ bởi dữ liệu cho thấy một loại thuốc chống viêm có tác dụng làm giảm tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 gây ra.
IEA cũng đã nâng dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong năm 2020 sẽ đạt trung bình 91,7 triệu thùng/ngày, tăng 500.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng 5/2020. Triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô được cải thiện chủ yếu nhờ dữ liệu cho thấy mức tiêu thụ dầu thô trong thời gian các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao hơn so với các ước tính ban đầu.
Tuy nhiên IEA cũng nhấn mạnh nhu cầu sử dụng dầu thô cho các hoạt động di chuyển bằng đường hàng không vẫn đang giảm xuống và nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ chỉ phục hồi về mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2022.
Đà tăng của giá dầu thô đã chịu áp lực giảm xuống sau khi Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho biết lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã tăng thêm 3,9 triệu thùng trong tuần trước. Con số này trái ngược với mức dự báo giảm 152.000 thùng của các chuyên gia được đưa ra trước đó. Dữ liệu chính thức sẽ được Chính phủ Hoa Kỳ công bố trong ngày Thứ Tư.
Giá dầu thô cũng bị kìm hãm khi tâm lý thị trường lo ngại nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai đang ngày càng lớn hơn khi số ca nhiễm gia tăng mạnh tại khu vực Châu Mỹ Latinh, Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đang đối mặt với các làn sóng nhiễm dịch mới. Trung Quốc đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt đối với người rời khỏi Bắc Kinh (Trung Quốc) trong nỗ lực kiểm soát ổ dịch mới bùng phát tại đây sau gần 2 tháng không ghi nhận ca nhiễm mới.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell đã cảnh báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi nào người dân nước này chắc chắn rằng đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Tính đến tuần này, trên toàn cầu đã ghi nhận hơn 8 triệu ca nhiễm Covid-19.
Giá dầu thô bất ngờ lao dốc trở lại, lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô tiếp tục ở mức yếu Giá dầu thô đã bất ngờ sụt giảm mạnh 8% do thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tiếp tục ở mức yếu khi số ca nhiễm mới Covid-19 đang tăng cao trên toàn cầu và tình trạng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ ở mức cao. Một giàn khoan dầu hoạt động tại khu vực Vinh Mexico,...