Giá dầu thế giới giảm sâu, ‘ông lớn’ xăng dầu lên tiếng
Khi giá dầu giảm 1 USD/thùng, thì doanh thu của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ giảm khoảng 2.200 tỉ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng, PVN sẽ giảm doanh thu khoảng 55.000 tỉ đồng/năm.
Ảnh hưởng đến doanh thu và nộp ngân sách
Trả lời câu hỏi giá dầu thế giới xuống thấp kỷ lục sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh thu và hiệu quả hoạt động sản xuất của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên trong giai đoạn hiện nay và trong cả năm 2020, đại diện PVN cho biết, công thức giá bán dầu Việt Nam dựa trên trung bình giá tháng giao dầu của dầu Dated Brent, do Platts định giá. Vì vậy, doanh thu của PVN cũng ảnh hưởng bởi dao động của giá dầu Brent do tâm lý chung của thị trường khi giá dầu WTI giảm sâu kỷ lục.
Theo định giá của Platts, giá dầu Dated Brent ngày 20/4 là 19,1 USD/thùng, giảm 1 USD/thùng so với giá ngày 17/4. Trung bình từ đầu tháng 4, giá dầu Dated Brent ước đạt khoảng 20,5 USD/thùng.
Giá dầu thế giới giảm sẽ tác động đến giá dầu trong nước. Ảnh: TTXVN.
Việc giảm giá dầu trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của PVN và các đơn vị thành viên trong cả 5 lĩnh vực kinh doanh chính của PVN ở mức độ khác nhau.
Đối với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).
Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các nhà máy lọc dầu bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp (có lúc giá xăng thấp hơn giá dầu), nguy cơ dừng hoạt động do tồn kho cao.
Video đang HOT
Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
“Giá dầu thô kế hoạch được Quốc hội thông qua cho năm 2020 là 60 USD/thùng. Với diễn biến giá dầu như hiện nay thì nộp ngân sách toàn Tập đoàn giảm khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng)”, đại diện PVN cho biết.
Còn ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, theo quy định của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam luôn phải có 1 lượng hàng tối thiểu đảm bảo tồn kho, phục vụ nhu cầu thị trường.
“Trong xu hướng giá giảm liên tục và sâu như hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng do hàng tồn kho đã mua ở mức giá cao trước đó. Mức giá thấp hay giảm hôm nay có tác động trực tiếp đến các lô hà-ng có ngày tính giá rơi vào thời điểm hiện nay”, ông Dũng cho biết.
Kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp
Đại diện PVN cho biết, với tình hình hiện nay, PVN đưa ra giải pháp cắt giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh tối thiểu 15%, giảm lương 10 – 20%; tiết giảm chi phí lãi vay; huy động vốn vay; tăng cường quản lý thu hồi công nợ; cơ cấu lại các khoản nợ; đàm phán điều chỉnh lãi vay…
PVN đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước cho phép PVN và các đơn vị thành viên được sử dụng khoản tiền gửi của PVN và các đơn vị thành viên tại Ocean Bank; hoặc cho phép được sử dụng khoản tiền này để thanh toán các nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
Đồng thời thực hiện giải pháp hỗ trợ ngày tài chính bằng các khoản vay giá rẻ về vốn lưu động cho PVN và các đơn vị thành viên của PVN. Giãn khoản nợ vay tại các dự án/doanh nghiệp khó khăn của ngành.
PVN cũng đề xuất điều tiết thị trường bán lẻ xăng dầu, xem xét cân đối cung cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu ở mức hợp lý để duy trì hoạt động cho chuỗi sản xuất kinh doanh từ khai thác đến chế biến, cung ứng sản phẩm để cứu nền kinh tế chung của đất nước, duy trì công ăn việc làm của người lao động.
Cùng đó, đưa sản phẩm phân bón vào diện sản phẩm phải chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%; đưa sản phẩm xăng dầu được chế biến từ tài nguyên dầu thô khi xuất khẩu được vào chịu thuế VAT. Xem xét bỏ quy định về thuế suất thuế xuất khẩu đối với sản phẩm phân bón.
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, trong bối cảnh vừa chịu tác động của giá dầu giảm và nhu cầu xăng dầu bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19…; Petrolimex phải bám sát diễn biễn của dịch bệnh và giải pháp của chính quyền địa phương các cấp (thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) để điều hành chính sách bán hàng phù hợp (cung cấp đầy đủ kịp thời nhu cầu xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng của người dân) và duy trì mức tồn kho hợp lý, phù hợp với quy định nhằm giảm thiểu rủi ro khi giá dầu giảm sâu.
Tập đoàn cũng xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch COVID-19, có phương án đảm bảo nguồn cung đầy đủ, kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế và người dân trong mọi tình huống. Nhất là thời điểm sau khi hết dịch để hoạt động kinh trở lại bình thường như giai đoạn trước dịch, ưu tiên mua các sản phẩm trong nước. Thực hiện đồng loạt các giải pháp nhằm thu hút thêm lượng khách hàng nhằm gia tăng sản lượng tại hệ thống bán lẻ.
Việt Nam có nên mua dự trữ khi giá dầu âm?
Lần đầu trong lịch sử giá dầu thô giảm dưới mức 0 USD/thùng. Nhiều quan điểm cho rằng, đây là thời điểm lý tưởng để Việt Nam mua dự trữ dầu thô.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi đã ký văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị khẩn trương nhập khẩu xăng dầu dự trữ.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu thực hiện các giải pháp, tận dụng tối đa dung tích các kho, bể chứa xăng dầu hiện có để tăng cường nhập khẩu xăng dầu (dầu thô và các sản phẩm xăng dầu).
Nhận định rằng giá dầu thô giảm “sốc” như hiện nay sẽ là cơ hội “có một không hai” để Việt Nam nhập khẩu xăng dầu, ông Ngãi phân tích: Việt Nam hiện là quốc gia nhập khẩu tinh về sản phẩm xăng dầu. Việc giá dầu giảm thấp là thách thức, nhưng là cơ hội nếu biết tận dụng để tích trữ khi giá dầu sẽ tăng trở lại sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, sản xuất được khôi phục, đời sống nhân dân trở lại bình thường, nhu cầu xăng dầu sẽ tăng cao.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng nhấn mạnh, hiện nay các kho chứa của Việt Nam còn dư nhiều nên việc tăng cường nhập khẩu là khả thi; cần huy động toàn bộ các doanh nghiệp kể cả quân đội, doanh nghiệp tư nhân nếu có các bồn chứa đủ tiêu chuẩn phòng chống chữa cháy đảm bảo chứa xăng dầu theo tiêu chuẩn quy định…
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất vay vốn, cung cấp đủ ngoại tệ… cho các doanh nghiệp, các đơn vị được phép nhập khẩu xăng dầu trong giai đoạn này.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, việc xem xét phương án mua dự trữ dầu thô nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu giảm sâu làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại là một phương án hợp lý. Trong tình hình càng sản xuất thì càng thua lỗ, phải hạn chế sản xuất. Khi giá thế giới thấp nên mua để có thể dự trữ và sau này sẽ có thể chế biến sau. Nhà nước nên ủng hộ, nên cấp tín dụng và cho phép PVN thực hiện phương án đó.
Theo đại diện PVN, trong tình hình giá dầu thấp như hiện nay, việc mua dầu thô để tích trữ là hướng đi đúng đắn và hợp lý mang lại nhiều cơ hội cho đất nước. Tuy nhiên thực tế có một số khó khăn như chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này (khi mua bắt đáy dẫn đến thua lỗ); Hạ tầng lưu chứa còn hạn chế, không có kho dự trữ quốc gia, hiện nay chỉ có 2 kho chứa dầu thô của 2 nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn) phục vụ cho sản xuất của Nhà máy là chính. Việc thuê tàu trữ dầu không khả thi vào thời điểm này do tiềm lực tài chính còn khó khăn đặc biệt trong giai đoạn này.
Thu Trang
Giá dầu tiếp tục rơi tự do, các kho chứa chật cứng
Chỉ một ngày sau khi giá dầu WTI (Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống dưới 0 USD/thùng, giá dầu giao tháng 6 cũng lao dốc 43%.
Theo Bloomberg, hiện giá dầu WTI giao tháng 6 đang dao động ở mức dưới 12 USD/thùng trên sàn giao dịch Phố Wall tại New York. Một ngày trước, các hợp đồng WTI giao tháng 6 vẫn được giao dịch ở mức 22 USD/thùng. Dầu Brent (Anh) giao tháng 6 cũng bay hơi 24% xuống 19,33 USD/thùng.
Giới chuyên gia nhận định cú sụp đổ của giá dầu đã cướp đi hàng chục nghìn công ăn việc làm trong ngành dầu khí và làm đóng băng hàng tỷ USD tiền đầu tư. Giá dầu lao dốc đe dọa các nền kinh tế toàn cầu vốn đã lao đao vì dịch virus corona chủng mới.
Các kho chứa dầu trên thế giới hiện đang chật chội và sắp hết sạch chỗ chứa dầu. Báo cáo của Viện Dầu Mỹ cho biết trữ lượng dầu thô Mỹ tăng tới 13,2 triệu thùng trong tuần trước. Kho chứa tại Cushing, Oklahoma có thêm 4,91 thùng. Tính đến hôm 20/4, Cushing chỉ còn chỗ chứa 21 triệu thùng.
Giá dầu tại Mỹ có thể giảm xuống 1,5 USD/gallon trong tuần tới. Ảnh: Forbes.
"Thị trường dầu thô giờ đang rất nguy hiểm", Bloomberg dẫn lời chuyên gia Pierre Andurand thuộc Andurand Capital Management LLP nhận định. "Thị trường cần sản lượng dầu giảm ngay lập tức để giá gượng dậy", ông nhấn mạnh.
Hôm 21/4, bộ trưởng dầu khí các nước OPEC mở cuộc họp khẩn để thảo luận vấn đề giá dầu sụp đổ. Tuy nhiên, OPEC chưa đưa ra được bất kỳ biện pháp mới nào.
"Nhìn vào tình hình cung - cầu, có thể thấy khi các hợp đồng dầu đáo hạn, không gian kho chứa tại Cushing và những nơi khác sẽ càng trở nên hạn chế. Giá dầu sẽ còn tiếp tục lao dốc vì vấn đề này", nhà phân tích Martijn Rats của Morgan Stanley nhận định.
Hương Giang
Giá dầu thô thế giới xuống mức âm: Kiến nghị nhập để dự trữ Ngày 21/4, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi cho hay, hiệp hội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị khẩn trương nhập khẩu xăng, dầu dự trữ. Các doanh nghiệp kinh doanh cũng đang tính toán dồn lực mua xăng dầu...